Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân là chủ và dân làm chủ. Cán bộ là đầy tớ của nhân dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền, toàn thể cán bộ và nhân dân sống, học tập và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Vận dụng lời dạy của Người về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, vấn đề thường xuyên đặt ra là tiến hành xây dựng ý thức, lối sống tuân theo pháp luật và kết hợp với giáo dục lối sống phù hợp đạo đức xã hội trong giai đoạn hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc công bố đạo luật chưa phải đã xong mà còn phải tuyên truyền, giáo dục lâu dài đến mọi người dân thì mới thực hiện tốt được”.Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng cũng đã khẳng định: “Phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục toàn dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật”. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được quan tâm và được coi là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Trong những năm qua, việc nâng cao hiểu biết về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những biện pháp hữu hiệu để thực hiện nhiệm vụ đó.
Nói đến công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là giáo dục tư tưởng chính trị, quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân, phục vụ lợi ích của giai cấp và dân tộc; thông qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm cung cấp những thông tin chân thực, những tri thức cần thiết và truyền đạt tinh thần, nội dung pháp luật giúp các đối tượng tác động hiểu rõ vấn đề, từ đó hình thành ở họ tri thức pháp luật phù hợp, hướng dẫn cho hành động tự giác chấp hành, thực thi không trái với yêu cầu của quy định pháp luật hiện hành, đồng thời giúp cho ý thức và tư tưởng của cán bộ, nhân dân được thông suốt, ủng hộ và tự nguyện tiếp nhận chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, “tâm phục, khẩu phục”, quyết tâm, tự giác thực hiện và tuyên truyền, vận động người khác cùng thực hiện. Đồng thời, qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp cho cán bộ, nhân dân có được những vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh tư tưởng để chống lại những âm mưu, thủ đoạn và hành vi thâm độc của các thế lực thù địch đang muốn tìm mọi cách phủ định chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi ngược lại con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Để đạt được điều đó, công tác tuyên truyền, giáo dục phải gắn với thực tiễn, hiểu rõ đối tượng, từng bước nâng cao nhận thức, tư tưởng, tình cảm của họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên và những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền, giáo dục phải biết cách nói của quần chúng, tùy từng đối tượng mà đòi hỏi việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách cũng phải có những nội dung, hình thức và bước đi phù hợp, gần gũi, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đặc biệt không nên tuyên truyền theo kiểu áp đặt mà phải sử dụng đa dạng các hình thức thông tin phản hồi từ cơ sở, coi trọng ý kiến của quần chúng nhân dân. Thông tin phản hồi được thu nhận qua nhiều hình thức như: Toạ đàm, đối thoại, trao đổi, phê bình, góp ý….Thông qua các hình thức đó chúng ta sẽ biết được các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước sau khi được tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, nhân dân đã phát huy tác dụng và có ảnh hưởng như thế nào, có vấn đề gì đặt ra qua kiểm nghiệm cần đổi mới, bổ sung, hoàn thiện.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân thể hiện trong mối quan hệ giữa nhiệm vụ được giao và công việc phải làm. Tức là cán bộ, công chức luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi công việc được cơ quan giao, nắm vững và thực hiện tốt đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nâng cao ý thức trách nhiệm chống các bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tư lợi. Có thể thấy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có ý nghĩa rất to lớn, góp phần nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ, làm giảm tình trạng vi phạm pháp luật khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, tạo nên ý thức tích cực, tự giác tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ.
Việc nâng cao vai trò, tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý xã hội bằng pháp luật được đặt ra một cách bức bách trong sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế, mở cửa, hội nhập quốc tế. Đi đôi với việc xây dựng trật tự, kỷ cương xã hội là việc tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi trong tư duy, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, nâng cao dân trí, hình thành thói quen, nếp sống, nếp nghĩ “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Đó là văn minh, là tiến bộ xã hội, là nền tảng xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa, con người xã hội chủ nghĩa phát triển bền vững. Để làm được điều đó, việc đưa pháp luật vào đời sống thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ tiên quyết và trọng tâm, hết sức quan trọng không chỉ giúp nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân mà hình thành những tri thức về chuẩn mực đạo đức và pháp luật, nâng cao ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm công dân, ngăn chặn các biểu hiện xâm phạm lợi ích của nhà nước và công dân, khuyến khích những hành vi hợp pháp và hợp đạo lý trong xã hội.
Nhận thấy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ trọng tâm cần được tiến hành thường xuyên, trong thời gian qua, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiện toàn Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn với mục đích triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các văn bản Luật mới được ban hành, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn của các bộ, ngành; Chương trình, kế hoạc công tác hàng năm, quy chế, quy định của Ban Quản lý Lăng như: Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm; Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Kế hoạch tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Công văn về việc tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Công văn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển; tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; phòng, chống ma túy….
Bên cạnh việc chú trọng xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Ban Quản lý Lăng đã tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa văn nghệ quần chúng; các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật ở từng lĩnh vực, từng chuyên đề cụ thể; pa-nô, áp-phích, niêm yết tại trụ sở, bảng tin, hệ thống truyền thanh nội bộ của cơ quan, đơn vị; kết hợp, lồng ghép các hoạt động kiểm tra; cuộc vận động, phong trào thi đua, hoạt động kỷ niệm lớn trong năm; các cuộc họp, gặp mặt, giao lưu; thông báo chính trị - thời sự, sinh hoạt thường xuyên, định kỳ hàng tháng, quý theo chủ đề của cơ quan, đơn vị, các tổ chức quần chúng. Trong đó đẩy mạnh hình thức tuyên truyền miệng thông qua việc tổ chức các Hội nghị tập huấn hàng năm, mời các Báo cáo viên pháp luật Trung ương thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ các cơ quan, đơn vị.
Hội nghị phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật năm 2012
Hội nghị phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật năm 2013
Toàn cảnh Hội nghị phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật năm 2015
Nhằm nâng cao hơn chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Ban Quản lý Lăng đã tích cực triển khai việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên Trang tin điện tử của cơ quan; phát huy và sử dụng có hiệu quả hệ thống truyền thanh nội bộ đơn vị; hàng năm đã kịp thời cập nhật, giới thiệu, đăng tải hơn 300 tin, bài pháp luật, gương người tốt, việc tốt để cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ thuận tiện trong việc đọc, nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ.
Các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng đã tích cực đổi mới và nâng cao hiệu quả hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật: Số lượng đầu sách pháp luật của cơ quan, đơn vị hàng năm đều được nâng lên; cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng được quan tâm hơn, các hình thức tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu sách pháp luật của cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ đa dạng hơn....Đồng thời chú trọng việc biên soạn, in ấn, cấp phát các tài liệu pháp luật bổ sung vào Tủ sách pháp luật các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh việc khai thác Tủ sách pháp luật theo phương pháp truyền thống, hầu hết các cơ quan, đơn vị trang bị máy vi tính có kết nối mạng internet cho cán bộ, công chức, viên chức phục vụ việc tra cứu, truy cập thông tin pháp luật.
Trong thời gian qua, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng trau dồi, nâng cao ý thức, trách nhiệm và trình độ của mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hàng năm, các mục tiêu, yêu cầu và nội dung chủ yếu đề ra trong Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật đều được thực hiện tốt. Các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên, công nhân viên, chiến sỹ đã nhận thức đúng và đầy đủ hơn về tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong quá trình xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, toàn diện; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân.
Vận dụng lời Bác về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Ban Quản lý Lăng đã vận dụng một trong những phương pháp tuyên truyền, giáo dục có sức thuyết phục cao chính là nêu gương người tốt, việc tốt, giáo dục bằng việc làm, hành động cụ thể, nói đi đôi với làm, thông qua người thật, việc thật, những điều “tai nghe, mắt thấy”. Theo Người: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng cuộc sống mới, con người mới”. Đây là phương pháp Ban đã rất quan tâm và thường xuyên sử dụng trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục, là động lực mạnh mẽ để cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ phấn đấu, nâng cao ý thức trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong những năm tiếp theo, các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số biện pháp cụ thể:
1. Đẩy mạnh công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra đối với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao vai trò, nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải được kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với việc xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật.
2. Bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị. Tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máycủa tổ chức pháp chế (phân công cụ thể cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác này).
3. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả và duy trì hoạt động Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Ban Quản lý Lăng và các cơ quan, đơn vị; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hướng về đơn vị nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ.
4. Phối hợp chặt chẽ và phát huy vai trò của tổ chức quần chúng: Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trong việc vận động, giáo dục quần chúng, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình tích cực nghiên cứu tìm hiểu pháp luật và tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
5. Kết hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác năm của cơ quan, đơn vị; thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
6. Gắn công tác phổ biến giáo dục pháp luật với thi đua thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo các nội dung tại Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 1973/CT-TTg ngày 07/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 907/CT-BQLL ngày 18/11/2011 của Trưởng ban Ban Quản lý Lăng về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta luôn kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm đưa đất nước ngày càng phát triển bền vững trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Thấm nhuần và vận dụng, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, hiểu biết pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ và trong đời sống xã hội; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn, đạt được những kết quả như mong muốn, góp phần xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Huyền Trang