Sáng ngày 22-3-2017, đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên đã dâng hoa tưởng niệm và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn gồm 92 đại biểu, do đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh làm Trưởng đoàn.
Đoàn thành kính dâng hoa tưởng niệm và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trước khi vào Lăng viếng Bác, tại Nhà khách số 8 Hùng Vương, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Trọng Khánh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt đơn vị thân mật đón tiếp Đoàn. Tại buổi tiếp, đồng chí đã giới thiệu khái quát về tình hình hoạt động đơn vị, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác và công trình Lăng của Người, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới, trao tặng Huy hiệu Bác Hồ cho đại diện của Đoàn.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Khánh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Lăng,
Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tặng Huy hiệu Bác Hồ
và chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu của Đoàn
Thay mặt Đoàn, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên thông báo:Hiện nay, Tỉnh ủy Hưng Yên đã triển khai Kế hoạch số 41 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và nhân rộng điển hình học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ nay đến hết năm 2020; Kế hoạch số 46 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát động tổ chức Cuộc thi "Kể chuyện về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" năm 2017 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Đoàn đã xin hứa với Bác: Học tập và làm theo Bác, Hưng Yên luôn chăm lo giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong xã hội, giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng; cùng với chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục..., tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, quyết tâm xây dựng Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Là một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, Hưng Yên có diện tích không lớn, nhưng lại có vị trí địa lý quan trọng. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Hưng Yên được coi là cửa ngõ phía đông của Thủ đô Hà Nội, trấn giữ các con đường thủy và bộ từ các tỉnh duyên hải Bắc bộ về Thủ đô. Cùng với sự bồi tụ của phù sa sông Hồng, sông Luộc, trong sự phát triển của mình, Hưng Yên còn có sự bồi tụ của các lớp trầm tích văn hóa mang đặc trưng phong cách châu thổ của nền văn minh lúa nước. Thương cảng Phố Hiến của Hưng Yên được xem như là “khu kinh tế mở” dưới thời phong kiến, sầm uất như một “tiểu Tràng An” và đã được lưu truyền thành câu ca: “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Nhiều danh nhân là con em của quê hương Hưng Yên đã góp phần không nhỏ làm nên diện mạo văn hóa Việt Nam.
Hưng Yên cũng là tỉnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho những tình cảm đặc biệt. Là Chủ tịch Nước, bận trăm công ngàn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian về thăm Hưng Yên đến 10 lần. Riêng năm 1958, Bác Hồ đã về thăm Hưng Yên 5 lần. Người còn dành thời gian viết 14 lá thư thăm hỏi, động viên cán bộ và nhân dân Hưng Yên; 20 lần ký sắc lệnh khen thưởng cho tập thể và tặng Huy hiệu của Người cho 67 cá nhân từ các cháu thiếu niên nhi đồng, chiến sĩ dân quân, bộ đội, giáo viên đến các cụ phụ lão, những người con Hưng Yên có thành tích trong chiến đấu, lao động, rèn luyện và học tập… Bác căn dặn cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng, tập trung làm tốt thủy lợi, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, thực hành nếp sống mới, giữ gìn thuần phong mỹ tục... xây dựng quê hương Hưng Yên thành tỉnh vẻ vang, gương mẫu của miền Bắc.