Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ nói chung, về đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ cán bộ nói riêng là kết tinh truyền thống, tinh hoa trí tuệ của dân tộc, là đỉnh cao của nghệ thuật đào luyện con người và dùng người. Cả cuộc đời cống hiến hết mình cho Đảng, cho dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chăm lo công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến việc học tập lý luận của cán bộ, đảng viên. Bởi theo người "Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi"(1), Hồ Chí Minh đã chỉ rõ sự cần thiết của việc học tập lý luận đối với cán bộ, đảng viên khi đã có chính quyền nhà nước. Người cho rằng "Đảng ta đã hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân giành lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang"(2)  nhưng bước vào thời kỳ mới, cán bộ, đảng viên còn mắc "nhiều khuyết điểm". Theo Người, nguyên nhân của các khuyết điểm ấy có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng là do sự yếu kém, hạn chế về lý luận của cán bộ, đảng viên.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” khi bàn về vấn đề cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Người chỉ ra những hạn chế trong công tác huấn luyện cán bộ, nêu lên nội dung huấn luyện cần tập trung: “Huấn luyện nghề nghiệp, Huấn luyện chính trị, Huấn luyện văn hóa; Huấn luyện lý luận. Học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế….”(3).

Hay trong tác phẩm "Đường Kách mệnh" (1927), Người viết: "Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tầu không có bàn chỉ nam”(4).

Khi xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp vô sản Lênin cũng đặc biệt chú trọng đến vai trò của lý luận. Người nêu rõ: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng… chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong” (5). Thực tiễn cách mạng cho thấy, khi trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên không đáp ứng yêu cầu thì việc thực thi đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ còn giáo điều, rập khuôn, máy móc, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những sai lầm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao lý luận, coi lý luận chính là “ngọn đèn chỉ lối cho con thuyền cách mạng đi tới thắng lợi”. Chính vì thế, Người luôn nhắc nhở và quan tâm sâu sát đến việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, Người cũng chỉ ra rằng, mọi lý luận chân chính đều bắt nguồn từ thực tiễn, phản ánh đúng thực tiễn và trở lại phục vụ thực tiễn. Người nói “Học đi đôi với hành” hay “lý luận phải gắn liền với thực tiễn”. Lý luận và thực tiễn có mối quan hệ hữu cơ biện chứng, luôn luôn gắn bó với nhau và thường xuyên tác động qua lại lẫn nhau, trong đó thực tiễn đóng vai trò là cơ sở. Thực tiễn, đó là hoạt động của con người nhằm bảo đảm cho xã hội tồn tại và phát triển. Người nhấn mạnh: "Thực tiễn mà không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông"(6).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để việc học tập lý luận của đội ngũ cán bộ có hiệu quả, phải xác định rõ động cơ học tập cho đúng. Học lý luận là nhằm vận dụng chứ không phải học lý luận là vì lý luận. Học lý luận “không phải để nói mép”, để “trang sức”, để “thuộc ít câu của Mác - Lênin rồi lòe người ta”. Với những người như vậy, có lý luận không phải để vận dụng vào thực tiễn, mà cốt làm oai như “có tên mà không bắn hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên” (7), thì lý luận ấy cũng vô ích.

Phải có thái độ học tập đúng đắn. Đó là thái độ khiêm tốn, thật thà. Không ai có thể tự cho mình là giỏi lý luận. Phải dám nhìn thẳng vào yếu kém của mình, biết tự phê bình và phê bình và xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Kiêu ngạo, tự mãn là kẻ thù số một của học tập. Học tập lý luận phải gắn liền với việc củng cố lập trường giai cấp vô sản, nâng cao đạo đức cách mạng của mọi cán bộ. Người chỉ rõ: “Phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, củng cố lập trường giai cấp vô sản, cố gắng nắm vững những quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam; phải luôn luôn nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, một lòng, một dạ phấn đấu vì lợi ích tối cao của cách mạng và Tổ quốc” (8).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm sáng tỏ ý nghĩa của việc học tập lý luận trong bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ; việc học tập, nghiên cứu lý luận là công việc suốt đời của mỗi cán bộ; học lý luận phải gắn liền với thực tiễn cách mạng, phục vụ thực tiễn cách mạng, gắn liền với việc bồi dưỡng, nâng cao những phẩm chất tốt đẹp trong nhân cách người cách mạng. Tư tưởng đó là kim chỉ nam, là phương châm chỉ đạo công tác lý luận và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Sau gần 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, tình hình kinh tế - chính trị thế giới đã đổi khác; đời sống kinh tế - xã hội đất nước đã thay đổi một cách căn bản. Toàn cầu hoá đang tạo ra những ưu thế nhất định, nó tạo ra nhiều cơ hội phát triển, tạo điều kiện cho việc giao lưu văn hoá và tư tưởng rộng rãi, làm cho con người xích lại gần nhau hơn. Bên cạnh những ưu điểm, mặt trái toàn cầu hoá cũng đưa đến những thách thức và nguy cơ khó lường. Tất cả những mặt đó có sự tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; những vấn đề tư tưởng, lý luận cũng như đối tượng của công tác này có nhiều thách thức mới; bản thân đội ngũ làm công tác tư tưởng, lý luận của Đảng tuy đã được củng cố và phát triển nhưng vấn đề đặt ra phải làm sao để đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của thời cuộc.

Trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tư tưởng, lý luận, điều đó được thể hiện rất cụ thể thông qua các kì Đại hội; các chủ trương, chính sách về công tác tư tưởng, lý luận, về nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cách mạng.

Thực tế trong những năm qua cho thấy, công tác giáo dục lý luận chính trị đã có những bước chuyển biến, đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là từ khi triển khai thực hiện Quy định số 54-QĐ/TƯ ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng”. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động giáo dục lý luận chính trị đã có nhiều đổi mới tích cực, việc tổ chức quán triệt, phổ biến, hướng dẫn nội dung liên quan về chế độ học tập lý luận chính trị trong toàn Đảng được tiến hành một cách đồng bộ và toàn diện. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đã có chuyển biến tích cực, thấy rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị. Hệ thống các Học viện, Trường đào tạo lý luận trọng điểm ra đời từ cấp Trung ương đến địa phương với mục tiêu: Lấy việc học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để tiêu chuẩn hóa cán bộ, đánh giá, sử dụng cán bộ, đánh giá tư cách đảng viên và chất lượng tổ chức cơ sở đảng.

Việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị, triển khai tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng gắn với việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được đẩy mạnh trong các cấp, các ngành. Qua đó, chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy lý luận chính trị từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tiêu cực và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức.

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới là một vấn đề mang tính chiến lược, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt, vừa định hướng cho sự phát triển lâu dài. Trong giai đoạn hiện nay, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới những mặt công tác này đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đang đặt ra, trước hết, cần tổng kết một cách khoa học, toàn diện lý luận - thực tiễn của gần 30 năm đổi mới. Đặc biệt, cần nghiêm túc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, công tác tổng kết thực tiễn.

Với Nghị quyết số 32-NQ/TƯ về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, Đảng ta cũng đề ra những mục tiêu quan trọng, trong đó nhấn mạnh: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, phong cách làm việc hiệu quả đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ” (9).

Nghiên cứu, học tập tư tưởng của Người giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn vị trí, vai trò của công tác lý luận. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, trong đó nhấn mạnh: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”(10). Cần phải quán triệt tư tưởng, phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để phân tích, đánh giá đúng thực trạng của công tác tư tưởng, lý luận, đặc biệt là thực trạng của việc học tập lý luận và công tác bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, chỉ rõ những “chứng bệnh” bắt nguồn từ “kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông” của cán bộ, đảng viên hiện nay, từ đó có chủ trương, biện pháp đúng đắn theo tinh thần “đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền sâu rộng đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu nhân dân, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (11).

Đại hội XI của Đảng cũng chỉ rõ: “Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng còn hạn chế; thiếu sắc bén trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” (12). Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước.

Thực tiễn việc thực hiện công tác tư tưởng, lý luận nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng, thiết nghĩ, muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới, thì việc trước tiên là phải tạo ra được môi trường học tập lý luận sâu rộng  trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, coi việc học tập và bồi dưỡng lý luận là nhiệm vụ cấp thiết và việc học tập, nâng cao lý luận chính là con đường để cán bộ, đảng viên tự hoàn thiện mình. Muốn vậy, phải luôn nắm chắc và ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp học tập lý luận.

Trong tình hình hiện nay phải đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và nâng cao lý luận; quán triệt sâu sắc những quan điểm, phương châm, phương pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Công tác bồi dưỡng, đào tạo lý luận phải có sự đầu tư thích hợp, có chiến lược đào tạo lâu dài và thường xuyên gắn kết với việc đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ trong hoạt động thực tiễn; gắn với việc giáo dục đạo đức, lối sống trong toàn Đảng, toàn xã hội mà tiêu biểu là việc triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với cuộc đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và kịp thời ngăn chặn, đấu tranh khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên./.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb CTQG,H.2000,  t.5, tr.233-234

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5. Nxb CTQG, H. 2000, tr. 232

3. Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXBCTQG, H.2002, tr.231-236

4. Lênin Toàn tập, Tiến bộ, M, 1975, T. 6, tr. 30-32

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H., 2002, tập 2 (1924-1930), tr. 259-280

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, tập 8, tr.495

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, tập 5, tr.235

8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, tập 10, tr.21

9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2012, tr.284

10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2012, tr 206

11.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr 82

12. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2012, tr 206

Ths. Dương Quốc Thành, Hoàng Trung Kiên

Khoa Xây dựng Đảng, Học viện An ninh nhân dân

Bài viết khác: