Vừa qua, thực hiện kế hoạch tổ chức tham quan, học tập tại các khu di tích lịch sử, cán bộ, đoàn viên Công đoàn, hội viên Phụ nữ Văn phòng - Chính trị đã về dâng hương tại Khu Di tích Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An); Khu Di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc (xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) và Khu Di tích lịch sử Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Thượng tá Trần Thanh Đông, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn.

hanh trinh ve nguon 1
Đoàn dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Khu mộ của bà Hoàng Thị Loan.

Về với quê hương của Bác

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình của Đoàn chúng tôi là Khu mộ của bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901) - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mộ bà Hoàng Thị Loan nằm trên núi Động Tranh, thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Ngày về thăm và dâng hương tưởng nhớ thân mẫu Bác Hồ, trời tỏa nắng nhẹ, quyện với hương trầm thoang thoảng đưa chúng tôi về những câu chuyện của ký ức một thời. Chúng tôi đã được nghe những câu chuyện xúc động về người mẹ hiền hậu, tần tảo đã sinh ra và nuôi lớn người anh hùng vĩ đại của dân tộc.

Sau khi chồng bà là ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế đi thi, bà đã cùng chồng gồng gánh đi bộ với hai con trai vào kinh đô giúp ông học tập, nén lòng gửi con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh ở lại Nghệ An để giúp chăm sóc ông bà ngoại Hoàng Xuân Đường. Ở Huế, bà đã lao động dệt vải vất vả, vắt kiệt sức nuôi sống cả nhà. Sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận, do sự vất vả khó nhọc trước đó, bà Hoàng Thị Loan sinh bệnh rồi qua đời vào năm 1901 trong khi chồng và người con Nguyễn Sinh Khiêm đang ở Thanh Hóa. Khi ấy, Nguyễn Tất Thành mới 11 tuổi đã đứng ra làm chủ tang, cùng bà con chôn cất mẹ.

Từ chân núi Động Tranh đi theo lối lên là phần mộ bà Hoàng Thị Loan nằm ở bên trái, cùng phía này còn có mộ bà Hà Thị Hy, bà nội của Bác Hồ cũng mới được tu bổ. Phần mộ bà Hoàng Thị Loan có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 là tuổi đời của bà.

Ngoài ra, phần mộ bà Hoàng Thị Loan được giữ nguyên theo hình mẫu ban đầu, được ốp bên ngoài bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch liền khối. Phần trên mộ được xây dựng theo hình khung cửi cách điệu, gợi nhớ cuộc đời vất vả để nuôi chồng, nuôi con. Phía sau phần mộ là bức phù điêu bằng đá trắng khắc họa hình những cánh sen thanh cao, tinh khiết của quê nhà và cũng là biểu tượng về cuộc đời, nhân cách của bà.

hanh trinh ve nguon 3
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Làng Sen.

Rời Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, Đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình của mình về thăm Làng Sen - quê nội của Bác Hồ. Khung cảnh êm đềm, trong trẻo khiến bất cứ ai cũng đều thấy nao lòng. Về với Làng Sen, chúng tôi được thăm ngôi nhà - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống trong thời niên thiếu với cảnh trí gần như còn nguyên vẹn. Đó là ngôi nhà 5 gian nhỏ bằng tre, gỗ được lợp mái tranh mộc mạc nép mình dưới màu xanh của vườn cây và bóng tre. Theo lời kể của hướng dẫn viên, ngôi nhà được dựng vào năm 1901, khi cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác, thi đỗ Phó Bảng, đem lại vinh dự cho cả làng. Trong nhà vẫn lưu giữ những đồ dùng giản dị như tấm phản gỗ, chiếc chõng tre, chum sành đựng nước và chạn bát bằng tre… Trước nhà có hai sân nhỏ và một thửa vườn được vây quanh bằng hàng rào râm bụt tươi tốt.

Tiếp tục với hành trình về thăm quê Bác, Đoàn đến thăm làng Hoàng Trù - quê ngoại Bác Hồ. Một cảm giác thân thuộc vô cùng được mở ra trước mắt chúng tôi. Đó là cánh cổng tre rộng mở với lối đi giữa hai bờ dậu dẫn chúng tôi vào Cụm Di tích Hoàng Trù.

Cụm Di tích Hoàng Trù rộng khoảng 3.500 m2, bao gồm: Ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân; ngôi nhà cụ Hoàng Đường (ông ngoại Bác Hồ); ngôi nhà 3 gian nhỏ, lợp mái tranh là nhà của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan - cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới lúc lên 5 tuổi. Tại đây, Đoàn đã được lắng nghe những câu chuyện xúc động về tuổi thơ của Bác Hồ thuở còn sống với cha mẹ. Đó là hình ảnh cậu bé Cung tóc để chỏm say sưa với những làn điệu dân ca của mẹ, giọng đọc thơ của cha và hình ảnh khóc tìm mẹ, tìm em. Lắng nghe những câu chuyện về tuổi thơ của Bác, ai trong chúng tôi cũng đều lặng người, ngấn lệ.

Ngoài được nghe những câu chuyện cảm động về tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã được chứng kiến tận mắt những hiện vật ẩn chứa những ký ức một thuở sinh thời của Bác. Còn đó chiếc khung cửi nằm ở gian thứ ba của ngôi nhà. Bên chiếc khung cửi đấy, bà Hoàng Thị Loan thường vừa dệt vải, dệt lụa, vừa hát ru con. Hay còn là chiếc võng gai đơn sơ, ghi dấu ấn cả tuổi ấu thơ của Bác khi nằm nghe tiếng ầu ơi của mẹ và những câu chuyện cổ tích của bà ngoại… Bằng những làn điệu dân ca bay bổng, chàng trai Nguyễn Sinh Cung khi đó đã dần xây đắp nên những ước mơ cao đẹp.

Tri ân “những đóa hoa bất tử”

Chia tay quê Bác, với tấm lòng tri ân và biết ơn sâu sắc những người anh hùng của mảnh đất miền Trung, Đoàn chúng tôi đến thăm và dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc - nơi đất thiêng gắn với huyền thoại của 10 đóa hoa bất tử rực rỡ anh hùng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc từng là “tọa độ chết”, mỗi mét vuông nơi đây đều phải gánh tới 3 quả bom tấn - nơi đây đã chứng kiến 10 nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập dân tộc. Trở lại Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, mỗi chúng tôi như được “sống” trong thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.

Theo lời kể của hướng dẫn viên, vị trí ngã ba Đồng Lộc là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 (thuộc Hà Tĩnh). Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, mọi con đường chi viện từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây. Nằm ở vị trí hiểm yếu, ngã ba Đồng Lộc liên tục bị không quân Mỹ cho máy bay ném bom đánh phá nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về miền Nam. Tại đây, trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 (do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng) thuộc Đại đội 552 được lệnh san lấp hố bom ở khu vực địch vừa ném bom để thông đường cho xe đi qua. Nhận nhiệm vụ, các chị đã đến hiện trường gấp rút san lấp, mở đường. Đến 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom đã rơi trúng 10 cô gái. Cả trận địa lặng đi, rồi vỡ òa bởi tiếng khóc. Các cô gái đã hy sinh ở lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời… Và còn rất nhiều những tấm gương liệt sĩ anh hùng trong số hơn 4.000 người con đất Việt đã nằm lại nơi mảnh đất “máu và hoa” này.

Giờ đây, tại Ngã ba Đồng Lộc, gió đại ngàn vẫn thổi, những cánh đồng thơm lúa vẫn đưa hương, tiếng chuông vẫn vang vọng đâu đây cả một góc trời như gọi về quá khứ… 10 nữ thanh niên xung phong vẫn ở đây và cùng sống với đất trời như lời thơ vang vọng dậy núi sông:

Cúc ơi !

Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang

Cúc ơi , em ở đâu không về tập hợp

Chín bạn đã quây quần đủ hết

Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng Xuân, Xanh

A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh

Chín bỏ làm mười răng được

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc

Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng

Cúc ơi , em ở đâu ?

Dừng chân nơi “cõi thiêng lay động lòng người”

Tiếp tục chuyến hành trình tri ân những anh hùng, liệt sĩ, Đoàn chúng tôi tới thăm và dâng hương tại Khu Di tích Truông Bồn. Nơi đây được ví như “cõi thiêng lay động lòng người” với một thời kỳ oai hùng của lịch sử dân tộc cùng với những câu chuyện xúc động về sự hi sinh của những liệt sĩ, thanh niên xung phong.

hanh trinh ve nguon 2
Đoàn nghe giới thiệu tại Khu Di tích Truông Bồn.

Trước đây, mảnh đất Truông Bồn nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30 chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An - Truông Bồn đã trở thành địa danh huyền thoại trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ 20. Bởi Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “tuyến đường độc đạo”, nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Nơi đây, ghi dấu những chiến công oanh liệt của các lực lượng quân và dân ta, trong đó có 1.500 cán bộ, chiến sĩ của 9 Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An. Đặc biệt là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sỹ “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử” thuộc Đại đội TNXP 317 vào ngày 31/10/1968 trong khi đang làm nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông. Các chị, các anh đã hiến trọn tuổi xuân của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập - tự do, thống nhất Tổ quốc. Cuộc đời và sự nghiệp của các chị, các anh mãi mãi là tấm gương sáng để các thế hệ chúng tôi hôm nay học tập, noi theo.

Trên chuyến hành trình về cội, mỗi mảnh đất lịch sử đi qua sẽ để lại trong mỗi người những cảm xúc đặc biệt. Đó là cảm xúc rưng rưng trước những câu chuyện lịch sử về sự hi sinh của thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Đó là sự biết ơn và tình yêu vô bờ bến với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đó còn là lòng tự hào được thổi lên trong mỗi cán bộ, hội viên... Để rồi mỗi cán bộ, hội viên nguyện hứa sẽ tiếp tục ra sức học tập, cống hiến trong công việc để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng trong giai đoạn mới./.

Phương Ngân, Ngọc Hà

Bài viết khác: