Phong trào thi đua "Đơn vị quản lý tài chính tốt" được hình thành từ những năm cuối của thập kỷ 60 thế kỷ 20, xuất phát từ phong trào thi đua xây dựng "Đại đội quản lý giỏi" của Quân khu 3, Quân khu 4 kết hợp với Cuộc vận động "Tăng cường quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật" được phát động trong toàn quân. Phong trào từ đó đến nay đã đạt được những bước phát triển mới, góp phần khẳng định sự đóng góp to lớn của ngành Tài chính Quân đội trong việc góp phần xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Ban tai chinh

Hướng dẫn nghiệp vụ công tác tài chính cho nhân viên mới

            Phong trào thi đua "Đơn vị quản lý tài chính tốt" được các cấp, các đơn vị quan tâm chỉ đạo, duy trì thường xuyên gắn với các phong trào toàn quân như: Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, thi đua quyết thắng, cuộc vận động giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông… Phong trào được toàn thể cán bộ, nhân viên và chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung và Ban Tài chính nói riêng hưởng ứng sôi nổi, góp phần giúp các đơn vị phát huy những mặt tốt, khắc phục yếu kém, từng bước đưa công tác tài chính vươn lên bảo đảm tốt nhiệm vụ của đơn vị.

            Những năm qua, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã cụ thể hóa các mục tiêu của phong trào thi đua thành những nội dung trọng tâm trong từng giai đoạn, cùng các tiêu chuẩn đơn vị quản lý tài chính tốt phù hợp, tạo cơ sở cho việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; trong đó, chú trọng tập trung chỉ đạo đột phá làm chuyển biến những khâu yếu trong công tác quản lý tài chính, tài sản. Nhờ đó, phong trào đã phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát tình hình thực tiễn và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tạo động lực để Bộ Tư lệnh hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Phong trào thi đua đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý và điều hành ngân sách. Trên cơ sở ngân sách được giao, bám sát yêu cầu nhiệm vụ, Ban Tài chính đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy Đoàn 969, lập và phân bổ dự toán ngân sách trực tiếp đến cơ quan, đơn vị chi tiêu, bảo đảm cơ cấu hợp lý, toàn diện, đúng trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên. Công tác quản lý tài chính được tiến hành toàn diện ở tất cả các khâu, cụ thể như sau:

            Trong công tác kế hoạch và bảo đảm tài chính, Ban Tài chính Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất giúp thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh trong việc lập dự toán, quản lý, điều hành chi ngân sách năm. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời kinh phí cho nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, chế độ chính sách cho cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ trong Bộ Tư lệnh, tập trung ưu tiên vào những dự án lớn như: Dự án Nghiên cứu thay thế đổi mới và chuyển giao công nghệ điều hòa không khí Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Dự án DT 275, dự án xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9,...

            Ban Tài chính cũng chủ động bám nắm các đơn vị cơ sở, thường xuyên duy trì tốt công tác kiểm tra công tác tài chính năm của các cơ quan đơn vị; phối hợp ban hành các quy chế, quy định như: Quyết định số 2471/QĐ-BVL của Bộ Tư lệnh ngày 14/9/2012 về việc ban hành Quy trình, trình tự, thủ tục thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị kỹ thuật, vật kiến trúc; Quyết định số 1583/QĐ-BVL ngày 05/6/2014 ban hành Quy chế thực hiện một số chế độ, chính sách trong Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Quyết định số 2082/QĐ-BVL ngày 28/9/2009 về việc ban hành định mức sử dụng đĩa nhạc phục vụ chào cờ, hạ cờ hàng ngày và phát ca nhạc thường xuyên…

            Trong công tác quản lý tài chính, Ban Tài chính Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã duy trì và thực hiện tốt công tác kế hoạch tài chính năm. Thực hiện đúng chế độ hạch toán kế toán, phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời các nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh trên hệ thống sổ kế toán do Bộ Tài chính và Cục Tài chính ban hành. Duy trì nghiêm túc các quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, quy định của đơn vị trong chi tiêu thanh quyết toán kinh phí. Thực hiện chế độ báo cáo với cơ quan nghiệp vụ cấp trên và Thủ trưởng Bộ Tư lệnh đúng thời gian quy định.

            Ban Tài chính cũng tiến hành công tác quản lý vật tư hàng hóa, theo dõi số lượng, giá trị của từng mặt hàng; quản lý nhập, xuất, tồn; định mức sử dụng vật tư, thanh quyết toán xăng, dầu. Tiến hành duy trì trả lương và các khoản thanh toán khác qua tài khoản theo quy định. Tăng cường công tác quản lý quỹ tiền mặt, quản lý thu, chi, tồn quỹ, kiểm soát chặt chẽ nguồn tiền nhập quỹ và thực hiện kiểm đếm khi xuất quỹ. Bảo đảm tuyệt đối an toàn kho quỹ, tài liệu sổ sách, phòng chống cháy nổ,...

            Tuy nhiên, cũng cần nghiêm túc nhận thấy việc thực hiện phong trào thi đua "Đơn vị quản lý tài chính tốt" hiện nay vẫn còn tồn tại và khuyết điểm như nhận thức về phong trào thi đua “Đơn vị quản lý tài chính tốt” của cán bộ, chiến sỹ chưa đúng, chất lượng công tác kế hoạch ngân sách, lập dự toán, chấp hành dự toán và kiểm soát chi còn nhiều hạn chế, một số án thủ tục hồ sơ còn chậm gây khó khăn cho công tác thanh quyết toán.

            Trong năm 2016, ngành Tài chính Quân đội nói chung và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng xác định các nhiệm vụ chủ yếu mà phong trào thi đua “Đơn vị quản lý tài chính tốt” cần triển khai như sau: Tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BQP ngày 05/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Đơn vị quản lý tài chính tốt”; triển khai toàn diện thực hiện Nghị quyết số 513/NQ-QUTƯ của Thường vụ Quân ủy Trung ương về công tác tài chính quân đội theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng. Đề cao kỷ luật, kỷ cương trong điều hành, quản lý ngân sách. Thực hiện tốt nhiệm vụ công tác tài chính năm 2016; bảo đảm kinh phí kịp thời cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất; đôn đốc tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư. Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, báo cáo tình hình đội ngũ cán bộ ngành tài chính theo hướng dẫn số 764/HD-CT ngày 23/4/2013 của Tổng cục Chính trị. Duy trì thường xuyên phong trào thi đua "Đơn vị quản lý tài chính tốt"; lựa chọn, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến đối với các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong công tác tài chính tại các đơn vị.

            Hiện nay, nền kinh tế của đất nước đang hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới, công tác quản lý kinh tế - tài chính phải có bước chuyển cả về chất và lượng để theo kịp yêu cầu mới. Ngành Tài chính Quân đội nói chung và toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sỹ tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua "Đơn vị quản lý tài chính tốt" gắn với phong trào thi đua Quyết thắng đạt hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng Ngành, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.

Trung tá Nguyễn Hồng Nguyên

Trưởng ban Ban Tài chính

Bài viết khác: