Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn giải phóng phụ nữ, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới - một trong những nội dung quan trọng nhất của vấn đề giải phóng phụ nữ.

Đi qua nhiều nước, chứng kiến nhiều cảnh áp bức bất công, Người cảm thông sâu sắc với nỗi đau khổ của người phụ nữ ở các nước thuộc địa, trong bài “Văn minh tư bản chủ nghĩa và phụ nữ ở các nước thuộc địa” Người vạch rõ: “Trong các nước bị chiếm đó không có luật hay sự hạn chế nào để kiềm chế bớt bọn bóc lột… bọn chủ tiếp tục bóc lột một cách vô liêm sỉ phụ nữ và trẻ em tiếp tục đau khổ”1.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề quyền bình đẳng của phụ nữ không chỉ xuất phát từ tinh thần nhân đạo cộng sản mà còn xuất phát từ một niềm tin sáng suốt về khả năng lao động sáng tạo hết sức to lớn, quan trọng của phụ nữ. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người phụ nữ ở thời đại nào cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong gia đình cũng như trong xã hội. Người luôn đề cao những tấm gương oanh liệt của các Bà Trưng, Bà Triệu để chị em thấy được rằng:

“Phụ nữ ta chẳng tầm thường

Đánh Đông dẹp Bắc làm gương để đời”2

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, vấn đề nam nữ bình quyền đã được Người ghi nhận trong Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt và được khẳng định một lần nữa trong những lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra nhiệm vụ xóa bỏ chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến lạc hậu, coi đó là yêu cầu cấp thiết của cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ nói riêng, của sự nghiệp cách mạng nói chung. Trong chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương (6/1932), Đảng đề ra yêu cầu đấu tranh đòi “Bỏ hết thảy các pháp luật và tục lệ hủ bại làm cho đàn bà không được bình đẳng với đàn ông, bỏ chế độ áp bức của cha mẹ đối với con cái của chồng đối với vợ… cấm tục lấy nhiều vợ, vợ hầu, vợ lẽ và quyền đàn bà được giữ lại con mình lúc li dị”.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền non trẻ vừa được thành lập, đất nước ta lại đứng trước “ngàn cân treo sợi tóc” với ba thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã ra lời kêu gọi chống nạn thất học, trong lời kêu gọi này, Người đặc biệt quan tâm đến phụ nữ “phụ nữ lại cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước có quyền bầu cử và ứng cử”3.

Tư tưởng “nam nữ bình quyền” của Chủ tịch Hồ Chí minh được thể chế hóa sớm nhất trong Điều 9 của  Hiến pháp năm 1946, Bộ luật đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong bản Hiến pháp đã xác nhận quyền bình đẳng giữa Nam và Nữ về mọi phương diện và nó trở thành thể chế của Quốc gia. Điều 9 của Hiến pháp 1946 quy định: Đàn bà ngang hàng với quyền đàn ông về mọi phương diện, đó là cơ sở pháp lý để đấu tranh xóa bỏ chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến. Tuy vây, Người cũng chỉ ra sự bình đẳng, bình quyền “Không phải là hôm nay anh nấu cơm rửa bát quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là lầm to!”4. Theo Người, bình đẳng, bình quyền thật sự phải là cuộc cách mạng tư tưởng-“cuộc cách mạng to và khó”, cuộc cách mạng đó là cuộc cách mạng trong nhận thức của từng người, từng gia đình, từng người dân. Sau Hiến pháp 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký sắc lệnh số 97/SL ngày 22/3/1950 quy định một số điểm cơ bản về hôn nhân và gia đinh, trong đó, Điều 3 ghi rõ: “chồng và vợ có địa vị bình đẳng trong gia đình”. Tiếp đó, ngày 17/11/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký sắc lệnh 159-SL quy định về ly hôn. Sắc lệnh đã xóa bỏ sự không bình đẳng về duyên cớ ly hôn giữa vợ và chồng.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân cả nước bước vào thời kỳ mới, đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược. Ngày 21-12-1959, Quốc hội thông qua Hiến pháp XHCN đầu tiên ở nước ta. Điều 73 của Hiến pháp lại một lần nữa khẳng định nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nam nữ bình đẳng được thể hiện hoàn chỉnh ở Luật Hôn nhân và gia đình năm 1960 mà Người trực tiếp ký. Tư tưởng trọng nam khinh nữ là điển hình của chế độ hôn nhân gia đình phong kiến, để xóa bỏ tư tưởng lạc hậu đó, tinh thần cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình là giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình đẳng trong hôn nhân và gia đình. Tại hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình, Người phát biểu: “Luật lấy vợ, lấy chồng sắp đưa ra Quốc hội là một cuộc cách mạng, là một bộ phận của cách mạng XHCN. Vì vậy phải đứng trên lập trường vô sản mà hiểu nó… luật lấy vợ lấy chồng nhằm giải phóng phụ nữ… Mong các cô, các chú cố gắng, hiểu rõ và làm tốt, nhất là phải thận trọng vì luật này quan hệ đến tương lai của gia đình, của xã hội, của giống nòi”5. Để xóa bỏ hôn nhân và gia đình phong kiến, Luật nêu ra nguyên tắc: Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người mẹ và trẻ em. Quan điểm của Người lúc đó là đánh giá cao vai trò của người phụ nữ vì: “Nói phụ nữ là nói một nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”6. Quan điểm tiến bộ này của Bác được thể hiện vào nội dung tiến bộ của Bộ luật. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1960 được xây dựng trên 4 nguyên tắc: Hôn nhân tự do, một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong gia đình, bảo vệ quyền lợi con cái. Điều 14 của Luật ghi nhận sự bình đẳng thật sự của vợ chồng về mọi mặt: “Vợ và chồng đều có quyền tự do hoạt động chính trị xã hội”.

Luật Hôn nhân và gia đình đánh dấu bước phát triển của luật pháp về hôn nhân và gia đình ở nước ta. Luật đã góp phần xóa bỏ những tàn tích của hôn nhân gia đình phong kiến. Trên cơ sở đó, Luật đã tạo điều kiện thực hiện tự do hôn nhân. Mục tiêu xây dựng gia đình dân chủ, hòa thuận, hạnh phúc. Nó có tác động to lớn trong đấu tranh chống tư tưởng phong kiến và ảnh hưởng của tư tưởng tư sản trong hôn nhân gia đình, xây dựng chế độ hôn nhân và gia đình XHCN. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1960 đã thể hiện tư tưởng giải phóng phụ nữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những tư tưởng của Người về pháp luật giải phóng phụ nữ không những được khẳng định và hoàn thiện ở những năm sau này khi Người đã đi xa, mà thể hiện rõ nét nhất ở Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 và Hiến pháp 1980. Quyền bình đẳng của phụ nữ không những được bảo vệ bằng pháp luật Việt Nam mà còn được bảo vệ bằng các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như: Công ước về việc loại bỏ mọi phân biệt đối với phụ nữ tại Coopenhagen ngày 17-11-1980.

Như vậy, có thể thấy rằng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề quyền bình đẳng của phụ nữ tựu chung lại ở những điểm nổi bật sau:

1. Về mặt nhận thức, cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ nhằm giành lại quyền bình đẳng cho họ theo Người thật sự là cuộc cách mạng “to và khó”. Do đó, việc giành quyền bình đẳng của phụ nữ phải là việc chung của toàn thể xã hội.

2. Muốn giải phóng được người đàn bà đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông.

3. Vì trọng nam khinh nữ là tư tưởng lạc hậu, kéo dài hàng ngàn đời nay và đã trở thành một hiện tượng tâm lý có tính chất phổ biến của toàn xã hội cho nên không thể dùng vũ lực mà đấu tranh chống lại được, theo Bác: Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, văn hóa, kinh tế, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình đến toàn xã hội. Do đó, phải sử dụng biện pháp tổng hợp toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội để giải quyết vấn đề giải phóng phụ nữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Muốn giải phóng phụ nữ không chỉ thực hiện một sự phân công mới bình đẳng giữa vợ và chồng trong những công việc gia đình, mà cái căn bản là phải có sự phân công, sắp xếp lại lao động của toàn xã hội. Đưa phụ nữ tham gia vào nhiều ngành nghề như nam giới. Tổ chức lại đời sống công nông cũng như sinh hoạt gia đình để phụ nữ được giảm nhẹ công việc bếp núc, chăm lo con cái, có điều kiện tham gia sản xuất, học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Từ đó chị em mới có khả năng làm nhiều công việc cách mạng và đảm nhận những chức vụ công tác ngang hàng với nam giới.

4. Khi lãnh đạo phụ nữ thực hiện những nhiệm vụ cách mạng chung của toàn dân, ở chị em lại có những yêu cầu riêng mà Đảng không thể xem nhẹ. Đó là vấn đề chống phân biệt đối xử giữa nam và nữ, đó là yêu cầu về vật chất và tinh thần do chức năng sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái đặt ra cho người phụ nữ. Bởi vậy, muốn cho người mẹ sản xuất tốt, thì cần tổ chức những nơi giữ trẻ và những lớp mẫu giáo và tổ chức những nhà ăn công cộng tốt để giải phóng phụ nữ ra khỏi bếp núc.

5. Tuy nhiên, Bác cũng động viên nhắc nhở chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà mình phải tự cường, phải đấu tranh.

Tìm hiểu những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề quyền bình đẳng của phụ nữ chúng ta càng hiểu rõ hơn những công lao to lớn và tấm lòng nhân ái bao la mà Bác dành cho người phụ nữ. Những tư tưởng của Người về quyền bình đẳng của phụ nữ không những có giá trị đến hôm nay mà còn đến tận mãi mai sau. Hơn bao giờ hết, người phụ nữ cần phát huy tinh thần làm chủ tập thể, tham gia lao động, học tập, sản xuất, mạnh dạn tích cực trong mọi lĩnh vực. Đó chính là con đường để phụ nữ tự giải phóng mình, để tiến nhanh, tiến kịp nam giới. Chúng ta phải phấn đấu, cố gắng không ngừng để xứng đáng với niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho phụ nữ chúng ta “Non song gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”7.

                                             Lê Thị Thanh Huyền

                                         Nguyễn Đình Phú

                                             Hệ 6-Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

 

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H, 2009, tr.3,4.

                                         

            (2) Lịch sử nước ta, Hồ Chí Minh tuyển tập, Nxb Sự thật, H, 1980, tập 1, tr.328.

(3) Hồ Chí Minh, tuyển tập, tập 1, 1998, tr.367-368.

(4) Hồ Chí Minh, Nam nữ bình quyền, Nxb Sự thật, 1986.

(5) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, tập 5, tr.281, 282.

(6) Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb phụ nữ, 1982, tr.33.

(7)  Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, tập 2, tr.158.

Bài viết khác: