Là cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ tiêu binh danh dự, sau khi tham gia Lớp tập huấn nghiệp vụ công tác đón tiếp tuyên truyền năm 2015, tôi thực sự học được những kiến thức hết sức bổ ích về kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, về quy định tổ chức Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lăng và Khu Di tích K9, quy định tổ chức Lễ viếng các Anh hùng liệt sỹ…nhưng ấn tượng hơn cả đối với tôi là chuyến tham quan học tập thực tế tại đảo Cô Tô.

Cô Tô cổ kính, Cô Tô thanh bình, Cô Tô đang hòa mình trong nhịp sống mới. Chuyến đi thực tế đến đảo Cô Tô đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm quý giá để tôi có thể áp dụng vào lĩnh vực mình đang công tác.

an-tuong-co-to-2015-2
Đoàn tham quan tại Cô Tô

          Ấn tượng đầu tiên khi tôi đến Cô Tô là một cuộc sống an vui, thanh bình. Đảo nhỏ bé nhưng tràn ngập màu xanh. Các ngôi nhà được xây đều tăm tắp, màu tường vôi vàng dịu dưới nắng sớm.“Nhập gia tùy tục”, tôi và các đồng nghiệp ngay khi bước chân lên Đảo đã được đến thắp hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phải nói rằng ngôi nhà thờ rất trang nghiêm và giữ một vị trí trang trọng tại Đảo. Tôi vẫn nhớ lời giới thiệu của đồng chí cán bộ văn hóa: “Có thể khẳng định, Đền thờ Bác trên đảo Cô Tô là niềm tự hào, niềm tin vững vàng vào sự trường tồn của Đảo trong trái tim những ngư dân bám biển. Chúng tôi sống ở đây, uống nước ở đây, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản ở đây, tất cả đều như có sự phù hộ của Người, tất cả đều như có bàn tay dẫn dắt của Người chỉ dạy từng chút một”.

Ngày 9/5/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra thăm đảo Cô Tô. Người đi thăm cán bộ và nhân dân trên Đảo, ân cần động viên, hướng dẫn nhân dân cách trồng khoai, cách ăn, cách ở. Và thật xứng đáng với vị trí chiến lược nơi hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, Cô Tô là nơi duy nhất được Bác đồng ý đặt tượng của Người. Hình ảnh Bác uy nghiêm mà ân cần như lời khẳng định chủ quyền đất nước, như lời nhắc nhở lớp lớp con cháu sinh sống ở Cô Tô hãy giữ mãi màu xanh yên bình cho Đảo. Điều ấy càng nuôi dưỡng trong tôi tình cảm kính yêu vô hạn với Người, sự ngưỡng mộ với một thiên tài quân sự có tầm nhìn xa trông rộng. Ngày hôm nay tôi vinh dự là người lính cận vệ bên Lăng Bác, được sống bên Người, tôi càng thấy yêu hơn công việc mình đã chọn, càng thấy phải sống trách nhiệm hơn với cơ quan, đơn vị; để xứng đáng với sự ngưỡng mộ của nhân dân Cô Tô dành cho chúng tôi - những “người lính cận vệ” canh giấc ngủ cho Bác Hồ.

an-tuong-co-to-2015-1
Đoàn thành kính tưởng niệm Bác Hồ tại Đền thờ Bác trên đảo Cô Tô

