Lời BBT: Vừa qua, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức tổng kết, trao giải Cuộc thi viết kỷ niệm sâu sắc 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban Biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng xin trân trọng đăng tải bài dự thi đạt giải Nhất của nhóm tác giả Matveychuk, Sidelnikov, Gribunov, Thượng tá Bùi Thị Thu Nga (Cơ quan Văn phòng).

 

 bai giai nhat 1
Ngày 02 tháng 9 năm 2019 đánh dấu mốc 50 năm thực hiện công tác y sinh phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

bai giai nhat 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam vào Lăng viếng lãnh tụ Lênin tại Moscow, trong dịp Đoàn sang dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười Nga vào năm 1957. Ảnh internet

Quá trình 50 năm thực hiện nhiệm vụ đã chứng minh sự đúng đắn, sáng suốt trong quyết định giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tới nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đó là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu nhằm giữ vững ổn định đất nước. Lãnh đạo Nhà nước Liên Xô cũng nhận rõ tầm quan trọng của vấn đề này. Theo quyết định của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học xuất sắc của Liên Xô, các chuyên gia đầu ngành của Viện Nghiên cứu thi hài thuộc Lăng V.I.Lênin đã sang giúp Việt Nam thực hiện công tác ướp bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người. Mọi sự giúp đỡ đều là viện trợ không hoàn lại của Nhà nước Liên Xô dành cho nhân dân Việt Nam. Thời kỳ đó, Việt Nam đang tiến hành cuộc chiến tranh gian khổ chống đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn. Giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn quân và của toàn thể nhân dân Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với vị lãnh tụ kính yêu, người đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ của thực dân phong kiến, đánh đuổi đế quốc xâm lược, thống nhất hai miền Nam - Bắc, được UNESCO vinh danh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất”.

bai giai nhat 3 
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Phó Chủ tịch nước, đồng chí Trần Quốc Hoàn
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm việc với chuyên gia y tế Liên Xô sau khi Bác qua đời. Ảnh tư liệu.

Thành tựu của công tác khoa học - thực hành có được như hôm nay phần lớn là từ quyết định đúng đắn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã giao cho Bộ Quốc phòng Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này ngay từ ngày đầu. Bộ Quốc phòng đã huy động tập trung nhiều cán bộ y tế và kỹ thuật có trình độ cao. Điều đó bảo đảm cho công việc được thực hiện nhanh chóng, chính xác, phối hợp nhịp nhàng giữa công tác y tế và kỹ thuật, cả trong thời chiến và thời bình. Hiện nay, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt nhất nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng và Nhà nước giao, giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau nhiều năm hợp tác, chúng tôi không thể nào quên những khó khăn của thời kỳ đầu thực hiện công tác ướp bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc bảo đảm an toàn thi hài, thực hiện công tác y sinh giữ gìn thi hài trong những năm tháng chiến tranh chống đế quốc Mỹ và giai đoạn tiếp theo sau khánh thành Lăng của Người năm 1975.    

Năm 1992 đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong hợp tác khoa học và kỹ thuật giữa Việt Nam và Liên Xô, vào thời điểm đó mọi thỏa thuận giữa hai chính phủ Liên Xô và Việt Nam không còn hiệu lực. Tình hình đó đòi hỏi cần phải chuyển sang một hình thức hợp tác mới phù hợp, đó là thỏa thuận quan hệ hợp tác trực tiếp giữa hai cơ quan nhà nước là Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga. Đây là ý tưởng táo bạo do các Viện sĩ Debov S.S., Bưkov V.A. và đồng chí Nguyễn Quang Tấn, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng đề xuất, được Lãnh đạo Nhà nước Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga ủng hộ, ra quyết sách hợp lý. Ý tưởng này được thực hiện thành công trong những năm tiếp theo. Quá trình gần 30 năm hợp tác trực tiếp đã cho thấy sự chuyển đổi hình thức hợp tác là đúng đắn và rất hiệu quả.

bai giai nhat 4
Lễ ký văn bản hợp tác phối hợp pha chế dung dịch đặc biệt giữa Ban Quản lý Lăng và Trung tâm nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va (Mát-xcơ-va ngày 04-6-2003).

Hình thức quan hệ hợp tác trực tiếp từ năm 1992, đã tạo cơ sở cho việc đào tạo cán bộ y tế Việt Nam trong lĩnh vực ướp bảo quản, tại Trung tâm Nghiên cứu y sinh Matxcơva. Những năm tiếp theo, nhu cầu đào tạo các chuyên gia y tế có trình độ chuyên môn cao, cùng thực hiện các nghiên cứu khoa học về các vấn đề thuộc lĩnh vực ướp bảo quản thi hài tăng lên. Trong tình hình mới, năm 1994, theo tư vấn của các chuyên gia Nga, đã thành lập cơ sở nghiên cứu khoa học - Viện 69 thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Viện 69 được trang bị các thiết bị nghiên cứu khoa học hiện đại cùng với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, những người đã được nghiên cứu, học tập khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu y sinh Matxcơva. Viện 69 được thành lập (ra đời) tạo điều kiện cho các chuyên gia Việt Nam tự chủ trong giải quyết các nhiệm vụ được giao.

Năm 1995 cũng được coi là giai đoạn quan trọng của hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga FSBSI VILAR, khởi đầu hợp tác trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác về khoa học và y tế - kỹ thuật 5 năm về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó đáng chú ý là bản Thỏa thuận về hợp tác giai đoạn 1996  - 2000 ký vào tháng 5 năm 1995. Bản Thỏa thuận nêu rõ, trên cơ sở hoàn thành việc đào tạo các chuyên gia y tế Việt Nam về các kỹ năng thực hành cơ bản chăm sóc thi hài ướp bảo quản. Trung tâm Nghiên cứu y sinh Matxcơva đã bàn giao nhiệm vụ, trách nhiệm giữ gìn thi hài và làm thuốc thường xuyên thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lăng cho Ban Quản lý Lăng. Từ tháng 5 năm 1995, các chuyên gia Việt Nam bắt đầu đảm nhiệm công tác làm thuốc y tế định kỳ hàng ngày, hàng tuần, hàng năm và công tác y tế - kỹ thuật, có sự tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia FSBSI VILAR.  

Những năm tiếp theo, các đề tài hợp tác nghiên cứu được tiếp tục thực hiện trong khuôn khổ của Thỏa thuận về hợp tác khoa học và y tế - kỹ thuật giai đoạn 2011 – 2015, ký vào tháng 5 năm 2010. Bản Thỏa thuận tập trung vấn đề hợp tác nhằm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn cứ vào kết luận và tư vấn của Hội đồng Khoa học liên Chính phủ Việt - Nga, các năm 2004, 2009, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các chuyên gia y tế Việt Nam và Liên bang Nga, định hướng hợp tác nghiên cứu tiếp theo.

bai giai nhat 5
Chuyên gia y tế Liên bang Nga cùng cán bộ, bác sĩ Việt Nam tiến hành pha chế dung dịch đặc biệt lần đầu tiên tại Việt Nam tháng 3/2004

bai giai nhat 0
Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng làm việc với Trung tâm nghiên cứu Y sinh Matxcơva

bai giai nhat 6
Đoàn Lãnh đạo của Ban Quản lý Lăng làm việc cùng chuyên gia Nga tại Matxcơva.

Một hình thức hợp tác đặc biệt được thực hiện là tổ chức và đồng chủ trì các hội nghị khoa học. Năm 1994, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị khoa học đầu tiên nhân tổng kết 25 năm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hội nghị tương tự đã được tổ chức tại Hà Nội vào các năm 1999, 2004 và 2009. Năm 2014, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Matxcơva đã tổ chức trọng thể Hội nghị tổng kết 45 năm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong những năm gần đây đã tiến hành một nội dung hợp tác nghiên cứu hết sức quan trọng. Năm 2013, lãnh đạo phía Việt Nam quyết định triển khai dự án công nghệ sản xuất sản phẩm đặc biệt phục vụ công tác y tế tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ yêu cầu nhiệm vụ, FSBSI VILAR được mời tham gia với tư cách là tổ chức giám định sản phẩm. Kinh nghiệm của các chuyên gia Nga đã mang lại hiệu quả cao trong công tác giám định.

bai giai nhat 7
Các chuyên gia y tế Liên bang Nga chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Ban Quản lý Lăng
và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết 40 năm giữ gìn lâu dài bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh
(1969 - 2009).

bai giai nhat 8
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) chụp ảnh cùng các đại biểu dự Hội nghị tổng kết 20 năm hợp tác giữa Ban Quản lý Lăng và Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mátxcơva.

bai giai nhat 9
Lễ ký kết văn bản kết thúc tu bổ năm 2017.

Trải qua nhiều dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa hai bên, chúng ta không thể không nhắc đến hai cuộc gặp lịch sử của thập niên 2000. Trước hết, đó là cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang vào tháng 7 năm 2012 tại Matxcơva. Trong buổi gặp mặt, hai bên đã đề cập đến vấn đề hợp tác nhằm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai bên đánh giá cao những kết quả đạt được và thống nhất cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác. Sau đó, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã gặp lãnh đạo FSBSI VILAR và lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch đã định hướng cho hợp tác tiếp theo, cụ thể là:

- Trước hết, xác định nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là ưu tiên hàng đầu, tranh thủ kinh nghiệm công tác lâu năm của các chuyên gia y tế Nga và Việt Nam;

- Thứ hai, tiến hành giám định các sản phẩm y tế đặc biệt để phục vụ triển khai công nghệ sản xuất các sản phẩm đặc biệt đó tại Việt Nam;

- Cuối cùng là nhiệm vụ, dường như không trong khuôn khổ các vấn đề hợp tác. Chủ tịch đề cập đến một vấn đề rất quan trọng và hữu ích, không chỉ với các lĩnh vực hoạt động khác nhau của Việt Nam, mà còn giải quyết nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đặc thù. Đó là hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, bao gồm các phương pháp công nghệ sinh học hiện đại để nghiên cứu các vấn đề giữ gìn cấu trúc sinh học và thi thể ướp, những vấn đề có thể mang lại hiệu quả nhằm giải quyết nhiệm vụ chính là giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

bai giai nhat 10
Tổ công tác Chính phủ của Ban Quản lý Lăng làm việc với Lãnh đạo FSBSI VILAR.

Buổi gặp mặt thứ hai vào ngày 29 tháng 6 năm 2017 tại khách sạn President, Matxcơva, sau khi diễn ra cuộc tiếp kiến của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang với Tổng thống Nga Vlardimir Putin tại Điện Kremlin. Trong buổi gặp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Giám đốc FSBSI VILAR Sidelnikov Nikolai Ivanovich đã thảo luận về các vấn đề hợp tác giữa FSBSI VILAR và Ban Quản lý Lăng, cũng như với Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam về trồng cây dược liệu và chế tạo các loại thảo dược. Kết quả làm việc đã đạt được thỏa thuận về việc chuẩn bị đề xuất nhằm phát triển tích cực các hướng hợp tác đó.

Năm 2019 là một dấu mốc vô cùng đặc biệt - tròn 80 năm thành lập Viện nghiên cứu thi hài (NIL) thuộc Lăng V.I.Lênin (nay là Trung tâm Nghiên cứu y sinh NIC BMT thuộc FSBSI VILAR), với nhiệm vụ chính là giữ gìn thi hài V.I.Lênin, người sáng lập Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới trong 95 năm qua. Qua nhiều thập kỷ, NIC BMT đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, đã cùng với các chuyên gia kỹ thuật của Lăng VI.Lênin xây dựng công nghệ ướp bảo quản. Qua thời gian, công nghệ ướp bảo quản đã được khẳng định và được sử dụng để phục vụ nhiệm vụ đặc biệt tại Hà Nội theo đề nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với lãnh đạo Nhà nước Liên Xô.

bai giai nhat 11

bai giai nhat 12
Hội nghị nghiệm thu Dự án VN01.

Theo tuyên bố của Tổng thống Nga và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hiện nay hợp tác chiến lược giữa hai nước Liên bang Nga và Việt Nam được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác khoa học tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam đã có sự đóng góp giúp đỡ đáng kể. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vasilievich Vnukov trong các buổi làm việc với lãnh đạo của Ban Quản lý Lăng cũng luôn khẳng định như vậy.

bai giai nhat 13
Lễ chuyển giao tài liệu của Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam về việc trợ giúp kỹ thuật cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) những năm 1970 - 1971 trong việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhìn lại chặng đường 50 năm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi rất tiếc vì nhiều chuyên gia Nga và Việt Nam, những người từng tham gia ướp bảo quản thi hài ở Việt Nam hiện nay đã mất, một số chuyên gia đã nghỉ làm việc sau thời gian cống hiến xứng đáng. Tuy nhiên, vẫn còn những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm hiện đang công tác, tiếp tục thực hiện công việc cao cả và trọng trách giữ gìn thi hài. Chúng tôi coi đây là một nghĩa vụ thiêng liêng để bày tỏ lòng biết ơn đối với các thế hệ chuyên gia đi trước.

bai giai nhat 14
Lãnh đạo Ban quản lý Lăng trao Huy hiệu Bác Hồ tặng các chuyên gia Nga nhân dịp kỷ niệm 45 năm thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối
an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuyên Văn.

Hàng triệu người trên khắp hành tinh cảm nhận được niềm vinh dự khi vào  Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghiêng mình trước một con người vĩ đại, người đã cống hiến cả cuộc đời mình để phục vụ Tổ quốc, mang lại tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam. Đến thăm Lăng, chúng tôi không chỉ lưu giữ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn để bày tỏ lòng kính trọng trước ý chí bất khuất và lòng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để hàng triệu khách tham quan được viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến công việc thầm lặng, bền bỉ và thành công trong công tác nghiên cứu khoa học - thực hành của các chuyên gia Việt Nam và chuyên gia Nga. Không phải ngẫu nhiên có ý cho rằng, để giúp bệnh nhân lấy lại sức khỏe cần phải có sự chuyên nghiệp của bác sĩ, còn để giữ gìn thi hài của người đã khuất trong thời gian dài là cả một nghệ thuật...

Sidelnikov N.I., Matveychuk I.V., Gribunov Yu.P.

Bùi Thị Thu Nga

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: