Gặp anh trong giờ làm việc hàng ngày, mọi người trong đơn vị đã quen thuộc với hình ảnh một người lính thợ có thân hình vạm vỡ, khỏe mạnh, nụ cười luôn nở trên môi, đôi tay như không lúc nào nghỉ ngơi. Những sản phẩm do anh tạo ra, ai cũng chung một nhận xét “Đạt chất lượng cao về kỹ, mỹ thuật”, “Đúng là người thợ có đôi bàn tay vàng”. Anh là Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Khắc, thợ hàn bậc 7/7, Xưởng trưởng, Xưởng Gia công cơ khí, Đội Sửa chữa Cơ điện, Đoàn 595 thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Pham van khac
Đồng chí Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Khắc

Tròn 32 năm tuổi quân và 26 năm tuổi nghề, với lòng tâm huyết, yêu ngành, yêu nghề, ý chí vươn lên cộng với tinh thần ham học hỏi, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, nên từ một thợ học việc anh đã vươn lên trở thành người thợ có “Đôi bàn tay vàng” của đơn vị, là chỗ dựa tin cậy cho các lớp thợ trẻ. Các công việc nặng nhọc, khó khăn vất vả, đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao anh đều xung phong đảm nhiệm, coi đó là niềm vinh dự và trách nhiệm của mình, ở đâu có anh góp sức, nơi đó khí thế làm việc như được thôi thúc hơn, năng suất lao động được tăng lên rõ rệt.

Ai đã từng cùng anh làm việc đều cảm nhận thấy sự say mê trong công việc và cường độ lao động của anh cao như thế nào? Anh là mẫu hình của người lính thợ tận tụy, hết mình vì nhiệm vụ. Đã có lần, do yêu cầu đòi hỏi về tiến độ của nhiệm vụ, chúng tôi được chứng kiến anh làm việc liên tục 14 giờ đồng hồ trong điều kiện không gian chật hẹp, đặc khói hàn, chỉ nghỉ ngơi chút ít thời gian ăn vội chiếc bánh mỳ và chai nước đã được chuẩn bị sẵn.

Nhớ lại thời gian Đoàn 595 được Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ thi công đường nước cứu hỏa phòng chống cháy rừng tại Khu Di tích K9, đồng chí Thượng tá QNCN Văn Quốc Hùng, Đội trưởng Đội Sửa chữa Cơ điện, đơn vị trực tiếp thi công công trình chia sẻ: Khi nhận nhiệm vụ thi công công trình đường nước cứu hỏa, giữa những tháng mùa hè oi bức, lại ở đồi núi có độ dốc cao, với hàng trăm mối hàn và khớp nối, đây là một công việc đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật và độ chính xác cao, nếu làm không cẩn thận, khi vận hành dưới áp lực của dòng nước các mối nối sẽ bị rò rỉ, ảnh hưởng tới chất lượng công trình và khi xảy ra cháy nổ hệ thống sẽ không phát huy hết tác dụng. Sau khi bàn bạc thống nhất, chúng tôi quyết định giao việc tạo các khớp nối hàn đường ống của công trình cho đồng chí Phạm Văn Khắc. Vừa nhận nhiệm vụ xong anh cùng đồng đội hành quân lên ngay K9, không quản nắng mưa cùng chiếc mỏ hàn trên tay, sau hơn hai tháng làm việc liên tục, các anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Thủ trưởng các cấp đánh giá cao. Nhìn những họng nước phun cao, sẵn sàng cho phòng chống cháy rừng và góp phần tưới mát cho cây rừng, không bị nắng cháy thiêu đốt, đó là phần thưởng, là nguồn cổ vũ động viên anh và đơn vị trong những công việc tiếp theo.

Không chỉ là người say mê trong công việc anh còn tích cực tham gia phong trào thi đua “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”. Nhiều sáng kiến do anh đề xuất đã được áp dụng vào thực tiễn mạng lại hiệu quả thiết thực, trong đó tiêu biểu là sáng kiến “Cơ cấu treo hồng kỳ hai bên Lễ đài Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”, phục vụ việc treo 60 chiếc hồng kỳ nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ, ngày Tết bảo đảm nhanh, đều, đẹp. Sáng kiến đó được Hội đồng sáng kiến của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh công nhận đạt hiệu quả cao (đạt mức M1). Đồng thời, anh còn trực tiếp tham gia chế tạo các chi tiết và các giải pháp cụ thể khác của đồng đội trong đơn vị góp phần hoàn thành nhiều sáng kiến có giá trị của đơn vị.

Từ thực tiễn của yêu cầu nhiệm vụ ở đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt, anh cho rằng: Mỗi người thợ được làm nhiệm vụ đặc biệt bên Lăng Bác cần phải giỏi một nghề và thành thạo một vài nghề để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Thấm nhuần quan điểm đó, anh đã không ngừng học tập để trang bị cho mình kiến thức, tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác đủ khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, mặc dù chưa được đào tạo chuyên sâu về điều hòa, song anh và đồng đội đã cố gắng tìm tòi, học hỏi, đào sâu suy nghĩ hoàn thành việc gia công hệ thống lưới gió C13 và gia công hai vỏ máy hút dịch phục vụ cho công tác y tế; tháo gỡ, lắp đặt, căn chỉnh đến khâu cuối Bộ lọc tĩnh điện để bàn giao cho đơn vị bạn vận hành tốt.

Ngoài những nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật, với vai trò là Xưởng trưởng, đồng chí luôn quan tâm đào tạo, huấn luyện cho lớp thợ trẻ để nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề, đủ khả năng để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và truyền cho họ lòng yêu ngành, yêu nghề, tâm huyết với nhiệm vụ và đơn vị để yên tâm công tác. Với lớp thợ trẻ, đồng chí vừa là người chỉ huy nhưng cũng đồng thời như người chú, người anh thân thiết với họ, bởi vì đồng chí luôn quan tâm, nắm bắt đến từng hoàn cảnh gia đình của mỗi thành viên trong tổ của mình, kịp thời động viên, thăm hỏi giúp đỡ đồng chí đồng đội những lúc khó khăn bằng cả tinh thần và vật chất. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực đó, nhiều năm qua, Xưởng Gia công Cơ khí do đồng chí phụ trách luôn đoàn kết, thống nhất và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Với những thành tích đã đạt được, trong quá trình công tác của mình, đồng chí Thiếu tá QNCN Phạm Văn Khắc được Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu và Tổng Cục Chính trị tặng 10 Bằng khen, Giấy khen; 10 năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở (2002 - 2012), 2 lần đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quân (2008, 2012); năm 2008 được bầu chọn là điển hình lao động tiên tiến, người thợ có “Đôi bàn tay vàng” toàn quân./.

 Nguyễn Bá Xuyện

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: