Với tấm lòng thành kính và lòng biết ơn sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh và thân mẫu Bác Hồ. Nhân dịp đầu Xuân năm mới Đinh Dậu 2017, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Đoàn cán bộ do đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm Trưởng đoàn đến dâng hương tưởng niệm và trồng cây lưu niệm tại Khu Mộ Bà Hoàng Thị Loan - người có công sinh thành và nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đoàn cán bộ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
dâng hương tưởng niệm tại Khu Mộ Bà Hoàng Thị Loan
Bà Hoàng Thị Loan sinh thời đã hết lòng vì chồng con. Sau khi chồng bà là ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế đi thi, Bà đã cùng chồng gồng gánh đi bộ cùng hai con trai vào kinh đô Huế giúp ông học tập, nén lòng gửi con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh ở lại Nghệ An để giúp chăm sóc ông bà ngoại Hoàng Xuân Đường. Trải qua những năm tháng vất vả, thời gian ở Huế, bà đã lao động vất vả, vắt kiệt sức nuôi sống gia đình. Đức tính giản dị, khiêm tốn, sự hy sinh, chung thủy, yêu đời, yêu lao động của Bà đã có ảnh hưởng lớn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà là tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức cho các con học tập và bằng tấm lòng mẫn cảm của người mẹ, Bà đã vun trồng, dạy dỗ các con những bài học đầu tiên về cách sống, về đạo lý làm người ở đời. Sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận, do sự vất vả khó nhọc trước đó, Bà Hoàng Thị Loan sinh bệnh rồi qua đời vào năm 1901 trong khi chồng và người con trai Nguyễn Sinh Khiêm đang ở Thanh Hóa. Ở Huế lúc ấy chỉ có Nguyễn Tất Thành 11 tuổi đứng ra làm chủ tang, cùng bà con chôn cất mẹ chu đáo.
Mỗi khi nghe kể về câu chuyện ba chị em Bác Hồ sống đạo nghĩa với người mẹ Hoàng Thị Loan thế nào, hẳn đều thấy xúc động và thẳm sâu bài học hiếu nghĩa đầy tâm linh về đạo làm con. Giờ đây, Bà mãi mãi an giấc ngàn thu trên dải núi thiêng Động Tranh, Nam Đàn, Nghệ An. Thay cho ba người con hiếu tử, hàng ngày có hàng ngàn người con đất Việt và bạn bè quốc tế hành hương về đây thắp nén tâm hương để mãi mãi ghi nhớ công ơn trời biển của một bà mẹ vĩ đại đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm rạng rỡ non sông, đất nước Việt Nam.
Năm 1922, hài cốt của Bà được người con gái cả Nguyễn Thị Thanh đưa về an táng tại vườn nhà ở Làng Sen, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Đầu năm 1942, sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, ông Nguyễn Sinh Khiêm đã đi khắp quê hương Nam Đàn tìm nơi có phong cảnh đẹp để cải táng hài cốt của mẹ và lựa chọn được một vị trí ở núi Động Tranh trong dãy Đại Huệ, thuộc làng Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Vì nhiều lý do, ông Khiêm đã cho đào 9 huyệt mộ trên núi Động Tranh rồi đặt thi hài của mẹ mình ở đó một cách bí mật. Tháng 11 năm 1946, sau khi ra thăm em trai (Chủ tịch Hồ Chí Minh) ở Hà Nội, ông Nguyễn Sinh Khiêm mới thông báo cho bà con trong họ Nguyễn Sinh biết chính xác vị trí ngôi mộ của Bà Hoàng Thị Loan.
Đoàn cán bộ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
trồng cây lưu niệm tại Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan
Từ chân núi Động Tranh đi theo lối lên là phần mộ Bà Hoàng Thị Loan nằm ở bên trái, cùng phía này còn có mộ Bà Hà Thị Hy, bà nội của Bác Hồ. Phần mộ Bà Hoàng Thị Loan có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 là tuổi đời của Bà Hoàng Thị Loan. Từ đỉnh núi nơi an táng mộ Bà Hoàng Thị Loan nhìn ra về hướng Tây Nam, xa xa là dãy núi Thiên Nhẫn, kế bên là làng Kim Liên quê nội, làng Chùa quê ngoại của Bác Hồ với núi Chung còn in dấu tuổi ấu thơ của Bác Hồ.
Ngày 19 tháng 5 năm 1984, để bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với người đã có công sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An và Bộ Tư lệnh Quân Khu 4 đã thay mặt đồng bào và chiến sỹ cả nước làm Lễ khởi công xây lại ngôi mộ, đến ngày 16 tháng 5 năm 1985 thì khánh thành. Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đoàn cán bộ, công nhân xây dựng mang những phiến đá hoa cương của Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay) vào ốp xung quanh mộ, cùng với những phiến đá cẩm thạch của mỏ đá Quỳ hợp, Nghệ An. Phần mộ Bà Hoàng Thị Loan được giữ nguyên theo hình mẫu ban đầu, phần trên mộ được xây dựng theo hình khung cửi cách điệu, gợi nhớ cuộc đời canh cửi vất vả để nuôi chồng, nuôi con thuở sinh thời. Phía sau phần mộ là bức phù điêu bằng đá trắng khắc họa hình những cánh sen thanh cao, tinh khiết của quê nhà và cũng là biểu tượng về cuộc đời, nhân cách của Bà.
Khu Di tích Kim Liên nói chung, Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan nói riêng từ lâu đã đi vào tâm thức và quen thuộc với người dân Việt Nam, nơi hội tụ tình cảm của đồng bào, chiến sỹ cả nước và bầu bạn năm châu; là địa chỉ đỏ trong việc giáo dục tuyên truyền tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng, đặc biệt trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức, công nhân viên và người lao động trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với Bà Hoàng Thị Loan; sẽ luôn luôn nhận thức sâu sắc niềm vinh dự, tự hào và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới./.
Đặng Đình Bình