Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Đỗ cùng 299 Mẹ VNAH tiêu biểu của cả nước đã xúc động vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng các Mẹ đều chung niềm xúc động, hạnh phúc khi có mặt tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi sáng ngày 24/7/2020.

chien si day xe
Chiến sỹ của Đoàn 275 đẩy xe lăn giúp Mẹ VNAH vào Lăng viếng Bác.

Ngày 10/9/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng". Đến nay, sau hơn 25 năm thực hiện, Nhà nước đã phong tặng, truy tặng danh hiệu này cho gần 140.000 mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện cả nước có 4.968 Mẹ VNAH còn sống. Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng một số bộ, ngành, địa phương tổ chức chương trình “Gặp mặt đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020” (kéo dài từ chiều 23 cho đến hết 25/7). Chương trình đã đón 300 Mẹ VNAH từ khắp mọi miền Tổ quốc. Có mặt tại Lăng Bác, được gặp các Mẹ, chúng tôi - những cán bộ, nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể cảm nhận được tình cảm của các Mẹ dành cho Bác Hồ và niềm hạnh phúc của các Mẹ khi những năm cuối đời có cơ hội được “gặp” Bác.

Những người mẹ thầm lặng

Chiến tranh kết thúc, hòa bình được lập lại, cả dân tộc hân hoan đón chào hòa bình, tự do nhưng các Mẹ lại không thể giang vòng tay đón chồng, đón con về sum họp. Có bao nhiêu người con của dân tộc Việt Nam anh hùng đã ngã xuống thì có hàng ngàn, hàng triệu… giọt nước mắt của các Mẹ đã rơi xuống. Hình ảnh người con khoác trên vai trước balo ra trận có lẽ sẽ mãi đau đáu trong trái tim và tâm trí của các Mẹ. 

Trong câu chuyện với tôi, mẹ Bùi Thị Đây (hiện đang ở Phước Trung, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đã chia sẻ về những năm tháng chiến tranh cực khổ ấy. Mẹ bảo ngày đấy khổ, quá trời là khổ. Vì vừa chăm con vừa phải làm lụng rồi làm cơ sở cách mạng mà nhiều khi còn không đủ ăn, phải lo từng bữa. Cũng có khi bị bắt, con còn nhỏ cứ khóc mãi. Nhìn con khóc mà đứt từng khúc ruột. Thương con lắm những mình phải cố gắng, cùng góp công sức vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

me bui thi day
Mẹ Bùi Thị Đây.

Chồng mẹ Đây và hai người con của Mẹ đã mãi mãi ở lại nơi chiến trường ác liệt. Nhắc về chồng, về hai người con, Mẹ rưng rưng xúc động. Những người mẹ năm ấy thương con nhưng sẵn sàng chấp nhận chia ly, tiễn con lên đường vì hòa bình, độc lập của đất nước. Để rồi một mình các Mẹ ở lại làm hậu phương vững chắc cho chồng, cho con nơi chiến trận. Có Mẹ còn đào hầm nuôi giấu cán bộ, có Mẹ làm giao liên, tiếp tế lương thực, thuốc men cũng có Mẹ trực tiếp cầm súng chiến đấu... Nợ nước, thù nhà không cho phép Mẹ gục ngã. Các Mẹ vẫn ngày đêm âm thầm, đóng góp công sức, góp phần vào thành công cho cách mạng. 

Tôi nhớ những câu hát đầy sức lay động trong bài hát “Đất nước” của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn. “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im”... Những người mẹ tảo tần, chung thủy, chịu đựng bao hy sinh, mất mát. Các Mẹ đã cống hiến phần to lớn cho công cuộc đánh đuổi quân thù của dân tộc và trở thành những “người chiến sỹ” thầm lặng. Chính những hi sinh thầm lặng mà vĩ đại của các Mẹ đã góp phần làm nên những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam.

Đúng như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói trong cuộc gặp mặt chiều ngày 24/7 tại tòa nhà Quốc hội: “Những hi sinh thầm lặng, vô cùng to lớn, cao cả và thiêng liêng của các Mẹ đã tôn thêm những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà chính các Mẹ đang ngồi đây là những minh chứng sống".

“Gặp” Bác trong những ngày tháng Bảy

Chương trình gặp mặt 300 đại biểu là các Mẹ VNAH lần này được tổ chức lần đầu tiên để Đảng, Nhà nước và Chính phủ tri ân những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Việc tổ chức cho các Mẹ vào Lăng viếng Bác chính là mong mỏi của các Mẹ. Bởi có rất nhiều Mẹ, chưa từng có cơ hội được tận mắt “gặp” Bác.

me nguyen thi do
Mẹ Nguyễn Thị Đỗ.

Năm nay Mẹ Nguyễn Thị Đỗ đã 104 tuổi. Hiện nay, mẹ sống tại Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Mẹ là người lớn tuổi nhất Đoàn. Mặc dù tuổi đã rất cao, sức đã yếu, phải ngồi xe lăn vào Lăng để gặp Bác nhưng Mẹ vẫn bảo: Ngày xưa, khi chiến tranh, Mẹ đã được nghe thấy giọng nói của Bác qua đài phát thanh. Từ khi đất nước thống nhất, Mẹ vẫn luôn ao ước thực hiện được ước nguyện ra Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác. Và lần này được Đảng, Nhà nước tổ chức, Mẹ đã có cơ hội ra Thủ đô Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác, Mẹ mừng lắm. Mẹ Đỗ ở tuổi thượng thượng thọ, sức khoẻ đã yếu nhưng hôm nay, trên khuôn mặt Mẹ luôn rạng ngời niềm hạnh phúc. Mẹ bảo Mẹ vẫn khoẻ lắm, dù không thể tự đi vào Lăng viếng Bác nhưng được thực hiện ước nguyện này là Mẹ đã mừng lắm rồi.

Những năm cả đất nước cùng chung sức bảo vệ đất nước, mẹ Đỗ không trực tiếp tham gia cách mạng. Nhưng thực hiện theo lời kêu gọi của Bác Hồ, Mẹ đã cùng các chị em ở xã hỗ trợ, xây dựng cơ sở cách mạng, giúp đỡ bộ đội, tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội.

Chia sẻ về chồng, về con Mẹ bảo: Mẹ nhận tin chồng hy sinh khi Mẹ đang có thai người con trai út. Nỗi đau ý cả cuộc đời Mẹ không bao giờ quên. Rồi khi người con của Mẹ cũng cầm súng ra trận và nằm lại nơi chiến trường ác liệt. Bao nhiêu nước mắt đã rơi nhưng vì độc lập, hoà bình của dân tộc, mẹ Đỗ vẫn kiên cường, tạm gác lại nỗi đau của riêng mình để cùng cả nước tiếp tục kháng chiến.

Bước sang tuổi 92, mẹ Lê Thị Chi cũng lần đầu tiên được vào Lăng viếng Bác. Mẹ bảo mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng hôm nay có mặt ở đây, có cơ hội vào Lăng viếng Bác mẹ thấy mừng và xúc động lắm! Hiện nay, mẹ Chi đang sinh sống tại thành phố Đà Nẵng. Sức khoẻ đã yếu nên hôm nay con gái út phải sắp xếp công việc để đưa mẹ ra Hà Nội, để mẹ có cơ hội vào Lăng viếng Bác. Đây là kỷ niệm vô cùng ý nghĩa trong những năm cuối đời của Mẹ. 

me bui thi long
Mẹ Bùi Thị Long.

Mẹ Bùi Thị Long, 88 tuổi, hiện đang sinh sống tại Nghi Thanh, Thanh Hoá. Mẹ là người dân tộc Mường. Mẹ bảo ngày xưa, chồng và con trực tiếp cầm súng tham gia cách mạng, Mẹ đã trực tiếp tham gia du kích. Cùng các đồng đội, Mẹ đã đi rất nhiều nơi, đánh thắng nhiều trận. Rồi sau này, khi cách mạng thắng lợi, Mẹ lại tham gia các công việc của địa phương. Giờ về hưu Mẹ sống quây quần, vui vẻ bên gia đình, con cháu. Mẹ vẫn tích cực tham gia các hoạt động của quần chúng. Người mẹ gầy nhưng bước chân vẫn còn rất nhanh nhẹn, giọng nói minh mẫn, Mẹ cười tươi kể về những ngày tháng tham gia cách mạng. Mẹ bảo giờ đây khi chứng kiến quê hương đổi thay từng ngày Mẹ vui lắm. Vui vì sự hy sinh của con Mẹ được trân trọng, giữ gìn, vui bởi niềm tin của Mẹ vào Đảng, vào cách mạng đã trở thành hiện thực.

Chia sẻ về cảm xúc khi vào Lăng viếng Bác khi ngày 27/7 đang đến gần mẹ bảo: Mẹ tham gia nhiều hoạt động nên đến bây giờ Mẹ đã có 7 lần vào Lăng viếng Bác. Nhưng lần nào cũng vậy, mỗi lần có cơ hội được vào Lăng “gặp” Bác Mẹ đều thấy vô cùng xúc động. Bởi với Mẹ, được thấy Bác là niềm hạnh phúc vô bờ mà có lẽ dù có bao nhiêu lần nữa, nếu còn cơ hội và còn sức khoẻ Mẹ vẫn sẽ đến.

me nguyen thi tai
Mẹ Nguyễn Thị Tài.

Cũng từng tham gia cách mạng, mẹ Nguyễn Thị Tài bị ảnh hưởng một phần sức khoẻ. Chồng mẹ và 4 người con là liệt sỹ. Mẹ Tài vừa là Mẹ VNAH vừa là thương binh nhẹ. Chiến tranh ác liệt để lại cho Mẹ những vết thương lòng. Nhưng bao nhiêu nước mắt rơi Mẹ lại càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Cùng với chồng, với con, mẹ Tài cũng góp sức vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Giờ ở tuổi 94 tuổi, Mẹ rời quê hương Đà Nẵng vào sống cùng con ở  Đắk Lắk. Mẹ bảo cuộc sống giờ khá hơn trước rất nhiều nhờ sự quan tâm của Đảng, của Chính phủ. Mẹ cảm ơn nhiều lắm!

Trong cuộc gặp gỡ Mẹ VNAH chiều 24/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói: "Chúng ta không thể nào quên hình ảnh của những người Mẹ "sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa", những hình ảnh của những người Mẹ không ngại hiểm nguy, đào hầm nuôi giấu cán bộ, chèo thuyền chở chiến sĩ qua sông, nuôi bộ đội đánh giặc và bản thân cũng trở thành người chiến sĩ, bị giặc bắt tù đày, tra tấn nhưng vẫn hiên ngang đối mặt với quân thù…”. Đúng như vậy, những hình ảnh đó sẽ mãi mãi khắc ghi trong trái tim của bao lớp thế thệ người con dân tộc Việt Nam. Các con của Mẹ đã rời xa Mẹ nhưng lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay nguyện thay con của Mẹ ở bên Mẹ,  chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ suốt đời./.

Thanh Huyền

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: