doan ket thong nhat theo bac

Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người vĩ đại, một nhân cách lớn được thế giới ngưỡng mộ nhưng lúc nào cũng giản dị, gần gũi và rất đỗi yêu thương. Trước khi đi về cõi vĩnh hằng, Người đã soạn thảo bản Di chúc chứa đựng những tư tưởng lớn, đã trở thành di sản tinh thần vô giá cho dân tộc ta. Soi vào Di chúc chúng ta có được nhiều bài học lớn, thiết thực, nóng hổi tính thời sự. Trong 6 vấn đề lớn mà Người đề cập tới ở nội dung Di chúc, nội dung đầu tiên trong công tác xây dựng Đảng là vấn đề đoàn kết, thống nhất. Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho Đảng thực sự vững mạnh, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành thắng lợi sứ mệnh lịch sử, đó là: Lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng. Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(1).

Và Người cũng khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(2). Cùng với lời căn dặn đầy tâm huyết đó trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra biện pháp củng cố và tăng cường sự đoàn kết, thống nhấttrong Đảng qua những bài viết, nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân, tựu trung là: Phải đề cao thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau. Mỗi cán bộ, đảng viên phải lấy sự nghiệp cách mạng của Đảng làm mục tiêu, lý tưởng phấn đấu, đặt lợi ích chung lên trên, lên trước lợi ích cá nhân, toàn tâm, toàn ý với công việc, luôn xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân,…

Toàn văn bản Di chúc không dài, được Người viết từ năm 1965 và bổ sung qua mỗi năm; trong đó, Người đã nhiều lần đề cập đến vấn đề đoàn kết, thống nhấttrong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế. Điều đó thể hiện sâu sắc tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Có thể khẳng định rằng, Di chúc là công trình lý luận về xây dựng Đảng và củng cố Đảng cầm quyền.

Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng, Đảng ta phải luôn vững vàng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Và, vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng là giữ vững sự đoàn kết, thống nhất. Nghiên cứu nội dung Di chúc và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta dễ dàng nhận thấy, tư tưởng, tình cảm, lòng mong muốn đó của Người xuất phát từ truyền thống đoàn kết, thống nhấtcủa dân tộc ta qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước; được khẳng định trong thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lời căn dặn đầy tâm huyết của Người đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động cho Đảng ta trong suốt quá trình xây dựng, chỉnh đốn và phát huy vai trò lãnh đạo trong các giai đoạn cách mạng.

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, trong những năm qua, Đảng ta luôn coi trọng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, lấy đó làm cơ sở của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; quy tụ và phát huy sức mạnh toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Tại các kỳ Đại hội Đảng, vấn đề đoàn kết, thống nhất đều được xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc và sâu sắc. Nhờ đó, Đảng không ngừng mạnh lên, tổ chức, lãnh đạo nhân dân ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tổng kết thực tiễn cách mạng 10 năm sau ngày nước nhà thống nhất, Đại hội VI của Đảng đã rút ra 4 bài học kinh nghiệm quý, trong đó có bài học: “Tăng cường sự đoàn kết nhất trí, sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng”. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, lúc cách mạng phát triển thuận lợi, hay lúc sóng gió, khó khăn, trước những bước ngoặt của lịch sử, Đảng vẫn luôn là một khối thống nhất về ý chí, tư tưởng và hành động. Bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, Đảng càng quan tâm chăm lo đến sự đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi khi có vấn đề nảy sinh về nhận thức và hành động, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhấttrong Đảng thì vũ khí tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh lại được phát huy; tình cảm, trách nhiệm của mỗi thành viên đối với Đảng lại càng thêm gắn bó. Vì thế, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng luôn được bồi đắp; niềm tin vào Đảng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được củng cố và nâng cao.

Tuy nhiên, trong những năm qua, nhất là từ trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, một số tổ chức Đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ kéo dài, chậm được khắc phục, thậm chí còn có xu hướng tăng ở nơi này, nơi khác, không chỉ ở cơ sở; chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng gia tăng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao. Không ít tổ chức Đảng chưa tôn trọng và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; kỷ cương, kỷ luật ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực chưa nghiêm; sự đoàn kết, nhất trí của một số cấp ủy còn yếu. Những biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, “lợi ích nhóm”, cục bộ địa phương chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời,...

Từ thực tiễn 87 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam và 48 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta càng nhận thức sâu sắc ý nghĩa to lớn của vấn đề đoàn kết, thống nhất. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, khi thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn luôn đan xen, với nhiều tình huống diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đòi hỏi Đảng càng phải có quyết tâm chính trị cao, sự đoàn kết, thống nhấtchặt chẽ mới vượt qua được. Các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng khó khăn, khuyết điểm để bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Chúng dùng mọi thủ đoạn thâm độc để mua chuộc, kích động, chia rẽ nội bộ Đảng và khối đại đoàn kết dân tộc,... Hơn lúc nào hết, sự đoàn kết, thống nhấttrong Đảng càng phải được thể hiện rõ. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhấttrong Đảng cần tiếp tục được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, trở thành nguồn sức mạnh to lớn trong sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần vào thực hiện thành công điều mong muốn cuối cùng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”./.

(1), (2) - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, tr.510.

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa

Trường Chính trị Quảng Bình

Bài viết khác: