bai a hai

Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc và thời đại. Sự nghiệp cao cả, vĩ đại cùng với tấm gương đạo đức trong sáng của Người đã để lại trong lòng nhân dân ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới những tình cảm vô cùng sâu sắc và gần gũi.

Sau khi Người qua đời, với tình cảm và tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch - vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; đồng thời cũng phù hợp với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, một dân tộc vốn có truyền thống thờ phụng ông bà, tổ tiên, xây dựng lăng mộ để tưởng nhớ những người có công trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay sau ngày tổ chức chu đáo và hết sức trọng thể lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất phát từ “Lòng dân, ý Đảng”, trong phiên họp ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người”.

Ngày 29/8/1975, sau 2 năm xây dựng với sự đồng tâm, đồng lòng của toàn dân tộc, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành tại Quảng trường Ba Đình lịch sử - trung tâm văn hóa chính trị của cả nước, nơi hội tụ những di tích lịch sử của dân tộc. Đó là một công trình kiến trúc vừa có tính hiện đại, vừa có tính dân tộc, trang nghiêm và giản dị như con người, phong cách sống của Hồ Chí Minh; là công trình của lòng dân, ý đảng; nơi hội tụ của tình cảm, lòng tin để thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau có điều kiện tới viếng Bác và nguyện đi tiếp theo con đường mà Đảng và Bác đã vạch ra; bầu bạn trên thế giới mỗi khi tới Việt Nam cũng có dịp vào Lăng chiêm ngưỡng Bác - Người chiến sỹ lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc, của phong trào cộng sản và công nhân thế giới.  

Đó cũng là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; một kỳ đài lịch sử của thế kỷ XX giữa Thủ đô Hà Nội, nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của dân tộc, của Đảng, Nhà nước; nơi thường tổ chức các buổi mít tinh, duyệt binh, diễu binh, diễu hành chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc; nơi thường xuyên tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hóa, nghệ thuật nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết, “Uống nước nhớ nguồn”; nơi hun đúc chí khí cách mạng của thế hệ trẻ Việt Nam càng tôn thêm giá trị văn hóa, tinh thần và ý nghĩa chính trị của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.

Đồng thời, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình thể hiện tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô và Liên bang Nga ngày nay; thể hiện ý chí quyết tâm, trí tuệ, khát vọng của đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học y tế, kỹ thuật Việt Nam. Là hình ảnh thiêng liêng, biểu tượng hội tụ những tinh hoa về đạo đức, văn hóa, nhân cách Hồ Chí Minh và truyền thống dân tộc, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho mỗi người dân Việt Nam; là cầu nối về văn hóa và tình hữu nghị giữa dân tộc ta với bạn bè quốc tế.

bai a hai 3

bai a hai 2

bai a hai 5
Đồng bào vào Lăng viếng Bác luôn mang trong lòng những xúc cảm đặc biệt
 (Ảnh tư liệu)

Hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày Bác đi xa, 45 năm Ngày khánh thành Công trình Lăng của Người (29/8/1975 - 29/8/2020). Ngày nối ngày, những dòng người vào Lăng viếng Bác như nối dài vô tận. Họ đến để nhận ở đó một niềm tin, một phẩm giá trong sáng của người chiến sĩ cách mạng, để yêu cái mà Người đã từng yêu, để mong cái mà Người đã từng mong, để đi trọn con đường mà Người đã từng đi suốt cả cuộc đời:

Ông A Khát người dân tộc Bana ở Kon Tum bày tỏ niềm vinh dự khi lần đầu tiên được ra Hà Nội, thỏa lòng mong ước bấy lâu nay là được vào Lăng viếng Bác: “Tôi mừng quá ra đây có nhiều điều trước đây tôi chỉ biết qua sách báo, nay tôi đã biết, đã thấy, tôi biết là dân làng tôi biết, tôi thấy là dân làng tôi thấy. Đồng bào Bana bao đời đi theo cách mạng, không sợ hiểm nguy nuôi dấu, che chở cho cán bộ cách mạng, nay cũng vậy tấm lòng không thay đổi”.

Đón đoàn thương binh, có đồng chí hỏng cả hai mắt đã nói: Tôi không còn mắt để nhìn thấy rõ Bác, nhưng tôi có cảm nhận là Bác Hồ của chúng ta đang mỉm cười, Bác đang theo dõi mỗi bước ta đi, mỗi công việc ta làm, cổ vũ chúng ta vươn tới, Bác là nguồn sống của chúng tôi. Chúng con nguyện thực hiện lời dạy của Người: “Thương binh tàn, nhưng không phế”.

Đoàn bà mẹ Việt Nam Anh hùng của các tỉnh Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Dương, Cà Mau... có nhiều má đã cao tuổi nhưng lần đầu tiên được nhìn thấy Bác, má khóc và nghẹn ngào nói: Cả đời má chỉ có một ao ước, ao ước lớn nhất là được ra Bắc và vào Lăng viếng Bác, nay được gặp Bác rồi, giờ thì má có nhắm mắt má cũng yên lòng...”.

Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam như một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán mới, một sinh hoạt truyền thống biết ơn cội nguồn, hướng về gốc rễ trước mỗi bước đi lên. Từ cụ già đến các cháu thiếu nhi, từ người dân bình thường đến cán bộ, công chức nhà nước, tuy mỗi người một tâm trạng khác nhau nhưng khi về bên Bác đều thấy thanh thản, bình yên. 45 năm qua, kể từ ngày mở cửa Lăng đến nay, dòng cảm tưởng của nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài và khách quốc tế đã được lưu giữ như mỗi ngày một dài thêm… Mỗi người cung bậc cảm súc, nhưng tựu chung lại là sự kính yêu, biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyện mãi mãi học tập và làm theo lời Bác dạy:

Cô giáo Nguyễn Thị Huệ, người dân tộc Hơ-mông, trong đoàn giáo viên huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang về viếng Bác đã xúc động viết: “Cháu là người dân tộc Hơ-mông, lần đầu tiên vinh dự được về Hà Nội viếng Bác. Cháu chưa một lần được thấy Bác, hôm nay được gặp Bác, cháu rất cảm động. Người Hơ-mông chúng cháu được như ngày nay, được cơm no, áo ấm, được có chữ, cùng tiến bộ như các dân tộc đa số, riêng cháu lớn lên trở thành cô giáo là nhờ ơn Đảng, Bác Hồ. Cháu và dân tộc Hơ-mông chúng cháu rất ơn Đảng, ơn Bác. Cháu nguyện sẽ học tập và cố gắng giảng dạy cho các em học sinh người Hơ-mông đời đời theo Đảng, theo Bác…”.

Đoàn nữ cựu tù chính trị Côn Đảo, gồm 18 chị em từ thành phố Hồ Chí Minh ra Thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Bác đã nhòa nước mắt, ghi lại tình cảm của mình: “Hôm nay con về thăm Lăng Bác; nuốt lệ mừng nhớ lại tháng năm xưa… Tháng năm trong nhà tù Mỹ - Ngụy, hay tin Bác mất, chị em quyết định mặc niệm, để tang đồng phục đen, quấn tang trắng chào cờ và hát mặc niệm ngay trước mũi địch, làm chúng tức tối đàn áp rất dã man. Cuối cùng chúng cháu vẫn là người chiến thắng, vì là con cháu của Bác Hồ luôn luôn mang tư tưởng bất khuất và tin tưởng ở chiến thắng cuối cùng sẽ về ta, nên luôn lạc quan cách mạng và đã được trao trả với tư thế của người chiến thắng”.

Đoàn đại biểu Mặt trận Tổ quốc quận 1, thành phố mang tên Bác đã viết: “Chúng tôi vô cùng xúc động được đến viếng Bác. Bác mãi mãi sống trong trái tim đồng bào Nam Bộ. Về Lăng viếng Bác, thương nhớ Bác vô cùng, nguyện học tập và sống theo gương Bác”.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh tạo thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa đặc biệt tại khu vực Ba Đình. Và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành nơi hội tụ của niềm tin, nơi hội tụ những tấm lòng cao cả của nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế; là biểu tượng sinh động và cao đẹp của “Lòng dân - ý Đảng”; của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị và thời đại sâu sắc. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc, là một địa chỉ thiêng liêng với những giá trị lịch sử chính trị, văn hóa để giáo dục, hun đúc truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, như lời đồng chí Trường Chinh phát biểu tại Lễ Khánh thành Lăng ngày 29/8/1975: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Người; xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Giang Hải

 

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: