Bác Hồ là người rất yêu thiên nhiên, luôn muốn sống hòa mình vào thiên nhiên. Là tặng vật của tạo hoá ban tặng cho con người, hoa đã đi sâu vào tâm hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ một phần rất quan trọng trong tình yêu thiên nhiên của Bác. Tình yêu hoa của Bác rất đặc biệt. Những loài hoa mà Bác yêu thích có loài tượng trưng cho sự kiêu sa, cũng có cả những loài hoa rất đỗi mộc mạc, dân dã. Tình yêu hoa đã thể hiện phần nào nhân cách và vẻ đẹp bình dị mà cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

hoa vuon Lang c 

Những bông hoa khoe sắc bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trọn cuộc đời, Người đã hy sinh cho hạnh phúc của toàn dân tộc. Người là hiện thân của những phẩm chất tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam, giá trị của toàn nhân loại. Bác từng tâm sự: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Riêng phần mình, Người chỉ có mong muốn nhỏ bé, đơn giản là “làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi.” Một mong muốn hết sức bình dị, tự nhiên, đời thường, nhưng đã tạo nên một nét văn hoá Hồ Chí Minh.

Dù đang gánh trên vai trọng trách cao cả, nặng nề, công việc vô cùng bận rộn, song Bác vẫn dành những khoảng thời gian ngắn ngủi để trồng hoa, thưởng thức vẻ đẹp của hoa, để hòa mình vào thiên nhiên, thỏa tấm lòng yêu quý, nâng niu trân trọng một nét đẹp thi vị của tạo hóa và để làm cho tâm hồn được thư thái.

Những ngày sống ở Hồng Kông, trong khu nhà của Luật sư Lô-dơ-bai - vị ân nhân đã cứu Bác thoát khỏi nhà tù đế quốc, Người đã dành nhiều thì giờ và sức lực cho việc trồng cây, trồng hoa. Sau một thời gian ngắn được Người chăm sóc, khu vườn quê ngợp cỏ dại đã trở thành một vườn hoa nhiều hương sắc và cây ăn quả. Khi nhớ lại khoảng thời gian ấy, bà Rô-da Lô-dơ-bai vẫn thường nhắc đến hai loài hoa Bác yêu thích là hoa huệ và hoa hồng. Bà kể rằng: “Chúng tôi lưu ý thấy Người rất thích hoa huệ. Nhưng khi tặng hoa cho ai thì Người thường tặng hoa hồng… Hôm chúng tôi tiễn Người đi khỏi Hồng Kông bằng con đường đặc biệt, hiểu ý Người, vợ chồng chúng tôi đã sắm bó hoa huệ để tiễn đưa Người và Người cũng tặng lại chúng tôi một bó hoa hồng”(1). Tới thăm nhà sàn của Bác ngày nay, những người trông coi vẫn nhớ, hàng ngày đặt một bình hoa huệ trong phòng làm việc của Bác.

Những ngày tháng hoạt động cách mạng, dù sinh sống và làm việc ở bất cứ nơi đâu, Bác vẫn giữ thói quen trồng hoa, sở thích chăm sóc, thưởng thức hoa. Mỗi khi tìm chỗ ở, Bác Hồ luôn luôn chọn những nơi có suối trong bên cạnh núi cao, những nơi sơn thủy hữu tình, “Trên có núi/ Dưới có sông/ Có đất ta trồng/ Có bãi ta vui” để được gần gũi, hòa mình vào thiên nhiên. Thiên nhiên vừa che chở, bảo vệ cho Bác, vừa là người bạn tâm tình, tri kỷ của Bác.

Quanh ngôi nhà sàn đơn sơ, giản dị của Bác ở khu Phủ Chủ tịch, mùa nào cũng có hoa: Hoa mộc nở vào mùa Xuân, hương thơm ngát; hoa dạ hương nở cuối mùa Xuân, đầu mùa Hè, hương thơm nồng; hoa lài, hoa khắc bút nở vào đầu mùa Hè, hương thơm dịu; hoa râm bụt, hoa mẫu đơn nở từ mùa Hè sang mùa Thu; hoa giấy nở gần cả bốn mùa. Riêng phong lan trong vườn Bác có nhiều loài hoa rất đẹp: Lan đuôi chồn, lan đuôi cáo, lan tai trâu, lan phi điệp, lan hoàng yến… với nhiều màu sắc trắng, tím, hồng được trồng trong giỏ, trên những tấm gỗ và bám tự nhiên vào thân cây xanh. Năm 1963, nhân sự kiện hai con tàu vũ trụ Phương Đông V và Phương Đông VI do nhà du hành vũ trụ Bưcôpxki Valeri và nữ du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Valentina Têrêscôva điều khiển được phóng thành công vào vũ trụ, theo ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai cây Y lan được trồng làm kỷ niệm ở cạnh bờ ao cá, phía trước lối đi vào nhà sàn và được Người đặt tên là Cây lan vũ trụ. Trong một cuộc gặp gỡ 3 nữ dân quân xuất sắc, Bác dẫn các cô ra vườn, tự tay hái tặng mỗi người một cành hoa phong lan nở rộ và khen: “Hoa trong vườn Bác có đẹp, có thơm, nhưng không bằng thành tích của các cháu”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nho nhỏ đó cũng luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao.

Bac tang hoa 

Bác Hồ tặng hoa phong lan cho 3 nữ dân quân tự vệ Quảng Bình, Vĩnh Linh. Ảnh Internet

Trong một lần sang thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vợ chồng Luật sư Lô-dơ-bai cảm thấy “bâng khuâng khi nhìn thấy chung quanh nhà, ngoài vườn nơi Người ở và làm việc có nhiều loại hoa, nhiều cây trái do tự tay Người trồng và chăm bón. Chúng tôi cũng được thấy rất nhiều loại hoa và cây trong vườn của Chủ tịch hiện nay đều cùng loại những giống và cây mà Người đã từng trồng trong vườn chúng tôi, lúc Người ở tại đó. Bây giờ tôi càng thấm thía vì sao lúc Người lánh nạn trong gia đình chúng tôi Người tự đặt cho mình cái tên: Người yêu hoa(2).

Còn nhớ một buổi chiều cuối năm 1964, khi Bác vừa xong việc liền gọi những người cần vụ lên dặn “Các chú chuẩn bị 2,3 cái đèn pin. Tối nay Bác cháu mình đi xem hoa quỳnh”. Quỳnh - một cây hoa được xem là quý nhất trong các loại hoa nở về đêm. Hoa quỳnh cũng được mệnh danh là loại hoa nữ hoàng của bóng đêm “chỉ nở dành riêng cho người quân tử biết thưởng thức”… Ngắm quỳnh nở hoa được các cụ ngày xưa liệt vào loại thú vui tao nhã bậc nhất trên đời. Hương thơm ngào ngạt, quyến rũ tỏa ra từ những cánh hoa quỳnh màu trắng tinh khôi làm xao xuyến lòng người thưởng thức. Được xem hoa quỳnh cùng Bác là kỷ niệm khó quên trong đời những người cần vụ, bởi họ được hiểu thêm về tình yêu thiên nhiên của Bác, về một nét đẹp tâm hồn mang đậm chất Á Đông ở Bác kính yêu, vẻ đẹp bình dị mà cao quý, để thấy Bác thật gần gũi, giản dị.

Đối với Bác, việc trồng hoa, thưởng thức hoa cũng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Trong những câu chuyện với mọi người bên những cánh hoa xinh tươi, Bác đã để lại nhiều lời dạy ý nghĩa.

Vào mỗi buổi chiều hàng ngày đến giờ nghỉ việc, Bác lại cùng anh em chăm sóc vườn rau, cây cảnh. Bác thường nhắc nhở mọi người: “Người làng thì trồng cây đa, trong nhà trồng cây râm bụt”. Nếp nhà tập tục quê hương là những khởi thủy tạo nên tính cách đầu tiên của con người.”(3).

Trong một lần khác, Bác đưa một cái đĩa con nhờ người cần vụ ra vườn lấy ít hoa ngọc lan và hoa ngâu vào trong phòng cho thơm và dặn kỹ: “Chú nhớ lấy ít thôi! Để còn dành hoa cho người khác nữa.”

Những bông hoa tươi rực rỡ, ngát hương thơm trồng trong khu vườn của Bác vẫn thường được Bác dùng làm quà tặng cho mọi người, đặc biệt là chị em phụ nữ. Ai đã một lần được nghe những câu chuyện về những bông hồng của Bác hẳn không thể nào quên bởi đằng sau những bông hồng ấy là cả trái tim nhân ái bao la của Người, là sự yêu thương, nâng niu, trân trọng Bác dành cho chị em phụ nữ Việt Nam. Chuyện kể rằng, một lần, vào cuối tháng 8-1969, vừa tỉnh dậy sau cơn đau dữ dội, nhìn thấy các nữ y tá của bệnh viện Quân y 108 được điều động đến để phục vụ Bác, Bác chậm rãi nói: “Các cháu còn trẻ, đang tuổi ăn, tuổi ngủ, Bác biết các cháu rất thương Bác, nhưng không nên để các cháu ở đây, vì các cháu gái thường dễ xúc động”. Bác còn bảo chú phục vụ ra vườn hái hoa hồng và nói “Bác đang mệt, chú thay mặt Bác tặng mỗi cháu gái một bông hồng”… Ngày 27-8, lúc tỉnh cơn đau, Bác nói muốn nghe một khúc dân ca. Cô y tá Ngô Thị Oanh đã cố gắng hát bài Chiến sỹ quân y làm theo lời Bác và bài hát dân ca quan họ Người ơi người ở đừng về, nghe hát xong Bác tặng chị một bông hoa hồng đỏ thắm. Đến phút chót của cuộc đời, Bác vẫn không lo gì cho riêng mình, chỉ lo lắng khi mực nước sông Hồng dâng lên, lo cho dân tộc được xem bắn pháo hoa ngày Độc lập, nghĩ đến miền Nam, theo dõi chiến công mới nhất và mong sao cho các cháu gái ngày ngày vẫn có hoa.”(4):

“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người

(“Bác ơi” - Tố Hữu)

Là người có một khoảng thời gian được sống cạnh Bác, bà Rô-da Lô-dơ-bai nhận xét: “Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu hoa. Người cũng có một phong cách chơi hoa lịch thiệp nhất. Tuy vậy không bao giờ Người lấy việc chơi hoa làm xã giao hay phù phiếm mà có lẽ theo tôi Người coi đó là một phần của thế giới tâm hồn Người. Nghĩa là Người luôn luôn hướng con người về thế giới tươi đẹp và Người đã suốt đời tận tụy phấn đấu vì mục đích đó.”(5)

Yêu thiên nhiên là tình cảm vốn có của Bác. Nó không chỉ biểu lộ hàng ngày trong cuộc sống, trong lối sống, mà khi có dịp đã biểu lộ thành thơ. Nhạy cảm và tinh tế, Bác đã để lại cho chúng ta nhiều bài thơ tức cảnh thấm đẫm tình yêu, tri kỷ với thiên nhiên.

“Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng

Hoa tàn hoa nở cũng vô tình

Hương hoa bay thấu vào trong ngục

Kể với tù nhân nỗi bất bình”

(Cảnh chiều hôm)

Bài thơ “Cảnh chiều hôm” viết khi người bị giam trong nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch cho thấy tấm lòng nhân đạo của Hồ Chí Minh đã bao trùm đến cả những vật vô tri vô giác. Một làn hương bơ vơ của cánh hồng tàn tạ “Cảnh chiều hôm” gợi nhiều nỗi bâng khuâng, đồng cảm, xót xa trong lòng người chiến sĩ cách mạng đang bị giam trong tù. Phải là người yêu đời, yêu hoa hơn ai hết, luôn nâng niu, trân trọng vẻ đẹp của các loài hoa thì mới có thể có được sự đồng cảm sâu sắc như thế trong hoàn cảnh vô cùng éo le này.

Trên đường bị áp giải, người chiến sĩ vẫn cảm nhận được vẻ đẹp hấp dẫn riêng từ hương hoa của đồng nội, của rừng núi. Tinh thần lạc quan, yêu đời đã làm cho tâm hồn thơ bay bổng, những vần thơ như nở hoa, giúp xua tan mệt nhọc, đau đớn về thể xác, nâng bước chân người chiến sĩ cách mạng vượt qua gian khổ của cảnh tù đày.

Mặc dù bị trói chân tay

Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng

Vui say, ai cấm ta đừng,

Đường xa, âu cũng bớt phần quạnh hiu.

(Trên đường đi)

Sau này trong những bài thơ ở rừng Việt Bắc. Người có điều kiện nói về các loài hoa hơn, những bông hoa đẹp của rừng núi trong đêm trăng: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” (Cảnh khuya), rồi hoa nở bên bàn làm việc:

“Xem sách chim rừng vào cửa đậu

Phê văn hoa núi ghé nghiên soi”

(Tặng cụ Bùi).

Bài thơ “Không đề”, Bác viết năm 1949, dường như công việc kháng chiến đã sang một giai đoạn mới, Bác có phần yên tâm hơn trước đà thắng lợi của quân dân ta, nên mới có hình ảnh đẹp hết sức dung dị:

“Đường non, khách tới hoa đầy

Rừng sâu, quân đến tung bay chim ngàn

Việc quân, việc nước đã bàn

Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau”

Mừng Chiến thắng Mậu Thân, tháng 4 năm 1968, Bác Hồ viết bài thơ chữ Hán “Mậu Thân xuân tiết”, phác họa nét đẹp rạng rỡ của mùa Xuân đất trời hòa quyện với mùa Xuân trong lòng người:

"Tháng tư hoa nở một vườn đầy,

Tía tía, hồng hồng đua sắc tươi.

Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá,

Hoàng oanh vút tận trời.

Trên trời mây đến rồi đi,

Miền Nam thắng trận báo về tin vui".

Nằm trong kiến trúc Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vườn Lăng là nơi hội tụ của cây hoa, cây cảnh đặc trưng của các vùng, miền trên dải đất hình chữ S thân yêu; của những cây hoa thơm đậm đà tình quê hương mà lúc sinh thời Bác yêu thích như Nhài, Ngâu, Nguyệt quế, Mộc hương và Móng rồng, Râm bụt… Hoa vốn là quà của thiên nhiên ban tặng con người nhưng hoa ở Lăng Bác lại càng thiêng liêng hơn bởi quy tụ về đây tình cảm của nhân dân khắp mọi miền đất nước.

hoa vuon Lang a 

 hoa vuon Lang b

Những bông hoa rực rỡ sắc màu trong vườn Lăng

Đến thăm vườn Lăng, khách tham quan sẽ được đắm mình trong không gian rực rỡ những màu hoa tươi thắm, thoảng trong gió làn hương thơm nhẹ nhàng, êm dịu. Ta như thấy vang đâu đây lời bài hát “Những bông hoa trong vườn Bác” quen thuộc của nhạc sĩ Văn Dung: “Những bông hoa trong vườn Bác/ Tỏa ngát hương mang tình yêu mênh mông của Người/ Mỗi mùa hoa một mùa quê hương/ Mỗi màu hoa một màu yêu thương/ Gợi nhớ về bao nhiêu kỷ niệm… Ngắm bông hoa trong vườn Bác/ Còn thấy đây dáng hình bao thân thương của Người/ Những loài hoa từ miền quê xa/ Đã về đây ngạt ngào hương bay/ Càng nhớ về công ơn của Người”…

Ông cha ta thường nói “Đẹp như hoa”. Những gì đẹp được gọi là hoa và trong tất cả các vẻ đẹp trên thế gian này, chỉ có con người là đẹp nhất, đẹp cả tâm hồn lẫn thể chất, cho nên mới có câu “Người ta là hoa của đất”. Mỗi chúng ta hãy cố gắng phấn đấu sống và làm việc thật tốt, sống có ích cho xã hội, để làm bông hoa đẹp dâng lên Bác Hồ kính yêu./.

Thu Hiền

(1, 5). Sơn Tùng (2007), Hoa râm bụt, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, Tr.259.

(2, 3). Sđd, Tr.258, 83.

(4). Nguyễn Văn Dương (2012), Chuyện kể Bác Hồ với phụ nữ, Nxb. Hồng Bàng, Gia Lai, Tr. 250-251.

Bài viết khác: