Chiều ngày 13/01/2025, tại Phòng họp Hoa Sen, Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội họp phiên toàn thể để thẩm tra dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu chỉ đạo phiên họp. Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì phiên họp.
Đại biểu tham dự phiên họp thẩm tra có các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan và UBND Thành phố Hà Nội.
Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp.
Về phía Bộ Quốc phòng - cơ quan soạn thảo Pháp lệnh - có Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng. Về phía Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có Thiếu tướng Phạm Hải Trung, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tá Phạm Văn Hiếu, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh cùng dự Hội nghị. Cùng dự Hội nghị còn có thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Pháp lệnh, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan.
Cần thiết xây dựng, ban hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Trung tướng Lê Tấn Tới đánh giá: Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa đặc biệt quan trọng, gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh có ý nghĩa chính trị - pháp lý rất quan trọng, vừa tạo hành lang pháp lý để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc và những di sản Người để lại, tạo điều kiện để nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đến viếng và tham quan Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng Phạm Hải Trung báo cáo tại Phiên họp.
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Thiếu tướng Phạm Hải Trung trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Pháp lệnh. Đồng chí nhấn mạnh: Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu Di tích Lăng là biểu tượng cho những di sản vô giá về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; cần được tiếp tục bảo vệ, giữ gìn và phát huy ý nghĩa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong suốt những năm qua, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng luôn quan tâm, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng nói chung, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng.
Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành mới chỉ tập trung vào nhiệm vụ quản lý, bảo vệ các công trình trong Khu Di tích Lăng, nhất là từ khi công trình Lăng hoàn thành đưa vào sử dụng (năm 1975); chưa có các văn bản quy phạm pháp luật quy định một số vấn đề quan trọng. Với tính chất đặc biệt của nhiệm vụ, cần có văn bản pháp lý ở tầm Pháp lệnh để điều chỉnh toàn diện công tác quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự thảo Pháp lệnh trình thẩm tra gồm 06 Chương, 35 Điều (giảm 01 Chương, 09 Điều so với dự thảo trình Chính phủ), quy định về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng; nguyên tắc, chính sách của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng.
Rà soát kỹ các quy định trong dự thảo Pháp lệnh, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu rõ đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh và cho rằng, Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa đặc biệt, gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hầu hết các công trình trong Khu Di tích thuộc khu vực trọng yếu là đối tượng cảnh vệ theo Luật Cảnh vệ, riêng Công trình Lăng còn được xếp thuộc Nhóm I các công trình quốc phòng, khu quân sự, vì vậy, cần có cơ chế quản lý, bảo vệ đặc thù.
Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh
góp ý tại Phiên họp.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, các nội dung quy định trong dự thảo Pháp lệnh về cơ bản phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính khả thi.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát kỹ các quy định trong dự thảo Pháp lệnh với hệ thống pháp luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; tiếp tục rà soát các điều ước quốc tế có liên quan để bảo đảm tính tương thích. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể các chính sách đặc thù, vượt trội, nhất là các chính sách liên quan đến nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng với báo cáo thẩm tra, tại phiên họp có 09 ý kiến tham gia của các đại biểu về dự thảo Pháp lệnh. Các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh, nhưng cần rà soát kĩ lưỡng để đảm bảo phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung những chính sách đặc thù, vượt trội với tất cả các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng, đặc biệt là đội ngũ nhà khoa học có chuyên môn sâu; đề nghị tham khảo chính sách đối với lực lượng cơ yếu để quy định chế độ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động dân sự làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình- đại diện Cơ quan soạn thảo phát biểu tại Phiên họp.
Hồ sơ Pháp lệnh đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Qua thảo luận, các ý kiến phát biểu đều khẳng định sự cần thiết ban hành Pháp lệnh. Hồ sơ Pháp lệnh đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Về thời gian trình, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh lưu ý nếu lùi thời gian trình dự án Pháp lệnh này vào tháng 3/2025 (thay vì tháng 2/2025) để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng tốt nhất thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung các nội dung còn thiếu hoặc chưa đầy đủ như các dự thảo Nghị định, Thông tư.
Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo.
Quán triệt chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cơ quan soạn thảo chỉ đưa vào Pháp lệnh những nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ cần giao cho Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện.
Nhấn mạnh, Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị, giá trị văn hóa, lịch sử không chỉ ở quá khứ mà cả ở hiện tại và tương lai, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát các nội dung, hoàn chỉnh Báo cáo thẩm tra dự án Pháp lệnh để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đánh giá cao các ý kiến đã tập trung đi sâu làm rõ những nội dung trọng tâm của dự án Pháp lệnh; đề nghị Thường trực Ủy ban tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Báo cáo thẩm tra; Ban soạn thảo chuẩn bị dự kiến nội dung báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới.
Trên cơ sở các ý kiến thẩm tra, Bộ Quốc phòng sẽ nghiên cứu tiếp thu, giải trình, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật./.
Lương Lê Minh