Kể từ ngày Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành đến nay, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân viên và chiến sỹ thuộc Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung trí tuệ, sức lực, với tinh thần trách nhiệm cao, với tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh; giữ gìn và tôn tạo kiến trúc, cảnh quan, môi trường khu vực Lăng Bác luôn khang trang, sạch đẹp, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không gian, cảnh quan khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trong một chỉnh thể kiến trúc chặt chẽ, hài hòa, thống nhất. Đổi mới, nâng cao chất lượng trang trí cảnh quan khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trang trọng, ấn tượng, là điểm nhấn tiêu biểu về chính trị, văn hóa của Thủ đô Hà Nội và của cả nước. Xây dựng nơi đây có những ấn tượng tốt đẹp, thiêng liêng để đồng bào cả nước, khách quốc tế hội tụ về đây kính viếng Người và tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.
Nhân dân và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác
Thực hiện Đề án 2341 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết 122 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tích cực chủ động tham mưu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tiến hành thực hiện “Dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng tuyến phố đi bộ”. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc cải tạo cảnh quan khu vực xung quanh Lăng Bác, góp phần phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Tuyến phố đi bộ là điểm nhấn quan trọng trong phục vụ nhân dân và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác, tham quan khu vực Lăng Bác, vỉa hè của các tuyến phố đi bộ được lát bằng đá tự nhiên khai thác từ tỉnh Phú Yên, có độ bền cao, có tính thẩm mỹ đẹp và chống trơn trượt cho người đi bộ. Toàn bộ tuyến phố được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí phù hợp với cảnh quan của từng khu vực; hệ thống cây xanh cũng được nâng cấp cho phù hợp với cảnh quan, môi trường xung quanh: Cây Vàng Anh, cây Xoài, cây Ban… được trồng xen kẽ cùng các bồn hoa, ghế đá bố trí dọc hai bên tuyến phố phục vụ du khách ngồi nghỉ, ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Đường xoài được lựa chọn những cây Xoài có thân to, tròn, thẳng tắp, vững chãi, vươn cao tỏa bóng mát, tạo không gian mát mẻ cho người đi bộ. Xoài rừng là giống cây có tuổi thọ lâu dài, có thể lên đến vài trăm năm tuổi; cây có thân đẹp, lá to vừa phải, xanh quanh năm tỏa bóng mát.
Những ngày này, Lăng Bác với muôn màu sắc hoa rực rỡ đón chào một năm mới
với hy vọng, đổi mới và vận hội mới
Tiếp nối những hàng cây xanh, là mái che đường viếng từ khu tập kết nhân dân vào dến Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, được thiết kế bằng vật liệu nhẹ, độ bền cao, thẩm mỹ đẹp, như con Rồng cách điệu che nắng, che mưa cho nhân dân và khách quốc tế tạo nên ấn tượng tốt đẹp cho du khách mỗi khi vào Lăng viếng Bác.
Đặc biệt, Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã đầu tư hệ thống wifi miễn phí và các ki-ốt điện tử trên tuyến phố đi bộ và khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình phục vụ nhân dân và khách quốc tế để truy cập hiểu biết thêm về đất nước, con người Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Thủ đô Hà Nội. Kết nối không gian khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình với thế giới, tạo nên thoải mái, tiện ích cho nhân dân và khách quốc mỗi khi đến viếng Bác, thăm quan khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Phía trước Lăng Bác là không gian, cảnh quan rộng lớn trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, thảm cỏ thiên nhiên màu xanh lục của 210 ô cỏ gừng đưa từ miền Nam ra trồng, là hình tượng những chiếc chiếu trải trên sân đình ở các làng quê Việt Nam xưa, tạo nên màu sắc đẹp, chịu được nắng gắt, kết hợp với hệ thống tưới phun bán tự động, làm dịu mát không khí Quảng trường Ba Đình. Khu vực vườn hồng trên đường Bắc Sơn quanh năm rực rỡ và thơm ngát bỡi các loại hoa hồng quý. Cuối vườn hồng đường Bắc Sơn được xây dựng Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ những người con đã hy sinh vì Tổ quốc Việt Nam. Những cây ban hoa trắng và ban hoa tím được đồng bào các dân tộc Điện Biên đưa từ rừng núi Tây Bắc về trồng hai bên đường Bắc Sơn, con đường lớn đối diện Quảng trường Ba Đình. Cây có hình dáng đẹp, nhiều cành nhánh tạo nên những đường nét phong phú sinh động. Cạnh hoa ban là hai hàng cây dầu nước của Nam Bộ thân thẳng tròn đều vươn cao hơn hai ba mươi mét, biểu trưng cho khí phách hiên ngang bất khuất của người dân mảnh đất Thành đồng Tổ quốc. Giữa vườn hồng đường Bắc Sơn được trồng những cây đào Nhật Tân đặc trưng của Hà Nội, có dáng hình cầu trồng đối xứng, tạo nên cảm giác trang nghiêm, ấm cúng, hòa quyện với hoa hồng đỏ rực rở sau mỗi độ Tết đến xuân về.
Nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác, tham quan khu vực Lăng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của những khối đá quý Corindon do Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An dâng tặng, đây là loại đá do thiên nhiên tích tụ hàng triệu triệu năm trong lòng đất, có độ cứng và độ bền cao, tỷ trọng nặng, trường tồn mãi mãi với thời gian; không bị ăn mòn bởi nước, axít, không bị ôxi hóa; có màu xanh lam, đỏ và phớt tím, có khả năng thấu quang và chiết quang, chứa nhiều khoáng vật quý, có thể gọi loại đá này là “Đại Lam Ngọc”.
Khối đá quý Corindon của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An dâng tặng
Hai bên vỉa hè các tuyến phố và đường Hùng Vương được đặt những chiếc chậu dùng để trồng hoa thời vụ, được thiết kế rất đặc biệt từ chất liệu, kiểu dáng đẹp, có họa tiết tinh tế hình bông sen nổi mang đậm dấu ấn dân tộc; hoa sen là loài hoa gần gũi, tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang và thuần khiết mang tính dân tộc, từ lâu đời được mọi người yêu thích; các loại hoa muôn màu sắc được trồng vào dịp ngày Lễ, Tết và các thời vụ khác nhau tạo nên cảnh quan ấn tượng, xao xuyến lòng người.
Trong thời gian tới, rất mong được sự quan tâm, ủng hộ giúp đỡ của các tỉnh thành, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong cả nước góp phần xây dựng nơi đây thành một khu vực xanh, sạch, đẹp, ấn tượng của Thủ đô Hà Nội và của cả nước, nhằm phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới; vừa gần gũi, vừa trang nghiêm, linh thiêng thể hiện tấm lòng đời đời biết ơn của nhân dân ta đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Đặng Đình Bình