Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc, có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu nặng của Đảng và nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu. Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của người là thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam đối với Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất – Hồ Chí Minh. Tổ chức an toàn, chu đáo các hoạt động đón tiếp, tuyên truyền; các sinh hoạt chính trị, văn hóa và tham quan khu vực là góp phần làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, để mọi người học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; để tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Đảng và nhân dân ta vững bước tiến lên trên con đường dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
Chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho quân đội, trực tiếp là Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ nặng nề, nhưng rất vẻ vang, thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với quân đội. Hơn 40 năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoàn kết chặt chẽ với chuyên gia Liên xô, chuyên gia Liên bang Nga và các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn hoàn thành tốt, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, hai Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Một trong những nguyên nhân xuyên suốt đó là trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào luôn xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng, nòng cốt là đội ngũ cán bộ các cấp luôn tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn; tuyệt đối trung thành với nhiệm vụ chính trị đặc biệt được Đảng, nhân dân và quân đội giao phó. Trong đó có một yếu tố rất cơ bản đó là sự vững vàng về bản lĩnh chính trị của người cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong giai đoạn hiện nay, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực; âm mưu “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch; sự trỗi dậy của các tổ chức tôn giáo, cực đoan, cùng với sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường... đã và đang tác động nhiều chiều đến việc xây dựng bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để tiếp tục phát huy thành tích Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới và truyền thống vẻ vang: “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”, trong tình hình hiện nay, cấp ủy, cán bộ chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp, cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau:
Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ, dù ở cương vị nào cũng đều nhận thức sâu sắc được yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị.
Đối với cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc giáo dục nắm chắc, hiểu sâu yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị, phải gắn liền với giáo dục mục tiêu, lý tưởng, lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn đến mấy, cũng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện nay, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, cần tập trung làm cho mọi người, tiếp tục nắm vững quan điểm độc lập tự chủ, tự lực tự cường, từng bước phấn đấu vươn lên làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ chính trị. Mặt khác, đơn vị làm nhiệm vụ giữa trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, nơi nhạy cảm về chính trị, do đó cần thường xuyên giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác, rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý chí tiến công, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Tuyệt đối không để bị động, bất ngờ để kẻ địch đạt được âm mưu bạo loạn, lật đổ hoặc gây tiếng vang trong khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình và các công trình có liên quan.
Hai là, chú trọng bồi dưỡng nâng cao tri thức khoa học, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác và trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ đối với nhiệm vụ được giao.
Nhiệm vụ chính trị của Bộ Tư lệnh Bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ đặc biệt, chưa có tiền lệ ở việt Nam. Một nhiệm vụ với nhiều chuyên ngành khoa học y tế, kỹ thuật, quân sự khác nhau, do đó cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ được giao nhiệm vụ đòi hỏi phải có trình độ chuyên sâu cao, đồng thời cũng phải có trình độ hiểu biết rộng để có phương pháp tư duy khoa học khi xem xét, đánh giá từng công việc cụ thể. Chính vì vậy, việc quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên và cấp bách. Để thực hiện được điều đó, cấp uỷ, chỉ huy các cấp cần có quy hoạch, kế hoạch cụ thể để định kỳ tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng ngay tại cơ quan, đơn vị về những kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành, trực tiếp phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Làm tốt được việc này sẽ giúp cán bộ, chiến sỹ có năng lực trình độ, tự tin, tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ. Khi gặp những khó khăn trở ngại, hay tác động mặt trái cơ chế thị trường thì có đủ bản lĩnh, năng lực và trí tuệ vượt qua được thử thách, không để những cám dỗ về vật chất làm sa ngã, thoái hoá đạo đức, lối sống, làm mất cán bộ, đảng viên tích cực. Mặt khác, thường xuyên cập nhật những quy định mới của nhà nước và quân đội sẽ giúp cho cán bộ có kiến thức sâu, rộng để làm tốt chức trách, nhiệm vụ, đề cao trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.
Ba là, chủ động, tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy tính tích cực, tự giác, tự trọng của mỗi cán bộ, chiến sỹ trong rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập và làm theo đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng và rèn luyện đạo đức cho người cán bộ, đảng viên. Theo Người, cán bộ, đảng viên không chỉ giác ngộ chính trị mà còn phải có đạo đức cách mạng. Cán bộ, đảng viên vừa có tài, vừa có đức là cơ sở nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh cách mạng của Đảng. Đồng thời, mỗi cán bộ phải tự giác rèn luyện tư cách, đạo đức, tác phong của mình, quyết tâm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Phải tự học tập không ngừng để nâng cao trình độ về lý luận và chuyên môn. Có tri thức về nhiều mặt, tích lũy được nhiều kinh nghiệm giúp cán bộ nhận định, đánh giá vấn đề chính xác, xử lý tình huống đúng đắn. Điều đó đảm bảo cho đội ngũ cán bộ luôn vững vàng, sáng tạo, kiên định trước khó khăn, thách thức, đạt được hiệu quả cao trong công việc, trong cuộc sống.
Cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có niềm vinh dự đặc biệt được hàng ngày, hàng giờ chứng kiến tình cảm của nhân dân trong nước, bầu bạn quốc tế đối với Bác Hồ kính yêu. Việc bồi dưỡng nâng cao đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không những nâng cao hiểu biết cho cán bộ, chiến sỹ mà còn là kiến thức để mỗi cán bộ, chiến sỹ học tập, tiếp thu để vận dụng tốt trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Song song với việc giáo dục nâng cao đạo đức cách mạng, cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp trong đơn vị, cần thường xuyên quan tâm bồi dưỡng tình cảm cách mạng, lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng và Bác Hồ; trân trọng những thành quả lao động sáng tạo quên mình của các thế hệ đi trước đối với nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và công trình Lăng của Người. Giáo dục niềm vinh dự, tự hào đi đôi với việc kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống vẻ vang của đơn vị mà biết bao thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ đã xây dựng lên. Điều đó có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, chiến sỹ trong tình hình hiện nay.
Xây dựng bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình mới, là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Đòi hỏi cấp uỷ, cán bộ chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp cần thống nhất nhận thức, thường xuyên xây dựng nội dung, biện pháp cụ thể để tuyên truyền, giáo dục một cách cơ bản, vững chắc, tạo động lực để thúc đẩy mỗi cán bộ, chiến sỹ tự giác vươn lên làm tròn nhiệm vụ, chức trách được phân công, vững vàng trước mọi khó khăn thử thách, xứng đáng với niềm tin cậy, yêu mến của nhân dân/.
Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền
Nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh