Trong những ngày tháng 5 đầy cảm xúc, khi cả nước hướng về Ngày sinh nhật Bác kính yêu, từng dòng người vào Lăng viếng Bác. Trong dòng người đó có những người con của xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ - nơi tự hào từng in dấu chân Người cũng hòa vào dòng người kính cẩn vào Lăng viếng Bác.
Dòng lưu niệm của đại diện Đoàn ghi trong Sổ lưu niệm
của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phú Thọ - Đất Tổ Vua Hùng
Nhắc đến Phú Thọ là nhắc đến mảnh đất của các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh và nền văn hóa dân gian đặc sắc gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước. Phú Thọ rất vinh dự và tự hào được đón Bác dừng chân trên đường ra chiến dịch và tự hào đón Bác trở về sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Sinh thời, với cương vị là Chủ tich Nước, dù bận trăm công nghìn việc Bác vẫn dành cho Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ sự quan tâm đặc biệt. Một vinh dự lớn mà Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ đã được đón Bác đến ở và làm việc trên đường Bác từ Hà Nội lên Việt Bắc cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác còn về Phú Thọ một số lần nữa để thăm các đơn vị đóng quân trên địa bàn.
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi trên đường từ Chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội, Bác đã qua đất Phú Thọ, thăm lại Đền Hùng. Ngày 19-9-1954, Bác đã gặp và nói chuyện với các cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong tại Đền Giếng. Trong buổi nói chuyện Bác căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Theo lời căn dặn của Bác, Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ đã phát huy truyền thống cách mạng, lao động sáng tạo luôn hướng về Bác kính yêu, vượt qua khó khăn đưa quê hương phát triển thỏa lòng mong ước của Người.
Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong tại Đền Giếng.
Yên Kiện - mảnh đất đã in dấu chân Bác
Quay trở lại với dòng thời gian lịch sử của 68 năm về trước, các bác cao tuổi xã Yên Kiện bồi hồi nhớ lại: Vào năm 1946, khi thực dân Pháp quay trở lại chiếm đóng Việt Nam một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Vì yêu cầu nhiệm vụ phải bí mật, Bác cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đã di chuyển dần lên Chiến khu Việt Bắc. Trong hành trình ấy, Người lên đến đất Phú Thọ vào rạng sáng ngày 4-3-1947. Sau khi dừng chân ở các xã Cổ Tiết (huyện Tam Nông), xã Chu Hòa ( huyện Lâm Thao) và vào 5 giờ chiều ngày 30-3-1947, Bác cùng Đoàn cán bộ đã về xã Yên Kiện (huyện Đoan Hùng). Bác và Đoàn cán bộ được bố trí nghỉ ở nhà cụ Nguyễn Ngọc Đa. Trong những ngày Bác ở Yên Kiện, máy bay địch hoạt động liên tục trên vùng trời nên ban ngày Bác và Đoàn công tác phải ra rừng làm việc đến tối mới về nhà nghỉ. Suốt mấy ngày ở đây, Bác đã làm việc rất nhiều. Đến ngày 01-4-1947, khi Bác và Đoàn cán bộ rời khỏi địa phương thì lúc đó nhân dân Yên Kiện mới vinh dự biết Bác đã đến xã mình.
Ông Nguyễn Hữu Vạn kể lại kỷ niệm về Bác với các bạn trẻ tại bia tưởng niệm
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo Phú Thọ
Phát huy truyền thống cách mạng, Yên Kiện luôn hướng về Bác kính yêu vượt mọi khó khăn thử thách đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã lựa chọn.Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Yên Kiện trở thành hậu phương vững chắc đóng góp sức người sức của cho các chiến dịch, chiến trường trong đó góp sức cùng quân và dân Đoan Hùng làm nên chiến thắng sông Lô lịch sử. Lời Bác dặn đã tiếp thêm sức mạnh để những người con Yên Kiện tiếp tục sản xuất và chiến đấu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Yên Kiện tự hào đã làm tròn trách nhiệm của hậu phương Miền Bắc với tiền tuyến lớn Miền Nam. Và trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã có những người con Yên Kiệt đã anh dũng ngã xuống và để lại một phần xương máu trên chiến trường.
Yên Kiện hôm nay
68 năm đã trôi qua, Yên Kiện giờ đây đã thay da đổi thịt, cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, xóm thôn ngày càng đổi mới.
Nghe theo lời Bác dạy, người dân Yên Kiện đã thay đổi cách nghĩ cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2010 đến nay, kinh tế - xã hội phát triển đáng kể, công tác phát triển giáo dục văn hóa từng bước được cải thiện. Dự kiến đến hết năm 2015, 90% đường giao thông liên khu sẽ được bê tông hóa, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%. Bác Kiều Tiến Thau (Hội Người cao tuổi Xã) tâm sự: Xã chúng tôi rất vinh dự khi được đón Bác khi Bác lên công tác vùng chiến khu, chúng tôi luôn ghi nhớ công lao của Bác đối với Đảng và nhân dân, đã đưa non sông liền một dải, để đời sống nhân dân ngày càng no ấm.
Câu chuyện của 68 năm về trước khi Bác Hồ đến Yên Kiện vẫn được các thế hệ cao tuổi như bác Kiều Tiến Thau kể lại cho con cháu với niềm tự hào vô hạn, đó như là lời nhắc nhở đến thế hệ trẻ Yên Kiện hôm nay luôn nhớ Bác, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, để xây dựng quê hương Yên Kiện ngày càng giàu mạnh hơn./.
Vân Phương