Cách đây 50 năm, ngày 02 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ dựng nên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, lấy đó làm cái cớ chính thức phát động cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta. Với quân dân ta, sự kiện này mở đầu cho thắng lợi hết sức oanh liệt của cuộc chiến tranh nhân dân đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt và tàn bạo chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Không phải ngẫu nhiên mà 50 năm qua sự kiện này luôn được dư luận trong nước và quốc tế (đặc biệt là dư luận Mỹ) quan tâm, đánh giá cao.
1. Sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” thực chất là “Bản tuyên chiến đề trước ngày” của giới hiếu chiến Mỹ
Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết ngay sau khi hất cẳng Pháp, dựng lên chính quyền tay sai, biến miền Nam nước ta thành căn cứ quân sự, thuộc địa kiểu mới, đế quốc Mỹ luôn coi “Bắc Việt Nam là hiểm họa số 1, là nguồn gốc của phong trào cách mạng ở miền Nam” (1). “Muốn ngăn chặn sự sụp đổ ở Sài Gòn, ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn địa vị của Mỹ ở Đông Nam Á, Mỹ phải hành động để buộc Hà Nội phải từ bỏ miền Nam Việt Nam”(2). Nhưng trước sự ra đời của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa và sự phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, giới hiếu chiến Mỹ không thể không tính toán khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược đối với một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Để làm việc đó, Tổng thống với giới quân sự Mỹ cần phải nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội, tranh thủ được dư luận trong nước và phải tính đến phản ứng của quốc tế.
Do vậy, trong nhiều khả năng được đưa ra để lựa chọn, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tán thành cách “leo thang từng bước một” đối với Bắc Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mắc-na-ma-ra và Hội đồng Tham mưu trưởng liên quan Mỹ chuẩn bị. Chương trình này được mở đầu các hoạt động quân sự không công khai chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng do “Chiến lược chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam ngày càng bị thất bại nặng nề, nên từ đầu năm 1964, đế quốc Mỹ quyết định đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phá hoại miền Bắc. Ngày 7 tháng 4 năm 1964, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ thông qua kế hoạch dùng không quân đánh phá miền Bắc trong đó có 94 mục tiêu được “ưu tiên”. Với ưu thế vượt trội về vũ khí, trang bị, trong bản kế hoạch trên, giới hiếu chiến Mỹ cho rằng chỉ sau 2 tuần, Bắc Việt Nam sẽ phải khuất phục.
Từ tháng 6 năm 1964, Mỹ Ngụy tăng cường các hoạt động khiêu khích ở vùng ven biển miền Bắc, ngăn chặn việc chi viện tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam bằng đường biển (ngay từ đầu năm 1963, Mỹ đã nghi ngờ nhưng chưa phát hiện được). Cùng thời gian này, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đề nghị Tổng thống nên có “một chiến dịch khiêu khích Bắc Việt Nam”. Với ý đồ trên, đêm ngày 30, rạng sáng ngày 31 tháng 7, theo chỉ đạo của Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn, hải quân Ngụy bất ngờ bắn phá các đảo Hòn Mẽ (Thanh Hóa), Hòn Ngư (Nghệ An). Trong khi đang diễn ra cuộc bắn phá, tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ được lệnh tiến vào Vịnh Bắc Bộ để yểm trợ cho hải quân Ngụy khiêu khích Bắc Việt Nam, đồng thời thu thập tin tức tình báo về các trạm ra-đa, các trận địa phòng thủ ven biển, các căn cứ hải quân của Bắc Việt Nam.
Trong 2 ngày 1 và 2 tháng 8, máy bay Mỹ đánh phá các đồn biên phòng Nậm Cắn và Nọong Dẻ (Nghệ An) đồng thời tàu Ma-đốc tiếp tục tiến sâu vào hải phận của Bắc Việt Nam, khiêu khích ngư dân miền Bắc. Trước hành động ngang ngược đó, ngày 2 tháng 8, một phân đội tàu phóng lôi của hải quân Việt Nam do Đoàn trưởng Đoàn 135 Lê Duy Khoái trực tiếp chỉ huy được lệnh xuất kích đánh đuổi tàu Ma-đốc, buộc chiếc tàu này phải tháo chạy ra vùng biển quốc tế.
Sự kiện ngày 2 tháng 8 năm 1964, ngay lập tức được giới hiếu chiến Mỹ lợi dụng thổi phồng lên và đã đánh lừa được công chúng Mỹ. Ngày 3 tháng 8, Tổng thống Mỹ phái thêm tàu khu trục Tớc-nơ Gioi cùng tàu Ma-đốc trở lại Vịnh Bắc Bộ. Ngày 4 tháng 8, vùng biển Việt Nam có bão lớn, trời tối đen như mực, các phân đội tàu phóng lôi của hải quân Việt Nam trước đó nhiều giờ đã vào neo đậu trong các căn cứ để tránh bão. Tuy vậy, theo “kịch bản” đã được sắp đặt, dàn dựng từ trước, tàu chiến Mỹ vẫn phát tín hiệu bị tấn công. Rất nhanh, Tống thống Mỹ Giôn-xơn tổ chức cuộc họp khẩn ra lệnh cho không quân tiến công trả đũa và yêu cầu Quốc hội trao quyền cho Tổng thống sử dụng lực lượng vũ trang đối phó với “cuộc khủng hoảng lớn” ở Việt Nam. Và cũng chẳng cần chờ Quốc hội cho phép, Giôn-xơn ra lệnh triển khai lực lượng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam, chuẩn bị sẵn sàng mở rộng thành cuộc chiến tranh phá hoại với quy mô ngày càng lớn.
Ngay trong ngày 4 tháng 8, khi Nhà trắng và Lầu Năm góc đang làm rùm beng “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, Phó Đô đốc Hê-rích chỉ huy chung các hoạt động của tàu Tớc-nơ Gioi và Ma-đốc gửi bức điện về Lầu Năm góc: “Việc xem xét lại hành động cho thấy rằng các tiếp xúc ghi được về các ngư lôi được bắn tỏ ra đáng nghi ngờ. Đề nghị đánh giá đầy đủ khi có hành động tiếp theo” (3). Báo cáo của Đô đốc Grân Sáp, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mắc-na-ma-ra ngày 4 tháng 8 cũng nhận định rằng “Vẫn còn mơ hồ, không biết một cuộc tiến công vào các tàu khu trục (Mỹ) đã thực sự xảy ra hay chưa?”(4). Mặc dù vậy Oasinhtơn vẫn phát động cuộc tiến công.
Theo tại liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, sau khi dùng không quân đánh phá miền Bắc ngày 5 tháng 8, thì hai ngày sau (7 tháng 8), Quốc hội Mỹ chính thức thông qua nghị quyết sai trái về sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Thượng viện và Hạ viện Mỹ quyết định “Quốc hội tán thành và ủng hộ quyết tâm của Tổng thống, với tư cách Tổng Tư lệnh, sẽ tiến hành mọi biện pháp đẩy lùi bất cứ một cuộc tiến công vũ trang nào vào những lực lượng của Mỹ, ngăn ngừa những cuộc tấn công khác nữa”(5). Quốc hội Mỹ cho phép Tổng thống “Tiến hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc sử dụng lực lượng vũ trang để giúp đỡ bất kỳ quốc gia nào là thành viên hoặc nước bảo trợ của hiệp ước phòng thủ chung Đông Nam Á yêu cầu giúp đỡ bảo vệ quyền tự do của mình”(6).
Rõ ràng là, như chính dư luận Mỹ đã vạch trần, sự kiện ngày 2 tháng 8 hoàn toàn chỉ là sự bịa đặt của Mỹ để lấy cớ dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc và đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam; Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ về thực chất, là một “bản tuyên chiến đề trước ngày” mà Quốc hội Mỹ giao cho Tổng thống Giôn-xơn.
2. Đánh giá đúng kẻ thù, chủ động chuẩn bị lực lượng, thế trận – Nhân tố quyết định chiến thắng ngày 2 và ngày 5 tháng 8 nói riêng, chiến thắng của cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại nói chung.
Trong “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” cũng như trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kẻ thù của dân tộc ta là một tên đế quốc đầu sỏ, vừa có tiềm lực kinh tế, quân sự, trình độ khoa học công nghệ đứng đầu thế giới vừa hết sức tàn bạo, xảo quyệt. Chúng lại biết rõ và lợi dụng được mâu thuẫn giữa các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là ý đồ của Trung Quốc muốn “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” lấy đó làm con bài mặc cả với Mỹ hòng thực hiện mục đích chiến lược của mình. Trong bối cảnh đó, việc xác định đúng kẻ thù, đánh giá chính xác âm mưu thủ đoạn và khả năng của đối phương; những chỗ mạnh chỗ yếu của địch, của ta; trên cơ sở đó xây dựng quyết tâm, đề ra chủ trương đúng đắn để đối phó và đánh thắng là vấn đề hết sức quan trọng. Dựa trên cơ sở đó mới có thể chủ động tổ chức lực lượng và thế trận để đối phó, kiên quyết đánh thắng không quân và hải quân hiện đại của Mỹ ngay từ trận đầu. Không phải ngẫu nhiên, đây là vấn đề được giới nghiên cứu quốc tế và trong nước đặc biệt quan tâm và đều thống nhất cho rằng đó là một trong những nhân tố quyết định làm nên chiến thắng ngày 2 và ngày 5 tháng 8 nói riêng và chiến thắng của cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại nói chung.
Với nhãn quan chiến lược sắc bén, ngay từ tháng 3 năm 1955, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã nhận định “Kẻ thù cụ thể, trước mắt, nguy hiểm nhất của nhân dân ta là đế quốc Mỹ… miền Bắc nước ta có vị trí vai trò là căn cứ địa cho sự nghiệp cách mạng cả nước… Vì thế, phá hoại miền Bắc là một bộ phận không thể tách rời trong âm mưu xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ… Trong khi đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện miền Nam, quân dân ta trên miền Bắc phải nâng cao cảnh giác, không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng, sẵn sàng đối phó với khả năng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước…”(7).
Trên cơ sở đánh giá đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn của địch, từ năm 1954 đến 1964 cùng với việc chi viện ngày càng lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam, nhiệm vụ xây dựng miền Bắc đặc biệt là việc tổ chức xây dựng lực lượng và thế trận để sẵn sàng đối phó, kiên quyết đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta triển khai hết sức tích cực và khẩn trương với nội dung cốt lõi là: Toàn dân đánh máy bay tàu chiến địch, toàn dân làm công tác phòng tránh, toàn dân làm công tác giao thông vận tải…
Theo tư tưởng chỉ đạo trên, tháng 1 năm 1964, Bộ Tổng Tham mưu được sự ủy nhiệm của Chính phủ đã triệu tập Hội nghị phòng không nhân dân toàn miền Bắc bàn các chủ trương biện pháp đối phó với âm mưu địch. Sau Hội nghị, hệ thống tổ chức phòng không nhân dân được thành lập ở tất cả các thôn, xã, làng bản, huyện, tỉnh, khu phố, thành phố. Hầm trú ẩn của người, công sự che chắn cho máy móc bắt đầu được xây dựng ở các cơ quan, nhà máy, trường học, bệnh viện, đường phố, dọc các đường giao thông. Hơn 6000 tổ, đội bắn máy bay tầm thấp bằng súng bộ binh của dân quân tự vệ được thành lập. Dân quân tự vệ và nhân dân các địa phương thường xuyên tổ chức diễn tập chiến đấu, cứu thương, cứu hỏa, cứu sập… Việc bố phòng, tuần tiễu vùng ven biển, khu vực giới tuyến và dọc biên giới phía Tây được tăng cường. Lực lượng phòng không chủ lực soát xét lại kế hoạch bố trí bảo vệ các mục tiêu trọng điểm, tổ chức một số đơn vị chuyên làm nhiệm vụ cơ động đón đánh máy bay địch. Việc huấn luyện và tổ chức hệ thống hỏa lực bắn máy bay tầm thấp cho dân quân tự vệ được triển khai tích cực. Các phân đội tàu chiến đầu của hải quân tăng cường hoạt động tuần tiễu và phối hợp với dân quân tự vệ tuần tra ven bờ. Các cụm pháo bờ biển được tăng cường. Tháng 3 năm 1964, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định chuyển một bộ phận lực lượng vũ trang “từ trạng thái thời bình sang trạng thái có tính chất thời chiến”. Ngày 27 tháng 3 năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt. Tại Hội nghị lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố “Nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại”(8). Người kêu gọi quân dân miền Bắc “làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”(9).
Hội nghị chính trị đặc biệt có ý nghĩa như một Hội nghị Diên Hồng của dân tộc ta trong thời đại mới. Nó biểu thị sự đoàn kết nhất trí cao của mọi tầng lớp nhân dân xung quanh Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đến cuối tháng 7 năm 1964, mọi công tác chuẩn bị lực lượng, thế trận, sẵn sàng đối phó với chiến tranh phá hoại của quân dân miền Bắc đặc biệt là của hai quân chủng Phòng không – Không quân và Hải quân đã cơ bản hoàn thành.
Ngày 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ dùng không quân, hải quân mở cuộc tiến công mang mật danh Mũi tên xuyên đánh phá miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn và tàn bạo chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Nhưng nhờ đánh giá đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn của địch, với quyết tâm chiến đấu cao, trên cơ sở lực lượng và thế trận đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước, quân dân miền Bắc – nòng cốt là hai quân chủng Hải quân và Phòng không – Không quân đã nổ súng kịp thời, anh dũng đánh trả các đợt tiến công của không quân địch, bắn rơi 8 máy bay phản lực hiện đại của Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái.
Chiến thắng ngày 5 tháng 8 là một minh chứng khẳng định việc Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm đánh giá đúng âm mưu địch, chủ động chuẩn bị lực lượng và thế trận quyết đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ là nhân tố quyết định làm nên chiến thắng lịch sử này.
3. Dám đánh, quyết đánh thắng, biết đánh thắng – nét đặc sắc của trận ngày 2 và ngày 5 tháng 8 – một đóng góp lớn, một cống hiến lớn của bộ đội Hải quân vào kho tàng nghệ thuật quân sự dân tộc
Ngay từ đầu năm 1964, thực hiện Chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng Phòng không – Không quân và Quân chủng Hải quân đã chuyển nhiệm vụ từ huấn luyện và chiến đấu sang chiến đấu và huấn luyện “Mọi công tác phải xoay quanh và lấy chiến đấu làm tiêu chuẩn. Địch đến phải đánh được và đánh thắng. Địch chưa đến thì tranh thủ huấn luyện. Kết hợp huấn luyện trong các hành động chuẩn bị chiến đấu. Công tác huấn luyện, công tác chính trị tư tưởng, bảo đảm hậu cần kỹ thuật… phải gắn chặt với sẵn sàng chiến đấu”(10). Trong điều kiện lực lượng còn mỏng, yếu, nhiều loại vũ khí trang bị quá lạc hậu, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Phòng không – Không quân quyết định tập trung lực lượng dự bị mạnh. Chương trình, nội dung huấn luyện được cải tiến, giảm bớt thời gian học lý thuyết, tăng thời gian luyện tập thao tác kỹ thuật cá nhân và hiệp đồng chiến đấu giữa các phân đội giữa các vị trí trong từng khẩu đội nhằm mục đích cuối cùng là bắn rơi máy bay địch.
Đối phó với hành động khiêu khích, phá hoại ngày càng tăng của địch ở vùng biển Quân khu 4, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân quyết định thành lập Sở Chỉ huy tiền phương ở sông Gianh do Đại tá Nguyễn Bá Phát, Phó Tư lệnh Quân chủng trực tiếp phụ trách. Các đơn vị tàu tuần tiễu, phóng lôi, pháo bờ biển đều ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.
Về các trận đánh ngày 2 tháng 8 và ngày 5 tháng 8 năm 1964, từ góc độ lịch sử nghệ thuật quân sự, chúng ta cần làm rõ thêm một vấn đề rất đáng chú ý. Đó là cách đánh máy bay phản lực hiện đại của Mỹ thế nào? Trong điều kiện vũ khí trang bị của ta còn rất thiếu thốn, lạc hậu? Chẳng hạn như tàu tuần tiễu của Hải quân mới chỉ có vài chiếc 79 tấn, trang bị pháo 40 ly, 20 ly sản xuất từ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ta cũng chỉ có một tiểu đoàn tàu phóng lôi, loại vỏ nhôm, lượng giãn nước 19,26 tấn, được trang bị 2 ống phóng lôi loại nhỏ và 1 khẩu 14 ly 5 hai nòng. Ta cũng chưa có tên lửa, máy bay. Chúng ta đều biết, trước trận ngày 2 và ngày 5 tháng 8 năm 1964, trong giai đoạn chuẩn bị đối phó với chiến tranh phá hoại, do chưa rõ thủ đoạn khả năng tác chiến, uy lực, vũ khí trang bị trên máy bay phản lực của Mỹ (không chỉ Việt Nam mà ngay các nước trên thế giới thời điểm đó cũng chưa rõ, chưa có kinh nghiệm đối phó) nên phương pháp huấn luyện bắn máy bay của chúng ta (đặc biệt là cho bộ đội địa phương và dân quân tự vệ) vẫn là phương pháp bắn đón như trong kháng chiến chống Pháp; chỉ khác thời chống Pháp là ước lượng bắn đón 2 thân, 4 thân, 8 thân và 12 thân của máy bay địch. Trong trận ngày 2 tháng 8, trước một đối thủ rất mạnh, được trang bị rất hiện đại (Tàu Ma-đốc có lượng giãn nước 3300 tấn, gấp 160 lần tàu phóng lôi của ta, được trang bị 6 pháo 127 ly, 12 pháo 40 ly, 11 pháo 20 ly và 10 ống phóng ngư lôi cỡ 533 ly) nhưng với ý chí dám đánh và quyết đánh thắng rất cao, các chiến sĩ hải quân ta đã nhanh chóng tiếp cận, tiến công tàu địch. Sau khi đánh đuổi tàu Ma-đốc bằng loại ngư lôi lạc hậu phóng theo hướng mũi tàu, 3 tàu phóng lôi nhỏ bé của ta phải đánh trả máy bay địch. Trong tình thế phải độc lập chiến đấu, không có lực lượng hỗ trợ, yểm trợ theo nguyên tắc tác chiến đã được quy định đối với tàu phóng ngư lôi, nhưng với ý chí dám đánh, quyết đánh thắng rất cao, các chiến sĩ ta đã sử dụng khẩu súng máy 14 ly 5 duy nhất được trang bị trên tàu kiên cường đánh trả máy bay địch mỗi khi chúng lao xuống cắt bom, bắn tên lửa, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay địch, bảo vệ được tàu. Kết quả đó đã rất nhanh chóng được khẳng định đây là cách đánh trả máy bay địch hiệu quả nhất. Và bộ đội Hải quân trên các tàu phóng lôi chính là những người đầu tiên tìm ra, sáng tạo ra cách đánh mới. Cách đánh đó là ngắm bắn trực tiếp, đúng vào lúc máy bay địch đang lao xuống, đang bổ nhào cắt bom và phóng tên lửa. Đây chính là lúc máy bay địch dễ bị tiêu diệt nhất. Những chiếc còn lại cũng hoảng hốt, mất tinh thần, phải tăng tốc vọt lên cao, tránh làn đạn từ dưới bắn lên, khó có thể cắt bom, phóng tên lửa trúng đích. Cách đánh này nhanh chóng trở thành cách đánh chủ yếu của quân dân ta trong thế trận chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại. Song cách đánh ấy không thể thực hiện nếu không có tinh thần, ý chí dám đánh, quyết đánh thắng rất cao, chọn đúng thời cơ, xử lý tình huống nhanh chóng, chính xác. Chỉ có dựa trên cơ sở đó, mới có thể đánh thắng.
Tiếp theo trận ngày 2 tháng 8, cũng bằng cách đánh này, ngày 5 tháng 8, bộ đội Hải quân cùng với bộ đội pháo cao xạ và lưới lửa phòng không của ba thứ quân đã lập chiến công rất xuất sắc bắn rơi 8 máy bay địch, bắt sống giặc lái. Số máy bay của địch bị bắn rơi so với tổng lần chiếc vào đánh phá chiếm tới 12% (8/64 lần chiếc) – một hiệu xuất chiến đấu rất cao so với tỉ lệ trung bình trong tác chiến phòng không mà thế giới đã tổng kết. Đây là điều khiến các nhà khoa học quân sự thế giới cho đến tận ngày nay vẫn hết sức ngạc nhiên và khâm phục. Với đế quốc Mỹ đây quả là một thất bại đau đớn, một thất bại không thể tưởng tượng nổi, khiến chúng từ chỗ hết sức chủ quan cho rằng chỉ cần 12 ngày sẽ buộc Bắc Việt Nam phải khuất phục, thì chính chúng lại trở thành kẻ bị động, lúng túng, khiếp sợ.
Trận đánh ngày 2 và 5 tháng 8 mãi mãi đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta như một ví dụ điển hình tiêu biểu của ý chí dám đánh, quyết đánh thắng rất cao của quân dân ta. Sau trận đánh 2 và 5 tháng 8 đúng 3 tháng, đầu tháng 11 năm 1964, trong trận chiến đấu bảo vệ tuyến chi viện chiến lược 559, đồng chí Nguyễn Viết Xuân, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ thuộc Sư đoàn 325, mặc dù bị thương nặng nhưng vẫn nén đau chỉ huy và động viên đơn vị “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Đó không chỉ là một khẩu hiệu có sức động viên to lớn mà chính là cách đánh của bộ đội Phòng không. Chính là dựa trên ý chí dám đánh, quyết đánh thắng, quân dân ta, trực tiếp là bộ đội Hải quân và sau đó là bộ đội Phòng không đã tìm ra, đã sáng tạo ra cách đánh thắng địch hiệu quả nhất. Tôi cho rằng đây là một cống hiến lớn, một đóng góp lớn vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, trong cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại nói riêng.
Chiến thắng ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964 có ý nghĩa rất quan trọng về chính trị và quân sự. Diễn ra đúng vào lúc đế quốc Mỹ tăng cường và mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược trên cả hai miền Nam Bắc nước ta, chiến thắng đó đã cổ vũ mạnh mẽ quyết tâm chiến đấu, củng cố niềm tin đánh thắng đế quốc Mỹ của dân và quân ta. Nó khẳng định, trong điều kiện tương quan lực lượng hết sức chênh lệch nhưng quân và dân ta hoàn toàn có khả năng tạo nên sức mạnh đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân với quy mô ngày càng lớn của một cường quốc hàng đầu thế giới.
Chiến thắng ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964 là thắng lợi của ý chí dám đánh, quyết đánh thắng, biết đánh thắng. Trên hết và trước hết là thắng lợi của trí tuệ Việt Nam.
“Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” diễn ra cách đây 50 năm nhưng những bài học về việc đánh giá đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn, khả năng của kẻ thù, trên cơ sở đó chủ động xây dựng lực lượng, thế trận, phát huy truyền thống dám đánh, quyết đánh thắng, tìm ra cách đánh thắng địch (biết đánh thắng) vẫn còn nguyên giá trị, vẫn mang tính thời sự sâu sắc. Những bài học ấy càng đặc biệt có ý nghĩa khi mà hiện nay toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nòng cốt là Quân chủng Hải quân đã đang phải đương đầu với một kiểu chiến tranh xâm lược mới. Kiểu chiến tranh mà vị Anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn cách đây 714 năm từng tự hào, từng dặn dò vua Trần Anh Tông và cũng là cho hậu thế: “Nếu thấy quân giặc kéo đến như lửa cháy, gió thổi (như các cuộc chiến tranh mà kẻ thù đã từng tiến hành để xâm lược nước ta trong hàng ngàn năm qua - VTB) thì dễ chế ngự”(11) . Điều ông lo lắng nhất, điều ông dặn dò hậu thế phải lường trước, phải sẵn sàng đối phó với kiểu chiến tranh xâm lược mà kẻ thù “dùng cách chiếm cứ dần, như tằm ăn lá dâu, không lấy của dân, không cần được chóng”(12) (Đây là kiểu chiến tranh xâm lược có lẽ chưa từng diễn ra trong lịch sử nhân loại và nó giống như những gì đang diễn ra ở Biển Đông hiện nay). Theo Trần Quốc Tuấn, đó mới chính là cuộc chiến tranh nguy hiểm nhất, là mối đe dọa lớn nhất với sự tồn vong của dân tộc.
Để đánh thắng kiểu chiến tranh trên, Trần Quốc Tuấn dặn vua Trần và cũng là cho hậu thế phải tiến hành nhiều biện pháp, chủ trương thích hợp. Thứ nhất: “Phải biết dùng lương, tướng”(12). Theo ông lương, tướng không chỉ là một tướng soái dũng cảm, tài trí mà còn phải là một nhà chính trị sắc sảo có đủ khả năng quán xuyến mọi công việc của đất nước, nỗ lực tìm mọi cách không để xảy ra chiến tranh, nhưng phải bảo vệ vững chắc từng tấc đất, từng dặm lý biển thiêng liêng của Tổ quốc. Thứ hai: “Phải biết xét tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy theo thời cơ mà ứng phó”(13), nghĩa là những người lãnh đạo, chỉ huy từ cấp cao nhất đến cấp cơ sở phải biết địch, biết ta, phải linh hoạt, phải mưu trí, phải sáng tạo, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trong xử lý tình huống trên thực địa, trong đấu tranh chống ngoại giao cũng như trong tổ chức chiến đấu (đây là tình huống xấu nhất không người Việt Nam nào muốn xảy ra, nhưng phải luôn đề phòng, luôn phải sẵn sàng đối phó). Thứ ba: “Phải xây dựng được một đội quân cốt tinh không cốt nhiều, tướng lĩnh và binh sỹ như anh em, như cha con một nhà”(14). Thứ tư: “Phải khoan thử sức dân để làm kế rễ sâu, gốc vững”(15). Theo Trần Quốc Tuấn đây là biện pháp quan trọng nhất “là thượng sách để giữ nước”. Ông cho rằng: “Việc sửa lại thành trì không cần kíp lắm. Việc cần kíp của triều đình phải làm ngay, không thể chậm trễ được là việc úy lạo nhân dân…Có như thế dân mới nức lòng càng quy hướng về triều đình hơn nữa. Người xưa đã nói “Chúng trí thành thành” tức là ý chí của dân chúng là một bức thành kiên cố. Đó mới là cái thành cần sửa ngay”(16).
Với truyền thống, khí phách và trí thông minh sáng tạo của dân tộc, của con người Việt Nam nhất định Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không – Không quân cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta sẽ đánh thắng, sẽ bảo vệ vững chắc từng tấc đất, từng dặm lý biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Đại tá, TS Vũ Tang Bồng
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Chú thích:
(1)(2)(3)(4)(5) Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về chiến tranh Việt Nam, Tập 1, Việt Nam Thông tấn xã dịch, phát hành năm 1973. Lưu Phòng Tư liệu Viện Lịch sự quân sự Việt Nam, trang 203, 237, 240, 241.
(6) Giơ-dép Amtơ: Lời phán quyết từ Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, H,1985, trang 88.
(7) Dẫn theo Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Tập II, NXB Quân đội nhân dân, H, 1983, trang 10.
(8)(9) Hồ Chí Minh Tuyển tập, Tập 2, NXB Quân đội nhân dân, H 1980, trang 311.
(10) Dẫn theo Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 2, NXB Quân đội nhân dân, H, 1994, trang 176.
(11)(12) Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn và quê hương Nam Định, NXB Quân đội nhân dân, H, 2000, trang 333.
(12)(13)(14)(15)(16) Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn… Sđd, trang 333, 334.