Khu Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội (Khu Di tích K9) có phong cảnh thật tươi đẹp, “sơn thủy hữu tình”, có dòng sông Đà mềm mại như dải lụa uốn khúc lượn quanh, có những hồ nước rộng trong xanh, được bao bọc bởi bạt ngàn màu xanh của những cánh rừng nguyên sinh, vườn cây lưu niệm và cây ăn qủa rợp bóng mát che phủ.

Rừng cây, vườn cây ở Khu Di tích rất phong phú, đa dạng và được hình thành, phát triển qua nhiều giai đoạn. Phần lớn diện tích 234 ha của Khi Di tích là những cánh rừng nguyên sinh, với những loài cây thông, xen lẫn cây chò, long lão, sau sau… khoảng gần 100 năm tuổi, được trồng từ thời Pháp thuộc.

tet-trong-cay-bqllang.gov.vnb
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng phát động
“Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2014.

Khi xây dựng Khu căn cứ của Trung ương (từ năm 1959), Bác Hồ đã yêu cầu chỉ làm các ngôi nhà, đường sá, hầm trú ẩn ở những khoảng đất trống, phải giữ lại tất cả các cây rừng. Bác còn tạo những mảnh vườn nhỏ để trồng các loại cây nhãn, quế, vải, bưởi, rau xanh và hoa. Cây vú sữa được chiết từ cành cây vú sữa ở Nhà sàn tại Hà Nội mà đồng bào miền Nam gửi biếu Bác, trồng ngay trước cửa sổ nơi có bàn làm việc của Bác và cây hoa râm bụt của quê hương xứ Nghệ trồng ở con đường bậc thang mà mỗi lần lên đây Bác vẫn đi dạo để rèn luyện sức khỏe.

 Trước cửa ngôi nhà 2 tầng, tựa dáng nhà sàn nơi Khu Di tích ở Phủ Chủ tịch sừng sững 2 cây ngọc lan là do Bác Hồ cùng với bà Đặng Dĩnh Siêu (phu nhân cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai) trồng từ năm 1961 và 2 cây vàng anh Bác và Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô G.M Ti-tốp trồng năm 1962.

Bởi vậy, các công trình ở Khu Di tích đều được ẩn mình trong một không gian xanh của những tán rừng nguyên sinh. Tất cả những gì của thiên nhiên vẫt được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Rừng cây, vườn cây ở Khu Di tích đã bảo đảm bí mật cho Bác Hồ và các đồng chí Trung ương Đảng lên làm việc, nghỉ ngơi, tiếp khách quốc tế trong những năm cuối đời của Bác. Sau khi Bác qua đời, rừng cây, vườn cây nơi đây tiếp tục chở che để cán bộ, chiến sỹ Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng ngày nay) và chuyên gia y tế Liên Xô thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt (từ năm 1969 – 1975).

Với ý nghĩa đặc biệt như vậy, ngày 02 tháng 11 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1649/QĐ-TTg “Về việc thành lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan đặc biệt Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội”, gọi tắt là Khu rừng K9, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Khu rừng K9 được quy hoạch thành 4 phân khu chức năng: Phân khu bảo tồn nguyên vẹn các di tích lịch sử - huấn luyện bộ đội với diện tích 66,62 ha; Khu rừng cảnh quan bảo vệ di tích, diện tích 81,61ha; Khu rừng cảnh quan kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với diện tích 71,66 ha và Khu hành chính diện tích 14,11 ha.

Gần 45 năm Bác Hồ đi xa, nhưng rừng cây, vườn cây nơi đây còn in đậm bóng hình Bác. Nhớ lời Bác dạy: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, hàng năm, cứ mỗi độ Xuân sang, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại Khu Di tích K9. Nhằm góp phần bảo tồn nguyên vẹn di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tồn một không gian thiêng liêng, một không gian thể hiện tư tưởng, đạo đức, tác phong gần gũi, hòa đồng với thiên nhiên của Người.

Sau mỗi buổi Lễ phát động, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, đại biểu chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị, cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Đoàn 285, đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn Khu Di tích đến tiến hành trồng cây, gây rừng.

tet-trong-cay-bqllang.gov.vn

tet-trong-cay-bqllang.gov.vnc
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và đại diện chính quyền địa phương tổ chức trồng cây tại Khu Di tích K9.
 

Theo Đại tá Nguyễn Bá Trí, Đoàn trưởng Đoàn 285 cho biết: Khởi đầu từ phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, đơn vị đã trồng mới được hơn 40 ha rừng thông, lát, lim, sao đen, keo, mỡ, các loại chò, dầu nước… phủ xanh các vạt đồi còn trống quanh Khu Di tích; trồng bổ sung 65 ha loại thông Caribê ở các khu rừng đã hết thời kỳ phát triển; quy hoạch vườn sưu tầm thực vật gần 6 ha gồm 62 loài cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng; tổ chức chăm sóc 5 ha vườn cây Bác trồng trước đây và vườn cây do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương trồng, hoặc các địa phương gửi tặng từ sau năm 1975 đến nay. Đồng thời cải tạo, trồng mới được gần 6,5 ha vườn cây ăn quả như xoài, bưởi, cam, nhãn… ven các hồ nước, tạo cảnh quan, môi trường phục vụ khách tham quan Khu Di tích.

 Cùng với việc trồng mới những cánh rừng, vườn cây, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Đoàn 285 đã phối hợp chặt chẽ với huyện Ba Vì, trực tiếp là các xã Minh Quang, Ba Trại, Thuần Mỹ, các thôn liền kề và nhân dân địa phương triển khai nhiều phương án bảo vệ rừng cây, phòng chống cháy rừng đạt kết quả tốt. Nhân dân địa phương vừa tích cực tham gia trồng rừng, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng và ngăn ngừa các trường hợp vi phạm Quy chế bảo vệ Khu Di tích. “Hàng rào lòng dân vững chắc” luôn là điểm tựa tin cậy để bảo vệ, giữ gìn cho rừng cây của Khu Di tích không bị xâm hại, không bị lấn chiếm và tuyệt đối an toàn, không để xảy ra cháy rừng.

Phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” của Bộ Tư lệnh đã lan tỏa từ Khu Di tích K9 đến Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và doanh trại các cơ quan, đơn vị. Trong những ngày đầu Xuân, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và Ban Quản lý Lăng đã tích cực chăm sóc, vun trồng những giàn hoa, cây hoa, cây cảnh, thảm cỏ tại Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình, Khu tập kết nhân dân vào Lăng viếng Bác (số 17, phố Ngọc Hà) và những nơi đóng quân. Để góp phần cải tạo tự nhiên, cải tạo môi trường, điểm tô cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp dành tặng cho mọi người cùng thưởng thức, hưởng thụ.

Ngắm nhìn những cánh rừng xanh và những vườn cây lưu niệm, cây ăn quả đang đâm chồi nảy lộc nơi Khu Di tích K9, mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ làm nhiệm vụ bên Lăng Bác Hồ cảm thấy phấn khởi, tự hào, bởi đã thực hiện tốt nét đẹp truyền thống của dân tộc: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”./.

Nguyễn Hữu Mạnh, Đức Cường

Bài viết khác: