Có lẽ với hầu hết người Việt cho dù ở chân trời góc biển nào cũng vậy, ngay từ thuở mới chào đời, hỏi có mấy ai lại không được ấp ủ trong lời ru của người mẹ. Đó có thể là những câu ca dao hay những khúc dân ca mượt mà, đằm thẳm được lưu truyền từ rất lâu đời trong dân gian, thế hệ trước truyền lại cho các thế hệ sau, như người giữ lửa bằng bếp than hồng vậy. Nếu sữa mẹ là dưỡng chất cho con trẻ hình hài vóc dáng, thì chính những lời hát ru tựa như nguồn lương thực không bao giờ vơi cạn của tâm hồn, nó giúp hình thành nên cốt cách con người Việt Nam: Yêu nước, thương nòi, kiên trung bất khuất...

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trên dải đất hình chữ S, dù mỗi thời có hoàn cảnh lịch sử khác nhau, song người Việt vẫn luôn tự hào tổ tiên mình là con Lạc, cháu Hồng. Biết bao kẻ ngoại bang xâm lược từng lăm le muốn khuất phục và đồng hòa dân tộc Việt Nam, nhưng suốt chiều dài lịch sử chưa bao giờ chúng thực hiện được mưu đồ đen tối ấy. Nền văn hóa của dân tộc ta đủ mạnh để làm thất bại mọi kẻ thù xâm lược, trong đó phải nói đến sức sống bền bỉ vượt thời gian của dân ca, của những khúc hát ru kỳ diệu!

hat ru

            Dân ca tự thân nó đã hàm chứa âm nhạc truyền thống của dân tộc. Đó chính là sự kế thừa những tinh hoa văn hóa được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Nó phản ánh quá trình lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, cũng như lịch sử hào hùng chống ngoại xâm. Thông qua âm nhạc dân tộc hình ảnh đất nước, con người Việt Nam hiện lên vô cùng sống động, một nhà thơ mặc áo lính từng viết rất hay về sự kỳ diệu của lời ru trong những năm tháng đi đánh giặc:

...Giọng hò mái đẩy thì cao

Điệu ru Đồng Tháp thì vào mênh mông

Câu ca quan họ bềnh bồng

Ví đò đưa lại nhớ sông, nhớ thuyền

            Đến nay, nhiều loại hình âm nhạc truyên thống Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc bảo tồn, phát huy và phát triển âm nhạc dân tộc là công việc lâu dài, song cấp bách, đòi hỏi cả cộng đồng phải chung tay, góp sức. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"; Nghị quyết số 33-NQ/TƯ (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; xây dựng người phụ nữ Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TƯ (khóa X) “Có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu hướng tới Liên hoan “Hát ru, Hát dân ca” năm 2017, xin giới thiệu đôi nét về hát ru và dân ca trong âm nhạc dân tộc Việt Nam.

HÁT RU

            Hát ru là một bộ phận đặc thù trong tổng thể của nghệ thuật âm nhạc dân gian, tồn tại lâu đời và có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Cũng như các nước, hát ru Việt Nam không đơn thuần là một truyền thống bó hẹp trong khuôn khổ sinh hoạt gia đình mà còn là nếp thuần phong mỹ tục, xứng đáng được xếp vào một trong những hình thức diễn xướng dân gian tiêu biểu của văn hóa dân tộc.

            Hầu hết mọi dân tộc đều có làn điệu hát ru. Qua hát ru có thể tìm thấy những nét cơ bản nhất trong ngôn ngữ của từng dân tộc. Hát ru Việt Nam là một loại hình dân ca sinh hoạt phổ biến, được lưu truyền từ đời này sang đời khác theo hình thức truyền miệng gắn với việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ thơ. Thực chất hát ru là cách cưng, nựng, dỗ dành để tạo ra sự yên ổn về mặt tinh thần, làm cho trẻ không quấy khóc, ngủ sầu, chơi ngoan. Hát ru được thể hiện bằng âm thanh do người lớn (phổ biến là bà, mẹ, chị...) cất lên với âm lượng vừa đủ nghe, giọng điệu trìu mến, ngọt ngào, tha thiết; giai điệu êm đềm, nhẹ nhàng để đạt được hiệu quả cao nhất. Người ru thường sử dụng những làn điệu dân ca có sẵn, những lời hát phù hợp; đôi khi là ngâm nga những điều chất chứa trong tâm hồn...

            Hát ru Việt Nam là một loại hình nghệ thuật mang tính hiện thực rất cao. Thông qua việc ru con, hát ru phát triển thành một hình thức diễn xướng có đầy đủ các đặc trưng của một hình thái nghệ thuật. Hát ru không phải là một bản sao nguyên văn, cũng không phải là một phương tiện phụ họa cho một hiện tượng sinh hoạt trong đời sống, nó chọn lọc và phản ánh hoạt động ấy bằng hình tượng nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật ở hát ru là sự tổng hòa của hai yếu tố miêu tả và biểu hiện thông qua sự thống nhất giữa tư tưởng - tình cảm; lý trí - cảm xúc; khách quan - chủ quan. Khác với các loại hình nghệ thuật âm nhạc khác, hát ru là một hình thức diễn xướng, trong đó tác giả, khán giả và người diễn xướng là một. Hát ru phản ánh đa dạng các mặt khác nhau trong đời sống của con người Việt Nam, từ khung cảnh thiên nhiên đến những kinh nghiệm sống, triết lý sống. Lời hát ru thường được cất lên từ nỗi sung sướng hay cơ cực, hân hoan hay buồn tủi... do chính người mẹ - người đã trực tiếp mang nặng đẻ đau sinh ra một hình hài.

            Tiếng ru giữa không gian thanh vắng của buổi trưa và đêm dài của làng quê tạo ra một khung cảnh êm đềm, làm dịu đi những vất vả lo toan đời thường của mỗi người trưởng thành. Vô hình trung, nội dung của những lời ru trở thành một lời gợi ý, nhắc nhở đầy sức thuyết phục con người về lẽ sống ở đời và lòng nhân ái, bao dung đối với những đứa trẻ bắt đầu trưởng thành và cả những người đã trưởng thành. Tiếng ru ầu ơ còn là những bài học vô giá, thấm vào tận đáy sâu tâm hồn cho các cô gái để sau này khi trở thành những bà mẹ thì đã có thể cất lên lời ru con phát ra như từ bản năng sống của mình. Chính vì lẽ đó mà dẫu rằng chẳng có một lớp học hát ru nào thì ngàn đời qua, bên lũy tre làng các bà mẹ vẫn nuôi dưỡng sự trường tồn, bất diệt tiếng ru ầu ơ cùng dòng chảy lịch sử dân tộc.

MỘT SỐ LÀN ĐIỆU DÂN CA TIÊU BIỂU ĐỒNG BẰNG VÀ TRUNG DU BẮC BỘ

            Việt Nam là một quốc gia thống nhất với 54 dân tộc anh em, trải hàng ngàn năm văn hiến, có một nền âm nhạc dân gian phong phú. Những âm điệu, tiết tấu đặc trưng của dân ca, dân vũ là ngọn nguồn vô tận cho những tác phẩm của nhiều nhạc sĩ qua các thời kỳ. Dân ca là một thể loại trong dòng âm nhạc dân tộc Việt Nam, hiện vẫn đang được kế tục và phát triển.

            * Hát Xoan

            Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các vua Hùng. Thuở xa xưa, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát Xoan vào mùa Xuân để đón chào năm mới. Có ba hình thức hát Xoan: Hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên.

            * Quan họ

            Dân ca quan họ ở Bắc Giang và Bắc Ninh là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam. Nó còn được gọi là dân ca quan họ Kinh Bắc do được hình thành và phát triển ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, đặc biệt là khu vực ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay (hai bên bờ sông Cầu và vùng lân cận).

            Quan họ truyền thống: Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 67 làng quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc. Quan họ truyền thống là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc, với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn và tuân thủ luật lệ. Điều này giải thích lý do người dân Kinh Bắc thích thú “chơi quan họ”, không phải là “hát quan họ”. Quan họ truyền thống không có nhạc đệm, chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê.

            Quan họ mới: Quan họ mới còn được gọi là “hát quan họ”, là hình thức biểu diễn (hát) quan họ chủ yếu trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội, hoạt động du lịch... Thực tế, quan họ mới được trình diễn vào bất kỳ ngày nào trong năm. Quan họ mới luôn có khán thính giả, người hát trao đổi tình cảm với khán thính giả không còn là tình cảm giữa bạn hát với nhau.

            * Chèo

            Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam. Chèo phát triển mạnh ở phía Bắc Việt Nam mà trọng tâm là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân tộc. Chèo mang tính quần chúng và được coi là một loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Nếu sân khấu truyền thống Trung Quốc có đại diện tiêu biểu là Kinh kịch của Bắc Kinh và sân khấu Nhật Bản là kịch noh thì đại diện tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam là Chèo.

            Các làng chèo nổi tiếng: Thái Bình, Nam Định. Ở các nơi khác như: Hưng Yên (làng chèo Thiết trụ); Bắc Giang (Làng chèo Tân Mỹ, Đồng Quang, Làng Then, làng chèo Hoàng Mai, làng chèo Bắc Lý); Hà Nội (làng chèo Xa Mạc - Mê Linh, Trung Lập - Phú Xuyên...), Ninh Bình (làng chèo Phúc Trù, chiếu chèo Khánh Mậu, Khánh Hội, Khánh Thiện, Khánh Trung, Khánh Cường...); Hà Nam (chiếu chèo Làng Ngò - Duy Tiên, chiếu chèo Xuân Khên, Hợp Lý, Đức Lý...); Bắc Ninh (Câu lạc bộ Chèo Ngăm Lương - Gia Bình); Thanh Hóa (Chiếu chèo Man Thôn - Triệu Sơn)...

            * Hát Văn

            Hát văn, còn gọi là chầu văn hay hát bóng, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng cả tín ngưỡng tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Hát văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hát văn có nhiều hình thức biểu diễn bao gồm: Hát thờ, hát thi, hát hầu và hát văn nơi cửa đền. Các làn điệu hát văn cơ bản gồm: Bỉ, miễu, thổng, phú bình, phú chênh, phú nói, phú rầu (phú dầu), đưa thơ, vãn, dọc, cờn xá, kiêu dương, hãm, dôn, điệu kiều thỉnh, hát sai (hành sai), ngâm thơ. Ngoài ra còn sử dụng nhiều làn điệu khác như hát nói trong ca trù, hát then, hò Huế, hồ Quảng, hát canh, v.v...

MỘT SỐ LÀN ĐIỆU DÂN CA TIÊU BIỂU TRUNG BỘ

            *

            Trong nền âm nhạc dân tộc dân gian, hò là một trong những thể loại gắn bó thân thiết với sinh hoạt lao động của người dân Việt. Hò có thể là một làn điệu duy nhất, nhưng cũng có khi là một tập hợp nhiều làn điệu có chung thuộc tính về nội dung cũng như hình thức biểu hiện nghệ thuật. Hò được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng cư dân sinh sống trên sông nước, sản xuất nông nghiệp và lao động cộng đồng, trong đó địa bàn sử dụng phổ biến nhất là khu vực Bắc Trung Bộ. Hò phần nhiều là sinh hoạt mang tính diễn xướng tập thể. Tựu trung, các điệu hò được chia thành 2 lớp rõ rệt, một lớp gọi là XƯỚNG (cái xướng - do một người hát), lớp còn lại gọi là Xô (con xô - do vài người hoặc cả một nhóm đồng thanh phụ họa đáp lại), tất cả được kết nối liên tục.

            * Ví, giặm Nghệ Tĩnh

            Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Dân ca ví, giặm tại Nghệ Tĩnh đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ngày 27-11-2014; tại Paris (Pháp). Loại hình nghệ thuật này phổ biến trong đời sống của các cộng đồng xứ Nghệ, được hát trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, dệt vải, trồng lúa... Lời ca của dân ca ví, giặm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như ngợi ca đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa con người với con người.     

            Hát ví  : Hát ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co dãn một cách ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp, ngắn dài có khi còn tuỳ thuộc vào lời thơ (ca từ) bằng hay trắc, ít từ hay nhiều từ. Ví thuộc thể ngâm vịnh, bằng phương pháp phổ thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, lục bát

            Hát giặm: Hát giặm là một thể loại hát nói bằng thơ ngụ ngốn (thơ - vè). Âm nhạc đi theo thường là phách. “Giặm” có nghĩa là ghép vào, xen kẽ với nhau thường 2 hay 3 người hát đối diện nhau hát.

            * Ca Huế

            Ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế, bao gồm ca và đàn, ở nhiều phương diện khá gần gũi với hát ả đào từ dòng nhạc dân gian bình dị và cung đình nhã nhạc, thanh cao. Ngày 08-6-2015, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đi liền với ca Huế là dàn nhạc Huế ven bộ ngũ tuyệt tranh, tỳ, nhị, nguyệt, tam, xen với bầu, sáo và bộ gõ trống Huế, sanh loan, sanh tiền.

            * Tuồng

            Tuồng còn gọi là hát bội hay luông tuồng; bộ môn nghệ thuật cổ điển và bác học bậc nhất Việt Nam; là một loại văn nghệ trình diễn cổ truyền ở Việt Nam, phát triển từ loại hình sân khấu dân gian của văn học Việt Nam, được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam. Đến cuối thế kỷ XVIII, tuồng phát triển một cách hoàn chỉnh về mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn. Ngày nay, môn nghệ thuật này vẫn được coi là “quốc hồn, quốc túy” của người Việt, sánh như Kinh kịch của Trung Quốc hay kịch Noh của Nhật Bản.

MỘT SỐ LÀN ĐIỆU DÂN CA TIÊU BIỂU NAM BỘ

            Vùng dân ca đồng bằng Nam Bộ, gọi tắt là vùng dân ca Nam Bộ, bao gồm dân ca của nhiều thành phần dân tộc khác nhau cùng chung sống trên những dải đồng bằng ở cực Nam Tổ quốc. Đó là dân ca Việt, dân ca Khmer, dân ca Hoa và cả dân ca của một bộ phận nhỏ người Chăm ở vùng này. Nổi bật hơn cả trong số đó là dân ca Việt, Khmer và Hoa.

            * Hát Lý

            Là một điệu hát thoát thai từ ca dao, lý thực sự chinh phục được đông đảo quần chúng, đặc biệt là người bình dân, bởi đề tài và nội dung vô cùng phong phú, phản ánh sống động mỗi khía cạnh trong sinh hoạt thường ngàỵ ở nông thôn Nam Bộ; thể hiện tình cảm trong quan hệ giữa người với người: Tình yêu lứa đôi tình cảm vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em, bè bạn...; thể hiện tinh thần lạc quan và yêu thương cuộc đời; ca ngợi cuộc sống và khát vọng hạnh phúc của con người.. Ngoài ra, còn có những bài ca thể hiện sự bất bình, phản đối gay gắt những bất công, phân biệt rạch ròi thị phi...

            Đến với Lý chiều chiều, một bài lý giao duyên tâm tình với tiết tấu nhẹ nhàng, ca từ mộc mạc, tình cảm nồng nàn, gợi cho người nghe cảm giác buồn man mác: “Chiều chiều ra đứng tây lầu tây. Thấy cô tang tình gánh nước. Tưới cây tưới cây ngô đồng. Xui khiến xui trong lòng; trong lòng tôi thương. Thương cô tưới cây ngô đồng”.... Khi tiết tấu lý sôi nổi thì đó cũng là lúc tâm thế con người được thăng hoa nhất. Như một quy luật trong quá trình giao lưu tiếp xúc, lý không còn mang bản sắc của Nam Bộ nữa, mà có sự biến đổi theo phương ngữ và giọng nói của từng vùng. Từ đó xuất hiện lý Nam Bộ, lý Nam Trung Bộ, lý Bắc Bộ, lý Nam Bình Trị Thiên...

            * Đờn ca tài tử

            Ngày 13-12-2013, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO đã công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại phiên họp ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan.

            Đờn ca tài tử có thể hiểu theo nghĩa: Tài tử là tài năng, những bậc thầy tham gia trình diễn. Cũng có một số ý kiến cho rằng tài tử có nghĩa là nghiệp dư, nghĩa là hoạt động âm nhạc này chỉ để cho vui nhưng trên thực tế để trở thành một nghệ sĩ đờn ca thực sự, các nghệ sĩ đờn ca phải có một quá trình học hỏi khá dài và nghiêm túc.

            Về bài bản của đờn ca tài tử thì có nhiều nhưng đa số các bậc thầy của đờn ca và các chuyên gia cho rằng đờn ca có 20 bài tổ được gọi là “nhị thập huyền tổ bản” thuộc hai điệu Bắc và điệu Nam. Trong 20 bản tổ có 7 bản Lễ, 6 bản Bắc, 3 bản Nam và 4 bản Oán. Đây là loại hình nghệ thuật do cộng đồng 21 tỉnh, thành miền Nam Việt Nam cùng nhau tạo ra. Đờn ca tài tử là một phần bản sắc của người dân phía Nam và được trao truyền từ đời này qua đời khác, được bảo đảm tính tiếp nối liên tục.

            * Cải lương

            Cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, hình thành trên cơ sở dòng nhạc Đờn ca tài tử và dân ca vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhạc tế lễ. Giải thích chữ “cải lương” theo nghĩa Hán - Việt, giáo sư Trần Văn Khê cho rằng: “Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn”, thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và bài bản.

            Sân khấu cải lương sử dụng cái vốn dân ca nhạc cổ rất phong phú của Nam Bộ. Trên bước đường phát triển, nó được bổ sung thêm một số bài bản mới (như “Dạ cổ hoài lang” của Cao Văn Lầu mà sau này mang tên vọng cổ). Nó cũng gồm một số điệu ca vốn là nhạc Trung Hoa nhưng đã Việt Nam hóa. Vì thế, khi trình bày về âm nhạc trong nghệ thuật cải lương, không thể không nói tới dàn nhạc cải lương. Dàn nhạc cải lương có một vai trò đặc biệt trong tuồng diễn, đến nỗi, không có dàn nhạc thì không thể thành một tuồng diễn. Dàn nhạc không chỉ có nhiệm vụ nâng đỡ, phụ họa cho giọng hát, mà còn tô điểm thêm cho từng giai điệu để làm nổi bật chiều sâu tâm lý của nhân vật, tạo thêm kịch tính cho kịch bản, góp phần cho sự thành công của tuồng diễn.

MỘT SỐ LÀN ĐIỆU DÂN CA CỦA CÁC DÂN TỘC ANH EM

            * Hát Then

            Hát then là một thể loại ca nhạc tín ngưỡng của người Tày, Nùng. Mang trường ca, mang màu sắc tín ngưỡng thuật lại cuộc hành trình lên thiên giới để cầu xin Ngọc Hoàng một vấn đề gì đó. Hát then có nhiều bài bản, làn điệu. Người Tày, người Nùng không kể tuổi tác, giới tính, những người mê tín cũng như không mê tín rất thích nghe hát then. Một vài tộc khác như người Mông, Việt ở trong vùng cũng tiếp nhận thể loại hát này trong đòi sống tinh thần của mình. Lời hát theo hình thức diễn xướng tổng hợp ca nhạc đàn tính, múa, diễn với nhiều tình huống khác nhau. Đảm nhiệm chức năng của một diễn viên tổng hợp, họ vừa hát, tự đệm, vừa múa và diễn để thể hiện nội dung câu hát, đôi khi còn biểu diễn cả những trò nhai chén, dựng trứng, dựng gươm...

            Có ở 5 tỉnh miền núi Việt Bắc: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang. Hiện tại, then đã xuất hiện ở Tây Nguyên khi người Tày và người Nùng di cư đến. Mỗi vùng làn điệu then lại có những nét độc đáo riêng: Then Cao Bằng dìu dặt tha thiết; Then Lạng Sơn tươi vui, rộn ràng; Then Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận; Then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một; Then Bắc Kạn như chuyện kể thầm thì.

            * Hát Lượn

            Hát lượn là một làn điệu dân ca của người Tày. Nó có hai nghĩa rộng - hẹp. Nghĩa rộng, lượn chỉ toàn bộ kho tàng dân ca người Tày, bao gồm cả then (lượn then), hát đám cưới (lượn quan làng), phuốc pác (lượn phuốc pác) và phong slư (lượn phong slư). Nghĩa hẹp, lượn là những điệu hát giao duyên chỉ riêng của người Tày. Phổ biến hơn cả là cách gọi tên lượn theo nghĩa hẹp, tức là bộ phận hát giao duyên đối đáp của người Tày.

            Hát lượn của người Tày có 3 loại: “Lượn cọi”, “lượn slương” và “lượn Nàng hai”. Nếu như “lượn cọi” và “lượn Nàng hai” có địa bàn chính ở phía Tây Việt Bắc thì “lượn slương” lưu hành ở địa bàn tỉnh Lạng Sơn là chính.

            * Hát Sli

            Hát sli (vả sli) là một làn điệu đặc trưng của dân tộc Nùng. Có thể kể đến một số kiểu loại chính như: Người Nùng Cháo có sli slình làng, người Nùng Giang có sli giang, người Nùng Phàn slìnhcó sli bốc, sli phàn slình... Là một hình thức hát thơ (kiểu như phong slư của dân tộc Tày nhưng cơ bản khác nhau về mặt tính chất). Sli cùa người Nùng được coi là một thể loại trữ tình dùng trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, ngày vào nhà mới... Người Nùng trước đây, hầu hết ai cũng biết hát sli, lời còn được coi như tiếng hát giao duyên. Hát sli thể hiện sự ứng đôi tài hoa của mỗi người với những lời sli ví von, bóng bẩy, tinh nghịch, xa xôi, ẩn chứa rất nhiều hàm ý...

            * Hát Dù kê

            Hát dù kê là kịch hát truyền thống của nghệ thuật sân khấu hát và múa của người dân tộc Khmer tại tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang, Trà Vinh. Được sắp xếp như tuồng dài, kết cấu giống cải lương. Nội dung diễn tả tình yêu quê hương đất nước, nét thân tình của các dân tộc. Được xem là món ăn tinh thần của người Khmer miền Tây. Người hát vừa hát diễn nội dung, ý nghĩa của phần đó và phần hồi sắp diễn ra sự kiện nào đó. Mỗi lời hát phải có điệu múa theo điệu nhạc, thể hiện nét di chuyển cả chân và tay thật khéo léo. Người hát và người múa đều phải hóa trang thành những bậc đế vương, ông hoàng, bà hoàng...

            * Hát Khan

            Hát khan là một thể loại hát kể sử thi, trường ca truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Người Êđê thường gọi kể khan. Người M’Nông gọi là Ốt N’Trông, người Giarai gọi là Hri, người Xơđăng gọi là Hơmoan, người Ba Na gọi là H’Amon, người Chăm gọi là Akhan, người Raglai gọi là Akhar Jur Car... Ở đây, ta gọi chung là hát kể khan của người Êđê. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa, khi kể về truyền thống cha ông của mình, về công trạng, phong tục, tập quán của người dân từng dân tộc. Hát khan thường hát không có nhạc cụ. Người hát một mình cho người khác nghe, dùng trong sinh hoạt như uống rượu cần, gặp nhau bạn bè, anh em, cha mẹ, người thân gặp lại nhớ lại công lao của lớp người đi trước. Các bài sử thi thường được hát là Đăm San, Đăm Di, Dyông Dư. Bình thường một bài hát kể khoảng chừng từ 20 đến 30 phút. Bản hát khan tiếng Êđê nhiều, bản dịch ra tiếng Việt ngoài sử thi Đăm San không nhiều. Còn các bản của dân tộc khác vẫn tiếp tục được tìm kiếm và dịch thuật.

            Bảo tồn, phát huy và phát triển âm nhạc góp phần nuôi dưỡng tâm hồn người Việt, làm đặc sắc hơn bản sắc văn hóa Việt trong dòng chảy lịch sử văn hóa nhân loại và tiếp tục tô thắm truyền thống, hình ảnh đất nước Việt Nam xứng đáng với các thế hệ đi trước./.

Phương Đông

Bài viết khác: