Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cộng sản yêu nước. Cuộc đời và sự nghiệp của Người gắn liền với các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Những miền quê đất nước Người đã từng sống và làm việc đã trở thành địa danh lịch sử, văn hoá Việt Nam. Trong đó, Khu Di tích K9 nằm bên bờ sông Đà, thuộc Đá Chông, huyện Ba Vì (Hà Nội), là một trong những địa danh lịch sử, văn hoá - di tích đặc biệt gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi Người còn sống, đến khi qua đời.
Khu Di tích K9 (Khu Di tích Đá Chông, trước đây gọi là K84), có diện tích 234 ha thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội). Xưa kia, đây là khu đồi thông yên tĩnh, xen kẽ các loài cây gỗ lớn, tán lá rộng, tạo thành khu rừng nguyên sinh đầy quyến rũ. Trên đồi có những tảng đá to đứng lô nhô, sắc nhọn như những mũi chông, ngọn mác nên gọi là Đá Chông.
Đoàn Thanh niên Tổng Công ty hạ tầng mạng báo công dâng Bác tại Khu Di tích K9.
Vùng đất này đã có một sự kiện đặc biệt để rồi sau này trở thành một địa danh lịch sử. Đó là vào một ngày của tháng 5 năm 1957, Bác Hồ đến thăm Trung đoàn 36 (Sư đoàn 308) diễn tập bên sông Đà. Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có ba mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Bác đứng ở vị trí Đá Chông, nhìn ra sông Đà trước mặt thấy đây là nơi sơn thuỷ hữu tình, dòng sông uốn khúc, cảnh vật tươi đẹp, gần dân mà xa đường quốc lộ. Với tầm nhìn của nhà chiến lược thiên tài, Người đã ngỏ ý với các cán bộ cùng đi xây dựng ở đây một nhà làm việc của Bác và Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền bắc.
Sáng ngày 23-02-1958, Bác Hồ lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Uỷ viên Trung ương Đảng và một số cán bộ của Chủ tịch phủ cùng lãnh đạo tỉnh Sơn Tây. Bước sang năm 1959, trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền bắc của đế quốc Mỹ đã rõ ràng. Cục Doanh trại - Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) được lệnh lên xây dựng khu căn cứ của Trung ương. Đồng chí Hoàng Linh, Cục trưởng Cục Doanh trại phụ trách được giao vẽ thiết kế ngôi nhà hai tầng, phỏng theo kiểu nhà sàn. Đặc biệt, Bác đã trực tiếp duyệt thiết kế, cắm cọc, nhắm hướng cho ngôi nhà chính làm nơi hội họp, nghỉ ngơi của Bác và Trung ương. Công trình được chuẩn bị từ tháng 6 và đến tháng 9 năm 1959 bắt đầu khởi công xây dựng. Bộ đội Công binh xây dựng một hệ thống công sự kiên cố. Quá trình xây dựng, khu vực này mang mật danh “Công trường 5”, (gọi tắt là KV). Ngày 15-3-1960, ngôi nhà hai tầng được hoàn thành, Bác đi máy bay trực thăng lên dự buổi khánh thành. Từ đó nơi đây được đổi tên thành “Khu căn cứ K9” (gọi tắt là K9).
Trong 9 năm (từ 1960 - 1969), Bác Hồ và một số đồng chí trong Bộ Chính trị, chỉ huy Quân đội đã nhiều lần lên làm việc tại đây. Đặc biệt, ngày 20-9-1964, Bác Hồ cùng đồng chí Phạm Văn Đồng và một số đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị đã lên họp tại K9. Bác và các đồng chí cùng đi đã trao đổi về tình hình quốc tế và trong nước từ sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (ngày 05-8-1964) và một số vấn đề về công tác phòng không nhân dân. Cũng tại nơi này, Bác đã từng tiếp đón bà Đặng Dĩnh Siêu - phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, ông Hà Vĩ- Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và đoàn cán bộ Quân đội Liên Xô, do Anh hùng phi công vũ trụ G.M Ti-tốp dẫn đầu.
9 giờ 47 phút ngày 02-9-1969, Hồ Chủ tịch qua đời. Thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Chính trị đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Từ cuối năm 1969, cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết định. Đề phòng chiến tranh có thể xảy ra trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định tìm một vị trí thật yên tĩnh, bí mật, xa Hà Nội, thuận tiện cho di chuyển thi hài Bác khi chiến tranh lan rộng. K9 đã được quyết định chọn là nơi giữ gìn thi hài Bác. Kể từ đây, K9 được mang mật danh “Khu căn cứ K84”. Trong 6 năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước (1969-1975), thi hài Bác được giữ gìn, bảo quản tại K9 ba lần, với tổng thời gian là: Bốn năm, bốn tháng, 19 ngày.
Tại K84 không chỉ là nơi giữ gìn, bảo quản thi hài Bác một cách đơn thuần, mà còn diễn ra nhiều sự kiện chuyên môn quan trọng như: Tiến hành chỉnh hình thi hài Bác. Hội đồng khoa học liên quốc gia Liên Xô - Việt Nam đánh giá trạng thái thi hài Bác. Cũng tại nơi đây, không chỉ giữ gìn an toàn thi hài Bác, mà còn tổ chức nhiều buổi viếng Bác rất trọng thể cho nhiều đoàn đại biểu khác nhau. Tiêu biểu nhất là: Đoàn Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng dẫn đầu, viếng Bác vào ngày 23-8-1970; đoàn cán bộ Trung ương Cục miền Nam, do đồng chí Nguyễn Văn Linh dẫn đầu viếng Bác (tháng 02-1974). Cũng tại nơi đây, cán bộ của Việt Nam đã cùng các chuyên gia Liên Xô, nghiên cứu một số vấn đề để chuẩn bị cho việc phục vụ lễ viếng thường xuyên sau này, tại Lăng Bác ở Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ngoài ra, còn nhiều cuộc trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia nước bạn và cán bộ y tế của ta để học tập kinh nghiệm của Bạn. Đây cũng là nơi để thử thách, rèn luyện cả về ý chí, lý tưởng cách mạng cho các lớp cán bộ; là nơi tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn trong chuyên môn nghiệp vụ về y tế, kỹ thuật, phương án bảo vệ an ninh, trong điều kiện đất nước có chiến tranh.
Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (ngày 30-4-1975), miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta mong đợi được đón Bác về Lăng. Đúng 16 giờ ngày 18-7-1975, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát rời K84 về Lăng của Người, tại Ba Đình lịch sử. Từ đây, Khu căn cứ K84 trở thành căn cứ dự phòng cho Lăng Bác.
Đầu năm 1995, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức tổ chức đón tiếp các cơ quan, đơn vị, đoàn thể địa phương trong cả nước đến dâng hương tưởng niệm Bác, sinh hoạt chính trị và tham quan Khu di tích.
Thực hiện Kết luận số 328-TB/TƯ ngày 19-4-2010 của Bộ Chính trị, Đề án 2341 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22-12-2010 và Nghị quyết 122-NQ/QU ngày 08-3-2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”, Ban Quản lý Lăng đã đề xuất xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Ban Bí thư Trung ương Đảng nhất trí. Công trình được khởi công xây dựng ngày 17-3-2014 và khánh thành ngày 02-9-2015. Phát biểu ý kiến tại Lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định: “Việc khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là một sự kiện đặc biệt, đây là công trình mang ý nghĩa lịch sử và chính trị to lớn, là nơi để đồng bào, đồng chí, khách quốc tế đến tham quan, tưởng niệm, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, truyền bá nâng cao giá trị đạo đức, phát triển nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Để phục vụ cho việc mở rộng tham quan, năm 2017, đơn vị đã đưa vào sử dụng nhiều hạng mục quan trọng như: Phòng chiếu phim tư liệu; phòng trưng bày các hiện vật; hệ thống ki-ốt điện tử và wifi miễn phí; cùng các công trình phụ trợ để phục vụ nhân dân và tổ chức đón khách quốc tế vào tham quan từ ngày 19-5-2017.
60 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ lên Đá Chông (1957 -2017), Khu Di tích K9 vẫn được giữ gìn nguyên vẹn và ngày càng được mở rộng, khang trang, sạch, đẹp; làm cho nơi đây cùng Lăng Bác thực sự trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, nơi hội tụ trái tim và tình cảm thiêng liêng của đồng bào cả nước và bầu bạn quốc tế, góp phần tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Hằng năm, Khu Di tích K9 đã đón tiếp số lượng lớn đồng bào trong nước đến tham quan, học tập; tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật, trồng cây lưu niệm. Những hoạt động đó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; lòng kính trọng, sự biết ơn sâu sắc và sự ngưỡng mộ, khâm phục của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
Để Khu Di tích ngày càng phát huy hiệu quả ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa, góp phần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tập trung vào triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, đó là: Phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng cho mọi người nhận thức sâu sắc về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Công trình Lăng và mở rộng tham quan Khu Di tích K9 là đúng đắn, hợp lòng dân; từ đó, thể hiện quyết tâm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa của Công trình Lăng và Khu Di tích K9 trong giai đoạn mới.
Quán triệt, triển khai nghiêm túc, đầy đủ, sáng tạo quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về mở rộng tham quan Khu Di tích K9. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án 2341, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết 122 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Đây vừa là tình cảm trước vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, vừa thể hiện trách nhiệm chính trị cao cả trước Đảng, Nhà nước và nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phươngnâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đón tiếp, tuyên truyền phục vụ nhân dân, khách quốc tế đến tham quan Khu Di tích K9. Qua đó làm sâu sắc hơn, tỏa sáng giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; góp phần để giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm dần thành đạo đức, văn hóa, lẽ sống, là hành động tự giác, hàng ngày của mỗi người dân Việt Nam mỗi khi đến với Bác.
Tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng Khu Di tích, trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống, thiết bị kiểm tra an ninh, các tuyến đường đi, trồng bổ sung bồn hoa, cây cảnh, mở rộng sân đỗ xe, nhà phục vụ… Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá thông qua hệ thống ki-ốt điện tử, mạng wifi miễn phí, hệ thống loa phát thanh, nhà chiếu phim, phòng trưng bày, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, nhu cầu đến tham quan ngày càng đông của khách trong nước và quốc tế.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục xây dựng tình cảm, đạo đức, tinh thần trách nhiệm cao cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị, nhất là đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên làm nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền; bảo đảm đội ngũ làm công tác tuyên truyền vừa hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vừa phải có nghiệp vụ, trình độ, chuyên môn để tạo được ấn tượng tốt đẹp về thái độ tận tình, chu đáo, giúp khách tham quan tìm hiểu đầy đủ giá trị lịch sử, văn hoá của Khu Di tích K9.
Phát huy ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa của Khu Di tích K9 trong giai đoạn mới là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, là vinh dự, trách nhiệm đặc biệt mà Đảng, Nhà nước và Quân đội đã tin tưởng giao cho đơn vị, để cùng với Công trình Lăng, Khu Di tích K9 thực sự là điểm đến của đồng bào cả nước và khách quốc tế. Đây cũng là nơi để mỗi người dân đất Việt tri ân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, như lời Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã viết:
“Vạn dặm sơn hà cẩm tú, ra sức dựng xây
Ngàn đời sự nghiệp tổ tông chung tay bảo vệ
Cùng cố kim tỏ rõ chí anh hùng
Giữa trời đất, giương cao cờ đại nghĩa”.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương,
Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh