“Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang, 
Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam, Tổ quốc anh hùng! 
Ôi quê hương dẫu bao lần giặc phá điêu tàn mà vẫn ngoan cường, 
Giành một ngày toàn thắng. 
Đẹp quá!”

Trong những ngày này, lời bài hát “Đất nước trọn niềm vui” của cố nhạc sĩ Hoàng Hà đang vang lên rộn ràng trên khắp các con phố chào mừng kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017). Bầu trời tháng Tư như bừng sáng hơn, ngàn hoa khoe sắc, đường phố rực rỡ cờ hoa, lòng người xốn xang như được sống lại khí thế hào hùng của hơn bốn mươi năm về trước. Vui ngày toàn thắng, mỗi người con Việt Nam lại nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vô hạn. Thắng lợi to lớn của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước cũng như những trang sử chói lọi của cách mạng Việt Nam mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, làm rạng rỡ non sông đất nước ta, để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau những di sản bất diệt.

ngay toan thang 1
Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập 
ngày 30/4/1975 . Ảnh Internet.

Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc hành trình không mệt mỏi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Từ thuở thiếu thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, bị áp bức bóc lột đến cùng cực của đồng bào mình. Khi vào Huế, tận mắt nhìn thấy tội ác của thực dân Pháp và thái độ ươn hèn của bọn phong kiến Nam triều, thêm vào đó là những bài học thất bại của các nhà yêu nước tiền bối và đương thời, tất cả đã thôi thúc người thanh niên yêu nước trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Ngày 05/6/1911, Người rời Tổ quốc sang phương Tây tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Sự kiện này đã trở thành một dấu mốc đặc biệt quan trọng, không chỉ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, mà còn đối với lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Trong những năm bôn ba ở hải ngoại, Bác đã rất xúc động trước cảnh khổ cực, bị áp bức của những người dân lao động. Người nhận thấy ở đâu nhân dân cũng mong muốn thoát khỏi ách áp bức bóc lột. Từ lòng yêu thương đồng bào mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ trên toàn thế giới. Người hiểu rằng, độc lập, tự do là khát vọng của mọi con người, của mọi dân tộc bị áp bức. Cũng chính từ đó, Người chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (1). Với “ham muốn tột bậc” này, bao trùm trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự phấn đấu, hy sinh cho độc lập và thống nhất của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân ta.

Thực tiễn trong gần 10 năm đi tìm đường cứu nước, nhất là khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin (tháng 7/1920), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm được con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Việc xác định con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc là công lao to lớn đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta”” (2). Đến đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định con đường cứu nước của mình: Giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp vô sản.

Tháng 12/1920, Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp gắn liền với việc Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành người cộng sản chân chính, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Từ khi trở thành người cộng sản, trong giai đoạn từ năm 1921 đến năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận hết sức phong phú. Người viết nhiều tác phẩm thể hiện quan điểm về cách mạng giải phóng dân tộc, cùng các tài liệu mácxít khác, theo những đường dây bí mật được truyền về trong nước, đến với các tầng lớp nhân dân Việt Nam, tạo ra một xung lực mới thúc đẩy phong trào dân tộc phát triển theo xu hướng mới của thời đại. Trên cơ sở xác định chính xác con đường cần phải đi của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì giữ vững quan điểm cách mạng của mình, từng bước phát triển thành chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, xác lập tư tưởng độc lập, tự do, dẫn đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện.

Mới giành được chính quyền chưa được bao lâu thì thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta. Đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm trở, tới bến bờ thắng lợi. Ngày 19/12/1946, với tư thế sẵn sàng và lòng tin sắt đá vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi, Người đã phát động cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Người khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” (3). Với ý chí quyết tâm đó, quân và dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ngày 07/5/1954. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp là thắng lợi của sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hòa bình được lập lại nhưng đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Nắm vững bản chất của chủ nghĩa đế quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã sớm xác định kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là chủ nghĩa đế quốc Mỹ; vạch ra đường lối cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: miền Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc, dân chủ, miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng, từng bước tiến dần lên chủ nghĩa xã hội.

ngay toan thang 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn Đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc.
Ảnh Internet.

Trước thất bại của chiến tranh đặc biệt, năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ. Chúng ào ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam, tăng cường chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc, hòng khuất phục quân và dân ta. Trước hành động leo thang xâm lược hết sức tàn bạo của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!” (4) . Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào, chiến sĩ cả nước phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giữ vững lòng tin tưởng tuyệt đối với Người và Trung ương Đảng, đã nêu cao quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng. Trong bản Di chúc, Người đã nói lên niềm tin tất thắng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước; tổng kết sâu sắc những bài học đấu tranh và thắng lợi của cách mạng Việt Nam; đồng thời đề ra những phương sách lớn để xây dựng lại đất nước sau chiến tranh nhằm thực hiện mục tiêu: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (5). Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những lời căn dặn cuối cùng đầy nhiệt huyết, thắm đượm tình người của một người cộng sản chân chính, một người chiến sĩ kiên trung đã hiến dâng cả cuộc đời vì nền độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc.

ngay toan thang 3
“Như có Bác trong ngày đại thắng”. Ảnh Internet.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng kính yêu và thương tiếc vô hạn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã biến đau thương thành hành động cách mạng và liên tiếp giành được những chiến công vang dội: Cuộc tiến công chiến lược năm 1972; chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972; và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975. Đúng 11 giờ 30 phút trưa ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, báo hiệu chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ kính yêu toàn thắng, miền Nam đã được hoàn toàn giải phóng, non sông nối liền một dải, đất nước thu về một mối. Từ đây, Nam, Bắc sum họp một nhà, chung vui niềm vui thống nhất. Khát vọng “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực.

42 năm kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nước ta đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên, phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; độc lập chủ quyền quốc gia được giữ vững. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao.

Với những thành tựu và đổi thay của đất nước ngày nay, trước khi kết thúc bài viết này, xin một lần nữa được trích lại đây những lời ca trong bài hát “Đất nước trọn niềm vui” của cố nhạc sĩ Hoàng Hà để thể hiện niềm tự hào của mỗi người con Việt Nam về một dân tộc anh hùng, lòng biết ơn vô hạn với những hy sinh lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và các thế hệ cha anh đi trước, nguyện vững bước trên con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, quyết tâm “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước sinh thời của của Bác.

“Đời rực sáng những ánh mắt lấp lánh, 
Ta muốn ôm hôn mỗi tấc đất quê hương, 
Ta muốn ca vang, bước chân những người chiến sĩ giải phóng kiên cường! 
Đêm hoa đăng, những môi cười là bó hoa đời tươi thắm tuyệt vời, 
Đẹp niềm tin mãi mãi, Tổ quốc muôn đời, 
Trọn vẹn cả non sông thống nhất rạng rỡ Việt Nam”./.

                                                                                                          Thu Hiền

(1), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, tr. 161, tr. 1018.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 127.

(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,  tập 12, tr.110, tr. 518.

Bài viết khác: