Rừng tại Khu Di tích K9 với nhiều nét đặc biệt về cảnh quan thiên nhiên, có hệ động thực vật phong phú đa dạng, có giá trị về khoa học, lịch sử, văn hóa và bảo tồn. Rừng ở đây đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị cảnh quan, giá trị thẩm mỹ tôn tạo cho các giá trị lịch sử - văn hóa ở các Khu Di tích; là nhân chứng sống chứng kiến một giai đoạn lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh; là khu vực bảo vệ hữu hiệu nhất đối với Bác và Bộ Chính trị trong thời gian sống và làm việc tại K9. Rừng K9 còn đóng vai trò không nhỏ đối với phòng hộ ven sông Đà, bảo vệ môi trường vùng ven đô thị thành phố Hà Nội. 

Thấy được tầm quan trọng của Khu vực K9, Ban Quản lý Lăng đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và phối thuộc phối hợp với các cơ quan khoa học điều tra, đánh giá, bảo vệ các di tích và tôn tạo cảnh quan Khu Di tích.

Từ năm 1984, đơn vị đã phối hợp với Viện Điều tra Quy hoạch rừng đánh giá hiện trạng tự nhiên và tiến hành quy hoạch cây xanh cho Khu Di tích. Ngày 18/3/1987, Bộ Lâm nghiệp đã ra Quyết định phân công quản lý khu vực rừng K9 cho đơn vị. Ngày 22/9/1998 đã lập Biên bản xác nhận mốc ranh giới Khu K9 với Phòng Địa chính Ba Vì, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Ba Vì và 3 xã Thuần Mỹ, Ba Trại, Minh Quang.

Năm 2006-2008, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng khoa học công nghệ và môi trường thuộc Ban Quản lý Lăng đã tiến hành đánh giá hiện trạng cây xanh, nghiên cứu động thực vật và đề xuất hướng quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cũng như động thực vật trong khu vực. Cùng với việc xây dựng quy hoạch, hàng năm, Ban Quản lý Lăng đều xây dựng kế hoạch cụ thể chăm sóc, cải tạo, phát triển vùng cảnh quan Khu Di tích. Năm 2011-2012, Ban Quản lý Lăng đã tiến hành xây dựng hàng rào góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, tôn tạo xung quanh ranh giới Khu Di tích.

Tuy vậy, việc đầu tư đối với Khu rừng K9 về công tác bảo vệ và phát triển rừng trong những năm qua còn nhiều hạn chế do kinh phí đầu tư hàng năm thấp, rừng thông già đã nhiều tuổi bị mối xâm hại, thường xuyên bị gãy đổ trong mùa mưa bão; rừng keo, bạch đàn trồng từ những năm 80 của thế kỷ trước đã quá tuổi chưa được thu hoạch và thay thế; rừng còn thưa, tốc độ phát triển chậm; một số loài cây trồng mới sinh trưởng kém do không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; nội dung phát triển rừng cảnh quan chưa được đầu tư thích đáng.

Trước thực trạng Khu rừng K9, thời gian qua Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm, đầu tư để bảo vệ, phát triển hệ thống rừng, cây xanh và động vật rừng trong Khu Di tích nhằm tôn tạo các giá trị lịch sử - văn hóa, bảo tồn các giá trị lịch sử, giữ gìn truyền thống yêu nước, yêu thiên nhiên, đồng thời bảo vệ thiên nhiên và môi trường trong khu vực.

Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 328-TB/TƯ ngày 19/4/2010 và Quyết định số 2341/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”; để có điều kiện duy trì, chăm sóc, tu bổ, bảo vệ và phát triển bền vững các giá trị của rừng trong Khu Di tích K9, xứng tầm với Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo điều kiện phục vụ tốt nhất nhiệm vụ mở rộng đón tiếp đồng bào, khách quốc tế trong thời gian tới. Năm 2012, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án thành lập Khu rừng K9 là Khu rừng bảo vệ cảnh quan đặc biệt nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam trình Chính phủ phê duyệt và ngày 02/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1649/QĐ-TTg thành lập “Khu rừng bảo vệ cảnh quan đặc biệt Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội”.

rungk9-bqllang.gov.vn
Làm việc với Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNN về rừng K9

Quyết định số 1649/QĐ-TTg ngày 02/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở và căn cứ pháp lý để Ban Quản lý Lăng tổ chức triển khai các nội dung nhằm bảo tồn và tôn tạo các giá trị về cảnh quan và môi trường của Khu Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9.

          Theo kế hoạch các nội dung về bảo vệ, phát triển rừng và trang trí cảnh quan sẽ được Ban Quản lý Lăng thực hiện tại Khu K9 bắt đầu từ năm 2014, và kế hoạch này sẽ được thực hiện thường xuyên các kỳ đầu tư theo các quy định hiện hành của Nhà nước về thực hiện đầu tư các công trình lâm sinh.

Như vậy, tới đây Khu rừng K9 sẽ được bảo vệ, phát triển và duy trì tốt hơn, tăng cường tài nguyên rừng và khả năng phòng hộ môi trường; tạo điều kiện thu hút rộng rãi nhân dân, các tổ chức xã hội, khách quốc tế đến tham quan, học tập, nghiên cứu tư tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh và danh lam thắng cảnh trong khu vực; góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Khu rừng K9 sẽ xứng tầm với Khu Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy đầy đủ ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hoá của Khu rừng bảo vệ cảnh quan đặc biệt./.

Nguyễn Mạnh Tuyến

Bài viết khác: