Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Người là hiện thân của sự kết tinh những giá trị đạo đức, văn hoá cao đẹp nhất của dân tộc Việt Nam, luôn tỏa sáng trong mọi thời đại. “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch – người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta...” Cuộc đời của Người thật trong sáng và đẹp đẽ. Đẹp từ tuổi ấu thơ cho đến phút cuối cùng; đẹp về trí tuệ, về đạo đức, về phong cách; đẹp từ việc nhỏ đến việc lớn; đẹp trong quá khứ, trong hiện tại và sáng mãi trong tương lai.
Sinh hoạt chính trị Cầu truyền hình trực tiếp tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề
“Hồ Chí Minh cả một đời vì nước vì dân”
Hồ Chí Minh đã nâng Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng một Việt Nam truyền thống lên thành một Việt Nam hiện đại phù hợp với tinh thần chung của thời đại, bắt kịp với xu thế chung của lịch sử nhân loại thế kỷ XX, định hướng đưa đất nước tiến vào thế kỷ XXI. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã đi vào cuộc sống, đã đi vào văn hoá, đã trở thành những giá trị văn hoá bền vững không phải chỉ của riêng dân tộc Việt Nam mà còn là tài sản chung của nhân loại trên con đường đi tới một nền văn hoá của tương lai. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp Quốc (UNESCO) đã tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất.
Ngày 2/9/1969, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn, Bộ Chính trị đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Công trình Lăng của Người. Đây cũng là quyết định mang tính lịch sử, có ý nghĩa chính trị vô cùng quan trọng bởi nó không chỉ xuất phát từ truyền thống uống nước nhớ nguồn mà nó còn liên quan tới cả thể chế chính trị, tương lai con đường cách mạng “độc lập dân tộc gắn liền với CNXH” mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn và dày công xây dựng, giữ gìn, vun đắp. Giữ gìn tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp cách mạng của Người mãi mãi là một di sản vô giá tồn tại cùng non sông đất nước, sống mãi cùng dân tộc và nhân loại là nghĩa vụ, trách nhiệm, niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng căn dặn: “… Mong rằng ngày nay trong thời bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế chúng ta sẽ lập được nhiều kỳ tích, nhiều chiến công, chiến thắng như Điện Biên Phủ…”
Tiết mục văn nghệ của Đoàn 195 tham gia Đêm hội Âm vang Điện Biên)
Nếu như: “9 năm là một Điện Biên, lên vành hoa đỏ, lên thiên sử vàng”, chiến thắng Điên Biên phủ là sự thể hiện tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường trong cung cấp vận chuyển lương thảo và tính tự chủ, chủ động, sáng tạo không phụ thuộc vào chuyên gia Trung Quốc trong việc đề ra đường lối, thay đổi chiến thuật từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” phù hợp với điều kiện thực tiễn tình hình, do vậy chỉ sau 56 ngày đêm chiến đấu chúng ta đã giành thắng lợi hoàn toàn lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Thì, gần 40 năm xây dựng, trưởng thành của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc áp dụng thành tựu khoa học hiện đại vào việc giữ gìn bảo quản thành công thi hài Bác trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, gió mùa thực sự là một kỳ tích nổi bật của Việt Nam nói riêng và của Châu Á nói chung. Đây chính là phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, sự tiếp bước các chiến sĩ Điện Biên năm xưa tiến lên giành 3 nhất trong thời bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã không ngừng phát huy truyền thống cách mạng của Quân đội, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo trong thực hiện việc pha chế dung dịch làm thuốc cho Bác, trong quản lý vận hành hệ thống máy móc kỹ thuật bảo đảm thông số kỹ thuật nhiệt độ, độ ẩm, môi trường, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đặc biệt “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nhất là trong 23 năm qua kể từ khi Liên Xô tan rã (1991) khi không còn có sự giúp đỡ trực tiếp của các chuyên gia Nga. Trong các Hội nghị khoa học tổng kết 20 năm, 30 năm, 40 năm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh các nhà khoa học của Nga và các Bác sĩ của ta đều khẳng định: “Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được giữ gìn chăm sóc, bảo quản tốt. Những nét đặc trưng như lúc sinh thời của Người vẫn giữ được nguyên vẹn…”.
45 năm đã trôi qua, kể từ ngày Bác đi xa, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin tưởng giao phó.Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang, tự hào của mình: “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”. Đây cũng là minh chứng cho những chiến công, kỳ tích, tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ trong thời đại mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như mong mỏi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời.
Nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về niềm vinh dự, tự hào khi được thay mặt cho toàn quân thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt “Giữ yên giấc ngủ cho Người” và bề dày truyền thống vẻ vang của đơn vị, mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quyết tâm phấn đấu thi đua quyết thắng như tinh thần Điện Biên Phủ, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ chính trị và xây dựng đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng tốt, mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, nhân công cho đơn vị. Ghi nhận những cố gắng trong các phong trào thi đua ái quốc, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý trong đó có danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong thực hiện nhiệm vụ đón tiếp - tuyên truyền ở Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2014), GS.Rob Hurle (Đại học Quốc gia Austraulia) nhấn mạnh khía cạnh kháng chiến toàn dân, tính chất chính trị của cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến thắng Điện Biên Phủ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu phát triển công tác tuyên truyền từ đầu những năm 1940 và đã dạy, đào tạo cán bộ cách thức, kỹ năng sử dụng hình ảnh có ý nghĩa đối với người xem, làm cho tài liệu tuyên truyền sinh động, có ý nghĩa văn hóa, đã truyền cảm, hòa vào lòng dân. Phần tài liệu tuyên truyền này là các tranh cổ động, thơ ca, bài hát… góp phần động viên, khích lệ người dân tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến chống Pháp”.
Các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua được tôn vinh tại Chương trình kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 124 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Mỗi năm, Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình đón tiếp hàng triệu lượt người dân trong nước và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan công trình Lăng, Nhà sàn Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Khu Di tích K9. Về Lăng viếng Bác và thăm quan các di tích về Người đã trở thành một truyền thống, phong tục, tập quán bởi bất cứ ai đặt chân đến Thủ đô Hà Nội đều muốn đến viếng Bác, tham quan những địa danh này. Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình là một nơi nhạy cảm về chính trị, do vậy làm tốt công tác Đón tiếp, tuyên truyền tức là góp phần thực hiện tốt chỉ thị 03 của Bộ Chính trị tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đón tiếp, tuyên truyền là phải làm sao cho hình ảnh, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa sâu rộng trong lòng nhân dân và bầu bạn quốc tế. Mỗi người dân và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan các di tích về Người đều cảm thấy như được trở về chính ngôi nhà của mình, thật gần gũi, thân thương, giản dị; được chiêm ngưỡng, tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với Người, nguyện quyết tâm đi theo con đường mà Người đã lựa chọn... Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình đã vượt qua mọi khó khăn của cả khách quan và chủ quan, của mặt trái nền kinh tế thị trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ đón tiếp nhân dân trong nước và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan các di tích về Người với thái độ văn minh lịch sự, an toàn chu đáo, tạo được ấn tượng và tình cảm tốt đẹp cho khách đến viếng thăm.
Nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình được lãnh đạo, chỉ huy các cấp quan tâm, tập trung đầu tư cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho việc thực hiện. Cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường vườn hoa cây cảnh được củng cố, đổi mới khang trang, sạch đẹp. Một hệ thống màn hình LED tuyên truyền những bộ phim tư liệu về Bác, sơ đồ hướng dẫn chỉ đường được lắp đặt tại các vị trí công cộng. Bên cạnh đó, hệ thống loa âm thanh được bố trí xung quanh khu vực Lăng, trên Quảng trường Ba Đình, khu vực tập kết, tuyên truyền những ca khúc cách mạng, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, phục vụ khách đến tham quan cả trong và ngoài giờ viếng theo quy định. Ngoài ra, các đơn vị trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình đều có phòng chiếu phim được trang bị hiện đại, phim tư liệu về Bác Hồ được dịch ra nhiều thứ tiếng, phục vụ cả nhân dân trong nước và khách quốc tế đến viếng thăm. Các hình thức sinh hoạt chính trị đa dạng, phong phú như: Lễ báo công dâng Bác, lễ kết nạp Đội, lễ rước đuốc lấy lửa truyền thống, cầu truyền hình trực tiếp các sự kiện lớn… đã làm cho hình ảnh về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lan tỏa sâu rộng, góp phần bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ về đạo đức cách mạng, lý tưởng sống. Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình thực sự là điểm đến, điểm hẹn văn hóa thu hút khách du lịch đến thăm quan mỗi dịp đến Thủ đô Hà Nội./.
Bùi Công Uẩn