Khu Di tích K9 hàng năm đón tiếp hàng trăm nghìn lượt người đến dâng hương tưởng niệm Bác và tham quan học tập. Ngoài những hiện vật lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh, cảnh quan nơi đây vừa góp phần tôn tạo Khu Di tích vừa thu hút nhân dân tới chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn. Với vị trí thuận lợi, khoảng cách địa lý không xa so với trung tâm Thủ đô Hà Nội, sau khi xây dựng và khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9 ngày 02/9/2015, đến ngày 19/5/2016, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mở rộng tham quan tới tất cả đồng bào trong cả nước, và tới đây ngày 19/5/2017 sẽ mở rộng đón khách quốc tế; cùng với sự cải thiện về phương tiện và hạ tầng giao thông của Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận, Khu Di tích K9 sẽ là địa chỉ thu hút khách không những đông đảo đồng bào trong nước mà còn cả khách quốc tế.
Việc tạo dựng không gian xứng tầm với Khu Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và đời đời ghi nhớ công lao của Bác, ngoài việc thực hiện chu đáo công tác tổ chức, đón tiếp, giới thiệu, thuyết minh; tổ chức dịch vụ, vệ sinh, bảo vệ môi trường…cho đồng bào trong nước và khách quốc tế đến tham quan Khu Di tích và tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc nghiên cứu tôn tạo kiến trúc cảnh quan cho toàn bộ Khu Di tích, đặc biệt dọc theo tuyến tham quan và các khu vực trưng bày hiện vật là rất cần thiết. Chính vì vậy, năm 2015 Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng đã giao cho Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và môi trường thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ “Bảo tồn, tôn tạo giá trị kiến trúc cảnh quan Khu Di tích K9, Ba Vì, Hà Nội”, mã số đề tài: KCBL-15-02 do Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Tuyến - Giám đốc Trung tâm là Chủ nhiệm đề tài.
Việc nghiên cứu để tôn tạo cảnh quan nơi đây sao cho mọi người tới tham quan cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của Khu Di tích, sự hài hòa với thiên nhiên của vùng đất địa linh nhân kiệt; chủng loại cây xanh, cây hoa, cây cảnh phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, lâu bền và ít công chăm sóc; các tượng đài, phù điêu, tiểu cảnh phù hợp với các công trình kiến trúc hiện có, phù hợp với không gian cảnh quan sẽ làm tăng thêm giá trị tổng thể của Khu Di tích, từ đó tạo thêm điều kiện để thu hút rộng rãi nhân dân, các tổ chức xã hội, khách quốc tế đến tham quan, học tập, nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh và danh lam thắng cảnh trong khu vực, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về truyền thống cách mạng, về công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Cây Mai Yên Tử đã thuần chủng, sản phẩm của đề tài tại K9
Sau 02 năm thực hiện (2015 - 2016), nhóm nghiên cứu đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo thuyết minh đề tài đã được phê duyệt. Nghiên cứu, điều tra, đánh giá thực trạng các yếu tố tổ chức kiến trúc cảnh quan và vai trò của cảnh quan tự nhiên về địa hình, thảm thực vật, mặt nước trong khu vực nghiên cứu. Nghiên cứu, điều tra, đánh giánhóm yếu tố cảnh quan nhân tạo, các công trình kiến trúc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, chiếu sáng. Thu thập số liệu, phân tích, đánh giá điều kiện khí hậu, môi trường sinh thái, thổ nhưỡng; điều kiện xã hội và con người trong khu vực có tác động, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường Khu Di tích. Tổ chức điều tra quá trình sinh trưởng của cây, đo đếm các chỉ tiêu sinh trưởng hiện tại, sâu bệnh hại và biện pháp kỹ thuật gây trồng, chăm sóc một số loại cây chủ yếu dọc tuyến tham quan tại Khu A, B. Xây dựng hồ sơ khoa học cho từng chủng loại cây cảnh chủ yếu dọc tuyến tham quan tại Khu A, B như tên phổ thông, tên khoa học, họ, số hiệu, đặc điểm nhận biết, đặc điểm sinh học, sinh thái học…), bổ sung biển tên cây trên tuyến tham quan. Tiến hành khảo sát và so sánh các yếu tố kiến trúc cảnh quan tại Khu Di tích K9 với Khu Di tích Đền Hùng, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cà Mau để đề xuất, bổ sung các yếu tố kiến trúc tương đồng.
Đã đề xuất được các giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan tổng thể và đổi mới trang trí các loại cây hoa, cây cảnh, cây xanh có hoa theo các mùa trong năm chung cho toàn khu vực. Đề xuất các nội dung, hình thức và vị trí bố trí các tượng đài, phù điêu, tiểu cảnh tại những vị trí thích hợp, điểm dừng chân của du khách trên tuyến tham quan; chủ đề có ý nghĩa, hài hòa với cảnh quan. Đã tiến hành trồng thử nghiệm một số mô hình trang trí cây Đào bạch, Đào nhiều màu, Mai Yên Tử, hoa Huệ tây, Dã quỳ tại Khu B và Khu D. Lập các bản đồ lớp phủ tổng thể cho toàn bộ Khu Di tích.
Nhóm nghiên cứu khảo sát giống Râm bụt tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An
Đặc biệt một số nội dung đề xuất trong phạm vi nghiên cứu của đề tài đã được triển khai ứng dụng ngay từ năm 2016 như: Trồng Sen hồng Kim Liên trong giới hạn tại hồ Khu B; trồng Sen trong chậu trang trí tại Nhà tưởng niệm Bác; trồng cây Râm bụt Kim Liên và Dừa Cao Lãnh dọc tuyến tham quan và quanh hồ Khu B. Đồng thời qua kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện đã kiến nghị những nội dung thiết thực liên quan công tác quản lý, bảo tồn tôn tạo về kiến trúc cảnh quan; công tác chăm sóc và bảo vệ rừng; quản lý sử dụng nguồn nhân lực trong chăm sóc duy trì các loài cây quý hiếm; các cây lưu niệm do Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương đã trồng tại Khu Di tích…
Hội nghị nghiệm thu đề tài
Ngày 17/01/2017 vừa qua, đề tài đã được Hội đồng khoa học công nghệ cấp Bộ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá và nghiệm thu. Các nội dung và phương án đề xuất là cơ sở để Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng nghiên cứu, lựa chọn và đưa vào các nội dung thực hiện hàng năm theo thứ tự ưu tiên để xây dựng và tôn tạo Khu Di tích.
Nguyễn Mạnh Tuyến