Từ ngày 22/5 đến ngày 31/5/2017, đoàn công tác số 15 của Quân chủng Hải quân cùng Báo Tuổi trẻ đãđi thăm và tặng đất thiêng trong đó có hơi ấm từ đất tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tới quân dân quần đảo Trường Sa và Nhà Dàn DK1. Một hành trình hàng trăm hải lý, một trải nghiệm đầy ý nghĩa để có sự hiểu biết về biển đảo bằng trực giác, bằng cảm nhận từ thực tế với thật nhiều cảm xúc dạt dào.
Hình ảnh của đoàn công tác số 15
Đúng 8 giờ sáng ngày 22/5/2017, sau lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Tàu không số tại quân cảng Lữ đoàn 125 Hải quân, phường Cát Lái, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, tàu 996 chở 163 đại biểu cùng kíp tàu rẽ sóng tiến về Trường Sa thân yêu. Chúng tôi thật không thể diễn tả hết tâm trạng chờ đợi mong mỏi để được đến với các hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió, vị trí tiền tiêu của Tổ quốc.
Hành trình của Đoàn công tác: Cập đảo Đá Lát vào lúc 14 giờ ngày 23/5/ 2017, được gặp gỡ, giao lưu cùng các chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ trên Đảo. Qua làm việc, thăm hỏi, giao lưu, chúng tôi mới thấy hết ý thức trách nhiệm, tình yêu của người lính đối với mỗi hòn đá, mỗi con sóng, giữa nắng gió và bão tố biển khơi. Giữa biển cả mênh mông, nơi chỉ có những con sóng bạc đầu, nơi ngày đêm người lính đảo luôn hướng về đất liền, tiếng cười, giọng nói, cái bắt tay, đôi câu trò truyện như những điều giản dị đời thường nhưng giữa đảo sóng xa xôi ấy lại là niềm mong mỏi, khát khao, chờ đợi…Có lẽ giữa bốn bề dài rộng vô tận của biển cả mỗi chúng ta mới thấy hết cái qúy giá của giọng nói, nụ cười, của những lời động viên chia xẻ. Trong bao la sóng dội ấy cótiếng cười đồng đội, có tình quân dân nồng ấm thân thương, có sự chia xẻ và có cả niềm tin vào sự vững bền của chân lý chủ quyền, của những giá trị thiêng liêng cao cả. Sự cao cả ở đây không chỉ là những khẩu hiệu, những chỉ thị mà là những việc làm rất cụ thể, là sức chịu đựng của những chàng trai lính đảo trước cái nắng, nóng của biển đảo, sự chát mặn của biển sâu, những khó khăn, thiếu thốn trăm bề của đời sống vật chất và tinh thần giữa đảo xa vây quanh bốn bề sóng nước…
Hành trình thăm và làm làm việc với quân dân đảo Trường Sa đưa chúng tôi đến với đảo Trường Sa lớn, Đá Tây B, Phan Vinh A, Tốc Tan A, Thuyền Chái C, An Bang và đến Nhà Dàn DK1/2 khép lại hành trình đầy ắp những trải nghiệm quý giá.
Được tới nhữngđảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa, được tận mắt nhìn, suy ngẫm mới thấy biển cả thật rộng lớn, hùng vĩ và thân thương đến nhường nào! Biển là một phần máu thịt của người dân Việt Nam, là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Biết bao máu xương, công sức, mồ hôi, nước mắt của các thế hệ người Việt đã đổ xuống để xác lập quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền các đảo trên Biển Đông.
Mang trong mình tình yêu biển cả da diết, nhưng chỉ khi được đến, trực tiếp nếm vị mặn chát của nước biển, trực tiếp chứng kiến những khó khăn vất vả của các chiến sĩ biển đảo Trường Sa chúng tôi mới càng ngấm, càng hiểu và càng thấy yêu quý Tổ quốc Việt Nam, dải đất cong cong hình chữ S đã trải qua bão dông, khói lửa, gian khó nhọc nhằn và sinh tồn cùng hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước. Đất nước của thế đứng, của những bài ca chiến trận “sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa…”. Đến với Trường Sa, chúng tôi càng cảm nhận hết câu nói của Bác Hồ kính yêu từng căn dặn “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng/ Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển/ Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Trải nghiệm trong chuyến công tác Trường Sa, chúng tôi mới hiểu rõ rằng, chủ quyền của chúng ta về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện hữu không chỉ từ phương diện lịch sử, những văn bia, chứng sử hết sức rõ ràng mà còn là những cột mốc xi măng vững chắc chứa đựng thông điệp đanh thép về chủ quyền hợp pháp, những cột đá chủ quyền với những vĩ độ, kinh độ được thừa nhận dựa theo Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982. Những cột đá chủ quyền nơi đoàn công tác đến thăm vừa mang tính biểu tượng của chủ quyền quốc gia trên đảo song những cột đá chủ quyền ấy còn được đúc bằng máu, mồ hôi, sự hy sinh của người chiến sĩ hải quân và nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ. Họ không chỉ tạo dựng cột mốc trên thực địa đứng vững trước bão tố phong ba theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng mà còn là cột mốc sâu thẳm về giá trị trong lòng mỗi chúng ta.
Có đi Trường Sa mới biết nước biển Trường Sa xanh và mặn nhường nào! Giữa những đảo nổi, đảo chìm chỉ có nước biển và nước biển, chỉ có một màu xanh tít tắp, chỉ có gió, bão tố, nắng nóng và mây trời mêng mông vô tận…Đến với Trường Sa chúng tôi chứng kiến màu xanh của thiên nhiên hoa trái, những cây bàng vuông, cây phong ba, những vạt rau xanh, những chậu hoa mười giờ đỏ thắm đang bật dậy với sức sống mãnh liệt giữa sóng cồn bão giật. May mắn được đến với Trường Sa chúng ta sẽ hiểu được sức mạnh của con người trên đảo thật quả cảm và khâm phục. Những cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên đảo Trường Sa sống trong bão tố, thiếu thốn trăm bề, vậy mà họ vẫn gắn bó với biển đảo, có những chiến sĩ, những chàng trai mười tám, đôi mươi đã vượt lên sóng cả, bão tố gian nguy đang ngày đêm chắc tay súng, giữ vững chủ quyền biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Các chiến sĩ Trường Sa vẫn đứng hiên ngang giữa bão tố phong ba để canh giữ từng mỏm đá, từng bãi san hô, giữ cho những ngọn hải đăng luôn sáng để thắp sáng cho chân lý chủ quyền là bất khả xâm phạm. Có đến, có đi Trường Sa chúng ta mới cảm nhận hết cái hay, cái thực của bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” của nhạc sỹ Đoàn Bổng “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây giữ gìn quê hương. Đảo này là của ta, biển này là của ta, Trường Sa! Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Chiến sĩ Trường Sa, viết tiếp bài ca, về những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ, đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta…”
Một nămởTrường Sa chỉ có vài tháng biển ít bão tố, các đoàn thăm đảo từ đất liền mới có thể thực hiện được hành trình. Những chuyến thăm như thế chỉ diễn ra chốc lát, vội vã bởi phải phụ thuộc vào nước biển lúc triều lên và chia tay khi nước triều chưa kịp rút. Những lời ca tiếng hát, những cái bắt tay thật chặt và ấm áp tình quân dân, đôi khi là những giọt nước mắt, những xẻ chia với người lính đảo rắn giỏi, sạm nắng, mạnh mẽ nhưng cũng rất lạc quan yêu đời, đầy đam mê và khát vọng. Chúng tôi đã hát cùng với người lính đảo bằng cả trái tim mình, và chúng tôi muốn gửi gắm đến họ lời nhắn nhủ từ đất liền rằng các anh cứ yên lòng và kiên trung canh giữ biển đảo, hơn 90 triệu trái tim người dân đất Việt luôn hướng về các anh, sẽ không thể có một thế lực nào có thể chia cắt giữa đất liền với biển đảo xa xôi, rằng “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Tổ quốc Việt Nam”.
Đến với Trường Sa, có một điều thật kì diệu, nơi đảo xa là thế, khó khăn là thế, vẫn có tiếng trẻ thơ hò reo nơi sân trường, tiếng giảng bài và học bài của cô và trò hòa cùng tiếng sóng. Ở nơi đó còn có những chùa chiền cổ kính, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Trường Sa, những nhà sư, những tiếng chuông chùa, bài tụng kinh niệm phật của sư thầy cầu cho quốc thái dân an, chủ quyền biển đảo được giữ vững, sóng yên biển lặng, cầu cho hải lộ bình an…Đến với Trường Sa, đến với những người lính đảo, những người dân, trường học và những cô giáo trẻ trung yêu đời yêu nghề, những ngư dân ngày đêm bám biển, những nhà sư nhất tâm thiền viện vì đẹp đạo tốt đời…một vạt rau xanh, một ngôi đền cổ kính, một mái chùa linh nghiêm…đó chính là hình ảnh của quê hương đất Việt nơi đảo xa. Đó cũng chính là chủ quyền dân tộc đã có từ ngàn xưa mà cha ông ta đã tạo dựng. Có đến với Trường Sa chúng ta mới thấy tình cảm quân dân nơi đây thật ấm áp chân tình, cởi mở, tự nhiên. Hình như giữa biển khơi, con người trở nên thật bé bỏng, mong manh và chỉ còn lại là sự đoàn kết, yêu thương, gần gũi. Trước giông tố biển cả, trước sức uy hiếp của kẻ thù để người lính đảo chắc tay súng, vượt lên muôn ngàn khó khăn gian khổ, hiểm nguy, thiếu thốn để bảo vệ những hòn đảo thân yêu của Tổ quốc, thì hơn 90 triệu người dân phải hướng về biển đảo. Hãy dành cho những người lính đảo sự quan tâm nhiều hơn nữa về vật chất và tinh thần để họ chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương.
Để thực hiện hoạt động giáo dục về truyền thống và biển đảo, góp phần cùng các lực lượng chức năng trong nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng, Báo Tuổi trẻ đã có sáng kiến phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa” và “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông”. Đặc biệt là hoạt động tiếp nhận đất thiêng tại các địa điểm: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (tại Hà Nội, trái tim của cả nước), Cột cờ Lũng Cú (tỉnh Hà Giang, điểm cực Bắc của Tổ quốc), Điện Biên phủ (nơi ghi dấu chiến thắng lịch sử năm 1954), đường Hồ Chí Minh (Trường Sơn, Quảng Trị), Cố đô Huế (nơi xuất phát đội nghĩa binh đi trấn giữ Trường Sa), đất thép Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) và đất mũi Cà Mau (điểm cực Nam của Tổ quốc).
Việc đưa đất thiêng từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Quảng trường Ba Đình lịch sử ra với Trường Sa thân yêu, là việc làm có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đó chính là sự tiếp lửa truyền thống của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, là tình cảm của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, tình cảm của nhân dân Thủ đô Hà Nội và đặc biệt là tình cảm của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - những người vinh dự được thay mặt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ngày đêm “giữ yên giấc ngủ của Người” gửi tới quân và dân trên đảo Trường Sa; góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Đại tá Đỗ Hữu Dũng