Nhắc đến Trung tá Nguyễn Trọng Nghĩa, thì ai trong Đội Di tích, Đoàn 285, Bộ Tư lệnh Bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng quá quen thuộc bởi họ đều biết anh là người Đội trưởng gương mẫu, được vinh dự đứng bên thi hài Bác trong buổi tổ chức Lễ viếng đầu tiên tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng ngày 29/8/1975.
Anh là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Từ lúc còn nhỏ, anh đã ước ao được trở thành chú bộ đội với ngôi sao sáng trên mũ, sự yêu thương, che chở của dân làng như những câu chuyện của ông bà, cha mẹ thường kể. Thế rồi tuổi thơ anh đã lớn lên trong sự chăm sóc, thương yêu của gia đình và trời phú cho anh với dáng vóc to khỏe, cân đối. Khi nhập ngũ sau khóa huấn luyện chiến sĩ mới anh được cấp trên chọn lựa là một trong số 100 người trong lớp tiêu binh đầu tiên.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Đội trưởng Đội Quản lý Di tích, Đoàn 285
Tôi gặp anh tại Đội Di tích – Đoàn 285 khi anh về thăm lại đơn vị cũ và được anh kể lại những kỷ niệm của mình trong cuộc đời quân ngũ, tôi nhận thấy trong mắt anh ngập tràn cảm xúc.
Nhớ lại quãng đời quân ngũ đặc biệt, cùng với giọng bồi hồi xúc động, anh kể:
- Hồi mình mới vào khóa huấn luyện, sau những buổi tập võ, tập vác súng, đi đều, đi nghiêm thì anh em đều nghĩ rằng tập đứng nghiêm sẽ rất nhàn hạ. Nhưng tập rồi mới biết đó là thử thách đầy gian nan, vất vả. Mỗi tuần, mình cùng đồng đội có hai buổi tập đứng nghiêm. Bắt đầu là 30 phút, 40 phút, rồi 60 phút, sau nâng dần lên đến bốn giờ và kỷ lục đứng nghiêm của khóa là năm giờ cơ đấy.
- Năm giờ? Quả là thử thách đầy gian nan, vậy đứng nghiêm trong khoảng thời gian lâu như thế chắc các anh phải trải qua một quá trình khổ luyện lắm - Tôi hỏi anh với đầy sự ngạc nhiên và vẻ thán phục.
Anh khẽ cười:
- Nói thật với cậu, trong lúc đứng có đồng chí bị “đổ” là chuyện bình thường, thời điểm đứng được hơn một giờ trở đi thi thoảng lại có người rơi súng hoặc đổ... Vì vậy, để có đủ thể lực tôi cùng đồng đội đã trải qua thời kỳ rèn luyện nghiêm khắc và phải rất khoa học nữa. Không những thế, khi có khẩu lệnh "nghiêm" của người chỉ huy được phát ra thì mọi động tác của chúng tôi đều phải đạt chuẩn như đầu ngay, cổ thẳng, miệng ngậm, cằm thu, ngực nở, bụng thót, quân dung tươi tỉnh, mắt hạn chế chớp, và điều khó khăn nữa là trong quá trình đứng nghiêm dù bất cứ lý do gì thì cũng không được cựa quậy, phải đảm bảo nghiêm túc tuyệt đối. Mình còn nhớ, có những buổi tập với cái nắng chang chang, quần áo thì ướt đẫm mồ hôi, ai nấy mặt đều đen nhẻm, trên má in hằn một vệt trắng của quai mũ, cũng có lúc kiến bò lên chân, lên người cắn nhưng vẫn phải cố gắng tập trung cao độ để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa giới thiệu phục vụ khách tham quan Khu Di tích K9
Chắc hẳn cái nắng, cái gió thao trường bãi tập hằng ngày đã rèn rũa, tôi luyện anh cho đến hôm nay, mặc dù mái tóc đã điểm bạc nhưng vóc dáng, đôi tay rắn chắc của anh vẫn toát lên sự mạnh mẽ, một ý chí sắt đá. Tôi hỏi anh:
- Anh là người rất vinh dự khi được đứng bên thi hài Bác trong Lễ viếng đầu tiên cảm giác khi ấy như thế nào hả anh?
Lúc này, tôi thấy anh ngập ngừng một lúc, tháo chiếc kính, để bớt những giây phút xúc động còn in trên khóe mắt, anh kể:
- Kết thúc khóa học, tôi được biên chế về Đội tiêu binh danh dự. Trong ca đầu tiên cùng với ba chiến sĩ tiêu binh khác, tôi được cấp trên lựa chọn làm nhiệm vụ tiêu binh thi hài trong phòng Bác nằm. Ca gác đầu tiên, vào buổi mở cửa đầu tiên khi Lăng vừa khánh thành cho các cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách Quốc tế vào Lăng viếng Bác đối với chúng tôi là cả một thử thách lớn lao về tinh thần. Mặc dù đã được huấn luyện rất kỹ về nghiệp vụ, sức khỏe, tinh thần, nhưng tôi vẫn có cảm giác hồi hộp và lo lắng. Hồi hộp lắm vì chưa bao giờ được gặp Bác, nhìn thấy Bác gần đến thế và cũng rất lo lắng, căng thẳng vì mình có chịu được sự xúc động giữa chốn linh thiêng ấy không…
Lặng đi một lúc, anh kể tiếp:
- Thế rồi thời khắc lịch sử ấy đã đến, khi cửa Lăng được mở ra, từng đoàn người lần lượt vào Lăng viếng Bác. Dẫn đầu là các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tiếp đó là dòng người cứ nối tiếp nhau, trôi theo nhau, đi quanh thi hài Bác. Bỗng đâu đó có tiếng thút thít, bật khóc và khóc nức nở của từng đoàn người đi quanh thi hài của Bác. Từ người già cho đến trẻ nhỏ, tất cả dường như không cầm nổi giọt nước mắt cứ tuôn trôi. Hơn ai hết, tôi biết từng giọt nước mắt rơi bên thi hài của Bác là những tình cảm thiêng liêng và cao quý vô ngần, tất cả đều hướng về phía Bác, những bước chân trở nên nặng trĩu dường như không muốn bước tiếp, tất cả như muốn được ở lại với Bác, muốn được nắm lấy tay Bác, muốn được chăm sóc cho Bác, muốn được Bác kể một câu chuyện, muốn nói Bác kính yêu ơi đừng đi xa… Là người chứng kiến cảnh tượng đó, chân tay tôi bủn rủn, chỉ muốn chạy đến ôm chầm lấy Bác và òa khóc. Nhưng với tình cảm thiêng liêng và cao quý của toàn thể đồng bào dành cho Bác lúc ấy khiến chúng tôi, những người lính tiêu binh càng phải thể hiện lòng kiên trung, sắt son trước nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó và trước thi hài của Người…
Có thể cảm nhận được sự nghẹn ngào trào dâng trong anh lúc này. Và dường như tôi bị cuốn hút bởi câu chuyện đầy cảm động của anh, của những tình cảm thiêng liêng cao quý ấy. Có lẽ đây là một kỷ niệm đặc biệt luôn khắc sâu trong anh, một kỷ niệm như một ngọn lửa ấm soi sáng trong tâm hồn của một người lính và đã cùng anh đi trên con đường cống hiến.
Không chỉ thế, anh còn khoe với tôi rằng gia đình mình cũng có một vinh dự nữa là cả ba cha con anh đều được đứng trong đội ngũ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong ba Lễ diễu, duyệt binh trong Đại lễ kỷ niệm của đất nước. Anh tham gia Lễ duyệt binh năm 1975, con trai lớn của anh cũng là chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Lăng tham gia năm 1995 và con trai út của anh tham gia năm 2005 khi đang là học viên của Học viện Biên phòng. Cả ba cha con anh đều là bộ đội, họ đều có chung vinh dự là được chọn trong đội ngũ tiêu binh, diễu duyệt, và họ luôn cùng chung chí hướng, lòng sắt son kiên trung để luôn hướng về Bác, phục vụ những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó.
Đã hơn 30 năm trôi qua, người chiến sĩ tiêu binh trẻ ngày nào giờ đã rời xa quân ngũ và đã là người chồng, người cha, người ông mẫu mực. Tuy đã rời xa đơn vị nhưng lúc nào anh cũng một lòng sắt son và dành những tình cảm đặc biệt với đơn vị. Mỗi lần về thăm đơn vị có một việc rất quan trong với anh đó là xem lại những kỷ vật của Bác và anh thường căn dặn các chiến sĩ trẻ phải giữ gìn và nâng niu những kỷ vật của Bác, nơi Bác đã từng sống và làm việc. Nơi hằng đêm nghe tiếng sông Đà rì rào vỗ về, nơi được chở che bởi rừng thông xanh ngát… Trong lúc giới thiệu về đơn vị, anh có đọc cho tôi nghe bài thơ thật hay và đầy ý nghĩa do chính anh sáng tác, bài thơ có đoạn:
…Đêm nghe tiếng Sông Đà
Lòng vấn vương nhớ Bác
Rừng thông xanh bát ngát
Tiếng Bác vọng ngân xa…
Chia tay anh, chia tay đơn vị K9 khi rừng thông xanh reo xào xạc, ánh nắng đã nhạt dần tạo một bầu hào quang như muốn ôm trọn cả nhà sàn. Anh lại lặng lẽ dạo quanh Khu Di tích, ngắm nhìn và nâng niu những kỷ vật của Người. Sâu thẳm trong mắt anh, tôi hiểu anh, người lính cận vệ năm nào vẫn giữ nguyên niềm kính trọng, tự hào vì đã có thời gian được canh giấc ngủ cho Người, vẫn luôn khát khao được gần gũi bên Người, được nắm tay và được nghe Người kể chuyện./.
Nguyễn Hoàng Hà