Những ngày đầu năm 2017, Khu Di tích lịch sử K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội) hàng ngày đón hàng ngàn lượt đồng bào đến dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Khu Di tích. Trong dòng người về K9 bao gồm các cơ quan, đoàn thể, cá nhân với đủ các thành phần, lứa tuổi, chúng tôi đã được gặp những cựu chiến binh (CCB), những người đã tham gia hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, có người để lại một phần cơ thể ở chiến trường. Hình ảnh của những CCB trong quân phục chỉnh tề, nghiêm trang, thành kính tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chúng tôi thêm xúc động.
CCB xã Chí Hòa, Hưng Hà, Thái Bình dâng hương tưởng niệm Bác
Năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng CCB Phạm Bình Hãn, hiện đang sinh sống tại khu 7, thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình vẫn nhớ những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời quân ngũ của mình. Đơn vị đầu tiên ông nhập ngũ là Trung đoàn 246. Đây là đơn vị vinh dự được làm nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ tại ATK Tân Trào và khu căn cứ địa Việt Bắc trong những năm kháng chiến chống Pháp. Những bước chân chậm rãi trên các viên sỏi ở Khu Di tích K9 gợi nhớ cho ông những kỷ niệm khi làm nhiệm vụ bảo vệ Trung ương và Bác Hồ ở ATK. Ông nói, những bài học về bảo đảm an ninh, giữ bí mật mà Bác Hồ dạy đến nay ông vẫn còn nhớ như in, trong đó là bài học dựa vào nhân dân. Đặc biệt hơn, ông là một trong những đoàn viên đầu tiên trong Quân đội. Ông cho biết: Sau một thời gian chuẩn bị về mọi mặt,ngày 08/02/1952, Đảng uỷ Trung đoàn 246 (đoàn Tân Trào) đã ra quyết định thành lập thí điểm Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc đầu tiên trong Quân độitại Đại đội 29, Tiểu đoàn 183, Trung đoàn 246, (nay là Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1). Chi đoàn có 32 đoàn viên, do đồng chí Phạm Ngọc Rao, Chi uỷ viên, Trung đội trưởng Trung đội 1 làm Bí thư Chi đoàn. Với niềm vinh dự ấy, ông cùng với đồng đội đã chiến đấu anh dũng và lập nên nhiều chiến công, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho ATK và Trung ương. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông cùng với đồng đội lại nhận nhiệm vụ mới, tiếp tục tham gia chiến đấu ở Tây Nguyên, Khe Sanh, đường 9, thành cổ Quảng Trị… cho đến khi đất nước thống nhất.
Rời quân ngũ, ông lại trở về với đời thường. Hơn 40 năm trong quân ngũ và có gần 30 năm lăn lộn trong khói lửa đạn bom hơn ai hết cựu chiến binh Phạm Bình Hãn hiểu rõ những mất mát, đau thương của chiến tranh để lại. Ý thức được điều đó, không quản ngại tuổi cao, ông tích cực tham gia công tác Hội, bởi ông hiểu rằng mình cần có trách nhiệm tuyên truyền và giáo dục tư tưởng cho các thế hệ trẻ để họ có đủ bản lĩnh và lý tưởng vững vàng trước những khó khăn, thử thách, góp sức xây dựng quê hương. Ông chia sẻ: “Tấm gương sáng nhất để tôi học tập hằng ngày đó chính là tấm gương của Bác Hồ. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là phải học tập thực sự và vận dụng vào cuộc sống của chính mình, ở bất cứ hoàn cảnh nào, cương vị nào cũng đều phải vận dụng linh hoạt vào công việc sao cho thật hiệu quả”.
Các CCB tìm hiểu các thông tin về Khu Di tích tại Ki-ốt điện tử.
Trong dòng người tham quan, chúng tôi còn được gặp CCB Nguyễn Hồng Ngân, quê ở xã Chí Hòa, Hưng Hà, Thái Bình. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng khi được biết Chi hội CCB tổ chức lên Khu Di tích K9 dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông rất phấn khởi và cố gắng tham gia. Ông cho biết, năm 1960 khi đang là sinh viên trên ghế nhà trường, ông được tham gia diễu binh trên Quảng trường Ba Đình nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Quốc khánh, và trong buổi diễu binh ấy, hình ảnh Bác Hồ đứng vẫy tay trên kỳ đài luôn in sâu trong tâm trí ông. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, ông đã lên đường nhập ngũ, năm 1967 vào Nam chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Trong suốt những năm tháng ở chiến trường, ông luôn có một niềm tin sẽ được gặp lại Bác Hồ. Nhưng vì quy luật ngặt nghèo của cuộc sống, Bác đã đi xa khi đất nước vẫn còn chia cắt. Rời quân ngũ trở về quê nhà với bao vất vả lo toan của cuộc sống đời thường, ông vẫn luôn gương mẫu trong lời nói và việc làm, vững vàng trên mặt trận mới. Ông luôn răn dạy con cháu phải tu dưỡng, phấn đấu, học tập theo gương của Bác Hồ. Được đến với Bác Hồ hôm nay, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Ngân như trẻ lại và thấy mình khỏe hẳn ra. Ông cho biết: “Lần đầu tiên được đặt chân đến Khu Di tích K9, được đứng trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo cáo với Người về những việc mình đã làm trong thời gian qua, khiến tôi rất xúc động. Cảm ơn các đồng chí bộ đội đã giữ gìn Khu Di tích K9 rất khang trang và sạch đẹp. Qua chuyến tham quan rất ý nghĩa này, chúng tôi sẽ về tích cực tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng trong Hội CCB và nhân dân về tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác và Khu Di tích K9”.
Các đồng chí CCB nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Khu Di tích K9.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Chí Hòa cho biết: “Các đồng chí CCB cả cuộc đời gắn bó với Quân đội, đến khi nghỉ hưu tuy tuổi cao sức yếu nhưng các đồng chí luôn phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”. Hầu hết cựu chiến binh ai cũng đều có những kỷ niệm, tình cảm thiêng liêng dành cho Bác. Bằng kinh nghiệm và lòng nhiệt tình trong những năm qua các đồng chí đã tổ chức và tham gia nói chuyện truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước và nói về tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho các cựu chiến binh, thanh thiếu niên, học sinh và nhân dân địa phương…Thông qua những hoạt động như vậy đã góp phân nâng cao nhận thức cho cựu chiến binh, cho thế hệ trẻ về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Việc làm của các đồng chí CCB thực sự là tấm gương tiêu biểu trong hoạt động chính trị xã hội của địa phương”./.
Trần Duy Hưng