Từ buổi sáng ngày Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29-8-1975), đoàn người đứng chật Quảng trường Ba Đình lặng lẽ trước Người trong một niềm xúc động vô hạn, đến nay đã 40 năm trôi qua, bao thế hệ kế tiếp nối vào dòng người vẫn đến bên anh linh của Người. Ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, kể cả những ngày lễ, Tết, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng vẫn tận tụy với công việc của mình, làm tốt công tác phối hợp hiệp đồng với các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình và các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đón tiếp chu đáo đồng bào trong nước và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác. Để làm tốt công việc của mình, những người làm việc ở đây đang ngày ngày làm những công việc thầm lặng với một tình cảm đặc biệt dành cho Bác.
Dòng người vào Lăng viếng Bác trong sáng ngày 19 tháng 5
Đứng trên Quảng trường Ba Đình những ngày tháng 5 này, chúng ta ai cũng nhận thấy tình cảm thiêng liêng, tình thương bao la của Bác Hồ bao trùm khắp không gian. Tình cảm đó thấm vào từng trái tim mỗi người con đất Việt và những du khách nước ngoài khi về Lăng viếng Bác đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Người.
Đúng 6 giờ sáng, những chiến sĩ tiêu binh của Trung đoàn 275 đổi phiên gác đầu tiên trong ngày và cũng là lúc bắt đầu nghi lễ Chào cờ trước Lăng. Trời mùa Hè đầy gió và tràn ngập những tia nắng sớm, Quảng trường Ba Đình đông nghẹt người, họ là những người ở khắp mọi miền Tổ quốc, có cả người nước ngoài đến sớm để được tận mắt chứng kiến Lễ chào cờ ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đám đông, các chiến sĩ bảo vệ an ninh của Trung đoàn 375 vẫn nêu cao cảnh giác và thực hiện nhiệm vụ của mình.
Buổi Chào cờ đầu tiên mở đầu cho một nghi lễ thường nhật diễn ra từ 6 giờ ngày 19-5-2001.Từ đó đến nay, mưa gió cũng như giá rét, Lễ chào cờ vẫn được tiến hành đúng thời gian và nghi thức quy đinh. Chứng kiến buổi Lễ Chào cờ trước Lăng Bác của các chiến sỹ tiêu binh, mới thấy hết không khí trang nghiêm mà cảm động về một nghi thức Quốc gia của những người lính canh giấc ngủ cho Người. Đúng 6 giờ, những giai điệu của bài Quốc Ca vang lên, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên cùng giai điệu của bài ca hào hùng. Hình ảnh hào hùng ấy đã để lại bao dấu ấn khó quên trong tâm trí biết bao người. Trong suốt 12 phút diễn ra Lễ Chào cờ, mọi hoạt động ở Quảng trường Ba Đình đều dừng lại, dừng lại để cảm nhận giá trị của độc lập, tự do, của niềm tự hào dân tộc và để hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Trong những giờ phút thiêng liêng như thế, từ người già đến trẻ nhỏ, những người dù khác nhau về lối sống, trình độ... đều nghiêm trang hướng về lá cờ Tổ quốc với tấm lòng thành kính và niềm xúc động. Đồng chí Thượng tá Lê Văn Bẩy, Đoàn phó Đoàn 275, tâm sự: "Suốt hơn 30 năm làm việc ở đây, tôi và các đồng đội luôn cảm thấy vô cùng tự hào và vinh dự khi là người cận vệ bên Lăng Bác Hồ. Chính những cảm xúc này đã xóa tan đi những khó khăn trong khi thực hiện nhiệm vụ ".
7 giờ 30 phút, ở cổng 17 Ngọc Hà, những đoàn khách đầu tiên đã đứng xếp hàng vào Lăng, những người dân đất Việt đến từ mọi miền của Tổ quốc không giấu nổi những nét mặt mệt mỏi sau chặng đường dài để đến với Người. Đây cũng là lúc bắt đầu công việc của những nhân viên an ninh và những người làm nhiệm vụ đón tiếp. Họ là những người đã gắn bó với công việc này nhiều năm nhưng vẫn luôn giữ được sự nhiệt tình và tấm lòng tận tuỵ.
Anh Phạm Kiên Cường,cán bộ Đội viếng Ban Tham mưu,Trung đoàn 375, người đã gắn bó với công việc đón tiếp tại Lăng suốt 29 năm qua không giấu nổi niềm xúc động khi được hỏi về công việc và những kỷ niệm trong suốt những năm qua. Anh vẫn nói rằng mình chưa bao giờ cảm thấy công việc của mình là vất vả và khó khăn cả, chỉ thấy niềm vui, niềm vinh dự và trách nhiệm. Anh quan niệm công việc của mình tuy rất bình thường nhưng lại là đại diện cho nhân dân Việt Nam, thay mặt Bác đón tiếp khách vào thăm Người. Những ngày này, những người như các anh, các chị phải làm việc với cường độ cao khi mỗi ngày phải đón rất nhiều đoàn khách và nhân dân nhưng dường như mọi sự mệt mỏi bị xoá tan khi thấy được sự háo hức và những nụ cười của những người về Lăng viếng Bác. Anh nhớ lại những ấn tượng khó quên: "Tôi còn nhớ mãi câu nói của một cụ già đến viếng Bác: "Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, chỉ cần đến thăm Bác một lần rồi về chết cũng được". Anh cho biết dường như không có sự khác biệt nào giữa những người đến viếng Bác là người trong nước hoặc nước ngoài cả. Tất cả đều tỏ thái độ thành kính, ngưỡng mộ và cảm động khi đến với Người.Có những người vào Lăng đến 2 lần/ngày. Anh kể câu chuyện về anh Nguyễn Trường Giang, doanh nhân ở phường 8, quận Bình Thạnh (TPHCM): "Tôi ra Hà Nội đã nhiều lần nhưng chưa lần nào có dịp vào Lăng viếng Bác. Lần này tôi ra đúng dịp sinh nhật Bác mong bằng mọi giá được dâng những đoá hoa thơm ngát lên Người". Anh xúc động tâm sự: "Tình cảm của những người con miền Nam với Bác Hồ rất đằm thắm, thiết tha. Ở miền Nam chúng tôi luôn hướng về Hà Nội, bởi vì Hà Nội có Bác Hồ..." Cảm động nhất là hình ảnh các cụ già tóc bạc da mồi, có cụ tay phải vịn vào con cháu mà mắt ngước rưng rưng. Cụ Nguyễn Thị Huê, 76 tuổi ở thị xã Bắc Ninh còn nặng lòng: "Đây là chuyến đi dối già của tôi! Con cháu tôi nó gàn, nhưng tôi đã định đi là đi, cho thoả tâm nguyện... Chỉ ở gần Bác thôi cũng thấy thật nhẹ nhàng".
Cán bộ Đội viếng Trung đoàn 375 dẫn đoàn khách vào Lăng viếng Bác
Tháng 5, trời đã bắt đầu nắng gắt, nhưng hàng dài người vẫn nhích từng bước, mồ hôi chảy dài trên từng khuôn mặt vậy mà không có thấy một lời kêu ca. Mong ước được gặp Bác và cái không khí trang nghiêm trên đường vào Lăng đã xua đi tất cả mọi mệt nhọc. Trong đoàn người dài tưởng như bất tận đó, có cả những người tàn tật, dù không tự đi được bằng đôi chân của mình nhưng vẫn muốn đến với Người trên chiếc xe lăn.
Anh Trần Tiên Long, Trợ lý Ban Đón tiếp, Văn phòng Ban Quản lý Lăng nhớ lại: Năm 2001, sau một ngày đón tiếp vất vả, một lần anh chị em trong Ban đón tiếp nhận được một cuộc điện thoại: “Tôi là Nguyễn Ngọc Hưng, 40 tuổi, từ thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, lần đầu tiên được ra thăm Thủ đô Hà Nội. Tôi muốn dành giây phút đầu khi đến Hà Nội được vào Lăng viếng Bác. Tôi tha thiết mong các anh chị chấp nhận nguyện vọng của tôi”.
Nhân viên Ban Đón tiếp phục vụ tiếp đón các đoàn đại biểu tại Nhà khách số 8 Hùng Vương
Những cuộc điện thoại như thế này đã quá quen từng ngày, thậm chí là từng giờ với anh chị em ở Ban đón tiếp. Sáng ngày hôm sau, người khách tên Hưng đã có mặt. Đi bên cạnh anh có đến 4 người khiêng anh từ trên xe ô tô xuống. Đó là một người tàn tật, toàn cơ thể phân liệt không thể vận động được trừ mỗi cái đầu có thể lúc lắc, có thể nói, giao tiếp minh mẫn như một người bình thường. Và gương mặt này anh chị em nhận ra ngay: Từng xuất hiện trên VTV3 của Đài truyền hình Việt Nam, dù bị tàn tật cả người như vậy, nhưng đã nỗ lực vươn lên, trở thành một giáo viên dạy Văn. Một người bạn thân đã cho anh ở nhờ nhà và giúp anh đến trường mỗi ngày. Hưng làm thơ rất hay. Đây không phải là lần đầu tiên Ban đón tiếp gặp khách viếng Bác là người tàn tật. Thậm chí có đợt như Para Games lần 2 năm 2003, chúng tôi đã dành cả ngày để đón những đoàn khách đi trên xe lăn vào viếng Bác. Cũng có nhiều lần, chúng tôi từng đón tiếp một đoàn khách là những người mù nhưng vẫn khát khao được nhìn Bác dù chỉ trong tâm tưởng. Nhưng trường hợp như Hưng thì quá đặc biệt: Hưng không thể ngồi được trên xe lăn vì bị liệt cả người. Anh chị em trong Ban đã phải dùng một chiếc cáng để đưa Hưng vào viếng. Vào cửa Lăng, 4 đồng chí chiến sĩ tiêu binh của Đoàn 275, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng sẵn sàng chờ Hưng. Anh ngoái nhìn Bác trong hòm kính như không thể rời được đôi mắt. Khi viếng xong, Hưng khóc: “Có những lúc, tôi nghĩ tôi sống như một người thừa. Và những lúc như vậy, tôi lại hình dung ra Bác Hồ trong những câu thơ mà tôi đã mê từ nhỏ, và những chân lý của Người về quyền sống, quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc, tôi lại nhủ mình phải sống, sống đàng hoàng, sống có niềm tin”.
Chiến sỹ Đoàn 275 giúp người khuyết tật vào Lăng viếng Bác
Chính những tình cảm thiêng liêng của đồng bào, đồng chí từ khắp mọi miền đất nước đến với Bác Hồ là phần thưởng, là sự động viên to lớn để những cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng vượt qua những khó khăn, không quản gian khó, không ngừng vươn lên học hỏi, bổ sung, hoàn thiện những kiến thức về thân thế, sự nghiệp của Người, kỹ năng truyền cảm cho đồng bào và khách quốc tế để Lăng Bác mãi mãi là điểm đến, nơi hội tụ niềm tin và tình cảm của nhân dân và bè bạn thế giới./.
Lan Hương