Theo đúng quy luật của tự nhiên, Hè đi Thu lại về. Mùa Thu năm nay rất đặc biệt bởi cách đây 71 năm, vào mùa Thu lịch sử năm 1945, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám “long trời lở đất”, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây là một trong những thắng lợi nổi bật vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi này gắn liền trực tiếp với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã tìm ra và dẫn dắt con đường cách mạng Việt Nam để đưa đến thành công của Cách mạng Tháng Tám.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người tìm đường và dẫn dắt con đường cách mạng Việt Nam
Mỗi quốc gia, dân tộc trong tiến trình phát triển đều phải lựa chọn cho mình một con đường đi phù hợp. Sự lựa chọn con đường phát triển của đất nước trong mỗi thời kỳ lịch sử thường gắn với tên tuổi của một vĩ nhân, một anh hùng lỗi lạc của dân tộc. Hồ Chí Minh cũng là một vĩ nhân như vậy. Người đã có công lớn trong việc tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn với mục tiêu cách mạng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - một trong những nhân tố có tính quyết định đầu tiên dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Không chỉ tìm đường mà Bác còn là người dẫn đường cho cách mạng của dân tộc.
Để hiểu được vấn đề này, chúng ta trở lại giai đoạn cách mạng Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX. Ngay từ khi thực dân Pháp tấn công xâm lược Việt Nam (năm 1858), nhân dân ta đã đứng lên đấu tranh để bảo vệ nền độc lập dân tộc nhưng đều bị thực dân Pháp đàn áp tàn bạo và thất bại. Nguyên nhân chính là do các phong trào này không tìm được đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc và con đường phát triển đúng đắn. Phong trào yêu nước của nhân dân ta như không có đường ra.
Trong hoàn cảnh đó, ngày 5/6/1911, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đi sang phương Tây với quyết tâm tìm lại độc lập tự do cho dân tộc. Đó là chuyến ra đi thế kỷ, là khởi nguồn của những biến đổi không chỉ trong nhận thức của Người mà còn là điểm bắt đầu cho quá trình lựa chọn con đường cứu nước mới, giải phóng dân tộc Việt Nam.
Bôn ba qua nhiều nước trên thế giới, vừa lao động, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng tư sản điển hình, như cách mạng tư sản Pháp, chiến tranh giành độc lập ở Mỹ, tham gia hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp, Người đã rút ra nhiều bài học quý báu và bổ ích, là cơ sở cho sự lựa chọn con đường cách mạng của mình.
Bác Hồ làm phụ bếp trên con tàu đã đưa Người
ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Ảnh: Tư liệu/http://www.dangcongsan.vn
Tháng 7 năm 1920, sau khi được tiếp cận và tiếp thu những tư tưởng cơ bản của V.I.Lênin trongSơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa,Bácđãtìm thấy con đường duy nhất đúng đắn để cứu nước, giải phóng dân tộc ta. Đó là tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, gắn phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trong nước với phong trào cách mạng thế giới. Người khẳng định:“Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(1).
Tìm ra con đường cứu nước đúng đắn là công lao vĩ đại đầu tiên, là cống hiến lý luận sáng tạo hàng đầu của Bác và là di sản có giá trị vĩnh hằng đối với cách mạng Việt Nam. Kể từ đây, lịch sử cách mạng Việt Nam chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cách mạng, chủ nghĩa Lê-nin mà Người tiếp nhận được coi như “kim chỉ nam” soi sáng con đường đi tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Sau khi tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, Bác đã xúc tiến và chuẩn bị những điều kiện cần thiết, hướng phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam vào con đường cách mạng vô sản, để từ đó đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua sóng gió, thác ghềnh đi đến bến bờ thắng lợi.
Minh chứng rõ nét nhất là ngày 3/2/1930 tại Hương Cảng - Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, để rồi 15 năm sau, Đảng đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Nhân dân thực hiện cuộc Cách mạng Tháng Tám theo con đường cách mạng vô sản
Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng đầu tiên trong giai đoạn đầu tiên của lộ trình cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng “dân tộc, giai cấp, con người” đã được Bác Hồ xác định - đó là giai đoạn giải phóng dân tộc.
Ngày 28/1/1941, sau bao năm ra đi tìm đường cứu nước, Bác đã về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, tại Pác Bó, Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Hội nghị đã quyết định cần giương cao hơn nữa ngọn cờ giải phóng dân tộc bởi “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn nǎm cũng không đòi lại được”(2). Điều này đã cho thấy sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Bác trong giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Nhờ việc hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, vạch ra được những chính sách cụ thể, sát hợp nhằm giải quyết mục tiêu số 1 của cách mạng là độc lập dân tộc nên Đảng và Bác đã tập trung được các lực lượng cách mạng, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ… cùng đoàn kết trong Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc rộng rãi, vững chắc góp phần quyết định vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Thành lập Mặt trận Việt Minh là một sáng tạo đặc sắc của Bác, thể hiện rõ nét tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Người.
Cùng với việc xây dựng lực lượng chính trị, công tác xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng được Bác đặc biệt coi trọng. Năm 1944, Bác chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam với tư tưởng chỉ đạo là “chính trị trọng hơn quân sự”.
Cuối năm 1944, đầu năm 1945, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến mau lẹ, phong trào cách mạng trong nước phát triển rộng khắp. Chớp thời cơ, Bác đã kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(3).
Lệnh Tổng khởi nghĩa của Đảng và lời kêu gọi của Bác như lời hịch non sông thúc giục lòng người ra trận. Đồng bào trong cả nước đã đồng loạt đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền, đoàn kết tạo thành “một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Vàchỉ trong 15 ngày (từ 14 đến 28/8/1945), cuộc Tổng khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn, chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến, chính quyền về tay nhân dân.
Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu/http://baodongnai.com.vn
Mít tinh Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu/http://baotintuc.vn
Ngày 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình rợp bóng cờ, hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(4).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu - TTXVN
Tuyên ngôn Độc lập chẳng những đã khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, mà còn báo hiệu sự thành lập của một chế độ xã hội mới - chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Châu Á. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Một kỷ nguyên mới được mở ra cho dân tộc ta: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thắng lợi này cũng cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức.
Từ dấu mốc chói lọi đó của Cách mạng Tháng Tám, tiếp bước theo con đường Bác Hồ đã chọn, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân bước vào một cuộc trường chinh mới, đấu tranh giành độc lập trước nạn xâm lăng của thực dân, đế quốc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã chỉ rõ và hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
71 năm đã trôi qua kể từ Lễ độc lập đầu tiên, Quảng trường Ba Đình vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử cho đến ngày nay. Nơi đây đã chứng kiến bao sự kiện lớn đánh dấu những bước trưởng thành của cách mạng nước nhà trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong suốt những năm qua, Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình lịch sử thường xuyên được chọn là nơi tổ chức các cuộc mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động chính trị văn hóa lớn có ý nghĩa giáo dục truyền thống, đạo đức cho các thế hệ người Việt Nam.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người Việt Nam.
Ảnh: http://laodong.com.vn
Năm nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9; cũng là năm thứ 47 Bác Hồ ra đi vào cõi vĩnh hằng. Trong những ngày mùa Thu lịch sử này, triệu triệu trái tim của đồng bào cả nước đang cùng hướng về Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Bác Hồ kính yêu đang yên nghỉ với tất cả tấm lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Người và lời hứa quyết tâm đoàn kết, tin tưởng, nguyện đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. 71 mùa Thu đã đi qua nhưng giữa Ba Đình lịch sử hôm nay dường như vẫn còn vẹn nguyên bóng hình và âm vang lời Bác./.
Thu Hiền
----------------------
Chú thích:
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.30.
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tập 7, tr.122.
(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 3, tr.596.
(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 4, tr.3.