Nhân dip kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), sáng ngày 06/6/2017, đoàn đại biểu Người có công với cách mạng tỉnh Quảng Bình dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn gồm 32 đại biểu là thương bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học, người bị địch bắt tù đày; do đồng chí Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh làm Trưởng đoàn.
Đoàn kính cẩn dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong chiến tranh, Quảng Bình là mảnh đất phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong khói lửa chiến tranh tàn khốc của kẻ thù, Quảng Bình thực sự là vùng tuyến lửa của miền Bắc, xứng đáng với sứ mệnh mà cả nước giao phó: Vừa là tiền tuyến của miền Bắc vừa là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng. Với tinh thần “thóc không thiếu một cân quân không thiếu một người’’, với khẩu hiệu “xe chưa qua nhà không tiếc’’ mọi sức người sức của được huy động tối đa phục vụ cho tiền tuyến. Ngoài ra, Quảng Bình còn gửi hàng vạn người con ưu tú của quê hương tới khắp các mặt trận tham gia chiến đấu cùng với hơn 3.000 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ tiếp vận tải thương, đảm bảo thông suốt tuyến đường từ Bắc vào Nam để vận chuyển một khối lượng to lớn vũ khí, lương thực cho chiến trường.
Trước khi vào Lăng viếng Bác, tại Nhà khách số 8 Hùng Vương, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Trọng Khánh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Lăng , Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp Đoàn. Tại buổi tiếp, đồng chí đã giới thiệu với Đoàn nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị của Công trình Lăng trong giai đoạn mới, trao tặng quà lưu niệm và Huy hiệu Bác Hồ cho các đại biểu. Cuối buổi tiếp, Đoàn xem phim tư liệu “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”.
Thay mặt cho Đoàn, đồng chí Hồ Tân Cảnh chia sẻ: Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công nhằm từng bước ổn định đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện đang quản lý gần 150.000 đối tượng chính sách người có công với cách mạng (chiếm gần 17% dân số) với gần 14.000 liệt sỹ, gần 20.000 thương, bệnh binh, gần 1.300 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa, gần 1.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, trên 100.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương, trên 1.200 Mẹ đã được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”,… hiện có 28 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Đời sống của các đối tượng chính sách của tỉnh tương đối ổn định, có trên 98% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc đến suốt đời.
Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức tốt phong trào và hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tổ chức thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, gia đình người có công nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Đối với công tác mộ - nghĩa trang liệt sỹ cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư hàng chục tỷ đồng từ ngân sách địa phương để tu sửa, nâng cấp, đảm bảo cho 85 nghĩa trang liệt sỹ, 64 nhà bia ghi tên liệt sỹ và 5 đài tưởng niệm liệt sỹ. Trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nỗ lực phấn đấu góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục động viên con cháu noi theo truyền thống gia đình học tập, rèn luyện trở thành người công dân tốt, xứng đáng với sự hi sinh của lớp người đi trước./.
Vân Phương