Hiếu học là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đã được lưu truyền và tôn vinh trong dòng chảy lịch sử dân tộc, trong nền văn hóa Việt Nam. Những tấm gương vượt khó học giỏi, sáng tạo ở bất kỳ thời đại nào cũng luôn được cộng đồng, xã hội trân trọng và tôn vinh. Xuất phát từ tư tưởng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", nên ngay từ khi hình thành những nhà nước đầu tiên của nước ta đã luôn thể hiện rõ tư tưởng tiến bộ đó và ngày nay trước yêu cầu đổi mới toàn diện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tư tưởng đó càng có giá trị to lớn.
Đồng chí Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi gặp mặt học sinh tiêu biểu năm học 2016 - 2017
Những năm qua, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đã thành thông lệ, hàng năm vào dịp tháng 6, “Tháng hành động vì trẻ em”, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức gặp mặt biểu dương học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi và năng khiếu, là con của cán bộ, công nhân viên chức, lao động quốc phòng đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trong Bộ Tư lệnh. Cùng với đó nhiều hoạt động có ý nghĩa được triển khai thực hiện đã thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chỉ huy các cấp như: Tổ chức Tết Thiếu nhi 1/6; gặp mặt biểu dương tặng quà học sinh giỏi, tổ chức tham quan các di tích lịch sử; vui chơi tại các trung tâm vui chơi giải trí; cán bộ, chiến sĩ tham gia đóng góp quỹ vì trẻ thơ…. Các hoạt động chăm lo cho các cháu có thể chưa thật đầy đủ về vật chất nhưng luôn thắm đượm tình cảm yêu thương ấm áp trong điều kiện tốt nhất có thể.
Chính vì vậy, những năm qua từ sự chăm sóc thường xuyên đầy tình thương và trách nhiệm của gia đình, kết hợp chặt chẽ với sự quan tâm, tạo điều kiện tổ chức những hoạt động thiết thực, phù hợp của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, của cán bộ, chiến sỹ trong Bộ Tư lệnh đối với các cháu, đã có rất nhiều cháu là con ngoan, trò giỏi, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập. Số các cháu có thành tích xuất sắc năm sau cao hơn năm trước; có nhiều cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền; cócháu thêm thành tích xuất sắc khi tham gia các kì thi học sinh giỏi các môn văn hóa, ngoại ngữ đạt giải quốc tế, quốc gia, cấp tỉnh, thành phố...
Tiêu biểu là các cháu: Cháu Nguyễn Cẩm Ngọc học sinh lớp 12 con của phụ huynh Bùi Thu Nga thuộc cơ quan Văn phòng đã đạt Huy chương Vàng Olympic tiếng Nga, giải Nhì quốc gia tiếng Nga; cháu Phạm Tuấn Anh con của phụ huynh Phạm Văn Thiện, cơ quan Văn phòng Giải Ba toán cụm Ba Đình - Hồ Tây và nhiều năm liền đạt giải Lý, Hóa cấp quận; cháu Phạm Hồng Phong học sinh lớp 10 con phụ huynh Phạm Hồng Sang, Phòng Chính trị giải Nhì môn Hóa cấp tỉnh; cháu Nguyễn Ngô Quỳnh Trang học sinh lớp 11 con phụ huynh Ngô Công Thưởng, Viện 69 đạt giải Nhất thi tìm hiểu pháp luật cấp thành phố; cháu Nguyễn Thùy Dương, Nguyễn Thu Hương con của phụ huynh Nguyễn Hoàng Phong, Phòng Hậu cần nhiều năm liền đạt giải Nhất, Nhì cấp tỉnh.. và nhiều cháu khác.
Biểu dương thành tích của các cháu, không thể không nói tới vai trò quan trọng của gia đình, nơi đầu tiên ươm mầm nhân cách con người, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người và là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống hình thành nhân cách. Ông bà, bố mẹ và những người thân yêu là những người luôn gần gũi, định hướng, dành sự quan tâm chăm sóc về vật chất và tinh thần cũng như luôn tạo những điều kiện tốt nhất để trẻ em phát huy khả năng, trí tuệ. Hơn ai hết các bậc cha mẹ đều ý thức được rằng: Nếu được nuôi dưỡng trong một gia đình hạnh phúc, trẻ em sẽ vững vàng trước thử thách của cuộc đời. Như vậy, để khẳng định rằng gia đình có vai trò đặc biệt đối với việc chăm sóc, giáo dục trẻ em và bố mẹ chính là tấm gương cho con học tập. Các cháu đạt thành tích tiêu biểu và các cháu học sinh giỏi trong Bộ Tư lệnh là kết quả của quá trình ươm trồng tận tình, chu đáo của gia đình các đồng chí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng trong Bộ Tư lệnh đã luôn đồng hành cùng con trong từng bước trưởng thành.
Đồng chí Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao phần thưởng cho các cháu có thành tích xuất sắc năm học 2016 - 2017
Sự nghiệp trồng người có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng. Một nền giáo dục tốt sẽ sản sinh ra nguồn nhân lực chất lượng cao, là nhân tố quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt trong giai đoạn đất nước ta đang đổi mới và hội nhập hiện nay. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và chăm sóc giáo dục trẻ em. Trong thư gửi cán bộ, giáo viên, học sinh nhân dịp đầu năm học mới (16/10/1968), Bác đã nhấn mạnh: "Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này". Tết Thiếu nhi 1/6 năm 1969 trước lúc đi xa Bác căn dặn: "Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân".
Ngày nay, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển sự nghiệp giáo dục cũng như chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Với phương châm đào tạo con người phát triển toàn diện "Nhân - Trí - Thể - Mỹ", với sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục của gia đình - nhà trường - xã hội, các cháu sẽ nhận được nhiều sự quan tâm chăm lo tốt hơn, được nuôi dưỡng giáo dục trong môi trường đủ điều kiện để phát triển tài năng, hoàn thiện nhân cách trở thành con ngoan trò giỏi, những công dân có ích cho xã hội. "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" thông điệp đó đã nói lên tất cả, chăm lo cho trẻ em hôm nay cũng chính là chăm lo cho sự cường thịnh của đất nước mai sau.
Để chung tay cùng các cấp, các ngành trong Bộ Tư lệnh nói riêng, cả nước nói chung chăm lo cho thế hệ tương lai của dân tộc, đồng chí Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chỉ thị, văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em, trong đó tập trung vào:
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TƯ ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020 theo Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 Thủ tướng Chính phủ; Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em…
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác chăm sóc, giáo dục, và bảo vệ trẻ em, Ủy ban dân số gia đình và trẻ em kịp thời tham mưu, đề xuất các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, phối hợp với tổ chức quần chúng tổ chức tốt hoạt động Tháng hành động vì trẻ em, Ngày gia đình Việt Nam hàng năm. Chúng ta quan tâm, chăm lo cho các cháu cũng là tạo điều kiện để bố, mẹ các cháu yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, gắn bó, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh.
Ba là, đối với mỗi gia đình phải nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của gia đình đối với việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tham gia hội nhập sâu rộng với quốc tế, đó vừa là thuận lợi để giáo dục thế hệ trẻ trở thành những người công dân năng động, thông minh, sáng tạo, nhưng mặt khác cũng đặt ra những thử thách không nhỏ đối với mỗi gia đình trong việc giáo dục trẻ em. Mặt trái của cơ chế thị trường, ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai đã xâm nhập vào các gia đình Việt Nam thời hiện đại, các yếu tố quan hệ tốt đẹp của gia đình truyền thống có nguy cơ bị xâm hại. Vì vậy, hơn lúc nào hết từng gia đình phải tăng cường trách nhiệm quản lý, giáo dục các con, không để các con bị ảnh hưởng hoặc tham gia vào các tệ nạn xã hội. Kết hợp việc phát huy những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại, mục đích xây dựng các gia đình phát triển nhưng vẫn mang sắc thái riêng, bản sắc riêng của gia đình Việt Nam; để gia đình thực sự là tổ ấm, là nơi nuôi dưỡng, ươm mầm phát triển và hoàn thiện nhân cách, cốt cách con người Việt Nam trong cộng đồng xã hội, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Bốn là, mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm gương mẫu chăm lo xây dựng chính gia đình mình thật sự hạnh phúc và vận động quần chúng cùng thực hiện cũng như mỗi gia đình phải có trách nhiệm với gia đình mình và với xã hội; chăm sóc, giáo dục con ngoan, trưởng thành là mỗi gia đình đã đóng góp những công dân tốt cho xã hội. Vì tương lai của đất nước chúng ta hãy dành sự quan tâm chăm sóc, giáo dục tốt nhất cho trẻ em, để các cháu tiếp tục phát huy thành tích xuất sắc của mình, vững vàng trước những thử thách mới với thành tích mới cao hơn, xuất sắc hơn./.
Phương Đông - Điệp Anh