Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Trong toàn bộ quá trình hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt của cách mạng nước ta.Trong công tác xây dựng Đảng, Người đặc biệt coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Hồ Chí Minh gọi tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức của Đảng, là nguyên tắc cơ bản nhất để xây dựng Đảng Cộng sản thành một tổ chức chiến đấu chặt chẽ, vừa phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân, vừa phát huy sức mạnh của tập thể phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cách mạng đã đề ra. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, chúng ta cùng nhau suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đại hội Đảng.
Những luận điểm về nguyên tắc tập trung dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều rất cô đọng, hàm súc vừa cụ thể giản dị, vừa khái quát sâu sắc. Trong Tác phẩm Dân vận năm 1947, Người viết: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Đồng thời, Người cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung”. Tập trung và dân chủ là hai mặt của một vấn đề không tách rời nhau mà luôn đan xen, bổ sung cho nhau, dân chủ là điều kiện, tiền đề của tập trung, đồng thời tập trung là cơ sở bảo đảm cho dân chủ được thực hiện và phát huy. Dân chủ càng phát triển thì tập trung càng vững chắc, sức mạnh của Đảng càng được khẳng định. Tập trung mà không có dân chủ là tập trung nửa vời, độc đoán, chuyên quyền; dân chủ mà không gắn với tập trung là dân chủ hình thức, quá trớn, tùy tiện, phân tán, tự do vô chính phủ. Cũng theo V.I. Lê-nin: “...Chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa, và mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ”(1). Người đặc biệt nhấn mạnh phải không ngừng mở rộng dân chủ từ dân chủ trong Đảng đến dân chủ ngoài xã hội, từ dân chủ về chính trị đến dân chủ về kinh tế, văn hóa, xã hội... dưới sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất quản lý của nhà nước không ngừng phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Đảng ta là Đảng cầm quyền, nên việc thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với đảng viên của Đảng mà còn đối với toàn xã hội. Hiểu và vận dụng đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ làm cho Đảng ta ngày càng vững mạnh, thống nhất trong tư tưởng và hành động “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”(2).
Hiện nay, chúng ta đã tiến hành xong Đại hội Đảng bộ các cấp, đang tập trung chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng sẽ được diễn ra từ ngày 20/01 – 28/01/2016, việc tiếp tục nghiên cứu quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ có ý nghĩa to lớn trong tổ chức Đại hội, phát huy trí tuệ tập thể vào quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo đảm bảo tính cách mạng, tiên phong, tính trí tuệ, đạo đức và quần chúng của Đảng.
http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2015/12/images599713_BAC_8361.jpg" >
Ảnh minh họa (nguồn: SGGP)
Nhận thức sâu sắc điều này, ngày 30/4/2014, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Chỉ thị 36 - CT/TW về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng xác định rõ yêu cầu: Công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng phải được tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Rõ ràng, số lượng đảng viên toàn đảng hiện nay cũng lớn hơn trước rất nhiều, nếu như tại Đại hội II của Đảng diễn ra từ ngày 11/02-19/02/1951 tại xã Vinh Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang Đảng có 158 đại biểu chính thức thay mặt cho hơn 73 vạn đảng viên thì đến Đại hội XII, sẽ có 1510 đại biểu chính thức thay mặt cho hơn 4 triệu đảng viên toàn đảng tham dự Đại hội, tức là tăng gấp gần 10 lần; chính vì vậy, yêu cầu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ để đi đến thống nhất cao độ trên cơ sở phát huy trí tuệ tập thể, không ngừng đổi mới tuy duy, hình thức, cách làm, tăng cường hiệu quả thảo luận công khai, dân chủ là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Tập trung dân chủ về Đại hội Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trên những nội dung cơ bản sau đây:
- Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên chính thức Đại hội tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp uỷ có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số. Nội dung này cũng được quy định rõ tại Điều lệ Đảng khóa XI. Đại hội toàn quốc của Đảng là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, nên việc ban hành Nghị quyết có giá trị thi hành bắt buộc đối với toàn thể đảng viên trên mọi miền đất nước, trước khi biểu quyết, Đại hội cần xem xét, thảo luận công khai, dân chủ để mọi đảng viên được bày tỏ, đóng góp ý kiến. Việc tham gia lấy ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng đã được tiến hành rộng rãi đối với mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước tạo thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng.
Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với cách mạng vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân. Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Như vậy, thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng. Sở dĩ Đảng ta có thể lãnh đạo giai cấp công nhân và toàn dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, là vì Đảng ta có chính sách đúng đắn và lãnh đạo thống nhất. Mà lãnh đạo thống nhất là vì toàn thể đảng viên tư tưởng nhất trí và hành động nhất trí(3). Đó là biểu hiện của tập trung dân chủ trong cách ra nghị quyết của Đảng.
Từ lý luận và thực tiễn phong phú, sâu sắc, trong bài “Một cách thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng” (1960) Người viết: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa. Cho nên, toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để đảm bảo Đại hội thành công thật tốt đẹp…”. Đại hội Đảng “là một dịp rèn luyện chính trị rất quan trọng và rất rộng khắp cho toàn Đảng. Cho nên tất cả các đảng viên cần phải hăng hái tham gia thảo luận”.“Thảo luận như thế nào cho có kết quả tốt”? Người nói: “Theo tôi thì một cách tốt nhất là: Trước khi thảo luận, mỗi một đồng chí phải nghiên cứu thật kỹ bản dự thảo Điều lệ Đảng. Khi thảo luận ở chi bộ thì mỗi một đồng chí phải liên hệ đúng Điều lệ Đảng với công tác của chi bộ và của mình để góp đầy đủ ý kiến với Đại hội Đảng. Bác cũng lưu ý, trong khuôn khổ một đại hội, thời gian có hạn mà “toàn thể các đồng chí ta phải thảo luận kỹ các đề án...” là một việc không dễ, phải khéo tổ chức bằng nhiều hình thức thì mới làm được. Điều này yêu cầu trách nhiệm của tiểu ban chuẩn bị văn kiện và trách nhiệm của các đại biểu tham gia Đại hội.
- Nguyên tắc tập trung dân chủ đòi hỏi trong Đại hội Đảng tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đại hội Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc. Đây là quy định về các mối quan hệ trong Đại hội Đảng, Đảng ta là một khối thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cơ quan lãnh đạo các cấp do đảng viên bầu ra thông qua dân chủ trực tiếp hoặc dân chủ đại diện, Đảng lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản, do đó mà Nghị quyết của Đại hội Đảng, của Ban chấp hành Trung ương có giá trị thi hành bắt buộc đối với mọi tổ chức Đảng và đảng viên, trong từng tổ chức đảng thì tổ chức đảng và đảng viên cấp dưới phải chấp hành nghị quyết của tổ chức đảng cấp trên, cá nhân phải phục tùng tổ chức, thiểu số tuân thủ theo đa số, đồng thời cá nhân và thiểu số có ý kiến khác được bảo lưu đến đại hội xem xét thảo luận; nếu ý kiến được đem ra thảo luận, biểu quyết mà đa số không chấp thuận thì yêu cầu cá nhân và những đảng viên có ý kiến thiểu số phải chấp hành, không được nói và làm sai nghị quyết để đảm bảo tính thống nhất trong lãnh đạo của Đại hội Đảng. Vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lãnh đạo mà không tập thể thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không có cá nhân thì sẽ đi đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ.Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”(4). Với Hồ Chí Minh, khái niệm và trách nhiệm đạo đức của mỗi đối tượng là cụ thể, không chung chung, trừu tượng. Người đòi hỏi đảng viên phải “đi trước, làng nước theo sau”, nói và làm phải đi đôi, phải thống nhất với nhau và phải phục tùng tập thể. Bởi vậy, trong xây dựng, rèn luyện đạo đức cho đảng viên phải kiên quyết đấu tranh chống thói đạo đức giả, phi đạo đức. Đây là những vấn đề thuộc phương pháp cách mạng và phong cách hoạt động của Đảng, của cán bộ, đảng viên. Nó có quan hệ trực tiếp đến việc thực hiện đường lối, chủ trương, đến sự thành công hay không thành công của cách mạng, đến sức mạnh và sự tồn vong của Đảng
- Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc do bầu cử lập nên. Giữa hai kỳ Đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương.Thực hiện tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là nơi thể hiện ý chí tập trung không chỉ của hơn 4 triệu đảng viên mà còn thể hiện ý chí, nguyện vọng của hơn 90 triệu đồng bào cả nước, Đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII được bầu cử từ 68 Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương. Quán triệt và vận dụng quan điểm của Bác về công tác cán bộ trong Đại hội Đảng, trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII, công tác cán bộ đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, đó là công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; công tác đào tạo dự nguồn cao cấp và cán bộ chủ chốt ở các cơ quan Trung ương và địa phương; công tác luân chuyển cán bộ được tiến hành đồng bộ ở cả hai chiều; công tác nhân sự và việc sửa đổi quy chế bầu cử trong Đảng cho phù hợp với tình hình…thông qua rèn luyện, thử thách, đưa cán bộ từ Trung ương về địa phương và ngược lại quần chúng có điều kiện kiểm duyệt, đánh giá chất lượng, năng lực hoạt động của cán bộ được đưa vào dự nguồn Trung ương và đây được xem là một luồng gió mới cho Đại hội XII của Đảng. Tổ chức Đại hội, các cấp ủy cần quán triệt nghiêm túc và đầy đủ tiêu chuẩn nhân sự trong Chỉ thị 36 - CT/TW, để giới thiệu người bầu vào cấp ủy các cấp. Đặc biệt với cán bộ lãnh đạo ở Trung ương cần nhấn mạnh về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ được giao; uy tín trong Đảng, trong xã hội; có tư duy đổi mới, khả năng tiếp cận, nắm bắt, xử lý các vấn đề mới và phức tạp mới nảy sinh; khả năng đoàn kết, quy tụ; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, sâu sát, nói đi đôi với làm; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đại hội sẽ quyết định thông qua dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 được các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân cả nước tham gia một cách sôi nổi, tâm huyết; có nhiều vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn cũng được đem ra thảo luận công khai, dân chủ ở tổ chức đảng các cấp. Trong Đại hội, 1510 đại biểu sẽ thay mặt cho nhân dân cả nước bầu ra cơ quan lãnh đạo của Đảng ở Trung ương là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư... thay mặt cho Đại hội lãnh đạo các mặt công tác của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra, tổ chức đưa đường lối vào cuộc sống, biến đường lối của Đảng thành kế hoạch, pháp luật của Nhà nước, thành hành động cách mạng của đông đảo quần chúng.
Bàn về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Để các chi bộ thảo luận tốt, thì cấp trên phải lãnh đạo, giúp đỡ, theo dõi, rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm. Có khi chi bộ nêu những câu hỏi khó, nếu chưa chắc chắn thì nên hỏi Trung ương, không nên giải thích hoặc trả lời một cách miễn cưỡng. Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả các đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình; phải gom góp ý kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị Đại hội Đảng cho thật tốt.Trong dịp chuẩn bị Đại hội Đảng, các đảng viên và chi bộ cần phải kết hợp chặt chẽ với công tác khác của mình. Do đó, muốn cơ quan lãnh đạo của Đảng có sức mạnh, để mọi đảng viên nhất nhất noi theo thì công tác soạn thảo, ban hành nghị quyết phải phát huy dân chủ rộng rãi, để mọi đảng viên cùng thảo luận, cùng thấy phần quyền lợi và trách nhiệm của mình trong đấy mà tự giác thực hiện. Công tác bầu nhân sự cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng ở Trung ương phải được tiến hành công khai, minh bạch, đúng quy trình, đúng đối tượng lựa chọn được người đủ đức, đủ tài tham gia lãnh đạo đất nước ngày càng đi lên.
Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng năm 1958, Bác nhắc nhở: Thời đại của chúng ta là thời đại vǎn minh, thời đại cách mạng, mọi việc càng phải dựa vào lực lượng của tập thể, của xã hội; cá nhân càng không thể đứng riêng lẻ mà càng phải hoà mình trong tập thể, trong xã hội. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập cho đến nay luôn tuân thủ và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong các lần tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc, chính điều đó đã tạo nên sức mạnh của Đảng đưa cách mạng nước ta đi từ hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, trong không khí cả nước đang nô nức chào mừng Đại hội XII của Đảng sẽ được diễn ra vào tháng Giêng này, chúng ta cùng nhau ôn lại tư tưởng vĩ đại của Người góp phần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay./.
--------------------------------------
(1). V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, t. 36, tr. 185
(2). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.553.
(3). Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 9,Đạo đức cách mạng, tháng 12/1958.
(4). Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr.505
Trương Đình Khuê
Ban Chính trị, Trung đoàn 375