Nhân dịp khai mạc Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V, sáng ngày 07/4/2016, các đại biểu dự Hội nghị đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị được tổ chức 3 năm một lần do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Người khuyết tật 18/4.

Nguoi khuyet tat 1

Đoàn dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tham dự Hội nghị lần này có 388 đại biểu được lựa chọn từ 63 tỉnh, thành và một số trường học, đơn vị, doanh nghiệp ở Trung ương. Trong đó, có 212 người khuyết tật, 83 trẻ mồ côi, 93 người bảo trợ (có 170 đại biểu là nữ, 56 đại biểu người dân tộc, 50 đại biểu tôn giáo).

Khác với những nhận định của 5-10 năm trước đây đánh giá về tình hình người khuyết tật là trình độ văn hóa thấp, ít có cơ hội đến trường, không có điều kiện học lên cao thì hình ảnh của người khuyết tật tại Hội nghị này còn cho thấy nhiều người là tri thức, ham học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc, cũng như quyết tâm theo đuổi đến cùng đam mê của mình. Họ không chỉ giỏi lao động sản xuất, học tập, văn hóa, thể thao mà còn giỏi trong lĩnh vực quản lý, làm chủ doanh nghiệp, cơ sở, gây dựng được thương hiệu của riêng mình.

Đặc biệt, Hội nghị có sự hội tụ hình ảnh của người khuyết tật là công chức, viên chức nhà nước, là đảng viên. Đó là chị Thạch Thị Dân (Trà Vinh), dân tộc Khơme, khuyết tật chân, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh; anh Nguyễn Thanh Lâm (Bình Thuận), cụt 2 tay, tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, cán bộ tư pháp UBND xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình; anh Nguyễn Mạnh Tuấn (Cao Bằng), dân tộc Tày, khuyết tật chân, tốt nghiệp Học viện Tài chính, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Cao Bằng...

Có khoảng 30% đại biểu người khuyết tật tham dự Hội nghị có trình độ đại học trở lên. Đây là một con số đầy ấn tượng và đáng tự hào về thành tích của những người mang trong mình khiếm khuyết nhưng tinh thần và nghị lực của họ là tấm gương cho nhiều người noi theo.

Ở trẻ mồ côi, lâm vào tình trạng ngặt nghèo, đa số đại biểu là mồ côi cả cha và mẹ như em Trần Nhật Duy - Thanh Hóa sống với bà ngoại mù lòa 98 tuổi; em Nguyễn Chấp Dương - Thái Bình sống với chị gái, một buổi lên giảng đường, một buổi chạy bồi bàn, phát tờ rơi; em Nguyễn Thị Kim Anh - Vĩnh Long sống với anh trai, vừa đi học vừa bán vé số nuôi thân và nuôi cả con của chị gái.

Đồng cảm với những mảnh đời, những con người chịu nhiều thiệt thòi ấy, đã có rất nhiều tấm lòng, những trái tim nhân ái, yêu thương đùm bọc, sẻ chia, đồng hành trên mọi miền đất nước. Họ làm việc thiện chẳng mong điều gì lớn lao, mà đơn giản xuất phát từ tấm chân tình, như bà Nguyễn Thị Thiện (Bến Tre) chia sẻ: Tôi chẳng giàu có hơn ai, nhưng có thể giúp người khổ hơn mình; hay như quan niệm của ông Phan Công Bình (Long An): Đã là doanh nhân thành đạt thì càng phải có trách nhiệm với cộng đồng... Những người bảo trợ ấy đã vận động quyên góp từ gia đình mình, bà con lối xóm đến các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh để có những cân gạo, căn nhà, suất học bổng, ca phẫu thuật... trợ giúp người nghèo khó.

Theo Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, trong năm 2015, Hội đã được các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài ủng hộ, trợ giúp thông qua quỹ Hội các cấp với số tiền và hiện vật quy tiền là 426 tỷ đồng. Hội đã hoàn thành trợ giúp trực tiếp cho 2,6 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Năm 2016, Hội sẽ tập trung vào các hoạt động như: Tặng 6.000 xe lăn, 7.500 xe đạp, học bổng cho người khuyết tật, trẻ mồ côi; hỗ trợ cải thiện sinh hoạt và sinh kế giảm nghèo cho người khuyết tật tại 50 xã; cung cấp dịch vụ y tế cho khoảng 300.000 lượt người./.

           Lan Hương

Bài viết khác: