“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.”
Đã nghe danh về mảnh đất Nghệ An từ rất lâu qua những vần thơ, câu hát, bạn bè, đồng nghiệp… nhưng phải đến hôm nay, trong chuyến về thăm quê của một đồng nghiệp cùng cơ quan, tôi mới được tự mình khám phá những điều đặc biệt về con người và mảnh đất nơi đây.
Người đồng nghiệp mà chúng tôi có dịp về thăm quê lần này là chị Hoàng Thị Thu Hiền - một điển hình tiên tiến tiêu biểu của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm vừa qua.
Trong cái lạnh tê tái của những ngày cuối đông, từ Hà Nội, chúng tôi ngược lên Xuân Mai đi theo đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại khoảng hơn 400km thì về đến nhà chị ở xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Đây là một huyện vùng núi phía Tây Nam tỉnh Nghệ An.
Anh Sơn vẫn được mọi người nhắc đến là nơi đất cằn sỏi đá, đầy nắng và gió Lào khắc nghiệt nên cuộc sống của người nông dân ở đây vẫn còn nhiều vất vả. Miền Tây xứ Nghệ cũng vừa trải qua những ngày giá rét kỷ lục, thậm chí nhiều nơi nhiệt độ xuống dưới 0 độ, tuyết rơi dày kín biết bao bản làng.
Tuyết tan, mưa tạnh, nhiệt độ ấm dần lên, đất trời cũng đang bừng sáng sau những ngày đông rét buốt để chuẩn bị chào đón Xuân về. Cây cối đang đơm chồi nảy lộc, những mầm non không ngừng vươn lên, đường quê phố núi lại tấp nập người đi lại mua sắm đón Tết cổ truyền.
Thiên nhiên có lúc khắc nghiệt nhưng tôi vẫn cảm nhận được những vẻ đẹp nên thơ, trữ tình của cảnh sắc nơi đây. Nhìn Anh Sơn từ xa giống như một bức tranh họa đồ, hùng vĩ non cao, mây trắng bồng bềnh vắt ngang sườn núi, xa xa là dòng sông Lam xanh vắt lững lờ trôi giữa mùa nước cạn. Tất cả quyện vào nhau thật đẹp mà khó tìm ở một miền sơn cước. Người dân Anh Sơn vẫn luôn tự hào về núi sông quê mình, coi đó là “kiệt tác thiên công”, là “giang sơn chung tú khí”, là “cảnh bồng lai”. Con người nơi đây chất phác và giản dị, dễ gần và dễ mến. Cảnh quan sông núi và tình người nơi đây đã khiến người dân thì tự hào yêu mến, còn khách thập phương qua lại cũng phải giữ mãi tình cảm quý mến với mảnh đất này.
Đi đến gần cuối huyện Anh Sơn, xe dừng lại ở ngôi nhà nhỏ nằm ngay cạnh đường quốc lộ 7 - con đường giao thông huyến mạch của tỉnh Nghệ An, là tuyến giao thông liên quốc gia, nối Việt Nam với Lào qua cửa khẩu Nậm Cắn. Ngôi nhà cấp 4 được bao quanh bởi màu xanh của cây cối. Đó là nhà của chị Hiền nơi chị đã sinh ra và lớn lên.
Trò chuyện với bố và mẹ chị, tôi được biết chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống dạy học. Bố và mẹ đều là những giáo viên đã cống hiến cho ngành giáo dục nước nhà hơn 30 năm. Cuộc đời nhà giáo của hai bác gắn bó với những học sinh nghèo miền núi. Lúc chị sinh ra, gia đình vẫn còn rất nghèo khổ, đồng lương giáo viên thời đó khiến nhiều người không thể bám trụ theo nghề. Song hai bác vẫn say sưa với công việc giảng dạy. Sau mỗi giờ lên lớp, hai bác lại chăn nuôi và tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống, đưa gia đình vượt qua những ngày tháng khó khăn. Hai bác luôn xác định chỉ có con đường học vấn mới đưa con cái đến đường tương lai tươi sáng. Vì vậy, dù khó khăn, vất vả khôn cùng hai bác vẫn chăm lo, đầu tư đầy đủ cho hai cô con gái học hành đến nơi đến chốn. Lên lớp 10 cả hai chị em đều xa bố mẹ, xa núi rừng về với thành Vinh để học. Thấu hiểu những vất vả, hy sinh và kỳ vọng của bố mẹ nên dù xa bố mẹ, hai chị em Hiền đều cố gắng học tập và đều thi đỗ Đại học ở Hà Nội. Khó có thể diễn tả hết niềm vui sướng của người làm cha mẹ khi cầm trên tay giấy báo đỗ đại học - điều mà không phải ai cũng làm được ở miền quê nghèo này vào thời điểm đó.
Được sự dìu dắt, dạy dỗ của gia đình, thầy cô cùng với nỗ lực của bản thân, chị đã có được những thành tích học tập đáng nể: 12 năm học phổ thông đều đạt học sinh giỏi, nhiều năm liền là học sinh giỏi cấp tỉnh; năm 2004, tốt nghiệp loại giỏi trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An, chị đăng ký thi vào Học viện Hành chính quốc gia và đạt danh hiệu Á khoa. 4 năm học đại học, chị liên tục nhận được học bổng học tập của nhà trường. Năm 2008, chị tốt nghiệp đại học với luận văn tốt nghiệp đạt loại xuất sắc.
Truyền thống của gia đình và quê hương cách mạng anh hùng đã sớm hun đúc, phát triển tâm hồn, tình yêu quê hương, đất nước trong con người chị Hiền. Với mong muốn phát huy những gì đã được đào tạo trên giảng đường, được trở thành người cán bộ, viên chức phục vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 2010, vượt qua nhiều ứng viên khác trong kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức, chị đã được tuyển dụng vào làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và môi trường.
Gia đình chị Hiền ở huyện miền núi phía Tây Nghệ An
Xác định được công tác tại Lăng Bác là niềm vinh dự, tự hào của bản thân và gia đình, chị luôn phấn đấu, nỗ lực, chăm chỉ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao. Với bản tính ham học, trong quá trình công tác tại đơn vị chị vẫn không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu công việc ngày càng cao. Dù mới ra trường đi làm, kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng với mong muốn nâng cao trình độ, năm 2009, chị tiếp tục đi học cao học chuyên ngành Quản lý Hành chính công.
Ngoài thực hiện tốt các công việc chuyên môn của chuyên viên hành chính, với sự năng động, nhiệt tình của tuổi trẻ, chị cũng mạnh dạn tham gia vào nhiều công việc khác như nghiên cứu khoa học, tích cực viết bài cộng tác cho Trang tin điện tử của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh... Chị là tấm gương viên chức trẻ say mê nghiên cứu khoa học. Dù mới về đơn vị nhưng chị đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp cơ sở, đề án, dự án quan trọng. Năm 2015, đề tài nghiên cứu khoa học “Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” do chị làm Chủ nhiệm đề tài đã đánh giá sát thực trạng cải cách hành chính trong Ban Quản lý Lăng, đồng thời đề xuất được những giải pháp thực hiện trong thời gian tới, được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao.
Chị Hiền trình bày báo cáo tại Hội nghị xét duyệt thuyết minh đề tài
Bên cạnh tự học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong công việc, trong cuộc sống bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chị thường xuyên tham gia tuyên truyền, phổ biến về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác bằng cách viết tin, bài tuyên truyền đăng trên Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng, Tạp chí điện tử của Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Người cao tuổi…
Với sự chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, viết tin, bài, chị đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi viết tìm hiểu lịch sử nhân các ngày lễ lớn do Ban Quản lý Lăng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tổ chức (giải Nhất Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; giải Nhì Cuộc thi tìm hiểu 80 Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Cuộc thi viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua ái quốc”, Cuộc thi viết tìm hiểu truyền thống 40 xây dựng và trưởng thành của bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; giải Khuyến khích Cuộc thi viết “Tìm hiểu lịch sử truyền thống 65 năm Công đoàn Quốc phòng (6/3/1949 - 6/3/2014)” cấp Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xa quê ra Hà Nội học hành rồi lập nghiệp, lập gia đình và sinh sống ở đây đã 12 năm nhưng chị vẫn giữ nguyên bản chất của người con gái xứ Nghệ dịu dàng, cởi mở, nhiệt tình, giản dị, chất phác, cứng cỏi và trọng tình nghĩa. Chính vì thế, chị luôn được bạn bè, đồng nghiệp gần gũi, tín nhiệm và thương mến.
Chị Hiền báo cáo tham luận tại Hội nghị điển hình tiên tiến 5 năm của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tuy mới về công tác tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được 6 năm, nhưng được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, của đồng nghiệp, với những nỗ lực phấn đấu của bản thân, chị đã trở thành một trong những điển hình tiên tiến tiêu biểu của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận được nhiều phần thưởng quý giá của các cấp lãnh đạo như 06 Bằng khen của Trưởng ban Ban Quản lý Lăng và Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng; Chiến sĩ thi đua Ban Quản lý Lăng năm 2015; 03 năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (2013-2015); 11 Giấy khen của Giám đốc Trung tâm; đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2013, 2015. Năm 2015, chị là một trong những điển hình tiến tiến cho phong trào thi đua 5 năm (2010-2015) của Ban Quản lý Lăng và vinh dự được chọn là cá nhân điển hình tiên tiến của Ban Quản lý Lăng tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
Chị Hiền (thứ 7 từ phải sang) tại Đai hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX
Không chỉ thành công trong công việc, với gia đình, bằng tình yêu, sự chân thành của mình, chị đã làm tròn vai trò người “giữ lửa” hạnh phúc cho mái ấm của mình, là người “mẹ hiền, vợ đảm”. Chị và chồng là đôi bạn thân từ ngày sinh viên. Sau khi tốt nghiệp ra trường, công việc ổn định, anh và chị đã nên duyên vợ chồng - kết quả của mối tình đẹp trong 4 năm. Vượt qua những khó khăn trong cuộc sống về kinh tế, con còn nhỏ, phải đi thuê nhà trọ, được sự động viên, giúp đỡ của gia đình hai bên, cuộc sống của gia đình chị đã dần ổn định, con ngoan, gia đình hạnh phúc. Với đức tính hy sinh, chị đang trở thành “hậu phương” vững chắc cho chồng yên tâm công tác và hoàn thành việc học Nghiên cứu sinh. Tình yêu gia đình của chị làm tôi nhớ tới câu ca ví dặm ngợi ca đức hạnh của người phụ nữ xứ Nghệ có thể vượt mọi chông gai để trọn nghĩa vợ chồng: “Nghe tin anh đau đầu chưa khá/ Em băng ngàn bẻ lá về xông/ Ước mần răng cho trọn đạo vợ chồng/ Đổ mồ hôi em quạt, trộ gió lồng em che”...
Chị Hiền và chồng cùng nhận bằng Thạc sĩ Quản lý Hành chính công
Quê hương và gia đình đã tạo nên “chất Nghệ” thật đáng quý trong con người chị. Tôi thấy vui mừng vì mình được quen biết và làm việc cùng với chị. Dù trong công việc hay trong cuộc sống gia đình, chị đều nỗ lực hoàn thành tốt vai trò của mình. Chị là tấm gương sáng để cho mọi người học tập và noi theo.
Tôi thấy mình đã có một chuyến đi xa rất thú vị và ý nghĩa. Được về Anh Sơn, gặp gỡ, tiếp xúc với gia đình, người thân, hàng xóm láng giềng của gia đình chị, được tìm hiểu thêm về cảnh sắc và con người nơi đây tôi lại càng hiểu được vì sao tình yêu quê hương, gia đình; tình yêu và niềm tự hào dành cho những bậc anh hùng của xứ Nghệ trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chị lại lớn đến như vậy. Tình cảm đặc biệt này đang từng ngày tiếp thêm sức mạnh cho chị vững bước trên đường đời. Và tôi đã có cơ hội để yêu mến thêm một vùng đất mới giàu bản sắc và đậm tình người - miền Tây xứ Nghệ. Một mùa Xuân mới đang về trên đất nước Việt Nam - Xuân Bính Thân 2016, chúc chị và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc chị một năm mới đạt được nhiều kết quả trong thực hiện nhiệm vụ, luôn là tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.
Tâm Trang