          Phải nói rằng chưa nơi nào tôi đặt chân đến mà cách làm du lịch lại đặc biệt như Cô Tô. Bạn có thể đi dạo thoải mái trên Đảo mà không cần phải thuê xe ôm hay dịch vụ chuyên chở. Đơn giản là bởi những người dân Cô Tô mến khách sẵn sàng cho bạn mượn một chiếc xe để khám phá Cô Tô, mà điều quan trọng là họ chỉ biết bạn là khách du lịch đến Đảo, không cần giấy tờ tùy thân, không cần vật làm tin! Mặc dù điện lưới quốc gia mới đến Đảo được vài năm nay nhưng cuộc sống con người rất khấm khá. Con người nơi đây thì vô cùng hào phóng với khách tham quan và sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho bạn. Không có sự cáu gắt, không có cảnh “chặt chém” tưởng như quen thuộc ở những hòn đảo du lịch khác, đến với Cô Tô, bạn sẽ được yêu quý và trân trọng như bất cứ người dân chài nào đã từng sinh ra và lớn lên theo mùa sóng nơi đây. Chính nụ cười chân chất của dân Đảo đã cho tôi bài học lớn về thái độ đón tiếp đồng bào khi đến viếng Lăng Bác.Vâng, đồng bào tôi từ khắp mọi miền xa xôi về bên Người, hình ảnh họ mang về quê hương chắc chắn không thể thiếu sắc màu của người lính mang cảnh phục trắng. Chính bởi lẽ đó, tôi tin với thái độ ân cần, niềm nở, với hành động săn sóc gần gũi khi đồng bào gặp khó khăn, vướng mắc; hình ảnh người lính danh dự ở Lăng Bác sẽ luôn đẹp, mãi đẹp như nụ cười người Cô Tô vậy.

an-tuong-co-to-2015-3
Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý Lăng viết cảm tưởng

          Và cũng thật thiếu sót khi không nhắc tới những người đồng đội cùng tham gia trên chuyến đi Cô Tô này. Họ có thể là những cô gái trong Ban Đón tiếp; có thể là Thủ trưởng trong công việc luôn nghiêm khắc, uốn nắn từng chút nhưng khi tham gia chuyến đi thì thể hiện cả nét hóm hỉnh, thân thiện, hòa đồng. Bài học mà đồng đội mang tới cho tôi hôm nay chính là sự sẻ chia khi thấy tôi say sóng, là những lúc cùng hát, cùng hiểu nhau quây quần bên Đảo. Chuyến đi cho tôi cái nhìn rất khác về những đồng đội tưởng đã rất quen, và từ đó giúp chúng tôi gắn bó hơn, gần nhau hơn.

          Ngày cuối cùng với Cô Tô, anh em chúng tôi được leo lên trận địa pháo để cùng nhìn ra bao la Thái Bình Dương bốn phương tám hướng; được ngắm toàn cảnh đảo Cô Tô. Trước đó, chúng tôi được anh em bộ đội biên phòng giới thiệu về công việc của họ. Nhiệm vụ ở nơi nào, đã là người chiến sỹ thì luôn phải nhận phần thiệt thòi về mình. Nhưng bù lại, chúng tôi có cùng vinh dự là chung tay giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc. Tôi thấy thấp thoáng trong nụ cười của anh hải quân trẻ âm thanh “đọc vần ê a dưới nếp nhà ngói mới” của  những công dân “răng sún” đang sinh sống trên Đảo. Ở đây, người lính đôi lúc là ngư dân giúp bà con đánh cá, là thầy giáo “gánh chữ vượt sóng” để đói nghèo không có đất sống; là “ca sĩ” trong mỗi mùa hội diễn văn nghệ của Đảo. Cô Tô không nhỏ đến mức “nói một câu là hết Đảo”, nhưng tình cảm chất chứa trên Đảo này dường như cũng phải nhờ sóng lan mãi ra đến xa khơi, bởi từ lâu, nơi đây “đất đã ấm tình người”, và “người đã ấm tình nhau”.

          Còn nhiều lắm, nhiều lắm những kỷ niệm với Cô Tô. Chuyến đi đã cho tôi thêm hiểu biết về một vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, cho tôi có thêm rất nhiều người bạn tốt. Về với công việc và cuộc sống thường ngày, bên tai tôi vẫn vang vọng lời hát khi chia tay Đoàn “Ơi, tôi đứng đây và cất cao lời ca. Những người lính kiên trung nơi đầu ngọn sóng. Súng chắc trong tay, hướng về phía trước, thề quyết giữ gìn biển đảo quê hương!”…

Nguyễn Trung Dũng

Đội Tiêu binh danh dự - Đoàn 275 

Bài viết khác: