Trong những ngày tháng 9 lịch sử, trái tim của mỗi người dân Việt Nam lại nhớ về Ngày Tết Độc lập của dân tộc, nhớ về Bác Hồ kính yêu. Người là vị lãnh tụ kính yêu đã mang đến cho dân tộc cơ hội để có nền độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Có thể nói, nhớ về Bác để mỗi người dân nêu cao tinh thần quyết tâm giữ vững nền tự do, độc lập ấy.

thang-9-nho-bac-1

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thay mặt nhân dân Việt Nam, Người trịnh trọng tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. 70 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh uy nghiêm trên Quảng trường Ba Đình vào mùa Thu năm 1945, ký ức về Ngày độc lập đầu tiên của dân tộc vẫn in đậm trong tâm trí của những ai có mặt tại Quảng trường Ba Đình lịch sử khi đó.Với thế hệ trẻ ngày nay, tuy không có cơ hội được chứng kiến tận mắt nhưng qua những câu chuyện của thế hệ trước, qua các tư liệu lịch sử còn lại, những ký ức lịch sử đó dường như vẫn còn vẹn nguyên. Và mỗi khi ngày vui Tết Độc lập, mỗi người dân Việt Nam lại bồi hồi nhớ đến Bác, vị lãnh tụ kính yêu - Người đã giành cả cuộc đời mình cho nước, cho dân.

Rồi cũng đúng ngày này 24 năm sau, vào hồi 9 giờ 47 phút, ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Người “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin” và để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân niềm tiếc thương vô hạn. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài “Bác ơi”:

"Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa"

Những lời thơ dung dị nhưng đó là tiếng lòng của nhà thơ Tố Hữu và cũng là của toàn thể dân tộc Việt Nam khi Bác Hồ đi xa. Nước mắt của cả dân tộc ta đã rơi xuống khi nghe tin Bác ra đi mãi mãi. Từ Bắc vào Nam đều chung một niềm xót xa vô bờ bến. Bằng nhiều hình thức khác nhau, nhân dân cả nước đã thể hiện tình yêu đối với Người.

thang-9-nho-bac-2
Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành ngày 9/9/1969 tại Hà Nội, đã biến thành cuộc biểu dương vĩ đại về lòng kính yêu vô hạn của nhân dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ của mình, biểu dương lòng trung thành sâu sắc của nhân dân Việt Nam đối với những lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Và từ nỗi đau đó, nhân dân ta lại càng nêu cao tinh thần cách mạng, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù, thực hiện cho kỳ được niềm mong mỏi của Bác Hồ kính yêu, đó là một ngày không xa Nam – Bắc xum họp một nhà.

thang-9-nho-bac-3
Hình ảnh Bác Hồ luôn vô cùng gần gũi, ấm áp

Trong không khí tưng bừng của ngày hội non sông đón Tết Độc lập, trong trái tim, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam luôn khắc ghi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho nền độc lập hôm nay. Sự tưởng nhớ ấy được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Có gia đình thắp hương nhớ Bác ngay tại bàn thờ nhà mình, có những người lại hòa vào dòng người vào Lăng viếng Bác để cùng nhau tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu. Đối với mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ công tác tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng ngày được nhìn thấy dòng người kéo dài vào Lăng viếng Bác là niềm hạnh phúc, xúc động vô cùng. Bởi có như vậy, mỗi người lại cảm nhận được sự thiêng liêng, trân trọng cũng như niềm vinh dự khi được làm việc bên Lăng Bác Hồ kính yêu.

thang-9-nho-bac-4
Dòng người vào Lăng viếng Bác

Những ngày này, Lăng Bác đang tạm thời ngừng tổ chức lễ viếng trong 2 tháng để thực hiện công tác tu bổ năm 2015 nhưng vẫn có rất nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến khu vực Quảng trường Ba Đình để bày tỏ tình cảm với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình cảm đó không gì có thể sánh bằng.

Đặc biệt, ngày 2/9 vừa qua, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9 đã khánh thành. Nhà tưởng niệm được xây dựng với tấm lòng kính yêu vô hạn của nhân dân cả nước. Từ đây, Nhà tưởng niệm cũng là địa chỉ tâm linh để nhân dân cả nước hướng về Bác Hồ kính yêu.

 Một mùa Thu nữa đã đến, những trái tim của mỗi người dân Việt Nam vẫn luôn hướng về Bác, thành kính nhớ đến công ơn trời biển của Người, nguyện sống, học tập, làm việc, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, phồn vinh như ước nguyện của Bác.

Bác đã lên đường theo tổ tiên

Mác - Lênin, thế giới Người hiền

Ánh hào quang đỏ thêm sông núi

Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!

Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn

Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đi xa mãi mãi nhưng tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người còn mãi sáng soi. Cả dân tộc Việt Nam vẫn tiếp bước theo con đường mà Người đã chọn với mong ước sẽ xây dựng đất nước Việt Nam "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như Người hằng mong muốn. Đối với riêng cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ về Bác, mỗi người sẽ tiếp tục trau dồi, học tập, làm việc, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân./.

Thanh Huyền

Bài viết khác: