Sáng ngày 07/5/2019, Đoàn đại biểu Người có công với cách mạng tỉnh Kon Tum đã đến dâng hoa, vào Lăng viếng Bác và tham quan Khu Di tích K9.
Đồng chí Đại tá Lương Kỳ Hải, Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý Lăng
trao Huy hiệu Bác Hồ, tặng phẩm lưu niệm cho Đoàn tại Nhà khách số 8 Hùng Vương
Đoàn gồm 36 đại biểu người có công và 04 cán bộ, phục vụ, do đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh làm Trưởng đoàn.
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, kinh tế đặc biệt khó khăn, với hơn 28 dân tộc thiểu số khác nhau. Trên địa bàn tỉnh có 22.851 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội là 11.875 người, chiếm 2,39% so với tổng dân số.
Đoàn kính cẩn dâng hoa và vào Lăng viếng Bác
Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt công tác chính sách đối với người có công với cách mạng. Tính đến nay, tỉnh Kon Tum đã xác lập hồ sơ, tiếp nhận và giải quyết chế độ cho 51.067 người, trong đó người có công với cách mạng và thân nhân là 13.347 người, người tham gia hoạt động kháng chiến là 37.720 người. Hiện có 5.618 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Tỉnh có 122 người được tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 3 Mẹ còn sống). Công tác chăm sóc, sức khỏe đời sống người có công với cách mạng, hỗ trợ và xây dựng nhà tình nghĩa, vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quản lý mộ, nghĩa trang, điều dưỡng luân phiên… đều được thực hiện tốt.
Lưu bút của bà Nguyễn Thị Thuấn sau khi được nghe giới thiệu, xem phim tư liệu,
trao tặng Huy hiệu Bác Hồ và nhận tặng phẩm tại Nhà khách số 8 Hùng Vương.
Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có các đối tượng người có công luôn dành tình cảm yêu quý đối với Bác, cùng một lòng hướng về Bác. Ông A Noang, xã Đắk Ui, huyện Đắk Hà là một người như vậy. Năm 1969, đang học tại Trường Sĩ quan Lục Quân tại Hòa Bình, ông may mắn được tỉnh Kon Tum cử đi thăm Bác Hồ ngay mấy tháng trước khi Người qua đời. Lưu giữ niềm vinh hạnh ấy, sau này, ông và vợ ông (người bạn cùng quê Kon Tum, cùng học tại Trường Sĩ quan Lục Quân, cùng chiến đấu trên khắp các chiến trường Tây Nguyên, cùng bị nhiễm chất độc da cam) và người dân quê hương ông luôn treo bức ảnh chân dung Bác Hồ ở nơi ở trang trọng nhất của ngôi nhà.
Còn Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân A Ghinh, xã Rờ Kơi, Sa Thầy kể lại: Hồi chiến tranh, người dân Kon Tum nghèo lắm, không có đủ gạo, đủ muối để ăn, không đủ áo để mặc nhưng vẫn kiên trung, dũng cảm theo Bác Hồ, một lòng sắt son với cách mạng, đoàn kết bên nhau đánh đuổi giặc Pháp, Mỹ rồi tàn quân FULRO và sau đó bắt tay vào kiến thiết quê hương.
Sinh thời, Bác Hồ luôn dành cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên những tình cảm lớn lao: “… Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào… Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Bahnar và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”. Đáp lại tình cảm yêu thương ấy của Người, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có đồng bào Kon Tum luôn dành tình cảm yêu quý đối với Bác, một lòng hướng về Đảng, về Bác kính yêu. Với mong muốn nhắc nhở thế hệ con cháu hôm nay và mai sau phải luôn khắc ghi lời Bác dạy, năm 2010, Thạch đá khắc toàn văn Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku (19/4/1946) được xây dựng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku; ngày 09/12/2012, tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” khánh thành tại Quảng trường Đại Đoàn Kết - Trung tâm thành phố Pleiku (Gia Lai). Đó là những công trình văn hóa có ý nghĩa to lớn, một biểu tượng sinh động về tình cảm thiêng liêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu Di tích K9.
Nhân dịp này, Đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan tại Khu Di tích K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội)./.
Hoàng Xuân