Từ ngày 24 tháng 4 đến ngày 27 tháng 4 năm 2017, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Đại tá Bùi Hải Sơn, Phó Tư lệnh làm Trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam. Đoàn đã đến các Di tích lịch sử: Dinh Độc lập, Địa đạo Củ Chi và Khu Di tích mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, phụ thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở mỗi điểm đến đã để lại cho Đoàn nhiều ấn tượng, tình cảm và bài học kinh nghiệm quý báu.

doan tham quan mien nam 2

doan tham quan mien nam 3

doan tham quan mien nam 4

Một số hình ảnh hoạt động của Đoàn làm việc với Khu Di tích Địa đạo Củ Chi

Điểm đến đầu tiên của Đoàn là Khu Di tích Địa đạo Củ Chi. Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Với tầm vóc chiến công của mình, Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 230 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất giấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm … Với giá trị và tầm vóc chiến công được đúc kết bằng xương máu, công sức của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào, khu căn cứ Địa đạo Củ Chi đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia.

Địa đạo Củ Chi nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người. Khách trong nước, ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu ngày càng đông. Địa đạo Củ Chi trở thành điểm hẹn truyền thống của các thế hệ Việt Nam và niềm kính phục của bạn bè thế giới. Từ ngày hòa bình trở lại, đã có hàng chục ngàn đoàn du khách với hàng triệu người đủ màu da, sắc tộc trên thế giới đến viếng thăm Địa đạo Củ Chi. Từ các vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Nguyên thủ Quốc gia, đến các chính khách, tướng lĩnh, nhà khoa học, triết học, nhà văn, nhà báo, cựu chiến binh Mỹ...đã đặt chân xuống Địa đạo với tất cả niềm xúc động và kính phục đối với vùng đất anh hùng.  

Tạm biệt Củ Chi đất thép, Đoàn đã trở về trung tâm Thành phố đến với Dinh Độc Lập. Theo hồ sơ xếp hạng di tích, Dinh Độc lập là chứng tích lịch sử đặc biệt quan trọng - nơi diễn ra và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử lớn, trực tiếp tác động đến tiến trình lịch sử nước nhà. Do vị thế đặc biệt của địa điểm này, Di tích đã nhiều lần được đầu tư xây dựng, tôn tạo và trở thành công trình xây dựng hoàn mỹ - sản phẩm của sự kết hợp hài hòa giữa công trình kiến trúc với cảnh quan, môi trường của khu vực xung quanh. Với những ý nghĩa lịch sử trọng đại đó, năm 1976 Dinh Độc lập được Nhà nước đặc cách công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.Hiện nay, Dinh Ðộc lập là di tích lịch sử nổi tiếng được đông đảo du khách đến tham quan và là nơi hội họp, tiếp khách của các cấp lãnh đạo Trung ương cũng như của Thành phố.

Rời Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn đến Cao Lãnh, Đồng Tháp. Nơi đây thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc yên nghỉ. Khu Di tích mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được khởi công xây dựng vào tháng 8/1975 và khánh thành vào tháng 12/1977. Với diện tích 3,6 ha, Khu di tích được chia thành ba khu vực chính gồm: Khu Lăng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nhà sàn Bác Hồ và Ao sen.

doan tham quan mien nam 1
Hình ảnh hoạt động của Đoàn làm việc với Khu Di tích Dinh Độc lập

Ngôi mộ Cụ Phó bảng quay về hướng đông, có mái hình cánh sen cách điệu giống hình dáng bàn tay xòe úp xuống; trên mái đắp nổi tượng chín con rồng, tượng trưng cho các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long luôn che chở và bảo vệ ngôi mộ người chí sĩ yêu nước. Mộ được ốp bằng đá hoa cương, nền mộ bằng đá mài hình lục giác không đều, mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Trên mộ có một đỉnh trầm bằng đá Ngũ Hành Sơn, ngày đêm khói hương thơm ngát. Khuôn viên Lăng mộ có nhiều loại cây cảnh, hoa trái quý hiếm được bà con khắp cả nước mang về trồng lưu niệm, đặc biệt là cây khế gần 300 tuổi (nằm bên trái mộ) và cây sộp hơn 300 tuổi (nằm bên phải mộ).

doan tham quan mien nam 5

doan tham quan mien nam 6

doan tham quan mien nam 7
Một số hình ảnh hoạt động của Đoàn tại Khu Di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Phía trước mộ là Ao sen hình ngôi sao 5 cánh, chính giữa sừng sững một đài sen trắng cách điệu cao gần 7 m, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch, lương tâm trong sáng của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, và đó cũng là biểu tượng cho quê hương Đồng Tháp. Hàng năm, cứ vào ngày 27/10 âm lịch, nhân dân các vùng lân cận lại hội tụ về đây tham dự lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong không khí trang nghiêm, đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Tỉnh Đồng Tháp đã quyết định tổ chức ngày giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hằng năm là lễ hội cấp tỉnh.

Tại các địa danh lịch sử trên, Đoàn đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Di tích và trao đổi về công tác tuyên truyền, quản lý, sử dụng lực lượng; công tác bảo đảm an ninh an toàn khu vực và bố trí các dịch vụ bảo đảm cho khách tham quan. Mỗi đồng chí đều lưu giữ những ấn tượng tốt đẹp cùng những kinh nghiệm quý báu để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ được giao, góp phần cùng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức triển khai đón tiếp nhân dân và khách quốc tế đến dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Khu Di tích K9, đặc biệt là từ ngày 19/5/2017 khi đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch mở rộng tham quan đối với khách quốc tế./.

                                                        Lô Thị Uyên

Bài viết khác: