Tháng 7 năm 2013, chị Đỗ Thị Thu Lai được Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh điều động, bổ nhiệm Trưởng phòng Phòng Ứng dụng và Thực nghiệm, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và môi trường, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là công việc hoàn toàn mới mẻ đối chị, tuy không được đào tạo đúng chuyên môn về khoa học công nghệ và môi trường, nhưng chị không nản chí, khiêm tốn học hỏi cấp trên và nhân viên; tận tụy với công việc, say mê nghiên cứu cây trồng, đồng thời tham gia Nghiên cứu sinh ngành Trồng trọt, hoàn thành lớp lý luận chính trị cao cấp và mơ ước được trở thành nhà khoa học về cây trồng để góp phần chăm sóc vườn hoa, cây cảnh khu vực Lăng Bác và Khu Di tích K9 ngày càng đẹp hơn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Trong những năm qua, chị đã lãnh đạo Phòng Ứng dụng và Thực nghiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ, luôn luôn dẫn đầu phong trào thi đua của Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và môi trường; được lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, Ban Giám đốc Trung tâm tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen cho tập thể và cá nhân.

nguoi can bo tan tuy
Chị Đỗ Thị Thu Lai trực tiếp tham gia trồng dừa tại Khu Di tích K9

Sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Bảo vệ thực vật - Khoa Cây trồng của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, năm 2000, chị vinh dự được tuyển dụng về làm việc tại Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay từ những ngày đầu mới về cơ quan, với kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cùng nhiệt huyết tuổi trẻ và đam mê khoa học, chị Đỗ Thị Thu Lai đã luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, khẳng định năng lực lãnh đạo của bản thân và trong công việc chuyên môn. Tính đến nay, chị đã có 17 năm công tác và gắn bó với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chị chia sẻ với tôi đó là niềm vui, hạnh phúc, là vinh dự và tự hào của cá nhân chị, cũng như gia đình chị, khi được cùng với các đồng nghiệp đóng góp một phần nhỏ bé công sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị, góp phần làm cho khu vực Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình ngày càng khang trang, sạch, đẹp hơn. Tôi thật cảm động và trân trọng chị hơn khi nghe kể có nhiều cơ quan, doanh nghiệp ngỏ ý mời chị về làm việc nhưng chị đều từ chối.

Tham gia công tác nhiều năm, chị đã trải qua nhiều công việc khác nhau từ kỹ sư của Đội Cây hoa cây cảnh, kỹ sư Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Phó Trưởng phòng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Trưởng phòng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình và từ tháng 7 năm 2013 đến nay là Trưởng phòng Phòng Ứng dụng và Thực nghiệm, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và môi trường. Trên các cương vị được giao, chị luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với công việc.

Khi được hỏi khó khăn nhất của chị là gì, chị chia sẻ rằng: Việc làm nông nghiệp không thể theo thời gian làm việc 8 giờ hành chính, mà phải bám cây, bám hoa ngày đêm nhất là thời tiết thay đổi mưa nắng thất thường; có những loại cây chị phải tham gia trồng vào ban đêm, như đi chọn những cây xoài rừng cổ thụ ở tỉnh Phú Thọ vận chuyển về trồng ở đường xoài Phố Ông Ích Khiêm, sau Lăng Bác phải di chuyển vào ban đêm, khi trồng xong về nhà trên đường không có một bóng người; cũng rất may mắn có người chồng rất thông cảm, chia sẽ với chị đưa đi đón về, động viên kịp thời giúp chị hoàn thành tốt nhiệm vụ và luôn được các cấp lãnh đạo tin tưởng, được đồng nghiệp quý mến.

Bên cạnh việc hoàn thành tốt công tác lãnh đạo Phòng Ứng dụng và Thực nghiệm theo nhiệm vụ được giao, chị vẫn luôn theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình. Chị đã tích cực chủ trì và tham gia nghiên cứu nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp cơ sở, nhiều dự án về cây trồng, thổ nhưỡng phục vụ công tác chăm sóc, duy trì, trang trí cây hoa, cây cảnh ở khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình như: Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu giải pháp trang trí hoa thời vụ tại Khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình”, “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng một số giống hoa trồng chậu phục vụ trang trí tại Khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình”, “Nghiên cứu tuyển chọn một số giống hoa mới phục vụ trang trí ở Khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình… Nhiều kết quả nghiên cứu đã được triển khai ứng dụng vào thực tiễn đạt kết quả tốt.

Năm 2015, ngoài nghiên cứu khoa học chị còn thực hiện sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Trung tâm, cùng với nhân viên tham gia xây dựng hệ thống quản lý Phòng thí nghiệm và phân tích môi trường theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 (Mã hiệu VILAS 837) và Giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường VIMCERT (VIMCERT 104). Phòng thí nghiệm đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng, có đủ năng lực về kỹ thuật cung cấp các kết quả thí nghiệm có độ tin cậy cao, có giá trị về mặt kỹ thuật theo yêu cầu quốc tế. Hoạt động khoa học của chị rất đa dạng, phong phú, ở nhiều cấp độ cương vị khác nhau, quá trình lao động cần mẫn nghiêm túc, miệt mài và sáng tạo. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực nghiệm là một công việc khó khăn, mất nhiều thời gian, thường xuyên đi sớm về muộn, có khi thành công nhưng cũng có lúc thất bại, nhưng chính niềm đam mê nghiên cứu khoa học, cần mẫn với công việc đã giúp chị nỗ lực để vượt qua những khó khăn, thử thách nhiều lúc là chiến thắng chính bản thân mình, bỏ qua những dị nghị để vươn lên.

Thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm, chị đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Hậu cần, Đoàn 285 triển khai trồng thí điểm rau hữu cơ tại Khu Di tích K9. Đây là nhiệm vụ mới mẻ, thực hiện trong thời điểm mùa hè, song không quản nắng mưa, hàng tuần chị đều đi lên K9 chỉ đạo kỹ thuật chăm bón để rút kinh nghiệm cho đơn vị. Đồng thời chị đã đề xuất trồng hoa đỗ quyên tại Khu Di tích K9 phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, nhất là loại cây thích nghi trồng dưới tán cây rừng.

Mặt khác, chị đã dành thời gian cân bằng giữa công việc với gia đình để làm sao vẫn hoàn thành tốt công việc của cơ quan đồng thời làm tốt vai trò người vợ, người mẹ trong tổ ấm của gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, học giỏi. Tranh thủ thời gian, đầu tư kinh phí đi tham quan, học tập ở các cơ sở, doanh nghiệp trồng cây hoa, cây cảnh ở Đà lạt, Sa Pa, Hưng Yên, … để học tập, rút kinh nghiệm bổ sung kiến thức; ngoài ra chị còn có dự định tích lũy kinh phí để xin ra nước ngoài tham quan, học tập. Được sự động viên kịp thời, tạo điều kiện giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, các đồng nghiệp và nhân viên, sự ủng hộ của gia đình giúp chị có thêm nghị lực theo đuổi đam mê, tiếp tục học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Để không ngừng nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn tay nghề, nuôi dưỡng những ước mơ được cống hiến nhiều hơn nữa cho đơn vị, năm 2008, chị nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành Trồng trọt. Hiện nay, chị vừa làm công tác quản lý, vừa tham gia chương trình Nghiên cứu sinh chuyên ngành Trồng trọt. Trong chương trình nghiên cứu của mình, chị phối hợp với các nhà vườn chuyên sản xuất cây hoa cây cảnh tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên triển khai các nghiên cứu về tuyển chọn và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật với cây hoa, vì vậy, vào ngày thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần, chị đều đón xe đi đến nhà vườn trồng hoa để chăm bón và theo dõi sinh trưởng của cây trồng, ghi chép, so sánh, đánh giá, rút kinh nghiệm. Chị đã viết nhiều báo cáo khoa học, tin bài gửi các tạp chí chuyên ngành và Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng.

Là cán bộ được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở có chuyên môn sâu và nhiều triển vọng phát triển, với đức tính siêng năng, cần cù, khiêm tốn, dù ở cương vị công tác nào chị Đỗ Thị Thu Lai cũng dành hết tâm huyết phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Có tiếp xúc mới thấy chị là người toàn tâm, toàn lực, toàn trí cống hiến hết mình cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, để lại cho chúng tôi ấn tượng về một con người nhiệt tình, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và cũng rất chân thành giúp đỡ mọi người, thẳng thắn đấu tranh phê bình. Chị là tấm gương tiêu biểu cho ý chí vươn lên, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, say mê khoa học, tận tụy hết mình với công việc, được mọi người yêu quý.

Chị Đỗ Thị Thu Lai, là người hết lòng với công việc, với nghiên cứu, ứng dụng khoa học nhưng cũng rất tình cảm, gần gũi và thân thiết với mọi người. Chị là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mong chị luôn giữ được niềm đam mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học và nỗ lực hết mình để mang đến cho đơn vị nhiều kết quả ứng dụng trong thực tiễn, góp phần tôn tạo, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình và Khu Di tích K9 ngày càng khang trang, sạch, đẹp, ấn tượng./.

Phương Thúy

Bài viết khác: