Trong kho tàng di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về khoa học và kỹ thuật là khá đậm nét và có giá trị lâu dài, nhất là trong điều kiện đất nước tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hồ Chí Minh đã nhận thấy rõ vai trò của khoa học và kỹ thuật đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) là hết sức quan trọng. Người đã coi khoa học kỹ thuật là một lực lượng sản xuất. Người viết: "Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Nǎng suất lao động còn thấp kém... Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó... Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao nǎng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb CTQG, 1996, tr.77-78). Như vậy, Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định vai trò của khoa học, kỹ thuật đối với sự thắng lợi của CNXH, mà còn chỉ rõ nhiệm vụ và định hướng cho khoa học và kỹ thuật.
Để có được không gian xanh, sạch, đẹp phù hợp với cảnh quan kiến trúc, sinh cảnh và tôn thêm vẻ đẹp của Lăng Bác, với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, trong những năm qua Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và ưu tiên chỉ đạo Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình phát triển sản xuất hoa thời vụ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nhiều giống cây hoa mới có chất lượng cao, cùng các quy trình sản xuất, cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, bước đầu đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất như: Lựa chọn chủng loại giống hoa mới vào sản xuất; sử dụng máy xay đất phối trộn giá thể có băng truyền; máy đóng bầu tự động; áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất; đưa hệ thống tưới phun sương bán tự động trong điều kiện nhà lưới hở vào sử dụng đã giải phóng sức lao động đáng kể trong sản xuất cây hoa, cây cảnh. Bên cạnh đó, đã có nhiều cải tiến trong quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc từ việc bố trí mùa vụ, luân canh cây trồng, tính toán mật độ và phối trộn tỷ lệ vật liệu làm giá thể trồng cây; tăng cường sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại như: Chế phẩm sinh học Trichoderma, Balasa No1, Fito-Biomix RR, EM Bokashi, chế phẩm thủy kim sinh MKS-M2..., góp phần tăng năng suất, sản lượng cây hoa thời vụ, phục vụ kịp thời hiệu quả công tác trang trí thường xuyên và đột xuất. Đến nay, với những giống hoa, cây cảnh truyền thống như dừa cạn, cosmos, đào, quất…, nhưng do áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào các khâu làm đất, ươm giống, chăm bón, điều tiết độ ẩm để chủ động thời gian ra hoa mà cây vẫn khỏe, đẹp, góp phần chủ động trong công tác trang trí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Hàng năm, đã cung cấp hơn 160 nghìn cây hoa các loại, đa dạng màu sắc đưa về trang trí tại khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.
Trong công tác duy trì chăm sóc cây hoa, cây cảnh tại khu vực Lăng, đã nghiên cứu áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp đối với từng loại cây hoa, cây cảnh trên khu vực. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và đặc tính của các loại cây trồng, để giảm thiểu thiệt hại tối đa do vi sinh vật gây hại cây trồng, giảm mối nguy hại do hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe và môi trường không khí tại khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Ban đã xây dựng kế hoạch, quy trình sử dụng các loại phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật công nghệ cao để bón, tưới phun các loại cây trồng, tạo không khí thân thiện và trong lành, bảo đảm phát triển bền vững hệ sinh thái; đồng thời, không ngừng đầu tư, cải tiến các loại công cụ, phương tiện phun thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với đặc thù duy trì các loại cây hoa, cây cảnh, thảm cỏ. Đặc biệt, áp dụng hệ thống tưới phun tự động tại khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ luôn bảo đảm đủ nhu cầu nước và dinh dưỡng cho cây hoa, cây cảnh, thảm cỏ sinh trưởng phát triển tốt với tổng diện tích gần 27.000m2. Cảnh quan xanh, sạch, đẹp, không khí trong lành ở Quảng trường Ba Đình đã thực sự tạo ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân và du khách đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan khu vực.
Ứng dụng hệ thống tưới phun tự động tại khu vực Lăng
Song song với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, duy trì chăm sóc, đơn vị cũng thường xuyên chú trọng công tác tập huấn kiến thức, giải pháp để triển khai mô hình sản xuất cây hoa, cây cảnh theo phương pháp hữu cơ; tập trung xây dựng Đề án phát triển sản xuất hoa tại vườn ươm Phú Thượng theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật từ khâu chọn giống, cải tiến hoàn thiện quy trình, áp dụng cơ giới hóa... nhằm tăng năng suất, chất lượng cây hoa, cây cảnh. Đồng thời, đơn vị còn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và môi trường thử nghiệm phân hữu cơ vi sinh trên cây trồng tại khu vực Lăng.
Có thể thấy, hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, duy trì, chăm sóc cây hoa, cây cảnh ở Ban thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, duy trì chăm sóc cây hoa, cây cảnh đang gặp phải một số khó khăn như: Sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao ở Ban hiện nay vẫn nhiều hạn chế, chỉ mới tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, chưa ứng dụng công nghệ tự động hóa, thông tin, cũng như quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất. Trình độ tiếp thu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người lao động còn hạn chế, nên khả năng tiếp cận những tiến bộ mới chậm; thiếu nguồn vốn đầu tư; diện tích sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún gây khó khăn cho việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là cơ giới hóa.
Trong điều kiện hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, đường lối phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thể hiện trong Kết luận số 06-KL/TƯ ngày 01/9/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 50-CT/TƯ của Ban Bí thư; Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 21/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030. Do đó, trong thời gian tới, Ban Quản lý Lăng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo tinh thần Đề án 2341 của Thủ tướng Chính phủ về “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”, trong đó xác định nhiệm vụ duy trì, tôn tạo cảnh quan Lăng Bác phát triển bền vững hài hòa và trở thành một mẫu mực trong nghệ thuật xanh hóa đô thị là một nhiệm vụ hết sức quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Để làm được điều đó, tôi xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:
Trước tiên, chúng ta đã có những bước khởi đầu khá tốt đẹp trong việc đẩy mạnh ứng dụng đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, duy trì chăm sóc cây hoa, cây cảnh ở khu vực Lăng, vấn đề quan trọng hiện nay không chỉ là tăng năng suất, mà còn phải bảo đảm các khâu như giảm chi phí đầu tư, an toàn môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng sản phẩm và sử dụng có hiệu quả lao động hiện có.
Củng cố ổn định cơ cấu giống và sử dụng hợp lý chủng loại hoa, ưu tiên phát triển sản xuất một số chủng loại hoa có giá trị. Có kế hoạch ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất các chủng loại hoa mới có độ bền cao, màu sắc đẹp, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khu vực Lăng. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, cơ sở khoa học, viện nghiên cứu xây dựng các mô hình liên kết ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất hoa công nghệ cao tại vườn ươm Phú Thượng, nhằm khai thác có hiệu quả quỹ đất được giao. Ngoài ra, cần phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vai trò khoa học kỹ thuật trong sản xuất hoa công nghệ cao để người lao động quan tâm tìm hiểu và ứng dụng.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện cho người lao động có thể nắm được những hiểu biết khoa học, kỹ thuật, đào tạo nhiều cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý cần thiết cho sản xuất phát triển, nhanh chóng áp dụng các biện pháp sản xuất hoa, cây cảnh của các mô hình canh tác, sản xuất, trang trí hiệu quả, bền vững của các nước tiên tiến. Muốn khoa học, kỹ thuật phát triển thì đòi hỏi con người phải có trí tuệ, có trình độ vǎn hóa và tri thức nhất định đủ khả nǎng làm chủ được các phương tiện và quy trình kỹ thuật cũng như có khả nǎng sáng tạo và có những phát minh mới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình hình trong nước và thế giới luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn, muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng vô tận, thì chúng ta phải không ngừng nghiên cứu, học tập lý luận và kỹ thuật.
Hoàn thiện công tác tổ chức lao động khoa học. Tổ chức lao động khoa học là điều kiện không thể thiếu được để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản suất. Việc vận dụng và áp dụng những thành tựu của tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quá trình lao động đòi hỏi phải được thực hiện một cách đồng bộ hệ thống các biện pháp về tổ chức kỹ thuật, tâm sinh lý, kinh tế, xã hội, như: Xây dựng định mức lao động, phân công lao động, hiệp tác lao động, tổ chức và phục vụ nơi làm việc, điều kiện lao động và chế độ làm việc, kích thích vật chất và tinh thần đối với người lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví công tác quản lý, cải tiến kỹ thuật và cải tiến tổ chức như cái kiềng ba chân, nếu hai chân dài, một chân ngắn thì không thể nào đứng vững được.
Bên cạnh đó, muốn cải tiến tổ chức lao động cũng phải biết phương pháp tổ chức và có kinh nghiệm tổ chức. Về mặt này và mặt kia, hiện nay chúng ta đều còn hạn chế. Cho nên phải "học, học nữa, học mãi" như Lê-nin đã dạy (Sđd, tr.103). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Máy móc ngày càng tinh xảo, nếu không có trình độ vǎn hóa và kỹ thuật thì không thể điều khiển được. Trước đây làm việc theo lối thủ công, nhưng bây giờ làm bằng máy móc tinh xảo cả, nên việc học tập vǎn hóa, nâng cao trình độ kỹ thuật là rất cần thiết" (Sđd, tr.50).
Với những giải pháp trên, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và hy vọng, với kinh nghiệm hơn 40 năm làm nhiệm vụ duy trì tôn tạo cảnh quan Lăng Bác, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, cùng với nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình, trên cơ sở nhận thức sâu sắc về công tác tôn tạo cảnh quan, môi trường khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, việc đẩy mạnh và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và duy trì chăm sóc hoa, cây cảnh sẽ đem lại hiệu quả, cảnh quan Lăng Bác càng thêm tươi đẹp và ngày ngày, dòng người nối nhau đi trên Quảng trường Ba Đình thành kính vào Lăng viếng Bác, trong niềm xúc động được một lần nhìn thấy Bác, mọi người còn thêm cả niềm vui vì Quảng trường Ba Đình vẫn giữ được không khí trong lành, cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp./.
Nguyễn Minh Đức