Tháng 9 năm nay, tròn 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, nhưng thi hài của Người vẫn được giữ gìn trong trạng thái tốt nhất. Ngày nối ngày, nhân dân trong nước và bầu bạn quốc tế vẫn vào Lăng thăm, viếng Người. Có được những phút giây, bình yên, thanh thản để ngắm nhìn Người như vừa chợp mắt, ít ai biết được những công việc lặng thầm của đội ngũ cán bộ, nhân viên của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào.
Nhân dịp này, qua Trang tin điện tử của Ban Quản lý Lăng, tôi muốn nhắc đến những người đầu tiên được vinh dự nhận nhiệm vụ đặc biệt - giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
1. Tổ ba người bí mật đi Liên xô
Từ cuối năm 1967, khi thấy tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều giảm sút, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định cử một tổ ba người gồm các bác sĩ có chuyên môn giỏi sang Liên xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài. Đồng chí Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho ba bác sĩ đi học, đó là: Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Viện Quân y 108; bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Hai bác sĩ Lê Ngọc Mẫn và Lê Điều được quyết định điều vào phục vụ trong quân đội. Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng.
Ngày 02/9/1967, các bác sĩ đi tàu liên vận sang Liên xô và ngày 14/9, Đoàn đã có mặt tại Mát-xcơ-va. Do ý thức được tính chất hệ trọng và cơ mật của nhiệm vụ chính trị đặc biệt, nên trong thời gian chưa đầy 7 tháng, được sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình, chu đáo của các nhà khoa học y tế thuộc Viện Nghiên cứu Lăng Lênin, với tinh thần học ngày, học đêm, các bác sĩ của ta đã nắm được những kiến thức cơ bản về khoa học giữ gìn lâu dài thi hài và khẩn trương quay trở về Tổ quốc để sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.
Khi trở về Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ được chia thành hai bộ phận: Bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, vinh dự được vào Phủ Chủ tịch cùng với bác sĩ Nhữ Thế Bảo theo dõi và chăm sóc sức khỏe hàng ngày cho Chủ tịch Hồ Chí Minh; bác sĩ Nguyễn Gia Quyền và bác sĩ Lê Điều được tăng cường thêm một số bác sĩ, y sĩ và hộ lý thành lập Tổ y tế đặc biệt thuộc biên chế của Khoa Giải phẫu bệnh, Viện Quân y 108 do Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo.
Tổ ba người chụp ảnh với các nhà khoa học y tế Liên xô tại Mát-xcơ-va, tháng 9 năm 1967 (người ngồi ngoài cùng bên trái là bác sĩ Nguyễn Gia Quyền; ngồi ngoài cùng bên phải là bác sĩ Lê Ngọc Mẫn và người đứng thứ hai từ phải sang là bác sĩ Lê Điều): Ảnh Internet
2. Tổ y tế đặc biệt
Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Tổ y tế đặc biệt vào tháng 6/1968 và chỉ định Thiếu tá, Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa giải phẫu bệnh, Viện Quân y 108 làm Tổ tưởng. Thành viên của Tổ y tế gồm: Đại úy, bác sĩ Lê Ngọc Mẫn; Thượng úy, bác sĩ Lê Điều; Thiếu úy, bác sĩ Nguyễn Văn Châu; Thiếu úy, bác sĩ Sái Văn Thế; y sĩ Đỗ Trung Hát và hộ lý trưởng Phạm Ngọc Ảm.
Những ngày đầu mới triển khai thực hiện nhiệm vụ, Tổ y tế đặc biệt đã gặp không ít khó khăn do phải thực hiện một nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Một mặt, tổ phải phối hợp chặt chẽ với bộ phận công binh triển khai xây dựng một phòng thí nghiệm đặc biệt - đó là nơi yên nghỉ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người qua đời; mặt khác tổ cũng phải chủ động liên hệ với các cơ quan, đơn vị để làm thật tốt công tác chuẩn bị khi có tình huống xảy ra. Với danh nghĩa của Khoa giải phẫu bệnh, Viện Quân y 108, Tổ y tế đã phân công người tới các kho, xưởng và các bệnh viện để tìm thêm các dụng cụ y tế. Đồng thời tiến hành sưu tầm bổ sung thêm các tài liệu liên quan đến nhiệm vụ chính trị được giao. Trong thời gian rất ngắn, mọi công việc đã chuẩn bị xong; các đồng chí trong Trung ương và Bộ Quốc phòng đến kiểm tra công tác chuẩn bị của Tổ y tế đều rất hài long. Đặc biệt, cuối năm 1968, Viện sĩ I.A.Rô-ma-cốp, Viện phó Viện Nghiên cứu Lăng Lê-nin sang Việt Nam, sau khi tiến hành công tác kiểm tra mọi công tác chuẩn bị của Tổ y tế đã khẳng định: “Tổ y tế có đủ điều kiện và khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn thi hài ở giai đoạn đầu tiên”.
Trước diễn biến không thuận lợi về tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng Cộng sản Liên xô đã cử đoàn chuyên gia gồm 5 nhà khoa học y tế do Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm y học Liên xô, X.X. Đề-bốp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lăng Lênin dẫn đầu sang Việt Nam ngày 28/8/1969 (trước 5 ngày khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời).
Ngày 02/9/1969, trước mất mát lớn lao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Tổ y tế đặc biệt đã kìm nén niềm xúc động, nuốt nước mắt vào trong để cùng với các nhà khoa học y tế Liên xô trực tiếp tiến hành công tác y tế đầu tiên phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong những ngày Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội, ngoài trời mưa tầm tã, trong hội trường số lượng người đến viếng đông, do đó thông số kỹ thuật thường xuyên thay đổi. Tổ y tế đặc biệt đã phối hợp chặt chẽ với bộ phận kỹ thuật duy trì bảo đảm tuyệt đối an toàn nhiệt độ và độ ẩm, không để ảnh hưởng đến thi hài của Người.
Chiều ngày 09/9/1969, Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã cùng giơ cao nắm tay thề trước anh linh của Người, nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Người đã chỉ dẫn. Tổ y tế đặc biệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng phục vụ nhân dân và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh an toàn tuyệt đối. Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được duy trì bảo đảm thông số ổn định, tạo tiền đề rất cơ bản cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Người trong các giai đoạn tiếp theo. Tổ y tế đặc biệt kết thúc sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình và bàn giao nhiệm vụ cho Đoàn 69, đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay.
Thấm thoắt đã 50 năm, những cán bộ, bác sĩ của đơn vị vinh dự là những người được nhận nhiệm vụ chăm sóc, giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu tiên, nay phần đông đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Song, tình cảm kính yêu, đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần tự lực, tự cường vươn lên nắm vững và làm chủ khoa học kỹ thuật của các bác sĩ, nhân viên y tế ngày ấy, vẫn còn sáng mãi; thực sự là những tấm gương sáng để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo để nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị luôn được hoàn thành xuất sắc trong mọi tình huống./.
Trung tướng, PGS, TS. Đặng Nam Điền
Nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh