Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Quảng trường Ba Đình một ngày cuối tháng Bảy, sau những ngày nắng nóng gay gắt, buổi sáng hôm nay tiết trời dịu mát. Hơn một nghìn đồng chí là thương binh nặng tham gia Hội nghị tuyên dương các thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc đã hội tụ về Quảng trường Ba Đình để tham dự Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Có đồng chí thương binh bị cụt cả hai chân phải ngồi xe lăn, có đồng chí bị hỏng cả hai mắt phải có người dẫn, có đồng chí phải chống nạng, phải nhờ sự giúp đỡ để đi lại, nhưng trên gương mặt của các thương binh nặng đều ngời lên niềm vui, niềm phấn khởi, tự hào bởi sắp được vào Lăng viếng Bác, được gặp Bác Hồ.

tinh cam thuong binh 1 
Đoàn đại biểu thương binh nặng tiêu biểu vào Lăng viếng Bác.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, sự khốc liệt cùng những mất mát, hy sinh giống như vết thương trên thịt da đang dần lành lặn. Nhưng với cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thị Vạn, quê ở Thanh Hóa, thương binh hạng ¼ thì những năm tháng chiến đấu trên chiến trường vẫn còn nguyên trong ký ức. Bà cho biết, năm 1965, khi vừa tròn 20 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà đã xung phong lên đường để tham gia vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Từ một nữ thanh niên xung phong, bà đã được học tập và trở thành người y tá, phục vụ chăm sóc thương bệnh binh ngay tại chiến trường ác liệt. Trong một trận bom rải thảm của quân thù, bà đã bị thương nặng, cụt mất một chân và hỏng chân còn lại. Trở về hậu phương, sau khi lành vết thương, bà đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, động viên con cháu học tập, rèn luyện, chấp hành chính sách, pháp luật Nhà nước. Bà được vinh dự tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Trên đường vào viếng Bác, bà chia sẻ đây là lần thứ hai được vào Lăng viếng Bác Hồ. Kỷ niệm sâu sắc nhất với bà là lần đầu vào viếng Bác những năm 1980, bà được phát một nửa cái bánh mỳ. Còn lần này, vinh dự được tham gia Đoàn đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc vào gặp Bác, bà và các đồng đội rất xúc động bởi thấy Bác vẫn như đang nghỉ, từ chòm râu, mái tóc vẫn vẹn nguyên trong ký ức của bà về hình ảnh Bác Hồ.

 tinh cam thuong binh 4
CCB, thương binh Nguyễn Thị Vạn.

Còn đối với CCB Phạm Văn Vinh, ở phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, năm 1967 khi vừa tròn 18 tuổi, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, ông đã xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện ở miền Bắc, ông vào Nam chiến đấu và được biên chế về c18, e21, f 2, QK5. Làm nhiệm vụ của người chiến sĩ thông tin, ông đã cùng với đồng đội bảo đảm thông tin thông suốt cho chỉ huy chiến trường. Năm 1969, được tin Bác Hồ từ trần, toàn mặt trận nơi ông chiến đấu đã vô cùng xúc động. Mọi người đều thầm hứa với Bác, biến đau thương thành hành động, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ông đã cùng với đồng đội vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Vinh dự lớn khi ông được kết nạp vào Đảng ngay tại mặt trận. Trong quá trình chiến đấu, ông đã ba lần bị thương, lần bị thương nặng nhất là cụt chân trái và được đưa về tuyến sau điều trị. Trở về từ chiến trường, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, mặc dù chỉ còn một chân và những vết thương cũ khi trái gió trở trời vẫn đau nhức, nhưng vượt lên trên đó, ông đã hăng hái tham gia các hoạt động của địa phương, được nhân dân tin yêu, mến phục và được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ nhiều năm. Ông chia sẻ kỷ niệm, năm 1980, khi đó là Bí thư chi bộ, ông đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú đi lên Thủ đô và vào Lăng viếng Bác Hồ. Những thành viên trẻ tuổi khi đó tham gia đoàn, đã phấn đấu học tập, rèn luyện và nay đã trưởng thành, giữ các cương vị trọng trách lớn ở địa phương. Sau gần 40 năm, ông mới được trở lại và được gặp Bác Hồ, nhưng trong lòng vẫn dâng lên những cảm xúc bồi hồi. Được gặp Bác lần này, vẫn thấy Bác đang bình yên trong giấc ngủ, ông bày tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng giữ gìn thi hài Bác được nguyên vẹn, để cho các thế hệ người Việt Nam được hàng ngày đến viếng Bác, được gặp Bác, góp phần giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.

tinh cam thuong binh 2
CCB, thương binh Lê Đình Ẩm.

Lần thứ ba được về viếng Bác, CCB Lê Đình Ẩm, quê Duy Tiên, Hà Nam vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc ban đầu. Bị thương nặng tại mặt trận Lai Châu trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979), nhưng người chiến sĩ Lê Đình Ẩm vấn ngoan cường cùng đồng đội chống trả các đợt tấn công của kẻ địch vào đất của ta. Anh đã vinh dự được tham gia đoàn đại biểu về Lăng báo công với Bác cùng năm đó. Lần thứ hai là năm 2018, anh được tôn vinh là CCB tiêu biểu xuất sắc và được tham gia đoàn báo công với Bác. Năm 2019, anh tiếp tục được bầu là CCB, Thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc và được về viếng Bác Hồ. Cảm giác vinh dự tự hào, bởi khi bị thương mất cả hai chân, nhưng vượt lên tất cả là ý chí, nghị lực của “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn vươn lên trong cuộc sống, xây dựng hạnh phúc gia đình và sản xuất, lao động giỏi, tham gia phát triển kinh tế. Để có được nghị lực đó, anh chia sẻ là bởi luôn tâm nguyện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các thương binh, và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người đã hy sinh, mất mát một phần cơ thể của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Mặc dù đôi chân còn đi lại được, nhưng CCB Lê Thị Hồng Vân, đến từ tỉnh Đắk Lắk, thương binh hạng ¼ bị hỏng cả hai mắt nên phải có người giúp đỡ. Đây là lần đầu tiên bà được ra Thủ đô Hà Nội và được vào Lăng viếng Bác. Khi được Ban tổ chức thông báo chương trình, biết được ngày mai sẽ được vào Lăng gặp Bác Hồ nên luôn mong cho đêm trôi qua nhanh để sớm được gặp Bác. Bởi ngày còn ở chiến trường khi bị thương cũng là ngày được tin Bác qua đời. Bà cho biết, do điều kiện chiến trường ác liệt, thông tin đến không kịp nên sau một thời gian Bác mất, đơn vị mới được tin. Cả đơn vị rất buồn và thương nhớ Bác. Rời chiến trường, mặc dù bị hỏng cả hai mắt nhưng với ý chí sắt đá của người chiến sĩ đã được rèn luyện qua lửa đạn, bà quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, vừa hoàn thành thiên chức của người vợ, người mẹ, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội, là tấm gương sáng trong công tác vận động quần chúng. Đối với cá nhân mình, mặc dù bị hỏng cả hai mắt nhưng bà luôn tâm nguyện được một lần ra Thủ đô và vào gặp Bác. Lần này bà vinh dự được bầu là một trong những đại biểu của tỉnh Đắc Lắc đi dự Hội nghị tuyên dương những thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc. Vào viếng Bác, qua lời kể của những người đi cùng, bà vô cùng xúc động, và mong muốn được khỏe mạnh để còn nhiều lần ra Thủ đô và vào Lăng viếng Bác Hồ.     

tinh cam thuong binh 6
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và các thương binh nặng.

Còn rất nhiều những tấm gương thương binh tiêu biểu mà chúng tôi chưa kịp trò chuyện, nhưng chúng tôi biết, các cô, các chú, các anh, các chị là những tấm gương tiêu biểu nhất về ý chí và nghị lực, không những hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, một phần thân thể để lại nơi chiến trường để có được hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc hôm nay, mà còn vượt lên số phận, vươn lên trong cuộc sống để góp phần xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu và dạy bảo của Bác kính yêu lúc còn sinh thời đã dành cho các thương, bệnh binh./.

Trần Duy Hưng

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: