Cách đây 8 năm, nhân dịp kỷ niệm 119 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đắk Lắk cùng 40 già làng tiêu biểu cho các dân tộc thiểu số Ê Đê, Gia Rai, M’Nông, Lào, Xê Đăng của tỉnh Đắk Lắk đã tuyển chọn các cây cà phê cổ thụ trân trọng mang về trồng bên Lăng Bác và Khu Di tích K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội) để tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Người.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tình cảm đặc biệt. Người Tây Nguyên mãi mãi không quên lời dạy của Bác: “Đồng bào Kinh hay Tày, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Ba Na, Xê Đăng hay M’nông và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng, khổ, no, đói bên nhau…Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”. Lời dạy của Người như truyền thêm sức mạnh cho đồng bào vững niềm tin vào Đảng, đoàn kết đứng lên làm cách mạng, đánh đuổi quân xâm lược, giữ lấy núi rừng Tây Nguyên thân yêu. Dù Bác Hồ chưa một lần đến Tây Nguyên, nhưng đồng bào ở đại ngàn luôn dành cho Bác những tình cảm thương yêu nhất, sâu đậm nhất.
Buổi Lễ diễn ra trang trọng, tiếp đoàn hôm ấy là Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau Lễ viếng Bác và trồng cây lưu niệm không thể kể hết nỗi xúc động của các già làng về tình cảm, niềm tin yêu, trước nhân cách, lẽ sống của Bác đối với dân, với nước đã khiến mọi người càng thêm xúc động. Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, hai tiếng Bác Hồ thật thiêng liêng và gần gũi. Trong tâm trí của đồng bào, Bác Hồ không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, mà còn là già làng kính yêu nhất của tất cả buôn làng giữa đại ngàn hùng vĩ. Tin tưởng, hướng về Bác, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng buôn làng, quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.
Các già làng Tây Nguyên xúc động khi xem phim về những ngày cuối đời của Bác.
Cây cà phê là loại cây thích hợp trồng vùng cao, nơi có khí hậu mát mẻ, nhưng thật khó lý giải, cây bất chấp những ngày đông rét mướt, những ngày hè như đổ lửa lại bén rễ xanh tươi bên Lăng Bác Hồ và Khu Di tích K9. Để cây có thể sinh trưởng và thích nghi với điều kiện khí hậu tại đây các cán bộ, công nhân của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã nâng niu, chăm sóc rất kỹ lưỡng. Ngoài việc tưới nước, tỉa cành, cà phê là một loại cây có nhu cầu dinh dưỡng cao nên hàng năm cần cung cấp đủ khối lượng phân bón hữu cơ cho cây sinh trưởng và phát triển (từ 5-10kg cho một cây) kết hợp phân lân, kali và các loại phân vi lượng khác bón vào tháng 11-12 chống rét cho cây. Thường xuyên kiểm tra phòng trừ sâu bệnh cho cây đặc biệt là bệnh lở cổ rễ và bệnh vàng lá.
Chính nhờ những bàn tay khéo léo của các anh, các chị công nhân mà cây cà phê nói riêng và các loại cây xanh, cây cảnh do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của đồng bào, chiến sỹ trên khắp mọi miền đất nước gửi tặng trải qua nhiều năm tháng vẫn xanh tươi bên Lăng Bác Hồ.
Với niềm tin yêu vô hạn dành cho Bác, ngày nay, đồng bào Tây Nguyên luôn sát cánh cùng đồng bào cả nước, một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Cũng với niềm tin ấy, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay, đồng bào Tây Nguyên luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu phá hoại của kẻ xấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, ra sức lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đẩy lùi đói nghèo lạc hậu, xây dựng buôn làng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.
Cây cà phê trồng bên Lăng Bác Hồ
Đến các buôn làng Tây Nguyên hôm nay, niềm tin, lòng kính yêu của đồng bào đối với Bác Hồ không chỉ là lời nói mà đã trở thành những hành động, việc làm cụ thể thiết thực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh nhất là về nông nghiệp. Trồng cây không chỉ lấy bóng mát, cho cảnh quan thêm đẹp, cho không khí trong lành, mà còn xuất phát từ lợi ích kinh tế, xã hội, xuất phát từ tình cảm đối với đất nước và mang tính nhân văn sâu sắc.
Trong những năm qua, cà phê đã trở thành ngành hàng nông sản quan trọng của quốc gia, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, hàng năm thu về hàng tỷ USD thông qua việc xuất khẩu tới trên 80 quốc gia trên thế giới. Hiện cà phê Việt Nam đang chiếm khoảng 15% thị phần toàn cầu, đứng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu cà phê Robusta và đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê nhân. Nhằm góp phần quảng bá, thúc đẩy ngành cà phê phát triển, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lấy ngày 10/12 (ngày, cách đây 56 năm Bác Hồ thăm Nông trường cà phê Đông Hiếu, Phủ Quỳ, Nghệ An) là “Ngày Cà phê Việt Nam”.
Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành cà phê thành ngành mũi nhọn, làm đầu tàu cho các ngành kinh tế khác phát triển khi mà chúng ta có lợi thế về vùng đất đắc địa cho cà phê, một vị thế của cà phê Việt Nam khi là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai về sản lượng. Trong không khí Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ tầm nhìn về một Tây Nguyên mới, đó là đưa Tây Nguyên trở thành Cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Đồng thời Tây Nguyên phải là biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam, mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản của Châu Á thế kỷ 21.
Bác Hồ thăm Nông trường cà phê Đông Hiếu, Phủ Quỳ, Nghệ An
Cây cà phê mãi mãi xanh tươi bên Lăng Bác Hồ và Khu Di tích K9 chứng minh cho tình cảm của lớp lớp thế hệ người dân Tây Nguyên đối với Bác Hồ kính yêu và thể hiện tinh thần quyết tâm đưa cây cà phê trở thành cây kinh tế chủ lực của các tỉnh Tây Nguyên, góp phần nâng cao đời sống của người dân, đóng góp hiệu quả hơn nữa trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội tại các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp như lời Người đã căn dặn./.
Thu Lai