Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, là danh nhân văn hóa thế giới, là tư tưởng lớn của thời đại. Người đã hy sinh cả cuộc đời mình vì sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Là học trò xuất sắc của Mác - Lênin, với chủ nghĩa nhân đạo cao cả, tất cả vì con người, lấy con người làm điểm xuất phát, là động lực, là mục đích của mọi tư tưởng và hành động cách mạng.

bh-phu-nu-bqllang.gov.vnb
Sinh thời, Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phụ nữ

Với một giác quan chính trị nhạy bén, lại am hiểu lịch sử dân tộc và trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước nhà, Hồ Chí Minh sớm nhận thấy vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam trong quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập (gồm 12 tập), với tổng số 1941 bài nói và viết, đã có gần 100 bài viết Hồ Chí Minh nhắc nhiều đến phụ nữ. Hồ Chí Minh cho rằng, sự nghiệp giải phóng loài người, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội phải gắn liền với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người dẫn lời của Mác: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào thì chắc chắn không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái thì biết xã hội tiến bộ thế nào”. Người cũng dẫn lại lời của Lênin: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”.

Trong ý tưởng đó, việc giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền là một mục tiêu lớn của cách mạng do Đảng lãnh đạo. Điều này có thể giải thích tại sao từ năm 1920, thế giới tiến bộ lấy ngày 8/3 là “Ngày đàn bà con gái”, sau được đổi là “Ngày Quốc tế Phụ nữ” nhằm đoàn kết phụ nữ các nước đấu tranh để giải phóng giới mình, giành quyền bình đẳng về kinh tế, chính trị, xã hội.

Chung quan điểm với Mác - Lênin, Hồ Chí Minh thấy rõ vai trò của phụ nữ thế giới nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Trong thư gửi phụ nữ nhân kỷ niệm Chiến thắng Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/1952, Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông gấm vóc nước Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.  Người đã tặng phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Trải qua những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nhận thấy một trong những nhân tố quyết định đối với thắng lợi của cách mạng là: An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công. Nghiên cứu cách mệnh Pháp, Hồ Chí Minh đã rút ta bài học: Cách mệnh Pháp dạy cho chúng ta đàn bà, trẻ con cũng giúp làm việc cách mệnh được nhiều. Từ đó, Người đi đến nhận xét về sự tham gia thường xuyên của phụ nữ trong lực lượng của các cuộc cách mệnh: “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia”.

Năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt, Người đã đặt ra mục tiêu của cách  mạng Việt Nam là tiến lên xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa mà ở đó về phương diện xã hội “dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền…”

Tại lễ kỷ niệm 36 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1966) Hồ Chí Minh nói: “Hội  Phụ nữ mới 20 tuổi. Nhưng truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam ta đã có gần 2000 năm và ngày càng phát triển. Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc cứu dân, cho đến ngày nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự  nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh.

Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta. Trong thời kì cách mạng hoạt động bí mật và trong những năm kháng chiến chống bọn thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, phụ nữ ta đều có công lao to lớn. Gương anh dũng của đồng chí Minh Khai và của cháu Võ Thị Sáu luôn luôn sáng ngời để cho phụ nữ ta học tập”.

Không chỉ đánh giá cao vai trò của phụ nữ, Hồ Chí Minh còn trăn trở với địa vị của người phụ nữ trong các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như trong các tổ chức quần chúng. Người luôn mong muốn phụ nữ phải tham gia chính quyền nhiều hơn và thiết thực hơn.

Ngày 30-4-1964, phát biểu tại Đại hội Liên hoan Phụ nữ Năm tốt, Hồ Chí Minh rất vui mừng khi thấy đại biểu Quốc hội là phụ nữ ngày càng nhiều. Người nêu cụ thể: “Quốc hội khóa II, trong 362 đại biểu miền Bắc thì có 49 đại biểu phụ nữ. Quốc hội khóa III, có 447 người được giới thiệu ra ứng cử thì 85 người là phụ nữ. Kết quả đầu tiên ở Hà Nội, 36 vị được bầu vào Quốc hội thì có 5 đại biểu phụ nữ”.

Ngày 30-12-1968, nói chuyện với Đoàn Cán bộ Ban Thường vụ tỉnh Thanh Hóa ra Hà Nội làm việc với Ban Bí Thư Trung ương Đảng, Hồ Chí Minh hỏi anh em trong Đoàn: “Trong Tỉnh ủy có bao nhiêu ủy viên gái? Gái làm nhiều nhưng đi gặp Trung ương lại không có ai là gái! Điều đó chứng tỏ các đồng chí còn trọng trai khinh gái. Cần tích cực sửa chữa”.

Đánh giá cao vai trò của phụ nữ khi nhìn nhận phụ nữ là lực lượng lao động đông đảo của xã hội, Hồ Chí Minh còn thấy rõ khả năng làm việc không thua kém nam giới của phụ nữ: “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo, làm giám đốc và phó giám đốc các xí nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, chủ tịch ủy ban hành chính, bí thư chi bộ Đảng…”.

Và Người vui mừng trước việc ngày càng nhiều phụ nữ tham gia quản lý: “Từ ngày nước ta được giải phóng đến nay, phụ nữ đều tiến bộ rõ rệt về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng một tiến bộ rõ rệt nhất là phụ nữ tham gia chính quyền ngày càng nhiều”. Người tự hào: “Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

bh-phu-nu-bqllang.gov.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu nữ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III,
tháng 9-1960 (Ảnh tư liệu)

Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, Người cũng luôn gắn nhiệm vụ giải phóng phụ nữ với giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Sự bình đẳng của nam - nữ và quyền của phụ nữ phụ thuộc rất nhiều vào bản chất, chế độ chính trị xã hội. Nếu không làm cách mạng giải phóng con ngườì thì không thể xóa bỏ bất bình đẳng nam nữ. Trong tác phẩm “Mười chính sách của Việt Minh” nội dung này được thể hiện bằng hai câu thơ:

“Đàn bà cũng được tự do

Bất phân nam - nữ đều cho bình quyền”

Theo Hồ Chí Minh, bình đẳng nam nữ nếu chỉ thực hiện trên các văn bản pháp quy thì chưa đủ, điều quan trọng là phải đấu tranh đưa vào thực tiễn cuộc sống, bởi tư tưởng trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại, nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Do đó, thực hiện bình đẳng nam - nữ, giải phóng phụ nữ là một cuộc cách mạng khá to và khó nhưng không phải mọi người đều hiểu đúng về bình đẳng nam nữ, nhiều người cho đó là việc dễ dàng: “Chỉ hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thì là bình đẳng, bình quyền. Lầm to”. Để thực hiện 100% bình quyền, bình đẳng nam nữ, Hồ Chí Minh nhắc nhở chị em “Phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập”. Đồng thời, Người chỉ rõ cho các cấp ủy Đảng, chính quyền “Phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ”.

Hồ Chí Minh khẳng định rằng phụ nữ chiếm một nửa nhân loại: “Nói phụ nữ là nói đến phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Chẳng những vậy, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn liền với sự nghiệp giải phóng phụ nữ và công cuộc xã hội chủ nghĩa sẽ không thể thành công nếu phụ nữ chưa được giải phóng. Vì vậy: Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.  Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: “Dưới chế độ phong kiến và thực dân, phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội thì phụ nữ bị xem khinh là nô lệ, ở gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng”. Người còn nhấn mạnh rằng: Dưới chế độ thực dân, phong kiến, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột thì phụ nữ ta bị áp bức, bóc lột nặng nề hơn. Điều đó chứng tỏ rằng, vì quyền lợi của đàn bà con gái An Nam mà chúng ta làm cách mạng”.

Trước lúc đi xa, Trong Bản Di chúc thiêng liêng, Người biểu dương tinh thần chiến đấu hy sinh và căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta phải chăm sóc phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Đảng và Chính phủ ta phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng cho phụ nữ”.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ trong mọi giai đoạn cách mạng.

Đất nước bước vào thời kì đổi mới, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng đã nhấn mạnh vai trò của giới nữ cùng với giới nam trong sự nghiêp cách mạng và chỉ rõ vấn đề giải phóng phụ nữ, phát huy vai trò của phụ nữ là nhiệm vụ của toàn Đảng, của Nhà nước và các cấp, các ngành.

Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ đến gia đình nói chung và người phụ nữ nói riêng, Đại hội VII (1991) đã đưa ra yêu cầu: “Thực hiện bình đẳng nam nữ về mọi mặt” và trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội” đã chỉ rõ: “Chú trọng cải thiện điều kiện sống, lao động, học tập của người mẹ”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996) đã xây dựng và thực hiện Chiến lược vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2000: “Đặc biệt coi trọng việc đào tạo nghề nghiệp, giúp đỡ chị em có việc làm, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống, bảo vệ sức khỏe phụ nữ và trẻ em. Quan tâm phát triển Đảng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, tăng tỷ lệ cán bộ nữ trong các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở các cấp, các ngành”.

 Đây là giai đoạn Đảng và Chính phủ ta đã cam kết với cộng đồng quốc tế và việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh với 11 mục tiêu cụ thể nhằm phát huy vai trò của nữ giới và việc thực hiện bình đẳng giới. Lần đầu tiên nữ giới Việt Nam có một chiến lược và kế hoạch hành động phát triển của riêng mình nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của nữ giới và thực hiện bình đẳng giới như đã cam kết với quốc tế.

Đại hội IX của Đảng (2001) tiếp tục thảo luận và chính thức ghi vào văn kiện những tư tưởng, chủ trương, đường lối về bình đẳng giới nhằm đẩy mạnh sự nghiệp giải phóng phụ nữ và cụ thể hóa, chính xác hóa tư tưởng bình đẳng nam nữ từ trước tới nay. Đại hội đã khẳng định: “Đối với phụ nữ, thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới”.

Đại hội X gần đây nhất của Đảng thêm một nữa nhấn mạnh rõ: “Nâng cao trình độ mọi mặt cả đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ, Thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản với lao động nữ. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc pham nhân phẩm phụ nữ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng tấm gương mẫu mực về sự hy sinh cả cuộc đời để lên tiếng, để đấu tranh và bảo vệ quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ đã trở thành một nguồn cổ vũ lớn lao cho để phụ nữ Việt Nam vượt lên khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ./.

Bài viết khác: