Ngày 22-12-1944 đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta như một mốc son rực rỡ. Tại khu rừng Trần Hưng Ðạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Trung ương Ðảng, trịnh trọng công bố Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.
Ðược Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, được nhân dân đùm bọc tin yêu, hơn 70 năm qua, Quân đội ta đã trưởng thành nhanh chóng, phát triển vượt bậc, cùng với toàn dân đánh thắng mọi kẻ thù hung bạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, lập nên những chiến công hiển hách, từ chiến thắng trận đầu Phay Khắt, Nà Ngần đến Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành độc lập dân tộc; đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, chấm dứt chế độ thực dân kiểu cũ; tiếp đến cuộc trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược với đại thắng mùa Xuân năm 1975, chấm dứt chế độ xâm lược kéo dài của Mỹ, trở thành Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, dù khó khăn gian khổ, dù phải chịu hy sinh cả máu xương nhưng Quân đội ta đều một lòng, một dạ trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Ðảng và nhân dân, luôn xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Quân đội ta trung với Ðảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; được nhân dân tin yêu trao tặng danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Ngày nay, thực hiện đường lối đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, trong những năm qua, quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội ta đã cùng toàn dân giữ vững độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, tham gia cứu hộ, cứu nạn…; đồng thời xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao.
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vinh dự được Đảng, Nhà nước, nhân dân, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao thực hiện nhiệm vụ “giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Trải qua gần 50 năm giữ gìn lâu dài thi hài Bác (tháng 9/1969), gần 45 năm mở cửa Lăng (29/8/1975), Bộ Tư lệnh Lăng đã đón tiếp, phục vụ tận tình, chu đáo hàng chục triệu đồng bào và khách quốc tế về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, Bộ đội Bảo vệ Lăng đã không ngừng giữ vững, phát huy và góp phần làm lan tỏa hình ảnh, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” bên Lăng Bác: “Trung thành, tận tụy, sáng tạo, khoa học”. Đây là sự kế thừa, phát huy, cụ thể hóa những giá trị đặc trưng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - “Trung với Đảng, Trung với Nước, hiếu với Dân”. Đối với bộ đội Bảo vệ Lăng, đó là lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, thực hiện nghiêm túc, triệt để các chủ trương, quyết định của Đảng, Nhà nước và tình cảm thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta về giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lòng trung thành của Bộ đội Bảo vệ Lăng còn được biểu hiện ở phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng, ý chí trách nhiệm chính trị cao, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, tận tụy, chu đáo với công việc. Đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn, gian khổ, mang tính bước ngoặt thì phẩm chất ấy lại càng được thể hiện sâu sắc. Mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ khi được giao nhiệm vụ không so bì tính toán thiệt hơn, luôn chịu đựng hy sinh, toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ bằng trách nhiệm, tình cảm cao nhất với Bác kính yêu.
Gần 45 năm qua, kể từ ngày mở cửa Lăng (29/8/1975) đến nay, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp 56.628.631 lượt người, trong đó có 9.524.795 lượt khách quốc tế từ hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nơi ở và làm việc của Người, tham gia các sinh hoạt chính trị, văn hóa trên Quảng trường Ba Đình và Khu Di tích K9. Từ các cụ già đến các cháu thiếu niên, nhi đồng, từ người dân đến các Nguyên thủ Quốc gia, các chính khách quốc tế đến Lăng Bác,… đều có ấn tượng, tình cảm tốt đẹp về các nghi lễ đón tiếp, sự phục vụ ân cần, chu đáo, trọng thị của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hình ảnh Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng in đậm, khắc sâu trong tâm trí nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Bất kỳ thời điểm nào trong ngày, không kể gió mưa, nắng nóng, mỗi khi đi trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, mọi người luôn nhận thấy hình ảnh người chiến sỹ cận vệ bên Lăng Bác, nghiêm trang nhưng gần gũi, thân thương. Đó chính là những hình ảnh thể hiện danh dự, sự tôn nghiêm, lòng tự hào tự tôn dân tộc mỗi khi bản nhạc Quốc ca hùng tráng vang vọng cùng với lá Quốc kỳ được kéo lên tung bay trên Quảng trường Ba Đình; đồng thời còn là niềm vinh dự tự hào lớn lao, thể hiện sự tin cậy của Đảng, nhân dân đối với Bộ độ Cụ Hồ nói chung và Bộ đội Bảo vệ Lăng nói riêng.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của cách mạng, nhiệm vụ của quân đội và nhiệm vụ chính trị của đơn vị, trong bối cảnh luôn luôn biến động, thay đổi của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, để giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phải thường xuyên nỗ lực rèn luyện, phấn đấu theo tiêu chuẩn, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Hiện nay, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã ban hành những tiêu chí rất cụ thể về chuẩn mực của Bộ đội Bảo vệ Lăng. Mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ bên Lăng Bác Hồ phải là những người đi đầu trong học tập và làm theo phong cách của Bác Hồ; thật sự mẫu mực: Mẫu mực trong tư duy suy nghĩ, lời nói phát ngôn và hành động việc làm. Từ đó tuyên truyền làm lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong đảng bộ và đơn vị, đến với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội đã tin cậy giao cho: “Giữ yên giấc ngủ của Người”, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới./.
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm
Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng