Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục văn hoá pháp luật và kỷ luật trong Quân đội là một nội dung trong hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kỷ luật Quân đội là một trong những nội dung tạo lên sức mạnh của Quân đội, Người chỉ rõ: Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”; do đó, việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục văn hoá pháp luật và kỷ luật Quân đội có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao trình độ văn hoá pháp luật và kỷ luật của mỗi quân nhân. Văn hoá pháp luật và kỷ luật của quân nhân biểu hiện tập trung ở sự hiểu biết sâu sắc, sự nhất trí và lòng tin vào pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật Quân đội, tự giác hành động theo pháp luật của Nhà nước, chấp hành điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của Quân đội. Bởi vậy, muốn có văn hoá pháp luật, kỷ luật tự giác nghiêm minh, con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất là phải được giáo dục, học tập đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội.

bac ho
Bác Hồ với các đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III, năm 1963.

Trong những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở các đơn vị trong toàn quân đã luôn coi trọng việc bồi dưỡng, giáo dục pháp luật, kỷ luật Quân đội cho mọi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị đều có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, tích cực, trách nhiệm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, ở một số đơn vị vẫn còn có quân nhân chưa rèn luyện được thói quen chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, còn vi phạm kỷ luật ở những mức độ khác nhau, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của chính bản thân họ và nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, bắt nguồn từ việc giáo dục pháp luật, kỷ luật Quân đội cho mỗi quân nhân ở các đơn vị hiện nay còn nhiều bất cập.

Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, những thuận lợi và thách thức đối với đất nước, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang đặt ra nhiều yêu cầu mới. Quân đội ta là lực lượng nòng cốt trong xây dựng quốc nền phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Đại hội XII của Đảng đã xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân: “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hoá một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu...”.  Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ấy, đòi hỏi Quân đội phải có kỷ luật nghiêm minh bằng sự chấp hành kỷ luật tự giác, trên cơ sở chấp hành nghiêm pháp luật của nhà nước, kỷ luật Quân đội của mọi quân nhân. Trong thời gian tới, để góp phần hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng cho mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhân cách công dân của họ trên mọi cương vị trong cuộc sống sau này - việc tiếp tục giáo dục pháp luật, kỷ luật Quân đội cho quân nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh vừa là đòi hỏi khách quan vừa có ý nghĩa thiết thực. Do đó, cần tập trung làm một số nội dung, biện pháp sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong bồi dưỡng, giáo dục pháp luật và kỷ luật. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị là người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi mặt của đơn vị mình đối với lãnh đạo, chỉ huy cấp trên, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải thường xuyên nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động và sáng tạo, luôn luôn đổi mới hình thức, biện pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức đoàn thể trong đơn vị. Mặt khác, bản thân mỗi cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần phải tự tu dưỡng, rèn luyện, “Phải làm gương mẫu, phải chăm lo đến đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, phải gương mẫu học tập và giữ kỷ luật”. Thực tế cho thấy, ở đâu, lúc nào cán bộ lãnh đạo, chỉ huy thực sự là tấm gương sáng về chấp hành pháp luật và kỷ luật, thì đó cấp dưới sẽ có ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật tốt, ngược lại, ở đâu cán bộ lãnh đạo, chỉ huy thiếu gương mẫu, tự do, tuỳ tiện thì đó đơn vị sẽ yếu kém và có nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật.

Thứ hai, phải coi trọng giáo dục tri thức pháp luật và kỷ luật Quân đội; xây dựng ý thức trách nhiệm tự giác chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội .Văn hoá pháp luật và kỷ luật của mỗi quân nhân được hình thành và phát triển trên cơ sở có nhận thức đúng, hiểu biết sâu sắc, sự nhất trí, lòng tin tưởng tuyệt đối vào pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ và kỷ luật của Quân đội và hành vi tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật. Trong giáo dục văn hoá pháp luật, kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ, Bác thường nhắc, phải chăm lo giáo dục những tri thức về pháp luật, điều lệnh, điều lệ của Quân đội, chỉ ra những điều nên làm và những điều không nên làm. Cùng với việc giáo dục tri thức pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, cần khơi dậy ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, pháp luật Nhà nước và kỷ luật của Quân đội.

 Thứ ba, chấp hành nghiêm pháp luật, duy trì nghiêm kỷ luật, rèn luyện tác phong chính quy, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những hiện tượng, hành vỉ vi phạm pháp luật, kỷ luật Quân đội. Việc bồi dưỡng giáo dục pháp luật, kỷ luật phải gắn với việc chấp hành nghiêm pháp luật, duy trì nghiêm kỷ luật và quản lý chặt chẽ mọi chế độ, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những hiện tượng, hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật của Quân đội. Việc giữ nghiêm kỷ luật phải được thông qua việc hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ của người cán bộ; càng tỉ mỉ, cụ thể bao nhiêu thì càng bớt sai lầm, bớt vi phạm khuyết điểm, vi phạm pháp luật, kỷ luật bấy nhiêu. Người chỉ rõ: Cán bộ từ chỉ huy trở xuống phải cố gắng hơn nữa trong công tác, trong học tập, từ bước đi từ cái chào đểu phải chính quy hoá, cán bộ phải tiến trước và làm gương mẫu cho các chiến sĩ. Người yêu cầu kiên quyết trừng trị những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi của người khác. Đồng thời phải khen thưởng để động viên cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật; và xử phạt cũng phải nghiêm minh để giữ nghiêm kỷ luật.

Thứ tư, bồi dưỡng văn hoá pháp luật, kỷ luật gắn với việc nâng cao giáo dục phẩm chất đạo đức cho cán bộ, chiến sĩ.  Đạo đức là cơ sở thực hiện pháp luật; đạo đức có tác dụng thúc đẩy, định hướng hành vi của quân nhân phù hợp với yêu cầu của pháp luật, kỷ luật Quân đội. Khi quân nhân biết tôn trọng và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức của xã hội thì đó sẽ là điểu kiện tốt để họ chấp hành nghiêm pháp luật, tỏ rõ tinh thần bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý, giữ nghiêm kỷ luật. Đối với cán bộ phải luôn luôn là tấm gương sáng trong bồi dưỡng cũng như thực hành đạo đưc cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; mình vì mọi người, mọi người vì mình; khổ trước thiên hạ, vui sau thiên hạ.

Tư tưởng vĩ đại và tấm gương đạo đức mẫu mực, sáng ngời, những lời căn dặn, dạy bảo của Người về giáo dục pháp luật và kỷ luật Quân đội là những bài học vô giá mãi mãi cổ vũ, động viên mọi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta học tập, noi theo phấn đấu để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng đơn vị VMTD, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Đại úy Nguyễn Khắc Tùng

                                     Hệ sau đại học-TSQCT

Bài viết khác: