“Ngay khi được Trung ương cử sang nước bạn học tập kỹ thuật bảo quản thi hài hồi trung tuần tháng 8-1967, chúng tôi đã biết rằng đây là bước chuẩn bị cho một nhiệm vụ đặc biệt đang chờ chúng tôi trở về đảm nhận” - trong căn nhà riêng ở ngõ 38 đường Xuân La (Hà Nội), Đại tá, bác sĩ Lê Điều - thành viên của Tổ y tế đặc biệt năm xưa bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.

Ông kể: “Đúng ngày 02-9-1967, 3 người gồm: Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh Quân y viện 108; bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết - Bệnh viện Bạch Mai và tôi, phụ trách Khoa Ngoại - Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô lên đường sang Liên Xô trên con tàu liên vận Bắc Kinh - Moscow. Sau 7 tháng miệt mài học tập, chúng tôi về nước. Chưa đầy 4 tháng sau, Tổ y tế đặc biệt thuộc biên chế của Quân y viện 108 được thành lập, tôi và anh Lê Ngọc Mẫn chính thức được điều động vào quân đội để tham gia đơn vị đặc biệt này”.

Sau khi Bác mất, Tổ y tế đặc biệt đã cùng chuyên gia bạn triển khai thực hiện tốt ngay từ những giờ đầu nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Sau lễ truy điệu, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài của Người đã chính thức được giao cho đơn vị. Từ Tổ y tế đặc biệt, đến năm 1970, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 69 - đơn vị tiền thân của Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, thi hài Bác phải di chuyển nhiều lần nhưng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đơn vị luôn bảo đảm giữ gìn thi hài Bác tuyệt đối an toàn, tạo ra những tiền đề rất cơ bản cho các giai đoạn tiếp theo. Sau khi khánh thành Lăng Bác, Viện 69 được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là cùng các chuyên gia Liên Xô trực tiếp tiến hành các biện pháp y tế chăm sóc, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ nhân dân và khách quốc tế thăm viếng. “Lúc này, công tác chuyên môn đã được các thành viên của Tổ y tế đặc biệt cơ bản trao truyền cho thế hệ kế cận để chuyển sang làm công tác quản lý, còn tôi đến năm 1981 chuyển về công tác tại Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y - PV)” - bác sĩ Lê Điều cho biết.

to y te dac biet 1
Viện 69 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, tháng 9-2019.

Là một trong những “học trò xuất sắc” của Tổ y tế đặc biệt với thâm niên 36 năm cùng đồng đội canh giấc ngủ của Người cho đến khi về nghỉ theo chế độ năm 2014, Thiếu tướng, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Lại Văn Hòa, nguyên Viện trưởng Viện 69, từng chia sẻ với chúng tôi: “Nghiêm cách, thận trọng, tỉ mỉ, chính xác” trong thực hiện công việc được các bậc tiền bối truyền lại và bắt buộc chúng tôi phải ghi nhớ”. Những ngày ấy, cơ sở của Viện 69 chỉ có một ngôi nhà cấp 4 nằm sau Lăng Bác, trụ sở chính vẫn đặt ở Quân y viện 108. Điều kiện cơ sở vật chất eo hẹp, hầu hết công tác chuyên môn đều phải nhờ tới sự giúp đỡ trực tiếp của các chuyên gia nước ngoài. Bác sĩ Lại Văn Hòa được đồng chí Nguyễn Gia Quyền, khi ấy là Viện trưởng Viện 69, phân công trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm môi trường trong Lăng được vô trùng tuyệt đối, hỗ trợ các chuyên gia Nga và viện bảo đảm việc pha chế thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn theo định kỳ hằng năm. Ông cũng như nhiều đồng chí khác ý thức rất rõ rằng, được chọn vào đội ngũ những người thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, ngoài tay nghề còn phải có tâm lý vững vàng, tình cảm sâu sắc. Bởi công việc này không chỉ được thực hiện bằng bàn tay và khối óc, mà còn bằng cả con tim kính trọng, yêu thương vô bờ bến dành cho Bác.

to y te dac biet 2
Lãnh đạo, chỉ huy Viện 69 trao đổi chuyên môn với các chuyên gia Nga.

to y te dac biet 3
Công tác nghiên cứu khoa học luôn được đầu tư có chất lượng, hiệu quả ở Viện 69.
Ảnh: ĐẶNG VĂN PHONG

Đến nay, sau hơn nửa thế kỷ với những bước đi vững chắc, tập thể cán bộ, y sĩ, bác sĩ của Viện 69 hoàn toàn có thể tự hào với những gì đã làm được. Từ trước năm 1991, nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô giúp đỡ toàn diện. Sau khi Liên Xô tan rã, trong 3 năm (1992-1994), chuyên gia không sang Việt Nam theo kế hoạch đã định. Nhưng với cách làm khoa học và bước đi phù hợp, từ sau ngày 29-4-1995, khi các chuyên gia y tế thường xuyên của Liên bang Nga kết thúc thường trực tại Việt Nam, mọi công việc làm thuốc định kỳ và làm thuốc thường xuyên chăm sóc thi hài Bác do Viện 69 hoàn toàn đảm nhiệm. Năm 2004, Viện 69 đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Moscow pha chế thành công lô dung dịch đầu tiên tại Việt Nam đủ tiêu chuẩn phục vụ việc chăm sóc thi hài Bác Hồ. Từ đó đến nay, ta đã 17 lần pha chế thành công dung dịch đặc biệt sử dụng trực tiếp cho việc giữ gìn lâu dài thi hài của Người.Viện 69 còn chủ động hợp tác với các cơ sở khoa học, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội nhằm nghiên cứu sâu lĩnh vực y, sinh hóa phục vụ trực tiếp yêu cầu nhiệm vụ. Viện đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu từ cấp Nhà nước đến cấp cơ sở, triển khai nhiều đề tài hợp tác với bạn đạt kết quả tốt. Từ năm 1991 đến nay, Viện 69 đã hoàn thành 6 đề tài, nhiệm vụ cấp Nhà nước, 11 đề tài cấp bộ, 62 đề tài cấp cơ sở, 14 đề tài hợp tác với bạn. Các đề tài nghiên cứu luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Không dừng lại ở nghiên cứu cơ bản mà nhiều đề tài đã được áp dụng có hiệu quả cao trong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Nhiều nội dung như làm thuốc thường xuyên, làm thuốc lớn, vấn đề dung dịch và môi trường... đã được nghiên cứu và giải quyết một cách triệt để. Đặc biệt năm 2018, thành công của dự án VN01 về nghiên cứu sản xuất bộ quần áo đặc biệt một lần nữa tiếp tục khẳng định khả năng làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ của viện đã tích cực học tập, rèn luyện với hơn 70% có trình độ sau đại học. Nhiều đồng chí, trong đó có các sĩ quan trẻ, có khả năng chủ trì và tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở và được áp dụng phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ chăm sóc, giữ gìn lâu dài thi hài Bác. “Qua các lần kiểm tra, đánh giá thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội đồng khoa học đều thống nhất kết luận: Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được giữ gìn rất tốt. Đó là một thành tích mà chúng ta có quyền tự hào để muôn đời sau vẫn luôn được thấy bóng hình Bác” - Đại tá Nguyễn Cao Vũ, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Viện 69 cho biết.

Với những thành tích đã đạt được, Viện 69 vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1995); Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2009); Huân chương Quân công hạng Nhì (năm 1984)...

 


Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Song Thanh

Giang Hải (st)

Bài viết khác: