Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Bác Hồ đã về với cõi vĩnh hằng tròn nửa thế kỷ. 50 năm đã trôi qua, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung và Đoàn 275 (Đoàn An ninh, nghi lễ) nói riêng, luôn tự hào được thay mặt Quân đội làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó: Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người.

Sáng ngày 29 tháng 8 năm 1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức đón tiếp, phục vụ nhân dân và khách quốc tế đến viếng Người. Để bảo đảm nhiệm vụ nghi lễ, đón tiếp phục vụ đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác, theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, những cán bộ, chiến sỹ đầu tiên được vinh dự lựa chọn làm nhiệm vụ an ninh, nghi lễ tại Lăng, trong đó có tiêu binh danh dự tại cửa Lăng gồm 2 chiến sỹ: Binh nhất Nông Văn Thành (dân tộc Tày) và Binh nhất Nguyễn Văn Ri (dân tộc Kinh); Tiêu binh danh dự bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm 4 chiến sỹ: Binh nhất Hà Văn Tặng (số 1); Binh nhất Nguyễn Phúc Trị (số 2); Binh nhất Bùi Thanh Vững (số 3) và Binh nhất Nguyễn Trọng Nghĩa (số 4); Khiêng hoa gồm 2 sỹ quan: Thiếu uý Phạm Thọ Bê và Thiếu uý Hoàng Văn Nguyên. Ngày 29 tháng 8 năm 1975 đã đi vào lịch sử và trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các đồng chí Nông Văn Thành, Nguyễn Văn Ri, Hà Văn Tặng, Nguyễn Phúc Trị, Bùi Thanh Vững, Nguyễn Trọng Nghĩa là những chiến sỹ mở đầu cho những phiên gác danh dự nối tiếp nhau diễn ra đều đặn, trang nghiêm, vinh dự, tự hào của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến hôm nay.

anh sang 3
Cán bộ, chiến sỹ Đội Tiêu binh danh dự phục vụ Lễ viếng Bác cấp Nhà nước

Để được lựa chọn và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đặc biệt “Giữ yên giấc ngủ của Người”, cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tiêu binh danh dự phải có những yêu cầu đặc biệt: Lý lịch chính trị gia đình, bản thân phải rõ ràng, trong sạch; có đạo đức, văn hóa tốt, có thể lực, quân dung đẹp, ngoại hình cân đối, cao từ 1,73 mét trở lên. Nhiệm vụ tiêu binh danh dự tại Lăng mang tính chất nghi lễ quốc gia dân tộc được thực hiện thường xuyên 24/24 giờ.

Sau khi khánh thành Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ, ngày 27 tháng 7 năm 1995, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có thêm nhiệm vụ quản lý, phục vụ các hoạt động tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ. Đoàn 275 được Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ tiêu binh, nghi lễ, khiêng hoa phục vụ đồng bào và khách quốc tế đến tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ. Đây là nhiệm vụ mới, Ban Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Đoàn 275 tổ chức huấn luyện cán bộ, chiến sỹ thuần thục nghiệp vụ tiêu binh danh dự tại Đài tượng niệm các Anh hùng liệt sỹ, phục vụ trang trọng các Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước các đoàn Nguyên thủ quốc gia, các đoàn đại biểu đến đặt hoa, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ. 

Từ năm 2013, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, điều chỉnh tư thế đứng của hai tiêu binh danh dự cửa Lăng quay mặt ra Quảng trường Ba Đình; điều chỉnh thời gian tiêu binh cửa Lăng từ 60 phút/1ca xuống còn 30 phút/1ca đối với các ca từ 06 giờ đến 11 giờ trong ngày; điều chỉnh vị trí trình hoa, tổ chức hai hàng tiêu binh danh dự trước cửa Lăng và tiêu binh trước lễ đài A1, khi tổ chức lễ viếng cấp Nhà nước, kỳ khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc, khai mạc các kỳ họp Quốc hội, đón Nguyên thủ quốc gia của các nước sang thăm Việt Nam kết hợp với Đoàn Nghi lễ Quân đội cử các bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nghi lễ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được Đảng ủy Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh qua các thời kỳ quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị chủ động nghiên cứu kinh nghiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng, vận dụng phù hợp với truyền thống văn hóa, tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Đoàn 275 đã trực tiếp làm nhiệm vụ tổ chức huấn luyện, luyện tập hết sức công phu. Do yêu cầu nhiệm vụ, chiến sỹ tiêu binh danh dự đứng nghiêm trong thời gian dài, thời tiết khắc nghiệt, máu thường dồn xuống chân gây tê dại. Thực hiện tốt nhiệm vụ của người chiến sỹ tiêu binh danh dự là điều không dễ dàng, nhất là trong những ngày nắng nóng, những đêm đông giá buốt. Để đứng được trước cửa Lăng từ 30 đến 60 phút, người chiến sỹ phải trải qua một thời gian huấn luyện bài bản, công phu, tập động tác, tập đứng bất động dưới nắng nóng trên dưới 40 độ hoặc trời rét buốt dưới 10 độ từ 3 đến 4 giờ liền. Với sự kiên trì khổ luyện cùng ý chí và nghị lực rất cao, bảo đảm mọi cử chỉ, động tác thuần thục, chính xác tuyệt đối, các chiến sỹ tiêu binh Đoàn 275 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ai đã một lần đến viếng Bác, nhìn thấy người chiến sỹ tiêu binh danh dự trong tư thế đặc biệt trang nghiêm, đẹp và chuẩn xác đều hết sức yêu mến, khen ngợi, đã góp phần làm cho lễ viếng Bác thêm trang nghiêm, tôn kính. 

Bên cạnh nhiệm vụ tiêu binh, nghi lễ thường xuyên tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào các năm chẵn hoặc nhân tổ chức các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra tại Quảng trường Ba Đình, các chiến sỹ tiêu binh Đoàn 275 còn được giao nhiệm vụ tiêu binh phục vụ Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm Quốc khánh 02/9; Lễ rước đuốc, lấy lửa… tại Quảng trường Ba Đình lịch sử;tham gia cùng Đoàn Nghi lễ Quân đội đón tiếp chu đáo các Nguyên thủ quốc gia tại Phủ Chủ tịch. Cán bộ, chiến sỹ Đoàn 275 cùng với các cơ quan, đơn vị trong Bộ Tư lệnh phục vụ chu đáo, an toàn tuyệt đối các sự kiện trên. Trong đó, phải kể đến mít tinh kỷ niệm 60 năm, 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9 và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010).

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Là hình ảnh thiêng liêng, biểu tượng chính trị, văn hóa, nơi hội tụ niềm tin, những giá trị tinh hoa của truyền thống dân tộc, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là các thế hệ trẻ. Đồng thời là cầu nối về văn hóa, tình hữu nghị giữa dân tộc ta với bạn bè quốc tế.

Bước sang giai đoạn mới, để phát huy tốt ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng của Người, yêu cầu, nhiệm vụ nghi lễ đòi hỏi có sự bổ sung, đổi mới và phát triển nâng cao chất lượng thực hiện nghi lễ để Lăng Bác trở thành nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Với ý nghĩa đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 19 tháng 5 năm 2001, nhân dịp kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng giao cho Đoàn 275 tổ chức thực hiện nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đúng 6 giờ 30 phút sáng ngày 19 tháng 5 năm 2001, 37 cán bộ, chiến sỹ (từ ngày 31 tháng 8 năm 2004, rút xuống còn 34 đồng chí như hiện nay) Đội Nghi lễ chào cờ đầu tiên do Đại úy Nguyễn Anh Thi, khối trưởng và Trung úy Vũ Quý Dương, vác Quân kỳ đã được thực hiện trang nghiêm trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nhiệm vụ nghi lễ quốc gia, có ý nghĩa thiêng liêng, diễn ra tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, gắn kết hình ảnh Tổ quốc và lãnh tụ của dân tộc; trực tiếp giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc đối với đồng bào trong nước và tạo ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với bầu bạn quốc tế. Cứ vào gần 6 giờ sáng hàng ngày, nhiều người dân Thủ đô lại tề tựu trên Quảng trường Ba Đình để dự lễ chào cờ và hát Quốc ca trong niềm xúc động trào dâng.

anh sang 2

anh sang 1
Cán bộ, chiến sỹ Đội Tiêu binh danh dự luyện tập Điều lệnh đội ngũ

Đến viếng Bác và tham quan khu vực Lăng, mọi người đều muốn được ngắm nhìn các chiến sỹ tiêu binh đổi gác. Những động tác mà các chiến sỹ thể hiện đều mạnh, đẹp, dứt khoát và đạt độ chuẩn xác. Con đường các chiến sỹ tiêu binh đi nghiêm đổi gác trước Lăng trải qua năm tháng đã in thành ba vệt mòn trắng, thẳng tắp. Vào bất cứ giờ nào trong ngày, hễ có dịp đi qua Quảng trường Ba Đình, mỗi người dân đều chú ý ngắm nhìn những chiến sỹ tiêu binh danh dự đứng uy nghiêm trước Lăng Bác Hồ. Đó là hình ảnh tôn nghiêm của đất nước đã được thừa nhận như một lẽ đương nhiên. Đó cũng là một biểu tượng danh dự, tượng trưng cho sự tin cậy của Đảng, của nhân dân dành cho Bộ đội Cụ Hồ. Mỗi cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều kiêu hãnh và tự hào khi được lựa chọn về một đơn vị đặc biệt, làm nhiệm vụ đặc biệt. Mỗi người đều cảm thấy như có mình trong hình ảnh, trong biểu tượng của người chiến sỹ tiêu binh danh dự.

Thấm thoát đã 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa và 45 năm khánh thành Công trình Lăng của Người. Ngày nối ngày, dòng người vào Lăng viếng Bác như dài vô tận. Các chiến sỹ đã thực hiện được gần 400 nghìn ca gác tiêu binh danh dự cửa Lăng; hơn 70 nghìn ca tiêu binh thi hài, đón tiếp hơn 57 triệu lượt người, trong đó có gần 10 triệu lượt khách quốc tế của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người Việt Nam đối với Người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Những năm gần đây, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá, hệ thống cơ sở hạ tầng được mở mang, đời sống nhân dân được cải thiện… Những ngày nghỉ, ngày lễ, kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của Bác mỗi ngày có tới hàng vạn người vào Lăng viếng Bác. Ngoài tổ chức lễ viếng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của Đảng, Nhà nước; nơi tổ chức các buổi mít tinh, diễu binh, diễu hành mừng các ngày lễ lớn của dân tộc; nơi thường xuyên tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hoá, nghệ thuật… nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; nơi hun đúc chí khí cách mạng của thế hệ trẻ Việt Nam. Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam đã trở thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp,  một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán mới, một sinh hoạt truyền thống biết ơn cội nguồn, hướng về gốc rễ trước mỗi bước đi lên. Từ các cụ già đến các cháu thiếu nhi, từ người dân bình thường đến cán bộ, công chức nhà nước, tuy mỗi người một tâm trạng khác nhau nhưng khi về bên Bác đều thấy mình thanh thản, bình yên. 45 năm qua, kể từ ngày mở cửa Lăng đến nay, dòng cảm tưởng của nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài và khách quốc tế đã được lưu giữ như mỗi ngày một dài thêm…. Mỗi người một vẻ, nhưng tựu chung lại là sự kính yêu, biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyện mãi mãi học tập và làm theo lời Bác dạy. Cô giáo Nguyễn Thị Huệ, 20 tuổi, người dân tộc Hơ-mông, trong đoàn giáo viên huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang về viếng Bác đã xúc động viết: “Cháu là người dân tộc Hơ-mông, lần đầu tiên vinh dự được về Hà Nội viếng Bác. Cháu chưa một lần được thấy Bác, hôm nay được gặp Bác, cháu rất cảm động. Người Hơ-mông chúng cháu được như ngày nay, được cơm no, áo ấm, được có chữ, cùng tiến bộ như các dân tộc đa số, riêng cháu lớn lên trở thành cô giáo là nhờ ơn Đảng, Bác Hồ. Cháu và dân tộc Hơ-mông chúng cháu rất ơn Đảng, ơn Bác. Cháu nguyện sẽ học tập và cố gắng giảng dạy cho các em học sinh người Hơ-mông đời đời theo Đảng, theo Bác…”. Đoàn nữ cựu tù chính trị Côn Đảo, gồm 18 chị em từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Bác đã nhòa nước mắt, ghi lại tình cảm của mình: “Hôm nay con về thăm Lăng Bác; nuốt lệ mừng nhớ lại tháng năm xưa… Tháng năm trong nhà tù Mỹ - Ngụy, hay tin Bác mất, chị em quyết định mặc niệm, để tang đồng phục đen, quấn tang trắng chào cờ và hát mặc niệm ngay trước mũi địch, làm chúng tức tối đàn áp rất dã man. Cuối cùng chúng cháu vẫn là người chiến thắng, vì là con cháu của Bác Hồ luôn luôn mang tư tưởng bất khuất và tin tưởng ở chiến thắng cuối cùng sẽ về ta, nên luôn lạc quan cách mạng và đã được trao trả với tư thế của người chiến thắng”. Đoàn đại biểu Mặt trận Tổ quốc Quận 1, thành phố mang tên Bác đã viết: “Chúng tôi vô cùng xúc động được đến viếng Bác. Bác mãi mãi sống trong trái tim đồng bào Nam Bộ. Về Lăng viếng Bác, thương nhớ Bác vô cùng, nguyện học tập và sống theo gương Bác”.

Với khách nước ngoài, khi đến Hà Nội hầu hết đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ đều có chung cảm tưởng: Hiếm có vị lãnh tụ nào trên thế giới được nhân dân mến mộ như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong số khách đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh không ít người trước đây trong chiến tranh là kẻ thù của nhau, nhưng ngày nay, trước chính sách mở cửa, đổi mới của Đảng và Nhà nước, họ đã đến Việt Nam và vào Lăng thăm viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự hận thù, đối lập dường như không còn nữa, quá khứ được gác lại và cùng nhau hướng về tương lai. Có thể nói, những dòng tình cảm của mỗi người khi đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho dù màu da, tiếng nói có khác nhau, nhưng đều đã dành những tình cảm đặc biệt đối với Người. Tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Đúng như Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”. Tấm gương hy sinh cả cuộc đời vì dân, vì nước; tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người luôn cổ vũ động viên các thế hệ người Việt Nam vững bước đi theo con đường mà Người đã lựa chọn.

Là một trong những đơn vị trong Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được trực tiếp phục vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối công trình Lăng và thi hài của Người và là đơn vị nòng cốt trong việc bảo đảm an ninh, nghi lễ của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua Đảng bộ Đoàn 275 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng Đảng bộ vững mạnh, đơn vị VMTD, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”; Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bằng khen 4 năm liên tục (2013, 2014, 2015, 2016), Danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; 67 lượt Chiến sỹ thi đua, nhiều tập thể và cá nhân như Đội Tiêu binh danh dự; Đội Trinh sát đặc nhiệm; Đại úy Nguyễn Trung Dũng, Đại úy Trần Viết Quân; Trung tá QNCN Lê Văn Hùng, Thượng úy QNCN Đỗ Thị Uyên, Thượng úy QNCN Dương Trọng Dũng và nhiều tập thể, cá nhân khác… được cấp trên khen thưởng.

Cán bộ, chiến sỹ Đoàn 275 luôn tự hào, vinh dự được thực hiện nhiệm vụ  “giữ yên giấc ngủ của Người”. Vinh dự càng lớn, trách nhiệm càng cao. Ý thức được điều đó, Đoàn 275 nguyện phấn đấu, rèn luyện, xứng đáng là người lính cận vệ bên Bác kính yêu./.  

                                                          Thượng tá Phạm Hồng Sang
Chính ủy Đoàn 275, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: