Đã 59 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị Cán bộ ngành Y tế toàn quốc (27/02/1955 – 27/02/2014). Những lời dạy của Người đã trở thành phương châm hành động của rất nhiều thế hệ thầy thuốc, cán bộ y tế của đất nước ta.

thaythuocvn- bqllang.gov.vn

Thầy thuốc phải như mẹ hiền

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển vững mạnh của ngành Y, đến vấn đề xây dựng những thầy thuốc mẫu mực, có đạo đức. Bởi theo Người luôn thấy rõ tầm quan trọng đặc biệt của sức khỏe cũng như vị trí quan trọng của ngành Y tế trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chúng ta còn nhớ những lời Người đã viết từ năm 1946: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”.

Vào tháng 06/1953, trong thư gửi Hội nghị Cán bộ Y tế toàn quốc, Bác nhấn mạnh: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”.

Tháng 3/1948, Bác Hồ gửi thư tới Hội nghị Quân y. Trong bức thư đó, Người đã nêu ra vấn đề đầu tiên là “Lương như phải như từ mẫu”. Người giải thích điều đó có nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền. Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu. Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện khổ sở, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hoá họ.

Một trong những lá thư có giá trị sâu sắc nhất của Bác Hồ đối với ngành Y là lá thư Bác gửi cho Hội nghị Cán bộ ngành Y tế toàn quốc vào 27/02/1955. Vì ý nghĩa quan trọng đó mà sau này Bộ Y tế đã chọn ngày 27/02 hàng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Sau đây, xin trích nguyên văn nội dung lá thư của Bác gửi ngày 27/02/1955:

“ THƯ GỬI HỘI NGHỊ CÁN BỘ Y TẾ

Bác thân ái chúc các cô (nghe nói có nữ bác sĩ ở Nam về?), các chú vui vẻ, mạnh khỏe, hăng hái trao đổi kinh nghiệm, bàn định kế hoạch cho thiết thực và làm việc cho tiến bộ.

Bác góp vài ý kiến sau đây để giúp các cô, các chú thảo luận :

- Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.

Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành Y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.

- Thương yêu người bệnh – Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang.

Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.

“Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.

- Xây dựng một nền y học của ta – Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập, tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc : khoa học, dân tộc và đại chúng.

Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”.

Mong các cô, các chú cố gắng thi đua làm tròn nhiệm vụ.

Chào thân ái và thành công

Tháng 2 năm 1955

HỒ CHÍ MINH ”

Mỗi thầy thuốc đều có vai trò vô cùng quan trọng. Họ chính là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh của cả dân tộc. Hiểu tính chất cũng như những khó khăn trong công việc của họ nên Bác Hồ luôn rất mực trân trọng những đóng góp, những thành tựu của từng cá nhân nói riêng và của ngành nói chung. Bằng những lời văn nhẹ nhàng, tình cảm nhưng rất sâu lắng, Bác Hồ đã gửi gắm vào đó tình yêu dành cho mỗi bác sỹ và cả sự nhắc nhở sâu sắc về trách nhiệm của họ đối với mỗi bệnh nhân, với xã hội, với sự phát triển của đất nước.

Không chỉ gửi những lá thư, Người còn dành thời gian đến thăm nhiều bệnh viện, các cơ sở y tế, thăm hỏi các thầy thuốc. Các Giáo sư Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, Trần Hữu Tước, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Hưởng, Đặng Văn Ngữ, Đỗ Xuân Hợp và rất nhiều thầy thuốc nổi tiếng khác luôn được Bác Hồ gần gũi và động viên.

Đồng thời, trong số những lời dặn dò, động viên với mỗi thầy thuốc, Người luôn nhấn mạnh đến một điểm, đó là: Những người thầy thuốc phải nâng cao y đức.

Ngành Y và vấn đề y đức?

Nhớ mùa Xuân năm 1946, Bác Hồ đã nhắc nhở cán bộ y tế: "Đừng có ngại khó, ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch ban ơn..."

Và Bác còn căn dặn ngành Y tế phải biết xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học phải dựa trên nguyên tắc: Khoa học, dân tộc và đại chúng. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”.thaythuocvn- bqllang.gov.vnb

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Viện Quân y 7

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc nước ta. Trong nhiều thập niên qua, ngành Y tế Việt Nam đã không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt, từ tổ chức mạng lưới đến chất lượng trong công tác phòng và chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Trong 20 năm, từ 1947 đến 1967, Bác đã 25 lần viết thư cho ngành Y tế và thương binh xã hội. Đặc biệt trong thư nào Bác cũng nhắc đến vấn đề y đức, một vấn đề cốt lõi trong y tế.

Bác đã nói: Thầy thuốc phải như mẹ hiền. Câu nói trên không chỉ nhắc nhở đến trách nhiệm mà cao quý hơn, thiêng liêng hơn là Bác muốn người thầy thuốc phải thương yêu người bệnh như những người thân của mình, có như vậy thì việc cứu chữa mới đạt kết quả cao nhất. Trong xã hội, nghề y được coi là một nghề được coi trọng. Bởi nó gắn liền với từng con người, từng số phận. Vì vậy, mỗi thầy thuốc cần nhận thức rõ được vinh dự cũng như trách nhiệm trên đôi vai của họ.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trước và những tác động tiêu cực của xã hội, những biểu hiện tiêu cực đã và đang diễn ra hàng ngày. Thực tế vẫn còn đâu đó có người than phiền về y đức của những người thầy thuốc, sự thờ ơ, vô cảm của những cá nhân làm công tác y tế, về sự tắc trách thiếu tinh thần trách nhiệm của cơ sở y tế nào đó. Điều này đã làm tổn hại không nhỏ đến danh dự của những người thầy thuốc có tâm, có đức.

Nhưng đó chỉ là con số ít, không thể làm phai mờ những thành tích đáng tự hào mà ngành Y tế nước ta đã đạt được. Kỷ niệm 59 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2014), ngày 20/02/2014, Bộ Y tế họp báo giới thiệu những thành tựu trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Những kết quả đó là minh chứng cho sự cố gắng của từng thầy thuốc, từng cá nhân làm công tác y tế nói riêng và của toàn ngành nói chung. Những người thầy thuốc vẫn hàng giờ, hàng ngày cố gắng đề cao tinh thần trách nhiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân để phục vụ tốt hơn cho từng bệnh nhân.

Các thầy thuốc của thế hệ đi trước như Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Trần Hữu Tước, Đỗ Tất Lợi, Tôn Thất Bách, Lê Thế Trung, Đặng Thuỳ Trâm .... đã để lại tấm gương sáng về y đức, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp y học và y tế của nước nhà. Những tấm gương đó chính là động lực cho mỗi thầy thuốc của nước nhà hiện nay và cả trong tương lai.

Nhân dịp kỷ niệm 59 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2014), xin gửi lời tri ân, những lời chúc tốt đẹp nhất tới những người thầy thuốc. Hy vọng rằng đất nước ta ngày càng phát triển và cùng theo đó ánh sáng của y đức sẽ ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng như lời Bác Hồ đã dạy: Thầy thuốc phải như mẹ hiền./.

 

Kết quả của Bộ Y tế thông báo: Năm 2013, ngành hoàn thành 2 chỉ tiêu do Quốc hội giao: Số giường bệnh/vạn dân (không kể trạm y tế xã) giao 22 ước đạt 22,3; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 16% ước đạt 15,73%. Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là một điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỉ về y tế: Giảm suy dinh dưỡng trẻ em, giảm tử vong trẻ em, giảm tử vong mẹ, phòng chống HIV/AIDS, sốt rét, các bệnh phổ biến khác, vệ sinh môi trường. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, duy trì các biện pháp giám sát dịch tễ thường xuyên, giảm thiểu việc lây truyền các dịch bệnh nguy hiểm. Bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, các bệnh có vắc-xin dự phòng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải tiến quy trình khám chữa bệnh từ 12 – 14 bước xuống còn 4 – 7 bước, giảm trung bình 40 phút chờ đợi cho một lượt khám bệnh.

Ngành ứng dụng đã thành công một số kĩ thuật mới: Ghép tế bào gốc đồng loại cho bệnh nhi bị ung thư máu; ứng dụng rô-bốt định vị trong phẫu thuật cột sống, phẫu thuật nội soi nhi khoa…; quản lí và đấu thầu thuốc theo đúng quy định, sử dụng an toàn hợp lí. Tuy nhiên, ngành phải đối mặt với rất nhiều thách thức như mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, các bệnh dịch mới nổi, bệnh lạ xuất hiện khó lường.

 

Thanh Huyền

Bài viết khác: